Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?

03:51 CH @ Thứ Năm - 25 Tháng Mười Hai, 2003

Bản đề dẫn "Giải pháp nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?" Tổng Biên tập báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh trình bày tại hội thảo đã nêu bật những thành tựu to lớn của nền GD-ĐT cách mạng nước nhà. Tuy nhiên, trước yêu cầu đào tạo nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, của quá trình chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trước xu thế toàn cầu hóa, GD-ĐT nước ta đang đối mặt với những thách thức lớn. Thách thức lớn nhất hiện nay chính là vấn đề chất lượng GD-ĐT. Hội thảo này nhằm thu hút tâm huyết, trí tuệ kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà giáo, cán bộ quản lý chỉ đạo GD-ĐT các cấp và nhà doanh nghiệp... tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, tích cực để củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT. Với tinh thần đó, hội thảo cần tập trung thảo luận năm vấn đề cụ thể:

  1. Hiện trạng chất lượng GD-ĐT đặc biệt là giáo dục phổ thông, nhìn từ những góc độ khác nhau, điểm yếu và nguyên nhân;
  2. Tiếp tục giải quyết mâu thuẫn lớn giữa quy mô và chất lượng đặt trong điều kiện cụ thể của đất nước; Mối tương quan giữa chất lượng và các điều kiện bảo đảm chất lượng;
  3. Làm thế nào để bảo đảm tính khách quan, nâng cao độ tin cậy trong đánh giá chất lượng giáo dục;
  4. Vấn đề thi và đánh giá chất lượng giáo dục
  5. ; Làm thế nào để đổi mới công tác quản lý chất lượng giáo dục và thể chế công tác kiểm định chất lượng, thanh tra giáo dục?

Cần công bằng và khách quan trong đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo

Theo PGS, TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): "Không thể nói chất lượng giáo dục của ta đang xuống cấp. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng còn một khoảng cách khá lớn để nền giáo dục nước ta đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa thoát ra khỏi mô hình truyền thống của một nền "giáo dục ứng thí", trong đó mục đích chủ yếu của người học là để đi thi. Người học đáng ra phải thấm nhuần mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để hòa nhập cộng đồng và để tự khẳng định mình... còn thi cử chỉ là một khâu nhỏ trong học tập để có thể đánh giá sự thu hoạch của người học chứ không phải là mục đích cuối cùng. Thế nhưng nhìn vào không khí học tập ở ta hiện nay, hầu như toàn bộ nỗ lực của thầy và trò đều tập trung chủ yếu vào việc thi cử.

Theo Giáo sư Hoàng Tụy "từ ngày đất nước mở cửa, GD-ĐT cũng đã có khá nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Vài năm lại đây cũng đã bắt đầu một số cải cách. Tuy nhiên những thay đổi hay cải cách đó cũng giống như những sự sửa chữa cơi nới ở các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp. Giáo dục của ta cũng giống như cái nhà ấy, nó rất khác mọi nền giáo dục bình thường. Được xây dựng và quản lý theo những quan niệm cũ kỹ, "nó không giống ai", không theo quy củ thông thường, cho nên rốt cục rất tốn kém, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý vì quy mô và chất lượng hầu như đã đạt tới mức tới hạn trong các điều kiện vật chất cho phép hiện nay của đất nước!

GS Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội)quan niệm chất lượng GD-ĐT  là một khái niệm động, nhiều chiều, ít nhất bao gồm ba khía cạnh: mục tiêu; quá trình hoạt động nhằm đạt mục tiêu; và thành quả đạt được so với mục tiêu. "Nếu chúng ta xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông là cung cấp nguồn tuyển sinh cho các trường đại học và cao đẳng, trong khi chỉ có khoảng 20% số học sinh có cơ hội tìm được chỗ trong giáo dục đại học thì chất lượng giáo dục phổ thông của chúng ta là quá kém. Còn nếu xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông chủ yếu là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ kiến thức phổ thông toàn diện có thể tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời vẫn có khả năng học tập suốt đời để nâng cao chất lượng công việc cũng như chất lượng cuộc sống. Một bộ phận học sinh phổ thông có đủ năng lực có thể học tiếp ở các bậc cao hơn.

