Bình thường hoá đời sống nhà trường
Hồ Ngọc Đại
Đời sống nhà trường hiện đại cần được diễn biến một cách bình thường, phù hợp với đời sống bình thường của cả 100% dân cư. Do đó, từ quan niệm đến triển khai thực tiễn, những nhà làm luật không nên phỏng theo nền giáo dục cũ, không nên căn cứ vào kinh nghiệm của thế hệ mình, không nên có những ảo tưởng xa vời... để đề ra Điều nay, Chương nọ.
Cần phải căn cứ chính vào đời sống nhà trường hiện đại, cho toàn thể 100% dân cư hiện đại, mà định ra bộ luật mới, với yêu cầu cơ bản nhất lúc này là: Hãy bình thường hoá đời sống nhà trường, để từ nay, nó tồn tại và phát triển tự nhiên, bình thường.
Sự phát triển tự nhiên bình thường.
Sự phát triển như thế này gọi là tự nhiên: ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi...
Chẳng hiểu sao, đã biết đi hàng triệu năm, nhân loại vẫn dừng ở đi bộ (kể cả đi cáng, cưỡi ngựa, xe bò...) – cho thế là đủ chăng? Cách đây hơn 1 thế kỷ, ai đó làm ra chiếc xe đạp. Chuyện chưa hề có. Xe hai bánh, vô lý. Một cái mới thường bị thói quen coi là “vô lý” như thế.
Sau khi chọc thủng được định kiến hàng triệu năm “đi bộ”, chỉ trong “nháy mắt”, cùng với xe đạp, đã có thêm ô tô, máy bay, tàu vũ trụ...
Một sáng chế khác thần bí hơn là chữ. Nó thiêng liêng đến mức được coi là chữ của thánh hiền. Vua cũng phải học, vua mà phải học chữ thì dạy Vua chỉ dám là dạy chữ. Về sau, nhiều người cả các tầng lớp xã hội thấp hơn cũng được học - dạy chữ không thôi chưa đủ, còn phải dạy người. Đến khi cả dân thường cũng được học chữ, nhà trường dạy chữ, dạy người không thôi chưa đủ, còn phải dạy nghề. Hôm nay, trước mắt chúng ta còn đủ cả dạy chữ-dạy người, cũng như vẫn còn đủ cả đi bộ-, xe đạp- , ô tô-, máy bay-, tầu vũ trụ. Những ví dụ ấy nói lên các bước phát triển tự nhiên của lịch sử.
Lấy đời sống bình thường làm chuẩn
Để sống bình thường, ai cũng phải ăn, mặc, ở, đi lại... Chuyện ấy cũ hàng triệu năm rồi. Thế mà, ngày nay, cũng là cái ăn, cái mặc, cũng là sống bình thường, cũng là chuyện rất mới. Giữa cũ và mới ấy, dễ nhận ra sự khác nhau về cách làm: hái lượm/ trồng trọt, đi bộ/ô tô... kinh nghiệm/khoa học công nghệ. Muốn tạo ra một trình độ văn minh mới cao hơn, tức là tạo ra một bước phát triển đích thực của lịch sử thì phải có cách làm mới.
Cách làm của hàng triệu năm đi bộ, là dựa vào kinh nghiệm trực tiếp của các cá nhân, học tại chỗ, ngay trong cuộc sống thường ngày.
Cách làm hiện đại là bằng công nghệ, được thiết kế trên cơ sở khoa học.
Sự khác biệt giữa hai cách làm ấy đối với các cá nhân được thể hiện ở sức lao động. Một đằng sức lao động có được từ kinh nghiệm trực tiếp, đằng kia phải được đào tạo bằng giáo dục nhà trường.
Sức lao động của cá nhân ở mỗi thời đảm bảo cho cuộc sống bình thường của cá nhân ở thời ấy. Ngày trước, sức lao động có được một cách tự nhiên, nên đối với 95% dân cư, đi học là một việc “xa xỉ” làm sang, nó chỉ thiết thân đối với 5% dân cư bên trên thôi. Ngày nay, sức lao động phải được đào tạo, nên việc học trở nên thiết thân đối với cả 100% dân cư. Ai cũng phải đi học để được sống bình thường (nhân đây xin thêm: nhiều người thích lặp lại những mô tả của nước ngoài: “Học để biết, học để làm, học để biết chung sống, học để biết tự khẳng định”. Tất cả họ đều không thấy được giá trị vĩ đại của đời sống bình thường).
Đối với cuộc sống bình thường, sức lao động cá nhân hiện đại không phải để “tự cung cấp” như xưa, mà đã là hàng hoá. Muốn có hàng hoá đem bán, người sản xuất phải bỏ tiền “ứng trước”. Cũng vậy, về nguyên tắc, người học hiện đại phải đóng học phí, trực tiếp hay gián tiếp. Vì việc học góp phần nâng cao dân trí của dân tộc, nên một phần học phí lẽ ra cá nhân phải bỏ tiền túi, thì Nhà nước trích ra từ thuế, coi như chi cho phúc lợi công cộng. Còn thì Nhà nước và người học cùng “góp vốn” để sản xuất sức lao động và mỗi bên sẽ thu hồi vốn theo cơ chế thị trường.
Xã hội hoá giáo dục
Giáo dục hiện đại đồng thời đáp ứng cả ba lợi ích (mà không bên nào bị thiệt):
- Lợi ích nhà nước
- Lợi ích gia đình
- Lợi ích cá nhân
Ai hưởng bao nhiêu (lợi ích từ giáo dục) thì đóng góp bấy nhiêu. Chỉ xin lưu ý: Sự đóng góp ở đây không chỉ là đóng tiền, góp cỉa mà còn là chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nói chung.
Xét từ phía xã hội. Nhà nước chăm lo sự nghiệp giáo dục có một ý nghĩa lý luận và thực tiễn như chăm lo sự nghiệp an ninh, quốc phòng, như chăm lo sự tăng trưởng kinh tế, chăm lo các hoạt động xã hội, đảng, đoàn thể...
Xét từ phía gia đình, cha mẹ lo việc học cho con cũng như lo ăn, lo mặc... Đóng học phí cũng như bỏ tiền mua thức ăn, áo quần... Nếu nhìn sâu hơn, còn có thể thấy bỏ tiền nuôi con học là cách “đầu tư” ít bị rủi ro nhất.
Nếu không một ai (Xã hội- Gia đình – Cá nhân) hưởng lợi riêng rẽ từ sự nghiệp giáo dục, thì cũng không một cai có thể đùn nghĩa vụ đó cho người khác, không một ai phải chịu trách nhiệm toàn cục (“bao cấp”) về sự nghiệp giáo dục. Đó là nội dung cốt lõi của chủ trương xã hội hoá giáo dục. Xã hội hoá giáo dục là cách thực hiện tự nhiên nhất sự bình thường hoá đời sống nhà trường. Cần phải làm cho cả 100% dân cư thấy rằng học lo cho việc học hành của con cái cũng tự nhiên bình thường như lo ăn, lo mặc, lo cho sức khoẻ của nó; rằng đời sống tinh thần cũng được coi trọng như đời sống thể chất.
Bình thường hoá các thể chế giáo dục
Nếu cả 100% dân cư đèu đã đi qua bước phát triển tự nhiên: biết lẫy, biết bò, biết đi... thì rồi cũng đến lúc 100% dân cư đều biết... đến trường.
Ngày nay, việc học là 1 nhân tố hữu cơ của đời sống hiện đại. Bỏ tiền, bỏ công lo ăn, lo mặc hay lo đi lại, lo học hành... đều tự nhiên như nhau. Việc nào cũng phải lo. Ai cũng phải lo. Nhà nước lo. Gia đìnhlo. Mỗi cá nhân lo. Như mọi bộ luật khác, Bộ Luật giáo dục phải phân định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên như bất cứ lĩnh vực nào khác của đời sống bình thường.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm