Giải pháp phát triển giáo dục: Từ góc nhìn nghiệp vụ sư phạm

09:06 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Năm, 2009

Toàn bộ sự nghiệp giáo dục chỉ vì một nhân vật – Học sinh. Học sinh đến trường để học. Từ đó, nền giáo dục hiện đại thâu tóm vào 8 chữ: Ai cũng được học, học gì được nấy.

Ai cũng được học, tất cả 100% trẻ em hiện đại, dù sinh sống ở bất cứ vùng miền nào của Tổ quốc Việt Nam, đều được học, đó là nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng của Nhà nước hiện đại.

Học gì được nấy là yêu cầu không khoan nhượng đặt ra cho nghiệp vụ sư phạm hiện đại.

Cơ sở triết học của nghiệp vụ sư phạm hiện đại là Phạm trù cá nhân. Mỗi cá nhân phát triển thành chính mình.

Cơ sở tâm lý học của nghiệp vụ sư phạm hiện đại là lý thuyết hoạt động, phân hoá thành các Hoạt động chủ đạo cho các lứa tuổi: 0-2; 3-5; 6-12; 13-17;…

Mỗi Hoạt động chủ đạo tạo ra một cái mới đặc trưng cho lứa tuổi. Nghiệp vụ sư phạm phải xác định được cái mới của lứa tuổi và phải tổ chức được “bước nhảy” từ lứa tuổi này sang lứa tuổi tiếp theo (để không xảy ra khủng hoảng tự phát).

Quan trọng bậc nhất trong đời người hiện đại và có tính quyết định một có một không là “bước nhảy sinh mệnh” từ nhà đến trường, lần đầu tiên em đi học.

Trẻ em hiện đại đi học (VIỆC HỌC của Trẻ em hiện đại) là một sự kiện chưa hề có trong lịch sử, vì Trẻ em hiện đại là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Sự kiện này phải coi là điều kiện tiên quyết để tổ chức VIỆC HỌC, cụ thể là Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải trả lời rành mạch, dứt khoát hai câu hỏi cơ bản nhất:

    • Một. Cái mới của mỗi lứa tuổi là CÁI gì?
    • Hai. Bằng CÁCH nào để có?

Cả CÁI lẫn CÁCH này nhằm tạo ra sự phát triển tinh thần. Muôn đời nay, Trẻ em phát triển theo Phạm trù người. Trẻ em hiện đại phát triển theo Phạm trù cá nhân.

***

Hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi tiểu học hiện đại cấp năng lượng cho sự phát triển nhận thức lý tính – tư duy khoa học bằng Cái mới là khái niệm khoa học hiện đại. Khái niệm có các giá trị và vai trò khác nhau trong mỗi lĩnh vực tinh thần.

Trong Khoa học, Khái niệm là sản phẩm chính cống, chính thức, dứt khoát, xong là xong, với giá trị đúng.

Trong Nghệ thuật, Khái niệm chỉ là một bán thành phẩm với hy vọng sẽ có sản phẩm chính cống. Sản phẩm này ở mỗi người một khác, nên chỉ có giá trị gần đúng.

Trong Đạo đức, khái niệm cũng cần, cũng có ích… nhưng chớ cả tin, y dễ là một kẻ lừa đảo, nói một đằng làm một nẻo (đạo đức giả).

Không nhận ra giá trị và vai trò của khái niệm trong các lĩnh vực tinh thần, nên giáo dục nhà trường (kể từ khi Thầy Khổng Tử mở trường) mắc sai lầm lớn nhất, lâu đời nhất là khái niệm hoá tất tật mọi chuyện, đề cao quá đáng lý trí, cứ như y là sang trọng nhất, thậm chí là độc tôn trong giáo dục nhà trường. Sai lầm “khái niệm hoá” này, mỉa mai thay, tự nó nay lại mắc sai lầm lớn hơn là không có khái niệm đúng về Nhà trường hiện đại.

Nhà trường hiện đại dành cho 100% dân cư đã trở nên bình thường như một nhân tố hữu cơ của Cuộc sống thực. Ở trường, ở nhà, ở đâu em cũng sống cuộc sống thực, với những đau khổ thực, với những hạnh phúc thực, những hạnh phúc và đau khổ ngay tại chỗ, ngay bây giờ. Sống xứng đáng cuộc sống thực ngày hôm nay là cách “chuẩn bị” tốt nhất cho ngày mai. Quả sẽ có bắt đầu từ một cái xa vời vợi, một cái mầm vừa nảy, một cái mầm lành mạnh, rồi một cái chồi khỏe khoắn, rồi những cái xanh tươi, rồi nụ, rồi hoa… mỗi cái là một trình độ phát triển tự nhiên, có thực và đầy trách nhiệm. Quá trình phát triển sẽ là tối ưu, nếu nó diễn ra tự nhiên, theo lôgích nội tại của nó, không có bất cứ sự cưỡng bức nào từ bên ngoài, “không nhổ nhớm cây cho nó chóng lớn” (Mạnh Tử).

Nói rằng Trẻ em hiện đại lần đầu tiên đến trường bắt đầu từ Hoạt động chủ đạo trong lĩnh vực Khoa học/Lý trí là cốt để nhắc cho Nhà giáo hai điều cơ bản nhất về mặt nghiệp vụ sư phạm.

Một. Những thành tựu – Cái đã có trong hai lĩnh vực tinh thần còn lại (Tình cảm, Đạo đức…) đã có sẵn từ nhà, vốn được hình thành một cách tự nhiên tự phát, coi như một may mắn, như thai nhi đậu lại. Phần còn có thể có thì trông vào sự gần gũi nhiều nhất với ông bà cha mẹ, trông vào giáo dục gia đình. Thời thơ ấu, năm / sáu năm đầu đời, được ở nhà với Người lớn (đặc biệt ở các gia đình có văn hoá) là phương án tốt nhất đối với Bé.

Vườn trẻ, Mẫu giáo, những “sáng tạo” của thời đại, vốn xuất phát từ lợi ích của Người lớn hơn là vì lợi ích của Bé. May sao, giáo dục tiểu học còn có cơ hội (cơ hội cuối cùng) để bảo tồn, củng cố vững chắc hơn, phát huy lung linh hơn phẩm chất đã có về tình cảm, đạo đức, những nét đặc trưng của gia đình, của quê hương, của dân tộc… thông qua các hoạt động nghệ thuật, các hoạt động xã hội, thông qua tham quan, du lịch… Trong thời đại đầy biến động, giáo dục tiểu học là cơ may cuối cùng để giữ lấy cái gốc, bảo tồn bản sắc dân tộc, những tinh chất của Cuộc sống ngàn năm mà lịch sử đã sáng tạo và truyền lại.

Hai. Cái mới đặc trưng cho tiểu học thuộc lĩnh vực Khoa học/Lý trí hình thành từ quá trình nhận thức – tư duy. Một nền sản xuất vật chất (một phương thức sản xuất hiểu theo nghĩa mác-xit) dùng công cụ và tư liệu nào đặc trưng cho mình: công cụ thủ công hay máy móc, thì cũng vậy, đặc trưng cho một kiểu tư duy là khái niệm: khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa hay khái niệm khoa học.

Bước vào lứa tuổi tiểu học, về mặt triết học, em phải xử lý cái đã có – khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa bằng phép phủ định (biện chứng); còn về mặt lịch sử, trong thực tiễn cuộc sống, em phải tự khẳng định mình bằng cái mới, lần đầu tiên em tự làm ra cho chính mình. Căn cứ vào cả hai mặt ấy (triết học và lịch sử), nền giáo dục hiện đại phải có một giải pháp tổng thể về cái mới (CÁI) và nghiệp vụ làm ra nó (CÁCH).