Nếu xác định  mục tiêu của giáo dục phổ thông như vậy chúng ta sẽ có cách đánh giá khác về chất lượng và có nhận định khác về chất lượng giáo dục. Nếu 80% số học sinh phổ thông không có cơ hội học cao hơn, nhưng lại thành đạt trong cuộc sống, trở thành các chủ trang trại, doanh nghiệp tư nhân, những người lao động sản xuất giỏi... thì chất lượng giáo dục phổ thông sẽ được đánh giá cao".

GS Trần Thanh Đạm (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)cho rằng, có hai nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến chất lượng GD-ĐT còn thấp. Về khách quan, chất lượng giáo dục không thể tách rời chất lượng đời sống nhân dân do kinh tế nước ta còn nghèo, chậm phát triển. Về chủ quan, chất lượng giáo dục kém:  chung quy là ở khâu quản lý từ vĩ mô đến vi mô - nhất là vĩ mô. Giáo dục nước ta rút cục vẫn phát triển theo con đường tự phát. Giáo dục phổ thông thì quản lý quá cứng nhắc, máy móc, có tính áp đặt theo chương trình, giáo khoa, giáo viên hoàn toàn bị động, chấp nhận một mực tuân thủ các đề án cải cách từ nội dung đến phương pháp được thiết kế sẵn và áp đặt xuống. Giáo dục chuyên  nghiệp và đại học thì có thể nói là hoàn toàn tự phát "trăm hoa đua nở"; giáo dục phổ thông gò bó bao nhiêu thì giáo dục đại học và chuyên nghiệp thoải mái bấy nhiêu.

Đi sâu vào ngành học, bậc học, cấp học, theo GS Phạm Phụ (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) thì ở Việt Nam hiện nay, giáo dục đại học mới có khoảng 120 sinh viên trên một vạn dân và rất mất cân đối: về trình độ, số sinh viên cao đẳng chỉ chiếm khoảng 20% tổng số sinh viên ở đại học; về ngành nghề, số sinh viên các ngành nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm dưới 4%; sinh viên kỹ thuật - công nghệ chiếm khoảng 17% trong khi số sinh viên kinh tế - pháp lý đã chiếm đến hơn 42% (1997). Về sự phân bố trên lãnh thổ có tỉnh chưa có đến 10 sinh viên trên một vạn dân trong khi con số bình quân của cả nước là 120, v.v.

Ở góc độ kinh tế học giáo dục, PGS, TS Đặng Quốc Bảo (Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo) thông báo một vài khía cạnh trạng thái tính chất giáo dục nước ta qua một số chỉ số xét về mặt vĩ mô: Căn cứ vào các "Báo cáo phát triển con người" mà UNDP (Chương trình phát triển của LHQ) công bố, "Báo cáo phát triển thế giới", của Ngân hàng Thế giới ấn hành tại Việt Nam 2003, thì thành tựu giáo dục Việt Nam là khả quan qua hai tiêu chí: Số người lao động biết chữ. Số dân trong độ tuổi 6 - 24 đi học tiểu học, trung học, các loại hình sau trung học, đại học. Việt Nam (năm 2001) có số người biết chữ đạt 92,7%; số người đi học trong độ tuổi 6 - 24 ở các bậc, cấp học đạt 64% với thành tựu này chỉ số phát triển giáo dục của Việt Nam đạt 0,84. Tuy có những thành tựu rực rỡ (và phải coi đó là thể hiện tính tổng thể của chất lượng nền giáo dục Việt Nam), các cơ quan quốc tế và chính chúng ta cũng thấy rằng chất lượng giáo dục của ta chưa cao, chưa bền vững.

Giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chất lượng với mở rộng quy mô và các điều kiện bảo đảm

Sôi nổi, phong phú và tập trung nhất vẫn là những ý kiến của các đại biểu kiến nghị những giải pháp mang tính ý tưởng hoặc cụ thể những giải pháp ở tầm vĩ mô hoặc vi mô, giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu chất lượng, với quy mô và các điều kiện, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Theo GS Hoàng Tụy: Để khắc phục khó khăn, chỉ có một cửa thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục. Hiện đại hóa để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, mạnh dạn hội nhập quốc tế, đó là con đường duy nhất tránh cho giáo dục khỏi tụt hậu xa hơn nữa... Để hiện đại hóa giáo dục, cấp thiết phải cắt bỏ ba "khối u dị dạng" đó là:

1- Thi cử nặng nề, có vẻ chặt chẽ, tưởng như bằng cấp phải có giá trị lắm nhưng không phải.

2- Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan với một cường độ và quy mô hiếm thấy, tưởng như chất lượng đào tạo phải cao lắm, nhưng không phải, chất lượng thấp kém đáng kinh ngạc.

3- Sách giáo khoa thường xuyên được chỉnh lý hay biên soạn mới, huy động những nguồn tài chính khổng lồ, năm nào cũng in với số lượng lớn, tưởng chừng phải thúc đẩy giáo dục phát triển hết cỡ, nhưng không phải, chất lượng sách vẫn ì ạch mà giá sách cứ cao ngất ngưởng.

Giáo sư đưa ra một số biện pháp cấp bách như: Phải bắt đầu từ cấp học phổ thông là cấp học cơ sở, vì vậy trước hết phải xử lý các yếu kém trong vấn đề thi cử, dạy thêm, học thêm tràn lan và sách giáo khoa. Ba biện pháp mang tính ý tưởng, theo giáo sư đó là cải cách thi cử theo kinh nghiệm các nước tiên tiến; cải cách tiền lương và xóa bỏ dạy thêm, học thêm; cải cách việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa.

Đồng cảm với quan điểm này là ý kiến của GS, TSKH Hồ Ngọc Đại.Theo giáo sư cần hiện đại hóa nền giáo dục theo hướng hội nhập với thế giới hiện đại và cho rằng: "Sức mạnh ý nghĩa quyết định nhất lúc này là cách làm. Phải thay cách làm giáo dục, kiểu như thay cày chìa vôi bằng máy cày, như thay công nghệ sản xuất trong các nhà máy. Quy mô giáo dục cần phải mở rộng hơn nữa, ngày càng mở rộng, mở rộng cho đến hết cỡ  những gì đang có trong ngành giáo dục: phổ thông, chuyên nghiệp - dạy nghề, cao đẳng - đại học, sau đại học... Thế vẫn chưa đủ,  còn phải mở thêm nhiều loại hình với nhiều cấp bậc, theo nhiều thể chế và trong mỗi trường hợp phải có nhiều phương án tương đương".

Từ thực tiễn quản lý giáo dục NGND Nguyễn Bạch Đằng (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình), GS,TS Đinh Quang Báo (Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội), TS Vũ Đình Chính (Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật y tế I - Bộ Y tế)trong nhiều giải pháp lại tâm đắc với việc cần phải  xây dựng đội ngũ giáo viên. Đây là khâu đột phá giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là hiện nay, ngành  GD - ĐT đang triển khai đổi mới giáo dục phổ thông và cải cách đào tạo. NGND Nguyễn Bạch Đằng: "Để thu hút nhiều người giỏi vào học sư phạm, ngoài các chính sách hiện hành như không phải nộp học phí, học bổng khuyến khích theo học lực..., cần có chế độ học bổng bảo đảm cho sinh viên đủ sống trong thời gian theo học. Có chính sách ưu đãi với giáo viên miền xuôi lên phục vụ miền núi, biên giới, hải đảo... Như phụ cấp lương thay phụ cấp đứng lớp hiện nay. Thí dụ: phục vụ dưới năm năm là nghĩa vụ, từ năm năm đến 10 năm được phụ cấp 5%, từ 10 năm đến 15 năm được phụ cấp 10%... Nếu phục vụ ở khu vực miền núi đến khi về hưu thì được tính phụ cấp vào lương hưu. GD-ĐT có kế hoạch đào tạo đủ loại hình: giáo viên dạy thể dục, nhạc, họa, kỹ thuật... bảo đảm chất lượng dạy và học; kiên quyết yêu cầu những giáo viên chưa đạt chuẩn phải đưa đi đào tạo  lại để đạt trình độ chuẩn, khuyến khích giáo viên đi học nâng cao trình độ vượt chuẩn...

GS, TS Đinh Quang Báo khẳng định: Trong mối tương quan giữa chất lượng và các điều kiện bảo đảm thì đội ngũ giáo viên là quan trọng nhất, quyết định nhất. Nói một cách dễ hiểu là có chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên tốt, thiết bị đầy đủ, thời lượng học hợp lý, nhưng giáo viên yếu năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức kém thì không thể dạy tốt và sẽ không có chất lượng tốt. Do đó giải pháp hàng đầu, có tính chất đột phá là xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng. Cần nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ giáo viên, khắc phục những bất hợp lý về số lượng và cơ cấu đội ngũ, tạo động lực để thu hút họ tự phấn đấu vươn lên nâng cao trình độ chuyên môn, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục, cụ thể là: Cần phải xây dựng ngay quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên. Đổi mới hệ thống trường, khoa sư phạm và công tác bồi dưỡng giáo viên. Hoàn thiện cơ chế quản lý, chế độ chính sách đối với giáo viên. Tăng cường hợp tác quốc tế để tăng nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

TS Vũ Đình Chínhcho rằng, con người cán bộ quản lý giáo viên và học sinh, sinh viên đều là những yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo: "Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, giải pháp ưu tiên mang tính đột phá là  phải quan tâm đội ngũ cán bộ quản lý làm công tác đào tạo, quan tâm học sinh, sinh viên. Phải có sự đổi mới chất lượng đội ngũ giáo viên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sư phạm; đồng thời phải thường xuyên giáo dục tư tưởng, ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và sự tâm huyết nghề nghiệp trong mỗi cán bộ, giáo viên. Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cần  quan tâm số lượng và đồng bộ giữa các chuyên ngành để đáp ứng với quy mô đào tạo ngày càng tăng, nếu thiếu giáo viên sẽ góp phần làm chất lượng đào tạo giảm sút bởi giáo viên phải dạy quá nhiều, giảng trong tình trạng ghép lớp, tăng ca thì người thầy làm sao còn thời gian để cập nhật kiến thức, áp dụng phương pháp dạy học tích cực và nghiên cứu khoa học có chất lượng? Bên cạnh việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, phải quyết liệt sàng lọc những người không đủ tiêu chuẩn làm thầy ra khỏi cơ sở đào tạo để giữ niềm tin với học sinh, sinh viên và xã hội. Muốn học sinh, sinh viên có chất lượng phải quan tâm đầu vào, có nghĩa là nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, tuyển sinh đầu vào cần phải có sàn chung tối thiểu, tránh vì chạy theo số lượng mà quên chất lượng".

GS Trần Thanh Đạm kiến nghị các giải pháp về chương trình, nội dung đào tạo gắn với đặc thù ngành  học, bậc học. Ở giáo dục phổ thông, cần: tinh giản nội dung để năng động phương pháp, dành nhiều hơn nữa không gian và thời gian suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo cho thầy giáo và học sinh. Nếu chưa bớt được năm học, vẫn giữ 12 năm (5+4+3) như hiện nay thì xin hãy thư giãn chương trình, cấu tạo lại nội dung các môn học cho gọn nhẹ hơn, thú vị hơn, hấp dẫn hơn. Tăng thêm hoạt động ngoài lớp, ngoài trường, trong đời sống, trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao.  Bên cạnh đó, với  giáo dục chuyên nghiệp cần thực hiện phương châm: giáo dục kết hợp lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.

GS, TS Nguyễn Thị Mơ (Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương) nhận xét: "Chương trình đào tạo là điều kiện cơ bản, điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng GD-ĐT của một trường đại học. Một chương trình tốt,  phù hợp sẽ tạo  ra được sản phẩm tốt. Ngược lại, một chương trình  đào tạo lạc hậu, chậm đổi mới sẽ tạo ra sản phẩm lao động không phù hợp.  Giáo sư kiến nghị Bộ GD-ĐT cần xem xét một cách khoa học đối với các môn bắt buộc theo hướng đạt chuẩn khu vực và quốc tế  về chương trình đào tạo; các trường đại học cần quyết tâm đổi mới trong xây dựng chương trình, kể cả việc loại bỏ những môn học đã trở nên không cần thiết và dứt điểm giải quyết tình trạng trùng lặp giữa các môn học. Duy trì  và phát triển ngành đào tạo truyền thống có tính chuyên sâu được xã hội chấp nhận.

