Đừng lảng tránh khi nói về… “chuyện ấy”
Tên sách:Chuyện ấy
Tác giả: Hồ Ngọc Đại
Phát hành: NXB Lao động - TT VH-NN Đông Tây
Năm xuất bản: 2009
Khổ sách: 14,5x20,5cm
Vấn đề tình dục từ lâu vẫn bị coi là “việc nội bộ” và được thay thế bằng từ rất ý tứ - “chuyện ấy”. Nhưng, ngay cả những vấn đề về “chuyện ấy” cũng thường bị lảng tránh hoặc không nói tới là cơ hội để bi kịch gia đình phát sinh. Muôn vàn những vấn đề lại xuất phát từ những sinh hoạt tưởng như rất nhỏ- chuyện ấy. Đã đến lúc, chúng ta cần thay đổi…
Thay đổi định kiến từ tâm lý
Định kiến thay đổi sẽ dẫn tới quan điểm thay đổi, và từ đó, hành động cũng sẽ thay đổi. Giáo sư Hồ Ngọc Đại có lẽ là giáo sư khoa học tâm lý đầu tiên của Việt Nam mạnh dạn đưa ra bàn vấn đề “chuyện ấy” khi mà cả xã hội vẫn đang lảng tránh và “ngại” khi nhắc đến những lĩnh vực nhạy cảm này.
Cuốn sách “Chuyện ấy” của ông vừa được giới thiệu tháng 6 vừa qua bàn luận khá thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến tình dục, tình yêu, hôn nhân, chuyện phòng the... Theo tác giả cuốn sách, “chuyện ấy” sẽ được trình bày như nó cần phải được trình bày, bất chấp mọi định kiến. Ông hy vọng bạn đọc sẽ tự thuyết phục lấy mình bằng những lý lẽ và sự kiện hơn là vì định kiến. Rồi cũng bạn đọc sẽ tự nghiệm thấy sự thuyết phục ấy, rút cục, vì lợi ích của cuộc sống, của những cá nhân đang sống, nghĩa là của chính bạn.
Giáo sư đưa ra cái nhìn về “chuyện ấy” một cách khá đặc biệt. Theo ông, cuộc sống trần gian của chúng ta có biết bao nguyên lý. Mỗi nguyên lý có vô vàn biểu hiện khác nhau, trái ngược nhau, khi thực, khi hư, khi bày ra, khi che giấu. Cư xử theo những nguyên lý ấy, thực ra, ai cũng như ai. Có điều, người thì cặm cụi làm, người thích nói bô bô lên. Riêng “chuyện ấy”, phần lớn người đời ham làm hơn ham nói. Thậm chí người ta còn cố tình giấu kỹ, lờ tịt, không nói. Hoặc chỉ nói lí nhí, nhát gừng, lúng búng, thậm thà thậm thụt như nói vụng. Tất cả những biểu hiện ấy đều là minh chứng của việc còn quá nhiều định kiến với chuyện phòng the.
Đừng lảng tránh…
Từ việc xuất bản tập sách để thay đổi định kiến về “chuyện ấy” của giáo sư Hồ Ngọc Đại, càng khẳng định hơn việc mọi người không nên lảng tránh khi nói về “chuyện ấy”. Có quá nhiều mâu thuẫn, bi kịch nảy sinh từ vấn đề bị lảng tránh này. Bạo lực, vợ chồng ly hôn, sức khỏe giảm sút, gia đình không hạnh phúc…. Đó cũng là những nguyên nhân sâu xa, gián tiếp ảnh hưởng đến tiến bộ và phát triển xã hội.
Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra, 70% số phụ nữ Mỹ từng bị trục trặc về sức khỏe tình dục và chỉ có 22% thực sự quan tâm đến điều đó. Cuộc khảo sát cũng xác định được các vấn đề rắc rối mà chị em hay gặp là: thiếu sự thèm muốn với các hoạt động tình dục, không thấy bị kích động, không thể “lên đỉnh”, đau trong lúc giao hợp, âm đạo bị khô, thậm chí có người lại có ham muốn quá cao…. Những người được hỏi về các vấn đề sức khỏe sinh sản cho biết chuyện này ảnh hưởng đến sự lãng mạn trong mối quan hệ của họ (44%), lòng tự trọng (43%), tinh thần (42%). Các nhà nghiên cứu cho biết, vấn đề nảy sinh trong chuyện phòng the còn gây ra stress và lo lắng cho khoảng 66% số người tham gia cuộc điều tra, làm ảnh hưởng đến thói quen ngủ (28%) và cân nặng (25%)…
Đó là những nghiên cứu ở nước Mỹ - một xã hội hiện đại không định kiến về vấn đề tình dục. Nhưng con số thống kê và kết quả của cuộc điều tra này cũng khiến chúng ta quan tâm. Thực tế, “chuyện ấy” có tác động lớn trong cuộc sống sinh hoạt của mỗi người: thói quen ngủ, cân nặng, stress, lo lắng… Nếu định kiến về “chuyện ấy” ở nước ta được loại bỏ, nếu mỗi người dám nói ra và từ đó cải thiện “chuyện ấy”, có lẽ sẽ có những tác động có kết quả tích cực hơn trong cuộc sống mỗi người. Và chắc chắn, cũng sẽ giảm được đáng kể số vụ bạo lực gia đình, bạo lực tình dục đang có chiều hướng gia tăng dù con số công khai vẫn còn khá dè dặt…
Vào chuyện
Chúng ta đi xem xiếc, trong khi chẳng một diễn viên nào nghĩ mình làm xiếc. Họ đến rạp xiếc cũng tự nhiên như tôi đến trường, bạn đến nhà máy. Bí mật "làm xiếc" xem ra chỉ ở một chỗ này thôi - biết tận dụng triệt để thói quen thường ngày của người đời.
