Văn hóa tính dục

10:16 SA @ Thứ Sáu - 07 Tháng Tám, 2009

>> Xem thêm:Đừng lảng tránh khi nói về chuyện ấy

“Không thể thực hiện được một sự giải phóng hiện thực nào, nếu không thực hiện sự giải phóng ấy trong thế giới hiện thực và bằng những phương tiện hiện thực” (1). Nói cách khác, sự giải phóng là một sự kiện lịch sử, chứ không phải sự kiện tư tưởng hay triết lý.

Sự kiện lịch sử số 1, cơ bản nhất, quyết định nhất của lịch sử người chỉ là thế này: “Người ta phải có khả năng sống đã, rồi mới có thể “làm ra lịch sử”(2). Lo cái sự sống làm đầu, tức là lo ăn, lo mặc, lo ở… Một khi những nhu cầu ấy được thoả mãn, lịch sử mới sản sinh ra những nhu cầu mới. Ngay từ đầu tham gia vào quá trình lịch sử còn có hành vi tái sản xuất chính bản thân mình, tức là quan hệ giữa đàn ông với đàn bà. Đó là quan hệ xã hội duy nhất lúc bấy giờ. Vậy là có hai nhân tố thiết yếu nhất liên hệ mật thiết với nhau:

1. Lao động để duy trì bản thân đời sống và 2. Quan hệ tính giao để tái sản sinh ra chủ thể lao động. Hai hành vi cơ bản ấy cùng nhau xác lập một trạng thái xã hội nhất định trong những điều kiện tự nhiên nhất định, bao gồm giới tự nhiên có từ khi khai thiên lập địa nay đã đượm tính người, cùng với những sản phẩm do lao động chế tạo ra. Như thế thì gọi là “làm ra lịch sử”, - một lịch sử vật chất, thực tiễn trần gian. Mãi sau đó mới nẩy sinh và hình thành ý thức. Ý thức nẩy sinh từ những quan hệthực tiễn trong lao động và giao tiếp. Là một sự kiện có sau, ý thức lúc đầu còn gắn chặt với nguồn gốc thực tiễn của nó. Về sau nó sẽ tự giải thoát khỏi thế giới vật chất, trở thành một phạm trù chính cống với tất cả những nét độc đáo của riêng nó (phạm trù thứ hai cũng phải trải qua những bước đi đó) và tìm được một hình thức độc đáo là ngôn ngữ. Với công cụ hiệu nghiệm này, người ta xây dựng nên các quan điểm, học thuyết, nói chung là lý luận. Bây giờ thì sự giải phóng được thực hiện không những một cách thực tiễn như một sự kiện lịch sử, mà còn một cách lý luận trong tinh thần, tư duy. Sự giải phóng, do đó, không thể là một cái gì võ đoán, áp đặt. Nó chỉ là một giải pháp tự nhiên tất yếu. Lịch sử luôn luôn cần đến những giải pháp mới. Lý do: “Mỗi thế hệ một mặt tiếp tục phương thức hoạt động cũ được truyền lại, nhưng trong những hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi và mặt khác, lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động hoàn toàn thay đổi (3). Cứ thế làm nên lịch sử là những hành động tự nhiên, tất nhiên, triền miên, “hoàn toàn vật chất, có thể kiểm nghiệm bằng kinh nghiệm(4). Quan niệm như thế ta quen gọi là theo chủ nghĩa duy vật lịch sử - một quan niệm coi lịch sử làm từ các nhân tố liên hệ máu thịt với nhau một cách hữu cơ và vận động như một thực thể tự nhiên. Vì vậy bất cứ sự vận động nào của lịch sử cũng vừa là cách biểu hiện lịch sử, vừa chính là lịch sử, vẫn có cái cốt lõi vật chất và cảm tính.

Quan hệ tính giao (mà từ nay tôi gọi bằng thuật ngữ giao lưu tính dục) là một sự kiện lịch sử. Nó có ngay từ buổi đầu lịch sử. Nó phát triển dọc theo lịch sử, như bất cứ bộ phận nào của cơ thể cũng cùng một trình độ trưởng thành ấy. Cho nên, một cách rất công phu và chắc chắn, có thể lần theo sự phát triển của các phạm trù lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất - kết cấu xã hội mà theo dõi sự phát triển của giao lưu tính dục. Còn ở đây ta chỉ phác qua cái sườn lôgic của vấn đề.

Giao lưu tính dục môn là một cách cư xử tự nhiên. Nó tự nhiên như ăn, mặc, ở. Về sau, do sự sản sinh ra nhu cầu mới vì cần phải tăng năng suất lao động, cộng đồng người bắt đầu phân công lao động.Thoạt đầu cũng là sự phân công tự nhiên, theo giới tính và tùy thuộc vào các điều kiện tự nhiên ngẫu nhiên.

Mỗi hành vi lịch sự có hiệu quả của nó. Sự phân công lao động sinh ra hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần, sản xuất và phân phối, hưởng thụ và nghĩa vụ, v,v... Thế là tạo ra tình trạng không đồng đều giữa các cá nhân, gia đình, cộng đồng khái niệm sở hữu tư nhâncó điều kiện vật chất đề nảy sinh. Sở hữu tư nhân trở nên nguồn kích thích mới, khiến cho “các cá nhân chỉ theo đuổi lợi ích riêng của mình”(5). Đó sẽ là nguyên nhân làm cho trạng thái tự nhiên sẽ bị thủ tiêu và thay bằng trạng thái tự nguyện với nghĩa là “buộc phải nhận lấy, không thể thoái thác được”.

Ngay từ khi có sự phân công lao động tự nhiên, phụ nữ đã ở vào thế “nô lệ của đàn ông”. “Chiếm hữu nô lệ trong gia đình đành rằng hãy còn rất thô sơ và được che đậy - là hình thức sở hữu đầu tiên”(6). Do là mầm mống của mọi sự phát triển về sau của chế độ tư hữu và của mọi ràng buộc đối với các cá nhân. Sự phát triển này có nguyên nhân vật chất là lực lượng sản xuất. Với mỗi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (đặc biệt là công cụ sản xuất) lịch sử có một hình thức giao tiếp tương ứng phù hợp với nó. Sự phát triển này nảy sinh một cách tự nhiên(tự phát), mãi sau này mới biến thành tự nguyện(tự giác). Quá trình diễn biến rất chậm, hình như để cho lịch sử kịp có những cá nhân tiên tiến nhất. Họ là những người đi đầu trong việc xác lập những quan hệ là hình thức giao tiếp mới. Tình hình này ta đã thấy trong hiện tượng mại dâm mà Ph. Ăng-ghen mô tả (7)

Quá trình phát triển của lực lượng sản xuất có thể được phân đôi, bên này nông nghiệp gia trưởng làm kẻ đại diện và bên kia - đại công nghiệp, và một cách tương ứng ta có hai kiểu giao tiếp. Giao lưu tính dục có mục đích của nó và phương tiện đạt mục đích ấy. Rất có thể giao lưu tính dục KHÔNG nhằm mục đích sinh đẻ, nhưng trình độ kém phát triển KHÔNG tìm ra phương tiện để thực hiện mục đích “mơ hồ” ấy. Thành thử, sự giao lưu tính dục, rút cục, phải theo mục đích loài. Lúc ấy, các cá nhân giao lưu tính dục KHÔNG phải với tư cách cá nhân mà là loài (dòng họ). Chế độ tư hữu càng phát triển thì nhu cầu kế thừa tài sảntrở nên da diết. Nhu cầu này buộc phải khoanh vùng lại hẹp hơn phạm vi giao lưu tính dục, cho đến quan hệ một vợ - một chồng. Nhưng thực ra, bây giờ cũng như trước đó, nguyên lý ấy chỉ áp dụng cho người vợ thôi. Chỉ riêng phụ nữ là bị pháp luật tước bỏ quyền tự do giao lưu tính dục. Còn đàn ông thì…, như Ăng-ghen nói “mãi cho đến ngày nay, đàn ông không bao giờ có ý muốn từ bỏ cái thú quần hôn thật sự cả” (8).

Trong giao lưu tính dục, đàn ông ý thức được sức mạnh vật chất của mình, do đó, ý thức được quyền sở hữu của mình không những về tài sản nói chung, mà cả nguồn cung cấp khoái cảm nhục dục. Phụ nữ kể từ sự phân công tự nhiên thuở đầu, ngày càng thu hẹp hoạt động, quay về gia đình, làm vợ và làm mẹ. (Đôi khi làm mẹ chỉ vì một hậu quả ngẫu nhiên). Đó là nhân tố vật chất buộc phụ nữ phải thực hiện triệt để nguyên lý một chồng. Trong khi đó, người chồng còn được thả lỏng và thả lỏng được vì cũng có những phụ nữ tiên tiến hơn người khác. Biểu hiện cực đoan của tình trạng ấy là mại dâm. Thông thường, giải pháp ôn hoà hơn là ngoại tình. Và cái gì ôn hoà cũng dai dẳng, lay lắt. Những hậu quả của ngoại tình thường đè nặng lên người phụ nữ một cách công khai và đơn độc. Đó là mối lo lớn nhất (dù là một mối lo ở BÊN NGOÀI bản chất của sự việc) về mặt đạo đức và dư luận xã hội của các phụ nữ ngoại tình và của các cô gái chưa chồng, đến nỗi, trong trường hợp hoàn toàn chính đáng, vẫn “khiến cho một cô gái không dám hiến thân cho người mình yêu” (9). Ngày nay mối lo ấy có thể được gỡ bỏ về mặt “kỹ thuật”, bởi cơ chế thụ thai và các phương tiện tránh thai, phá thai. Nhân tố kỹ thuật này đảm bảo chắc chắn hơn cho mục đích giao lưu tính dục, dễ “bịt miệng” thế gian (dù là một cách hình thức), tạo điều kiện thực tế cho “quan hệ tính giao tự do hơn dần dần xuất hiện và đồng thời hình thành nên một công luận ít khắt khe hơn về lòng danh dự của người con gái và về sự trinh tiết của người đàn bà”(10). Tất nhiên, bước tiến bộ này nằm trong số những biến động lớn của đại công nghiệp và của đời sống xã hội. Đại công nghiệp đã chặt dần những rễ cái, rễ con ràng buộc cá nhân vào gia đình cổ truyền, rồi nhặt từng người đem vứt rải rác khắp nơi. Những hành vi tương tự đã tạo ra một địa bàn mới cho đời sống cá thể và cho giao lưu tính dục. Ta nhớ rằng, sự kiện lịch sử bao giờ cũng có thể cảm nhận được bằng kinh nghiệm, khi ý thức còn đang ngái ngủ trong định kiến tối mù. Muốn phá bỏ định kiến thì không thể chỉ việc đánh thức ý thức dậy, cho nó lu loa lên, chửi bới om sòm (đành rằng rồi cũng phải làm như vậy), mà phải xoá bỏ từ gốc đến rễ, từ nguyên nhân vật chất của nó, từ cái nguyên lý lỗi thời của đời sống hiện thực.

Nguyên lý của đời sống nông nghiệp gia trưởng là duy trì mọi quan hệ trong vòng tay dòng họ, vì lợi ích của cộng đồng như một khối liền. Lúc ấy, các cá nhân quan hệ với nhau nhân danh dòng họ. Hai “họ” thông gia với nhau. Họ là phạm trù cụ thể, còn cá nhân là phạm trù trừu tượng. Chủ thể dòng họ đã mang cau trầu đi “hỏi vợ” cho con trai là hành vi chính thống của nguyên lý cổ truyền, thì phạm trù tính giao tất nhiên cũng thuộc về dòng họ, về loài, như một mục đích, mà cá nhân thực hiện hành vi ấy như một phương tiện.

Nguyên lý đại công nghiệp phủ định nguyên lý nông nghiệp gia trưởng, bằng cách biến cá nhân thành cá nhân tự do. Biểu hiện cực đoan của hành vi đó là cá nhân bị trừu tượng hoá mọi thuộc tính cá nhân, chỉ còn là kẻ mang sức lao động, đem sức lao động bán tự do trên thị trường tự do. Từ đó sinh ra tình trạng tha hoácủa lao động (theo nghĩa mác-xít). Nỗi đau lịch sử nào cũng mang nhân tố tích cực của nó. Thời đại tha hoá ấy cũng là thời đại tạo ra những con người “tự do” và “bình đẳng”. Ăng-ghen khẳng định, “đó chính là một trong những công trình chủ yếu nhất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”(11). Còn Mác thì gọi thế kỷ ấy (thế kỷ 18) là "thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân"(12). Sự bình đẳng trong sản xuất được đo bằng sức lao động, và sức lao động ấy lại tạo ra tự do cho cá nhân (trong chừng mực là kẻ mang sức lao động). Đã có được tự do và bình đẳng một cách vật chất, hiện thực, cảm tính thì khó nỗi gì không tạo ra được những tự do và bình đẳng trong giao lưu nói chung, đặc biệt trong giao lưu tính dục.

Khi đã bứt ra khỏi dòng họ và địa phương (tức là giới hạn địa lý thuần tuý) để kiếm ăn sinh sống, cá nhân chỉ cần phải cư xử theo lợi ích của chính mình. Dưới con mắt cổ truyền, đó là những lợi ích trần trụi, trơ trẽn, không che đậy dù chỉ bằng một mảnh lá nho. Nhưng thực sự bực tức ấy chỉ chứng tỏ là có một nguyên lý khác đầy sức đe doạ hiện thực.

Quanh năm ở làng quê, tôi biết rõ từng tấc đất. Và mỗi con người - tôi biết rõ từ lúc mới oe oe. Thế là, một sự quen thuộc đã làm chờn tất cả các giác quan của tôi. Mọi cái đều đã cũ khi còn mới, chưa dùng. Hai, một cái gì đó hay (nguy hiểm hơn) một ai đó chẳng may làm tôi xúc động, thì “ai đó” đã có dòng họ bao trong, làng xóm bao ngoài, lại còn thêm một “ai đó” quẩn quanh suốt ngày đêm canh giữ. Một người trần gian, thực tế như tôi còn biết làm gì hơn. Không có một nhu cầu nào có thể nhoi lên nổi từ một ý thức khô cằn như một định mệnh.

Đời sống cổ truyền với những mảnh đất rào giậu ngăn cách, làm thành một thế giới cỏn con biệt lập, cha truyền con nối, hưởng chung một mảnh đất, nghe chung một tiếng gà đánh thức, bàn chung những câu chuyện đã mòn vẹt từ thuở nào nao: Trâu no bò đói, sân sạch nhà bẩn, cơm khê canh mặn. Đêm ập xuống, mọi người hối hả gom tất cả lại, để đấy. Trong tối đen dày đặc chỉ còn nghe ra hai bàn chân đập vào nhau quẹt quẹt phủi bụi. Thoắt cái, tiếng răng rắc còn chưa hết nhịp, thì đã vội thay bằng tiếng khò khò đều đều. Hết một chu kỳ sống. Sống như thế tai dày vẫn dày, mắt mờ vẫn mờ, lưới chai vẫn chai - tất cả trơ nguyên cái lõi trời sinh. Tìm đâu ra những nhạy cảm văn hoá, có sao được những rung động tinh tế trong cái thế giới ứ đọng cổ truyền ấy.

Với họ, những người hăm hở sống, táo tợn, xông xáo thách thức, chịu thua, dám thắng… là những kẻ hoang tàng, những kẻ xấu. Nhưng, theo Mác, chính vì xấu mà họ sẽ thắng, vì họ là nguyên nhân của đấu tranh tạo ra sự vận động làm nên lịch sử (13). Lịch sử tiến lên bằng những cái chưa hề có, bằng những cái tạo ra lần đầu tiên, chứ không phải chỉ bo bo giữ chịt những gì đã có. Cuộc sống lành mạnh không phải chỉ trong ổn định hài hoà (đã đành) mà lành mạnh cả trong những biến động làm nghiêng ngửa những bức thành định kiến ngăn cách dòng họ, làng xã, địa vực, quốc gia…

Chúng ta từng chứng kiến những vết rạn nhỏ nhất trong cuộc sống. Ngỡ ngàng nhất có lẽ lần đầu tiên bà mẹ hé mở cửa sổ phòng ngủ cho cô con gái “cấm cung” được nhìn ra đường đời - Chẳng có hậu quả tiêu cực nào, bà mạnh dạn hơn. “Vũ trang” ba tầng, bẩy lớp, chắc chắn, kiên cố, an toàn tuyệt đối, được thả ra khỏi phòng, các cô choáng ngợp trước trời mây khoáng đạt và nhất là mấy cậu con trai đầy hấp dẫn. (Vâng, các cậu ấy còn chưa được đến gần, nhưng vào giấc mơ thì đã được mời). Một sự giao lưu đã nối hai dòng tâm linh - sờ không chạm, nhìn không thấy, nhưng mẫn cảm làm mẹ nhìn ra một cái gì đó đã có. Kinh nghiệm một lần nữa chạy lại an ủi vỗ về cho bà yên tâm. Bà tiếp tục nới lỏng hơn sợi dây ràng buộc, bóc mỏng dần những lớp bọc lên cơ thể non mềm của con gái. Bà bỏ qua sự háo hức (lẽ ra nên giấu) của con được ra chào bạn trai. Ôi, một tiếng chào nhỏ nhẻ mà bà nghe vang như tiếng sét. Rồi một cái nhìn xa lắc xa lơ mà cũng đủ chiếu sáng cả tâm hồn con gái bà. Rồi một cái bắt tay? Thế giới sẽ đổ vỡ vì một cái bắt tay ấy. Đó là sự táo tợn chưa hề có. Sự đụng chạm nhục thể ấy dẫu sao cũng cứ là một sự đụng chạm. Nó đã vượt bỏ cả một quá khứ câu nệ và đã sang được bên này rồi!

Trong cuộc sống, vĩ đại nhất là sự kiện từ KHÔNG sang CÓ. Ít đến đâu có vẫn là có. Một cái bắt tay, ít ư? Vâng, ít - cũng là ít, nhiều - cũng đã nhiều. Đến như nằm mơ đã đâu vào đâu mà cũng đã, thì hẳn là, hơn cả dẫm phải dấu chân, dễ lắm cái sự Có, có từ chỗ đụng chạm hai bàn tay! Nhưng một lần nữa, kinh nghiệm lại đến trấn an! (Đối với sự ngu muội không thuốc an thần nào mạnh hơn kinh nghiệm). Sau cái bắt tay làm bà thất thần, bà chẳng còn có gì đáng sợ cho con gái bà nữa. Ừ, thì cứ cho là bắt một cánh tay, hay cả hai , dù hai cánh tay vừa đủ một vòng đơn độc hay còn phụ hoạ thêm… con gái lớn của bà rồi vẫn yên lành như xưa. Và bà vẫn yên lòng, chừng nào con gái bà, hòn máu và danh dự của bà, vẫn còn yên lành. Bỗng nhiên, bà lại bàng hoàng, khi con gái mang theo một bạn trai về nhà. Trời đất, cái gì thế kia, một quả bom mở ngòi hay lù lù ra đấy một cậu con trai? - Mắt bà thấy thế này, đầu bà nghĩ thế kia. Rồi cũng qua đi và cũng quen đi? Bà dầy dạn hơn lên. Từ đó, bà không cần biết những cậu con trai thay nhau đến nhà tên gì, bao nhiêu tuổi, từ đâu đến, con nhà ai (chậc, bạn trai con bé ấy mà), miễn là bà vẫn thấy cửa sổ mở toang, vẫn vọng ra đều đều câu chuyện về chính trị, về triết học, về tình hình thế giới và những tin thời tiết trái ngược nhau. Nghĩa là, nói vậy thôi, bà vẫn căng thẳng đuổi theo những âm thanh. Con gái bà khôn rồi, biết nỗi lòng ấy, muốn cho bà thả lỏng thần kinh, thỉnh thoảng vặn tắt âm thanh cho một sự im lặng tràn nhập căn phòng! Cũng có khi mẫn cảm làm bà thấy sự im lặng đã kéo dài đến mức ấy dễ mang trong lòng mối đe dọa ngấm ngầm, thì vừa vặn lúc ấy, con gái bà (khôn rồi, biết nỗi lòng ấy) liền mở cửa bước ra với vẻ hững hờ (hình như con bé đã thấm mệt) tiễn đưa bạn trai với một câu hỏi vu vơ “Chiều mai vẫn họp chi đoàn chứ?”.

Các bà cũng như lịch sử ngày càng già đi, mà vẫn trẻ mãi một nỗi thấp thỏm lo con “dại”. Nhưng các bà ơi, cái ranh giới dại khôn ấy ở đâu mà lần, lớn bé đến đâu mà lường? Bà đã đi suốt một lượt từ đầu này cái bắt tay, lần theo một cánh tay, hai cánh tay,… Một bạn trai, rồi vài ba, năm bảy, một căn phòng để ngỏ, rồi đóng chặt cửa vào, cửa sổ mở toang.

Ngày nay, mọi sự vật được nhìn từ bản thân nó, trong bản thân nó, bởi bản thân nó. Mà sự vật đã biến động, thì khái niệm của nó cũng không thể như xưa. Chung thuỷ, trinh tiết, lời thề, chỉ là những hình thức biểu hiện, chứ không phải là cái biểu hiện. Câu nệ làm gì vào những ấn tượng và kinh nghiệm xa xưa. Không có kinh nghiệm nào vượt quá tầm trực quan trực tiếp của nó. Không có ấn tượng nào vào sâu quá cái bề ngoài hời hợt của sự vật. Thế mà cuộc sống cần đến chính bản thân sự vật, cốt lõi của sự sống. Sự sống tươi mới, đang rạo rực và đầy hi vọng là đặc trưng cho Tuổi Trẻ, cho những sự giao lưu đầy phiêu lưu. Sự giao lưu này vượt bỏ mọi ranh giới cổ truyền vượt qua mọi chuẩn mực, mọi khuôn khổ, mọi thể chế đã định hình của quá khứ. Nó tự tạo ra thể chế của nó, khuôn khổ của nó, chuẩn mực của nó. Nó tạo ra một nguyên lý mới cho mọi sự giao lưu trong xã hội hiện đại, và do đó cho giao lưu tính dục.

Cuộc sống là thời gian. Nó có những bước đi túc tắc, đều đặn, những vẫn đi và vẫn mở những con đương mới.

Cuộc sống là văn hóa. Nó có truyền thống với cả bề dày lịch sử. Nhung văn hoá đích thực khi nó làm dày thêm lên lịch sử của chính bản thân nó bằng những thành tựu văn minh lần đầu tiên có.

Mở rộng giao lưu là một thành tựu văn minh, hệ quả tất nhiên của cuộc sống đại công nghiệp. Mở rộng giao lưu là phương thức đào luyện cá nhân, bắt mỗi cá nhân phải trở thành chính mình, ý thức về chính mình sẽ mở ra khả năng làm chủ cuộc sống của mình. Đối với cá nhân hiện đại, điều quyết định là ý thức cá nhân, chứ không phải ý thức dòng họ và cũng không phải một ý thức cộng đồng trừu tượng nào đó. Lịch sử đã làm tất cả những gì có thể làm được để làm cho cái tảng liền cộng đồng trừu tượng ấy phát triển cụ thể hơn, phân hoá thành các yếu tố cấu thành, và theo xu hướng đó, từng bước một đi miết cho đến tận cá nhân. Sự kiện đó đồng nhất với thắng lợi của đại công nghiệp.

Ý thức cá nhân biểu hiện trực tiếp ở ý thức về cơ thể mình, biết rằng nó theo quy luật tự nhiên, thì cũng là quy luật văn hoá, của người, chứ không phải bản năng. Ý thức biến cơ thể tự nhiên thành cơ thể CỦA MÌNH. Mình có quyền tự do định đoạt chính bản thân mình, thân thể và các khí quan của cơ thể mình”(14). Muốn định đoạt được điều gì thì phải hiểu rõ nó, ý thức được mục đích và nắm vững kỹ thuật thực thi nó. Chỉ trong hoàn cảnh ấy lịch sử mới giải thoát được cho phụ nữ nỗi lo “khôn - dại” ngàn đời nay.

Có ý thức hưởng thụ khoái cảm nhục dục là khôn hay dại? Nắm đuợc kỹ thuật thực hiện bất cứ mục đích nào của giao lưu tính dục là dại hay khôn?

Mặc cho các bà mẹ khôn ngoan tin vào những “biện pháp ngăn đe” ở BÊN NGOÀI quá trình giao lưu tính dục, các cô con gái chịu mang tiếng dại tin vào luật AN TOÀN bên trong. Năm, bảy lớp áo hay 50-70 "phòng tuyến bên ngoài" như thế cũng không là gì hết, vì ý thức đủ khôn để làm mỏng dần đi một cách cần thiết. Một bàn tay, một vòng tay, một phòng riêng… tự bản thân chúng, không một cái nào có thể chạm đến độ an toàn, nếu ý thức không dại vi phạm luật an toàn!

Mà khó gì không nắm được luật an toàn! Nó như luật giao thông, có biển chỉ đường đặt khắp ngả qua lại. Những ai lớ ngớ chưa quen đã có người chỉ dẫn. Cho nên, dù ngã ba ngã bảy, chẳng ai lạc đường. Các cô sẽ đi đến nơi, về đến chốn, an toàn. Đừng lo! Mà lo cũng chẳng được gì hơn. Đã ra ngoài đường, các cô khắc biết tự liệu lấy thân, chứ đâu phải ở trong nhà, trong sân nhà, trong vườn nhà, mà các bà lâu lâu ới gọi nhắc chừng!

Việc “dại – khôn” trong giao lưu tính dục ngày nay không còn là nỗi lo đơn độc của các cá nhân. Nó là vấn đề xã hội. Nó không phải là vấn đề e thẹn, hay danh dự. Nó là vấn đề sống thiết thân của toàn xã hội, nên xã hội phải chăm lo.

Cách chăm lo hiện đại là làm cho mỗi cá nhân có Ý THỨC về tất cả những vấn đề có liên quan đến giao lưu tính dục và trao cho họ BIỆN PHÁP hữu hiệu để đảm bảo an toàn. Không thể trông cậy vào những biện pháp BÊN NGOÀI, mà tạo ra BÊN TRONG mỗi cá nhân một bản lĩnh tính dục!

Bản lĩnh tính dục là một bản tính hiện đại như bất cứ bản lĩnh nào - bản lĩnh khoa học, bản lĩnh đạo đức, bản lĩnh nghệ thuật, bao gồm cả hai năng lực - tạo ra và thưởng thức.


(1) C. Mác Và Ph. Ăng-ghen. Hệ tư tưởng Đức, ST.1984, tr. 27
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen.Sđd, tr. 34.
(3), (4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen.Sđd, tr. 48-49.
(5) , (6) C.Mác và Ph. Ăng-ghen. Sđd, tr. 43
(7) Ph. Ăng-ghen. Sđd , tr. 101
(8), (9) Ph. Ăng-ghen. Sđd tr. 121.
(10) Ph. Ăng-ghen. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước, tr. 127.
(11) C.Mác. Sự khốn cùng của triết học, ST. 1971, tr. 131.
(12) C.Mác. Xem (10), Tr. 140
(13) Ph. Ăng-ghen. Xem “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước”, tr. 140.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tình dục: Truyền thống hay phi truyền thống?

    01/07/2019Hoàng ĐìnhTheo quan niệm truyền thống, quan hệ tình dục và khoái cảm tình dục đến từ tình yêu và hôn nhân được ca ngợi. Gần đây, các nhà nghiên cứu đưa ra một kết luận thuần túy khoa học nhưng có thể gây “sốc”…
  • ''Nhục cảm yếu đuối'' của văn nghệ Việt Nam

    20/01/2018Tiểu PhươngĐến tận thế kỷ XXI, các nhà phê bình của chúng ta vẫn cứ loay hoay bàn bạc, tranh cãi xem chủ đề sex là cao quý hay thấp hèn, là mục đích hay là phương tiện của nghệ thuật... Đây chính là lúc chúng ta cần đến hướng đến một thứ “nhục cảm lành mạnh” trong đời thường cũng như trong nghệ thuật...
  • Phát giác về ngôn ngữ thân xác

    05/06/2016Đoàn Ánh DươngNếu như văn học hiện đại thế giới có công phát hiện ra ngôn ngữ văn tự, thì văn học hậu hiện đại hôm nay lại đang dần tước mất vai trò thống trị của nó.
  • Tại sao đàn ông dễ ngoại tình?

    06/04/2016Đỗ Kiên CườngNgười ta thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tuy nhiên trong trận chiến bảo vệ hạnh phúc gia đình, dường như chị em chưa chịu tìm hiểu bản chất sinh học của người đàn ông. Vì thế trong nhiều trường hợp, cách hành xử của chị em tuy đúng đắn nhưng có lẽ chưa đầy đủ.
  • Tình yêu và tình dục

    18/04/2014Sưu tầmTình yêu quá nhiều lần bị lép vế trước tình dục. Nó dày công vun xây những tình huống lãng mạn tuyệt vời và rồi đùng một cái tình dục ló mặt ra làm lâu đài tình linh thiêng kia tan ra như bong bóng xà phòng...
  • Tình dục của con người