PGS, TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội)cũng cho rằng: "Về chương trình đào tạo, không nên chỉ nghĩ tới việc thiết lập một mẫu số chung cho tất cả sinh viên, mà phải thừa nhận rằng cộng đồng sinh viên rất đa dạng, mỗi sinh viên có những khả năng và hoài bão khác nhau. Vì vậy, mỗi sinh viên cần được tác động vào khả năng trí tuệ theo các cách khác nhau để nhận ra tiềm năng cao nhất của bản thân họ. Trong trường hợp này, chương trình đào tạo cần phải có những mô-đun đào tạo đặc biệt mang tính thử thách để mở rộng khả  năng trí tuệ của sinh viên ở các mức độ khác nhau. Sinh viên tham gia các mô-đun ở cấp độ nào nên có các bằng cấp tương ứng cho các cấp độ đó. Đó vừa là cách phân loại khích lệ được tinh thần học tập và hoài bão của sinh viên, vừa là giải pháp để có thể mở rộng quy mô đào tạo đại học đồng thời có thể đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao".

GS,TS Nguyễn Minh Thuyết (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) lại quan tâm tới giải pháp cần có nhiều bộ SGK phù hợp đặc điểm tâm lý học sinh, đặc điểm vùng, miền, trên cơ sở chuẩn kiến  thức và kỹ năng được coi là chương trình: "Đây sẽ là cơ sở để biên soạn sách giáo khoa và thực hiện kiểm tra - đánh giá. Đối với các nước phát triển, việc biên soạn nhiều bộ SGK thậm chí liên tục  đổi mới SGK cho ngày càng sát với chuẩn hơn là chuyện bình thường. Những việc làm  này trong điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của nước ta, thực hiện không phải dễ. Trước hết, do kinh phí có hạn, mỗi vùng, miền chỉ có thể dùng một bộ SGK. Như vậy là trên thực chất, thầy và trò hay nói rộng ra là cộng đồng xã hội ở địa phương vẫn không được quyền lựa chọn. Thứ hai, việc có nhiều bộ sách giáo khoa ít nhất sẽ đòi hỏi thêm kinh phí, thêm thời gian và công sức để thẩm định. Thứ ba, việc giao quyền cho thầy cô lựa chọn sách giáo khoa phải đi liền với sự kiểm tra - đánh giá nghiêm túc của các cơ quan chuyên môn trên mọi mặt bằng chung.

Đổi mới quản lý giáo dục - đào tạo

Nâng cao chất lượng GD-ĐT không chỉ cần đến các giải pháp: xây dựng đội ngũ, chương trình, SGK, đổi mới phương pháp thi cử... mà còn cần đến một giải pháp mang ý nghĩa quyết định - đó là đổi mới quản lý GD-ĐT, trong đó có đổi mới cách đánh giá chất lượng GD-ĐT.

Phân biệt đánh giá chất lượng GD-ĐT với việc đánh giá chất lượng một khóa học là hai vấn đề có cách tiếp cận, mục tiêu, quy trình, bộ công cụ đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá... hoàn toàn khác nhau,  theo GS Nguyễn Đức Chính: "Điểm chung của tất cả các hệ thống đánh giá đều nhằm xác định các lĩnh vực liên quan quy trình đào tạo có đạt tiêu chuẩn hay không. Và nếu các lĩnh vực này đạt chuẩn, nó sẽ tác động tới chất lượng của quy trình đào tạo. Như đã nói ở trên chất lượng giáo dục là một khái niệm động, nhiều chiều, khó định nghĩa một cách chính xác. Do vậy, chỉ có thể tác động vào các yếu tố có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới nó để các yếu tố  này đến lượt mình tác động tới chất lượng. Vậy những yếu tố nào có thể tác động tới chất lượng giáo dục. Thông thường những lĩnh vực sau đây được xem là có vai trò nâng cao chất lượng của một cơ sở giáo dục: Tổ chức và quản lý; Đội ngũ cán bộ (giảng viên và phục vụ); Sinh viên, học sinh; Quá trình giảng dạy, học tập; Nghiên cứu khoa học (nếu là trường đại học, cao đẳng); Cơ sở vật chất; Tài chính; Các lĩnh vực khác (hợp tác quốc tế, dịch vụ sinh viên). Đây được xem là tám lĩnh vực quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới chất lượng giáo dục. Những lĩnh vực này có thể tác động với mức độ khác nhau. Và nếu có những biện pháp tác động tới tám lĩnh vực  này, hoàn thiện nó theo những chuẩn mực phù hợp thực tiễn chắc chắn sẽ có một nền giáo dục có chất lượng cao.