Mở mắt ra, mọi người đã đặt chân xuống đất đi bộ. Đi trong nhà, đi ra ngõ, khắp nơi tìm đâu chẳng được một chỗ đặt chân trên mặt đất bao la này mà phải bận tâm. Thế mà diễn viên tận dụng ngay cái chỗ chẳng ai bận tâm đến để làm xiếc. Anh ta tạo ra một tình thế ngặt nghèo giả tạo, rồi cho thập thò mấy mối nguy: chỗ đặt chân là một sợi dây mong manh (nguy cơ trượt), căng trên cao (nguy cơ ngã), lại còn (mấy cô ngồi xem xuýt xoa) tay cầm thêm cây sào nữa!
Bà con cứ việc nín thở, hồi hộp mà xem! Chốc nữa tan cuộc, tôi đủ kiên nhẫn chờ cho những ấn tượng trực quan kia nguôi hẳn đi, bấy giờ sẽ xin thưa (vâng, biết là khó thuyết phục đây, nhưng thôi - cứ nói): chúng ta đi bộ theo nguyên lý nào, thì diễn viên xiếc đi trên dây cũng theo một nguyên lý thôi: trọng tâm phải rơi vào trong hình chân đế. Các diễn viên xiếc không có phép lạ nào khác ngoài những nguyên lý trần gian của bạn và của tôi. Đến như diễn viên ảo thuật biến giấy vụn thành tiền cũng cứ ngóng ngóng chờ kỳ lương kia mà. Cuộc sống trần gian của chúng ta có biết bao nguyên lý. Mỗi nguyên lý có vô vàn biểu hiện khác nhau, trái ngược nhau, khi thực, khi hư, khi bày ra, khi che giấu. Cư xử theo những nguyên lý ấy, thực ra, ai cũng như ai. Chỉ có điều, người thì cặm cụi làm, người thích nói bô bô lên. Riêng CHUYỆN ẤY người đời càng ham làm hơn ham nói. Thậm chí người ta còn cố tình giấu kỹ, lờ tịt, không nói. Hoặc ai đó nói thì nói lí nhí, nói nhát gừng, nói lúng búng, thậm thà thậm thụt như nói vụng. Sao thế nhỉ? Chỉ vì không đâu bằng trong CHUYỆN ấy có quá nhiều định kiến. Mà định kiến thì ai cũng kiềng, mặc dù mọi người biết tỏng bao giờ nó cũng ở dưới tầm lịch sử đương thời.
CHUYỆN ẤY sẽ được trình bày như nó cần phải được trình bày, bất chấp mọi định kiến (vâng, trong đời sống tinh thần, tôi biết, không gì tàn bạo hơn định kiến). Tôi hi vọng bạn sẽ tự thuyết phục lấy mình bằng những lý lẽ và sự kiện hơn là vì định kiến. Rồi bạn sẽ tự nghiệm thấy sự thuyết phục ấy, rút cục, vì lợi ích của cuộc sống, của những cá nhân đang sống, nghĩa là của chính bạn. Nếu có chỗ từ trang viết, bạn cảm thấy gai gai, rờn rợn, thì xin hãy nghĩ bụng, ôi dào, quá lắm cũng chỉ như nhìn thấy họng súng đang chĩa thẳng vào mình từ trên . . . màn ảnh.
Mục lục
Vào chuyện
Dẫn luận
1 - Văn hoá tính dục
2 - Bản lĩnh tính dục
3 - Cá nhân - Gia đình - Cộng đồng
4 - Freud - Tôi và bạn
5 - Orgasme
6 - Hôn nhân
7 - Tình yêu (l - Trong lịch sử)
8 - Tình yêu (II - Trong cá nhân)
9 - Tình yêu (III - Chuyện phòng ngủ)
10 - Cư xử theo khái niệm
11 - Ngoại tình
12 - Ý thức vợ chồng
Trích dẫn
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Tính tất yếu của tư duy phức hợp
25/07/2009Phạm Khiêm ÍchĐạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa Tư bản của Max Weber
23/07/2009Trần Hữu Quang - Bùi Văn Nam SơnThế giới hậu Mỹ trong thế kỷ 21
17/07/2009Nguyễn Thái Yên HươngHiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?
11/07/2009Linh ThủyThế giới có quá nóng, quá phẳng, quá chật?
07/07/2009Ngọc Tú (lược dịch từ Slate Magazine)Kỹ thuật của người An Nam
05/07/2009Cao Việt Dũng