    04/03/2014Nguyễn KiênNhững đề xướng “cách mạng tình dục”, “Giải phóng tình dục” hay “lành mạnh hoá” đời sống tình dục”…tất cả những điều đó chỉ có thể được coi là đúng và có lợi cho sự phát triển nhân cách con người, khi liên hệ tình dục được quan niệm đầy đủ về ba mặt sinh hoc - tâm- lý - tâm linh. Làm ngược lại, liên hệ tình dục sẽ bị phá hỏng và tệ hại hơn, sẽ làm hỏng cả nhân cách con người.
  • Khuynh hướng tính dục trong sáng tác văn học gần đây

    14/07/2013Nguyễn Đình Tú...tôi nhận thấy văn trẻ vài năm trở lại đây nổi bật lên ba khuynh hướng sau: Thứ nhất, Lạ hóa, được hiểu là trong tác phẩm có các yếu tố kỳ ảo, hoang đường, lạ, phi lý, dị biệt…; Thứ hai, Tính dục, là các yếu tố sex được sử dụng khá đậm nét trong tác phẩm; Thứ ba, Bình dân hóa, thuộc về khuynh hướng này, xin được hiểu là những tác phẩm đề cao giá trị giải trí”...
  • Đừng lảng tránh khi nói về… “chuyện ấy”

    01/08/2009Khánh PhươngVấn đề tình dục từ lâu vẫn bị coi là “việc nội bộ” và được thay thế bằng từ rất ý tứ - “chuyện ấy”. Nhưng, ngay cả những vấn đề về “chuyện ấy” cũng thường bị lảng tránh hoặc không nói tới là cơ hội để bi kịch gia đình phát sinh. Muôn vàn những vấn đề lại xuất phát từ những sinh hoạt tưởng như rất nhỏ- chuyện ấy. Đã đến lúc, chúng ta cần thay đổi…
  • Tình dục đẹp... phong phú hơn những gì ta thường nghĩ

    20/06/2009BS. Đào Xuân DũngTình dục bao giờ cũng tồn tại ở bản thân nó 2 mặt đối lập, vừa say đắm, lãng mạn nhưng cũng vừa mang dấu vết động vật một cách đáng ngờ.
  • Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

    18/03/2009Vũ HuyềnSự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.
  • Tản mạn về văn hóa tình dục

    04/03/2009Thúy ÁiKhi con người ngày càng văn minh, cuộc sống được nâng cao về mọi phương diện thì mọi sinh hoạt của chúng ta cũng được nâng cao lên tầm văn hóa... Ngày nay, người ta nhắc nhiều đến văn hóa ứng xử, văn hóa nơi công cộng, văn hóa từ chức và cả văn hóa tình dục, một sinh hoạt quan trọng của con người...
  • Cách mạng tình dục thầm lặng ở Việt Nam

    03/03/2008“Một cô gái sống với bạn trai nhưng giấu gia đình, những thiếu nữ viết blog về tình yêu và các đôi trai gái tìm những góc kín đáo trong công viên khi đêm xuống”, hãng tin Reuters mô tả.
  • Đạo đức gia đình trong nền kinh tế thị trường

    22/05/2007Nguyễn Thị KhoaĐạo đức gia đình là toàn bộ những quan niệm về giá trị và quy phạm về hành vi của con người trong vấn đề hôn nhân và gia đình. Mọi cử chỉ, hành vi, thái độ của mỗi người về hôn nhân và gia đình vừa thể hiện bản chất đạo đức cá nhân, vừa cho biết bản chất đạo đức của mối quan hệ trong gia đình. Sự hình thành đạo đức gia đình không chỉ dựa trên những quy định của pháp luật, của phong tục tập quán và truyền thống dân tộc, mà còn dựa trên niềm tin và dư luận xã hội.
  • Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu

    30/11/2005Nguyễn Thanh SơnSo sánh Đỗ Hoàng Diệu với Vệ Tuệ không chỉ là một sự khập khiễng - nó là cả một sự lố bịch. Chỉ có những ai chưa đọc Vệ Tuệ hay Đỗ Hoàng Diệu, hoặc chưa đọc cả hai, mới có thể đưa ra những nhận định như vậy. Hai nhà văn nữ này đi trên những con đường hoàn toàn khác nhau, cảm nhận thế giới bằng những giác quan khác nhau, dựa trên những phông văn hoá khác nhau, và sáng tạo ra những tác phẩm có những giá trị hoàn toàn khác nhau...
  • xem toàn bộ