GS, TSKH Trần Vĩnh Diệu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội)lưu ý, để bảo đảm tính khách quan trong đánh giá chất lượng GD-ĐT "cần tránh cách đánh giá cực đoan; đánh giá đúng chất lượng giáo dục cần căn cứ vào hiệu quả cuối cùng của công việc chứ không căn cứ vào nguồn đào tạo trong nước hay ngoài nước; và chú ý hơn đến ý kiến đóng góp của các cán bộ đang trực tiếp giảng dạy ở các trường đại học".

GS Phạm Phụ kiến nghị   một số vấn đề lớn, đó là cần sớm chuyển đổi cơ cấu nền giáo dục đại học; hoạt động đánh giá chất lượng trong quản lý "hiệu quả và trách nhiệm xã hội". Nên bắt đầu đánh giá chất lượng theo các chương trình đào tạo. Sử dụng đánh giá chất lượng từ bên ngoài (mang tính thanh tra, kiểm soát của Nhà nước) kết hợp "đánh giá ngang cấp" (đoàn đánh giá có chuyên môn thuộc chương trình đào tạo, hiểu biết về mục tiêu giáo dục, có khả năng đặt mình vào vai trò của người sinh viên)...

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiểnghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, đồng thời khẳng định, ngành GD-ĐT xem trọng những ý kiến đóng góp tâm huyết để đề ra những giải pháp khắc phục sự tồn tại, yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển nêu rõ: Những vấn đề được đặc  biệt quan tâm trong hội thảo như thực trạng chất lượng giáo dục, bài toán quy mô chất lượng và các điều kiện bảo đảm chất lượng, vấn đề quản lý chất lượng giáo dục, v.v. sẽ được tiếp tục đưa ra thảo luận sâu rộng trong giới chuyên môn và xã hội, từ đó có cái nhìn toàn diện, khoa học và hệ thống hơn về chất lượng GD-ĐT. Có vậy, mới sớm tìm ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, hạn chế những yếu kém, khắc phục những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong GD-ĐT hiện nay. Giải pháp đặt ra trước mắt là hiện đại hóa giáo dục, mạnh dạn thay đổi cách làm giáo dục, nhất là giải quyết tốt ba vấn đề cơ bản: thi cử, nạn dạy thêm, học thêm và đổi mới cách biên soạn, sử dụng SGK. Ngành cũng sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn, giao quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các cơ sở GD-ĐT.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa quy mô và bảo đảm chất lượng cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vấn đề cần làm tốt việc phân luồng; nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; xây dựng cơ cấu đào tạo hợp lý trong giáo dục nghề nghiệp và đại học; hoàn thiện đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chương trình, SGK, trường sở, thiết bị và thời lượng dạy và học. Về quản lý giáo dục, cần kết hợp chặt chẽ giữa việc đánh giá, bảo đảm chất lượng từ bên trong các nhà trường với việc đánh giá, bảo đảm chất lượng từ bên ngoài (tức là kiểm định chất lượng của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp); đồng thời coi trọng sự đánh giá của xã hội. Suy cho cùng, mục đích của giáo dục là phải đáp ứng  yêu cầu phát triển của đất nước và đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân ta.

Nhân Dân

LinkedInPinterestCập nhật lúc: