"Sĩ phu, trí thức thì không được hèn"
Nhân đầu xuân mới, bàn tròn xuân Kỷ Sửu của Đất Việt ghi lại những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng Việt Nam bàn về sĩ phu, trí thức thời nay.
Nhà báo Hữu Thọ: Nhiều sĩ phu trung thực nhưng cũng có người hèn
Ông từng nhiều năm lãnh đạo đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo và là một nhà báo, một nhà văn hóa được nhiều người viết đến. Từng giữ chức vụ cao trong Đảng nhưng ông luôn gần gũi và được anh chị em trí thức cả nước quý trọng. Đặc biệt, trong các tác phẩm của ông, luôn thấy thấp thoáng phong cách sĩ phu Bắc hà.
Sĩ phu Bắc hà: học vấn, nhân cách và khí tiết
- Là người khá am hiểu về văn hóa truyền thống, theo ông, những người như thế nào thì được gọi là sĩ phu Bắc hà?
- Về địa lý, đương nhiên phải là những người sinh sống ở Bắc hà rồi. Vì nếu vượt qua Đèo Ngang thì có Văn hóa Đất Quảng (Ngũ phụng tề phi - Năm con chim phụng cùng bay - Chỉ năm vị tiến sỹ ở đây cùng đỗ một khoa), rồi Đồng Nai đều là những vùng văn hoá với những kẻ sĩ nổi tiếng. Vả lại Thăng Long Hà Nội là Cố đô nhiều đời nên cũng là nơi quy tụ những tinh hoa của dân tộc.
Còn về phẩm chất mỗi cá nhân, theo hiểu biết của tôi thì các cụ ta xưa đã đặt ra ba yêu cầu, hay nói cách khác, có ba đặc điểm để trở thành một sĩ phu. Thứ nhất là học vấn phải cao (học vấn chứ không chỉ bằng cấp). Hai là nhân cách phải tiêu biểu, nêu gương tốt cho xã hội. Ba là khí tiết bảo vệ chân lý, lẽ phải. Nếu thiếu một trong ba đặc điểm trên thì dù có đỗ đạt cao cũng chưa được vinh danh là sĩ phu Bắc hà.
- Tiêu chuẩn quá lý tưởng, rất khó có ai đạt tới. Ông nghĩ sao?
- Đúng là những tiêu chuẩn rất cao, nhưng không phải không có ai đạt tới mà nhiều người là tấm gương sáng cho muôn đời sau. Các cụ như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Diệu… chẳng hạn. Họ là những người có học vấn rất cao, có nhân cách lớn và cũng rất có khí tiết. Cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Hà Nội thất thủ. Cụ Chu Văn An dâng Thất trảm sớ đòi chém 7 gian thần, lời ngay thẳng không được nghe, cụ từ quan về dạy học. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đòi xử 18 lộng thần không được, quay về quê mở trường dạy học.
Nói kẻ sĩ đứng đầu trong cơ cấu xã hội như: sĩ - nông - công - thương nhưng người xưa cũng hết sức thực tế khi nói: “Nhất sĩ, nhì nông - Hết gạo chạy rông - Nhất nông, nhì sĩ”…(cười).
Sau hai năm, trí tuệ nhân loại tăng gấp đôi
- Theo ông, nếu lấy ba tiêu chí của các cụ xưa thì trí thức hiện nay yếu nhất ở điểm nào nhất?
- Nghị quyết Trung ương 7 vừa qua nhận xét rằng trí thức của ta chưa phát triển ngang tầm thời đại. Thế tức là còn yếu, mà theo tôi là yếu ở cả ba đặc tính trên. Thiếu đội ngũ trí thức tinh hoa, trí thức đầu đàn, không phải ai và lúc nào cũng giữ được nhân cách, có khí tiết bảo vệ chân lý.
- Vì sao chúng ta lại thiếu những trí thức tinh hoa, thưa ông?
- Tôi có đọc một tài liệu nói rằng cứ khoảng hai năm, trí tuệ nhân loại lại tăng gấp đôi. Đó là sự phát triển thần tốc cho nên nếu không học tập suốt đời thì không dễ gì theo kịp. Phải có ý chí mãnh liệt và rất nhiều yếu tố khác nữa mới có thể vươn tới tầm trí thức đỉnh cao, trí thức tinh hoa của nhân loại. Mà ta thì kinh tế còn khó khăn, cơ sở vật chất đầu tư cho khoa học còn manh mún, nhỏ lẻ, không phải là một dân tộc có nền khoa học kỹ thuật có truyền thống…
Một nhà khoa học sau này đi làm quản lý có than thở với tôi rằng ở ta, không có quyền lực thì không thực thi được ý tưởng của mình mà khi có quyền lực thì họp hành, các công việc hành chính sự vụ và cả nhiễm “bệnh quan” thích phát biểu, thích “rao giảng, dạy dỗ” ở hội nghị. Thế là không còn thời gian để nghiên cứu, sáng tạo nữa, cho nên càng làm lãnh đạo càng ít công trình khoa học. Đó là một thực tế đầy mâu thuẫn.
Giữ nhân cách, thời nào cũng khó
- Còn nhân cách của kẻ sĩ?
- Giữ được nhân cách của mình thời nào cũng khó nhưng ở thời buổi kinh tế thị trường thì càng khó gấp bội bởi sự cám dỗ của đồng tiền. Có nhà triết học đã nói đại ý: trí thức là những người hay lo nghĩ và làm những việc tưởng như không phải của mình. Nghĩa là trí thức tinh hoa là lớp người dồn tâm sức lo cho đất nước, cho xã hội…
- Có lần ông nói rằng: “Ai cũng muốn dùng dao sắc nhưng ai cũng sợ đứt tay”. Trí thức hành xử theo câu nói này của ông như thế nào?
- Trong tất cả các lĩnh vực, văn hóa cầm quyền là quan trọng nhất. Mà trong văn hóa cầm quyền thì quan trọng là dùng người tài. Có một vị tổng thống khi chết đã có người ghi trên mộ dòng chữ: “Đây là nơi yên nghỉ của một người có tài dùng người tài”. Có tài dùng người tài mới có thể lãnh đạo, quản lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tiêu biểu cho việc dùng người tài, thu phục nhân tâm. Đã có biết bao nhiêu nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức, tướng lĩnh tài năng quy tụ xung quang Bác. Kẻ sĩ có thể chết vì người tri kỉ.
- Không ít trí thức tự đánh giá rằng, giới trí thức hiện nay xu thời, cơ hội, thậm chí là hèn. Ông đánh giá câu này như thế nào?
- Tôi cũng có nghe và thấy không phải như thế. Đúng là cũng có người hèn, không chỉ hèn đâu còn xu nịnh và cơ hội. Nhưng thời nào cũng có kẻ cơ hội, xu nịnh, hèn hạ… song thời nào cũng có những tinh hoa. Nói cả tầng lớp trí thức hèn, theo tôi là nói quá lời. Cứ nghe những cuộc tranh luận ở Mặt trận Tổ quốc, ở Quốc hội, trên các diễn đàn báo chí… thì đâu có phải họ không dám nói.
Phải biết 'Phò chính - Trừ tà'
- Còn đặc điểm thứ ba, là khí tiết bảo vệ chân lý. Ông nghĩ gì về sự “trùm chăn”, “mũ ni che tai”, “an phận thủ thường” của một số trí thức hiện nay?
- Cái này, trước hết là nó cũng có nguồn gốc sâu xa của người Việt. Đó là bệnh xuê xoa, “năm bỏ làm ba, chín bỏ làm mười”, cái tính “an phận thủ thường” rồi “một điều nhịn là chín điều lành”… Thứ hai, trách nhiệm bảo vệ chân lý của trí thức là phải có tố chất phản biện lại các nhà quản lý, tức là những người lành đạo, cầm quyền, nhưng lại phải phân biệt rất rõ phản biện với phản bác.
Năm 1947, Bác Hồ gửi thư cho trí thức Nam bộ, Người đã dùng bốn chữ “Phò chính - Trừ tà”. Chống cái sai nhưng phải phò cái đúng. Cái gì sai thì phản đối, cái gì đúng thì ủng hộ, cái gì thiếu thì bổ sung… trên tinh thần đó thì mới là phản biện.
- Nhưng những nhà tham mưu, hoạch định chính sách có gì sai…?
- Trong một xã hội dân chủ, chỉ cần 50,1% đã là đa số. Có ý kiến khác nhau là bình thường. Tôn trọng ý kiến khác mình là văn hoá cầm quyền cao nhất của người lãnh đạo.
Tôi đã từng trực tiếp nghe cố Tổng bí thư Lê Duẩn nói một câu rất hay tại Hội trường Ba Đình, đại ý: Một nghị quyết đúng nhất cũng chỉ chính xác đến 80%, còn 20% là do xã hội điều chỉnh. Rất tiếc là không thấy tài liệu nào ghi lại câu nói nổi tiếng này.
- Bằng tuổi tác, bằng kinh nghiệm và bằng cả tình cảm, ông muốn khuyên những trí thức nhất là trí thức trẻ điều gì?
- Tôi không dám khuyên ai đâu. Tôi chỉ nghĩ rằng, người trí thức phải có khí tiết bảo vệ chân lý, lẽ phải theo phương hướng “Phò chính - Trừ tà” mà Bác Hồ đã nêu lên. Nhiều trí thức đã từng hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ chính nghĩa của dân tộc. Phải biết tự bảo vệ chính mình để phụng sự đất nước. Trong phản biện thì cần trung thực, thẳng thắn nhưng nên khiêm tốn. Với đặc tính sự thiếu hoàn thiện của nhận thức cho do đó cũng nên nghĩ rằng không phải ý kiến nào cũng hoàn hảo, cho nên cũng cần biết lắng nghe.
- Cảm ơn ông và chúc ông một năm mới tốt lành!
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Nhiều trí thức luôn giữ được phẩm tiết