Cả CÁI lẫn CÁCH ở bậc tiểu học là cơ hội đầu tiên cho em tiếp cận nền văn minh hiện đại. Nói rõ ra, ở bậc tiểu học hiện đại CÁI và CÁCH phải khác về nguyên lý so với bậc tiểu học cổ truyền, phải tương đồng với những thành tựu hiện đại về triết học, khoa học, đặc biệt về tâm lý học sư phạm và lứa tuổi. Xin lưu ý rằng CÁI này đã có sẵn trong nền văn minh đương thời với tư cách là Đối tượng lĩnh hội dành cho em. Các Đối tượng lĩnh hội (quen gọi là nội dung chương trình) vốn có sẵn, Thầy giáo hiện đại chỉ làm việc chọn lựa và sắp xếp theo những nguyên tắc của nghiệp vụ sư phạm hiện đại. Có ba nguyên tắc:

Một. Nguyên tắc phát triển. Môn học thiết kế theo lôgích nội tại của Hệ thống khái niệm khoa học, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của Đối tượng, không có sự cưỡng bức từ ngoài. Sự phát triển này sẽ là tối ưu, nếu quá trình đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng, từ đơn giản đến phức tạp…

Hai. Nguyên tắc chuẩn mực. Nói đến Hệ thống khái niệm tức là nói đến một dòng lý thuyết. Có thể có nhiều lý thuyết về một Đối tượng, hãy chọn lấy một làm chuẩn mực, để liên kết và liên thông với các dòng khác, nhằm định hướng an toàn cho tiến trình phát triển trong mọi hoàn cảnh sống thực của cá nhân.

Ba. Nguyên tắc tối thiểu. Chọn những CÁI không thể không có mà còn có khả năng bỏ ngỏ đối với cả 100% học sinh, sao cho trên cơ sở cái tối thiểu có khả năng bỏ ngỏ này, tạo cơ hội cho từng em một, ai có sức đến đâu đi đến đấy, không ai cản trở ai, cũng không bị ai cản trở, mà hy vọng sẽ có được cái tối đa cho mỗi cá nhân học sinh.

CÁCH là cách tổ chức quá trình biến Đối tượng thành Sản phẩm. Sản phẩm này lấy giá trị của mình làm tăng thêm giá trị của cá nhân em (chứ không làm tăng thêm giá trị cho xã hội), tức là tạo ra sự phát triển cá nhân. Năng lượng cấp cho sự phát triển cá nhân là giá trị của sản phẩm do em tự làm ra, do đó, quá trình phát triển hy vọng là tối ưu, nếu sản phẩm là tất yếu: Làm gì được nấy, làm đâu được đấy.

Bước phát triển độc đáo có tính đột phá của Tư duy giáo dục thể hiện ở chỗ Nghiệp vụ sư phạm hiện đạicoi sản phẩm giáo dục như bất cứ sản phẩm trần gian nào khác, đều do mỗi học sinh tự làm ra cho chính mình, vì sự phát triển của chính mình.

Quá trình biến Đối tượng thành sản phẩm trong sản xuất vật chất gọi là quá trình sản xuất, còn trong giáo dục gọi là VIỆC HỌC. Quá trình này (VIỆC HỌC) thâu tóm vào mình các nhân tố của quá trình làm ra sản phẩm.

Nếu gọi ước lệ:

  • Đối tượng có sẵn trong Cuộc sống là A (CÁI)
  • Quá trình làm biến hoá Đối tượng A (CÁCH) để làm ra
  • Sản phẩm là a (CÁI)

thì Nghiệp vụ sư phạm hiện đại thâu tóm vào một công thức giản đơn:

A---- a

Mối quan hệ Thầy / Trò cũng thâu tóm vào công thức này. Ngay từ khi mở trường dạy học, Thầy Khổng Tử đã dùng công thức trên:

A – CÁI ở trong đầu Thầy.

a – CÁI ở trong đầu Trò.

---- CÁCH - Quá trình Thầy giảng giải.

