Tiêu cực
Tôi được Bộ Công an mời đến nói chuyện ở cơ quan Bộ (hình như năm 1978) bốn buổi liền. Một hôm, có người thắc mắc:
- Hiện nay sao lắm hiện tượng tiêu cực thế? Làm thế nào để chặn đứng lại?
- Xin thưa, - tôi trả lời - các hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh, tuy đủ lớn để nêu lên báo, nhưng hiện nay (1978) quá lắm báo cũng chỉ mới nêu đích danh một Phó Chủ tịch xã hay một Phó bí thư chi bộ.
Cũng vào dịp ấy, có người lên án thanh niên bây giờ "hư hỏng", chống lại thuần phong mỹ tục: mặc quần loe, để tóc dài.
- Rồi có lúc - tôi thưa lại, - nữ sẽ mặc quần đùi, may ô đi dạo phố!
Mười lăm năm đã trôi qua.
Nay trên báo đã đăng tin truy tố một Thứ trưởng đương chức, một Ủy viên Trung ương đang trong nhiệm kỳ.
Nhiều bạn nữ ngày nay đâu cần mặc đến quần đùi, may ô để đi ra phố (ở phố, tuy gặp nhiều người qua lại, nhưng người ta chỉ nhìn thoáng qua thôi), mà các bạn ấy mặc tối thiểu (để còn gọi được là có mặc) rồi lên hẳn sân khấu, đi uốn éo cho khán giả chen chúc nhau nghển lên chiêm ngưỡng kỹ lưỡng, và phải đứng lâu lâu để cho các vị có uy tín còn kịp ước lượng mà cho điểm theo từng bộ phận cơ thể!
Tình hình hiện nay minh oan cho tôi, vì sao tôi không bênh che cũng không vào hùa lên án gay gắt các hiện tượng tiêu cực hồi ấy.
Bênh hay vào hùa chỉ có giá trị tâm lý, mà lịch sử thì chỉ có thể tiến lên bằng thực tiễn đời sống. Sự thực, các hiện tượng tiêu cực, cái tên gọi lạc quan ấy, phản áng đúng bản chất lạc quan của chúng.
Một cách trực tiếp trực quan, các hiện tượng tiêu cực gây cho chúng ta cái cảm giác ghê ghê, bẩn thỉu, nhưng nói theo giọng Hê-ghen, cái gì đó xuất hiện tức là nó có lý của nó. Sau nữa, cái mới là cái tíchcực thì đôi khi lại xuất hiện dưới hình thức tiêu cực. Một bà mẹ trên bàn đẻ buộc phải ở tư thế chẳng lấy gì làm "lịch sự" như ở phòng khách, nhưng lại đẻ ra được một nhân vật mới cho lịch sử.
Cái tích cực, cái bản chất lạc quan bị che dấu trong các hiện tượng tiêu cực là lợi ích cá nhân. Đó là sự "nổi loạn" của lợi ích cá nhân. Cái nông nổi ban đầu đã xui người đời giành cho mình nhiều hơn lợi ích cá nhân bằng hành vi ăn gian, ăn cắp, mua rẻ bán đắt, lừa bịp...
Thế kỷ trước, Mác đã lý giải được một vấn đề vô cùng giản dị mà cực kỳ quan trọng, thể hiện ở công thức Tiền - Hàng - Tiền'. Mua và bán đều theo nguyên tắc ngang giá, vì sao Tiền = Hàng và Hàng = Tiền' mà Tiền' lại lớn hơn Tiền? Bằng cách đó, Mác đã chỉ ra rằng nguồn gốc sinh lợi không phải ở trạng thái tâm lý, mà từ một sức mạnh vật chất: sức lao động!
Sức lao động là dạng kết tinh của một trình độ văn hóa và văn minh. Khi sức lao động còn thấp, còn chưa phân hóa (theo thuật ngữ triết học: còn trừu tượng) thì rất có ý nghĩa những biểu hiện về mặt tâm lý như uy tín của gia trưởng, sức mạnh của tập tục, của lẽ phải thông thường. Trong hoàn cảnh thắng lợi vật chất mang lại không đáng là bao, thì người đời đành phải trông vào "thắng lợi tinh thần, kiểu A. Q". Người đời đánh giá nhau theo thái độ, cách cư xử hằng ngày, theo quan niệm đạo đức đương thời. Thế mà những hiện tượng tiêu cực lại nhằm vào lợi ích vật chất, bất chấp tiếng xấu về tâm lý. Thì cái hành vi tiêu cực ấy cũng ghê gớm đấy chứ?
Để chống lại các hiện tượng tiêu cực, không thể dùng tinh thần, ngôn từ, đạo đức, lòng tốt... mà phải dùng một sức mạnh vật chất ở trong mỗi cá nhân và cộng đồng lớn nhỏ: sức lao động!
Sức lao động càng thấp thì càng gần với tự nhiên hoang dã, càng dễ ăn gian. Nền văn minh càng cao thì sức lao động càng cao, càng cách xa trạng thái thiên nhiên. Thế là thông qua các hiện tượng tiêu cực, lịch sử đưa ra một nguyên lý mới: Muốn có một lợi ích lớn hơn thì phải có một sức lao động cao hơn. Và theo nguyên tắc "ngang giá", sức lao động cao hơn phải được hưởng một lợi ích vật chất cao hơn, xứng đáng với nó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh