Làm khoa học
Khi đã có hàng chục tiến sĩ, hàng nghìn phó tiến sĩ, hàng chục vạn người có trình độ Đại học, thì đất nước đã có cái lót ở dưới cùng nền văn minh, làm móng vững chắc cho ngôi nhà khoa học được xây dựng trên nền tảng ấy. Chúng ta đã qua thời kỳ đổ móng ồ ạt và bây giờ đã đến lúc xây dựng có lớp lang, nghĩa là phải có cách tổ chức thích hợp. Trong bài này, tôi chỉ bàn tới cách tổ chức thích hợp với những người làm khoa học.
Thuật ngữ "làm" ở đây tôi hiểu một cách dân dã nhất, như làm ruộng. Nhà khoa học trước hết phải luôn luôn là người làm, tự làm lấy chứ không phải khuyên người khác làm, làm một cách thực sự, thực tiễn trong điều kiện kinh tế - xã hội thực tế, có trong tay, chứ không phải trên những điều kiện "giá như". Vì vậy, tôi cho rằng những người làm khoa học hãy tìm những cách khác nhau trên cùng những điều kiện thực tế như nhau. Vấn đề là cách làm.
Một cách làm cho một hiệu quả tối ưu theo nguyên lý của nó (nguyên lý sản xuất nông nghiệp, nguyên lý đại công nghiệp). Người nông dân lão luyện nhất chỉ có thể đạt năng suất cao nhất như làm phần ruộng 5%. Nhưng lịch sử tiến lên không phải bằng cách biến mọi cánh đồng thành ruộng 50%, trái lại phải làm cách khác. Nhà khoa học làm ruộng khác người nông dân giàu kinh nghiệm làm ruộng chính là ở cách làm, ở nguyên lý làm. Đương nhiên, cách làm mới có cơ sở lịch sử là cách làm cũ nhưng không phải nống nó lên, hay đôn nó lên cao hơn, mà là xây lên trên nền tảng ấy một nguyên lý mới - mới đến mức hình như trái ngược với kinh nghiệm cũ. Thí dụ, mấy ngàn năm rồi bà con ta quen mỗi năm gặt hai, ba, bốn lần, nay có thể tin được chăng thứ bảy nào cũng là ngày hội gặt! Một năm 52 vụ gặt! Kinh nghiệm của bà con ta ngay từ đầu đã coi cái ý nghĩ về 52 vụ gặt trong một năm đã là không đứng đắn, thì nói chi đến làm. Vây nên chỉ có một số ít, rất ít, ít lắm những người dám nghĩ đến chuyện "ngược đờí” ấy. Mỗi cá nhân phải dám nghĩ rồi mới dám làm. Còn như muốn thuyết phục bà con ta (không cứ gì nông dân đâu!) thì không phải nói lý với họ mà phải thật sự làm ra cho họ đủ 52 vụ gặt, không bỏ sót vụ nào. Nếu nhà khoa học làm được việc đó, thì rõ ràng là cách làm quen thuộc ngàn đời nay dẫu có kiễng lên, nhảy cẫng lên, cũng không tài nào với tới nổi. Đó là sự khác biệt giữa hai tầm cao lịch sử.
Cứ như tên gọi nguyên thuỷ, thuật ngữ "người làm khoa học" có nghĩa là người lần đầu tiên mở ra một hướng đi mới cho một cách làm mới. Ở thời đại chúng ta, làm khoa học có nghĩa trực tiếp là làm thật (như làm ra 52 vụ gặt), ít nhất cũng với tư cách làm ra một cái mẫu, một hình mẫu. Sau khi đã có mẫu, tức là cách làm đã được xác định, thì mới tính chuyện triển khai nó. Nghĩ như vậy, tôi thấy cần chia toàn bộ quá trình làm khoa học nói chung, xét trên phạm vi toàn xã hội (thậm chí trên toàn thế giới), ra ba cấp:
- Một là: Cấp nghiên cứu (sáng chế, phát minh)
- Hai là: Cấp phổ biến
- Ba là: Cấp áp dụng rộng rãi.
Ba cấp ấy tương ứng với ba trình độ phát triển của đối tượng khoa học. Trình độ thứ nhất là chân lý khoa học hay hình mẫu mới (chỉ cần có một cái duy nhất). Với cấp phổ biến thì chân lý khoa học đã biến thành tri thức khoa học, thể hiện ở nhiều cái được dập nheo mẫu hoặc được in thành sách. Cuối cùng, khi đã được ứng dụng rộng rãi trong dân cư thì nó trở thành một vật dụng thường ngày làm nên đời sống hiện thực, hoà vào nền tảng văn minh của xã hội đương thời. Ba trình độ ấy tương ứng với ba quy mô làm: với chân lý khoa học là làm mẫu, làm hình mẫu. Sản xuất thử ứng với tri thức khoa học, còn vật dụng thường ngày là sản phẩm của quy mô sản xuất đại trà; cuối cùng, tương ứng với ba trình độ và ba quy mô ấy là cách cư xử của người làm khoa học cũng như với người làm khoa học.
Ở cấp nghiên cứu, người làm khoa học chỉ cần trung thành với đối tượng nghiên cứu. Lúc này, nói một cách tuyệt đối, không thể đánh giá một công trình nghiên cứu khoa học bằng số phiếu bầu ở bất cứ Hội đồng nào (nếu được thì Ga-li-lê hoặc Anh-xtanh bị thiểu số thảm hại). Nhưng muốn chuyển sang cấp thứ hai thì trái lại, nhất thiết phải qua thủ tục bỏ phiếu vì bây giờ việc làm đã mang tính chất quản lý một cách trực tiếp, vì những lợi ích sống còn của xã hội ngay lúc ấy. Thí dụ, biểu quyết chế tạo bom hạt nhân (chứ không biểu quyết về nguyên lý làm nổ hạt nhân). Còn như đã đến cấp thứ ba, thì việc bỏ phiếu lại trở nên thừa.
Tổ chức lại toàn bộ quá trình làm khoa học trong giai đoạn mới, theo tôi là tổ chức hệ thống việc làm ở cả ba cấp. Nếu xét theo biên chế thì ta có hình ảnh kiểu tổ chức hình chóp, đáy là những người hoạt động tại cấp thứ ba. Số người này vốn đã rất nhỏ so với dân cư, thì những công trình nghiên cứu cấp cao hơn không thể là việc làm ồ ạt của số đông, mà phải có tổ chức chặt chẽ, giao cho những chuyên gia giỏi nhất đảm nhiệm. Thật ra, đó là cách cư xử tự nhiên và cũng vì vậy mà bao giờ người ta cũng lấy trình độ cao nhất làm biểu trưng cho một nền văn minh. Hậu quả tự nhiên của kiểu tổ chức ấy biểu hiện cụ thể ở chính sách và thái độ cư xử cụ thể thích hợp với những cá nhân hiện thực trong cơ cấu tổ chức ấy. May sao, bản thân công trình khoa học (ở cả ba cấp) đã là phần thưởng cao quý cho các cá nhân hiện thực làm ra chúng, xét về mặt tinh thần, thành ra về mặt quản lý xã hội ta chỉ còn lo thêm mặt vật chất nữa - tiền lương, mọi chi phí về thiết bị, phương tiện.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015