Diễn đạt bằng lời, Nghiệp vụ sư phạm của Thầy Khổng Tử là

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

Hàng ngàn năm ngự trị độc tôn một công thức ấy, chỉ gần đây, từ nửa sau thế kỷ XX, có người nghi ngờ, hỏi vặn lại, nếu Thầy không giảng giải thì chuyện gì sẽ xảy ra?

- Chuyện tốt lành, rất tốt lành, tốt lành đến ngỡ ngàng, nhờ có cách làm mới:

Thầy thiết kế – Trò thi công

Thầy thiết kế là thiết kế VIỆC HỌC, tức là thiết kế quá trình biến A thành a, như kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà hiện đại (cả thiết kế kiến trúc lẫn thiết kế thi công).

Công thức A---- anhìn từ phía này thì thấy Thầy giáo, nhìn từ phía kia thì thấy Học trò. Vừa cho giáo dục, vừa cho tự giáo dục, nhưng công thức ấy chỉ tạo ra sự phát triển của riêng Trò.

Chúng ta trở lại điểm xuất phát ở đầu, toàn bộ sự nghiệp giáo dục chỉ vì một nhân vật – Học sinh. Ngày nay, về mặt xã hội – chính trị, ai cũng được học. Thế nên, về mặt nghiệp vụ sư phạm, nền giáo dục phải đảm bảo cho VIỆC HỌC phải được tổ chức và kiểm soát, sao cho học gì được nấy, học đâu được đấy.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm

    30/07/2018“Hiện nay từ đào tạo mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Cứ học dồn, cứ nghĩ rằng làm trước là xong mà không thấy chất lượng cuộc sống của mỗi giai đoạn một khác... Bản thân tôi cả một đời dạy học. Với tôi, “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. Giáo sư Hồ Ngọc Đại trăn trở.
  • Ánh lửa của trí tuệ

    25/01/2009GS. Tương Lai“Nói “không” với cái xấu, cái ác là cần thiết nhưng quan trọng không phải là những cái “không” mà làm ra một cái “có”; trên cơ sở cái “có”, hãy tập trung vào xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỷ 21. Đừng chần chừ! Mất thời gian là mất tuyệt đối”...
  • Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục

    22/12/2008Bùi Hoàng Tám (Thực hiện)Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.
  • Giáo dục Việt Nam, đã đến lúc rồi đó!

    29/11/2008GS Tương Lai"Đã đến lúc đó rồi!” - "Phải đặt 22 triệu những người đang và sẽ là chủ thể của xã hội mới vào trong bối cảnh của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức đang giữ nhịp cho đời sống hiện đại của thế kỷ XXI." - Giáo sư Tương Lai có bài viết suy ngẫm về sự thay đổi tư duy trong giáo dục Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
  • Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?

    25/12/2003Ngày 23-12, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề: "Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?" do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng báo Nhân Dân phối hợp tổ chức. Sau đây là tổng thuật nội dung cuộc hội thảo...
  • Phải thay cách làm giáo dục

    21/12/2003Đây là bài phát biểu của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại tại hội thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo?” với chủ đề: tiếp tục giải quyết mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phát triển qui mô, vừa phải đảm bảo chất lượng với điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, do Bộ Giáo dục - đào tạo và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 23-12-2003...
  • Hoàn toàn mới: Thực nghiệm giáo dục

    11/11/2003Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể chuyện thực nghiệm giáo dục với các bạn Văn Nghệ Trẻ vì dễ chia sẻ những chuyện lãng mạn như thế với bạn trẻ...
  • Đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới kiểu tư duy

    11/02/2003"Dạy học hướng vào người học" còn gọi là "dạy học lấy chủ thể học sinh làm trung tâm" được coi là thành tựu của Âu - Mỹ. ở ta, một số lý thuyết và mô hình giáo dục của nước ngoài đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng. Việc học tập những thành tựu giáo dục lành mạnh tiên tiến của nớc ngoài là cần thiết, nhưng kinh nghiệm cho hay rằng, một nền giáo dục vững chắc của một đất nước là một nền giáo dục biết tự đứng trên đôi chân của mình.
  • xem toàn bộ