Tồn tại và phát triển
Chính trị là gì? Cách nói của Tôn Trung Sơn có lẽ dễ hiểu hơn cả: “Về ý nghĩa của hai chữ “chính trị”, nói giản đơn thì “chính” là việc của dân chúng, “trị” là quản lý, quản lý việc của dân chúng thì gọi là chính trị.
Lực lượng quản lý việc của dân chúng thì gọi là chính quyền” [Tôn Trung Sơn. Chủ nghĩa tam dân. Viện Thông tin khoa học xã hội, 1995, tr.163].
Dân chúng là cuộc sống thực. Cuộc sống thực của hàng triệu triệu người là liên tục, không có nhiệm kỳ. Chia ra từng nhiệm kỳ là việc làm thực tế trực tiếp của những người đang sống, nhằm những mục đích trực tiếp để tồn tại. Vì vậy, mọi giải pháp, dù giải pháp tổng thể hay giải pháp bộ phận, đều có tính lịch sử, tức là chỉ đúng cho một giai đoạn cụ thể. Mỗi nhiệm kỳ (giai đoạn) vừa có tính hiện thực (tồn tại) vừa có tính định hướng (cho phát triển).
Mỗi lý thuyết có cốt lõi của nó. Ví dụ, nếu từ bộ Tư bản đồ sộ hàng ngàn trang mà rút đi một câu này của Mác thì nó sẽ sụp đổ: Sức lao động sống là nhân tố duy nhất tạo ra lợi nhuận (chứ không phải tư bản, máy móc...). Cũng vậy, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có mấy dòng này: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này: xóa bỏ chế độ tư hữu” [Mác và Ăngghen. Tuyển tập 6 tập,
Cách nói “cực đoan” như thế về một lý thuyết là cách nói có trách nhiệm nhất vì dám chấp nhận sự thách thức một có một không. Có một nó sẽ có tất cả. Không một nó sẽ mất tất cả.
Có một hố ngăn cách rất lớn giữa lý thuyết và thực tiễn. Tư duy (nghĩ) có thể thuần lý thuyết, không hề vương vấn bất cứ điều gì ngoài bản thân lý thuyết ấy. Nhưng trong thực tiễn cuộc sống thực thì phải xử lý những việc sát sạt với sự tồn tại trực tiếp. Lúc này, lý thuyết chỉ có tính định hướng. Vì vậy, cả giải pháp tổng thể lẫn giải pháp bộ phận đều phải biết cách xử lý: triệt để về lý thuyết, mềm dẻo trong hành động, đôi khi vì để thắng mà phải tạm thời chịu thua. Hegel cho rằng đạt đến tư hữu cá nhân là lịch sử đạt đến trình độ phát triển đỉnh điểm, đạt đến hoàn thiện, vĩnh viễn.
Mác cho rằng tư hữu cá nhân là một tất yếu lịch sử (mà chủ nghĩa tư bản là hình thái xã hội đặc trưng cho nó) thì cũng với một tính tất yếu đanh thép y như thế, tư hữu cá nhân sẽ bị phủ định, sẽ bị vượt bỏ. Vì vậy, về mặt triết học, chế độ tư hữu nhất định sẽ bị xóa bỏ. Còn về mặt lịch sử, chính Mác cũng thừa nhận tính tích cực của nó ở một giai đoạn lịch sử cụ thể, ví dụ khi đang hình thành và phát triển chủ nghĩa tư bản. Chế độ tư hữu đã sinh ra trong lịch sử nhân loại thì rồi tự nó sẽ xóa bỏ nó, một khi lịch sử phát triển đến trình độ cần thiết đó. Không thể nhổ nhớm cây cho nó chóng lớn (Mạnh Tử).
Trình độ phát triển của nước ta ở giai đoạn cụ thể này đòi hỏi cách xử lý thực tiễn của chính nó, ít nhất trong 5 năm, 10 năm, 15, 20, 25, thậm chí 50, 100 năm nữa...
Khi đã có định hướng lý thuyết thì có thể chủ động xử lý thực tiễn, ví dụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành và phát triển (có tính lịch sử) chế độ tư hữu. Đến nay, đầu thế kỷ 21, tức là đã 3-4 thế kỷ rồi, mà cả nhân loại, kể cả các nước phát triển nhất, vẫn đang cơn khát tư hữu. Cơn khát tư hữu cũng tự nhiên như các cơn khát khác như khát nước, khát tình dục... nó phải đã đã thì mới “bình tĩnh” được.
Đại hội X xác định giải pháp chính trị cho đất nước, tức là chỉ ra cách xử lý thực tiễn mọi việc của dân chúng, của 80 triệu người, trước hết là việc làm ăn sinh sống. Phải sống đã, rồi mới hi vọng sống tốt hơn!
Thừa nhận nền kinh tế thị trường tức là thừa nhận nhiều thành phần kinh tế, thừa nhận tư hữu cá nhân.
Thừa nhận tư hữu cá nhân tức là thừa nhận tính dân chủ giữa các mặt hàng bày bán trên thị trường (giữa chợ). Tất cả đều hưởng dân chủ như nhau không phân biệt nguồn gốc xuất thân, nơi sinh nơi sống...
Tư hữu nghĩa là của tôi, của cá nhân tôi. Cá nhân tôi giữa chợ (trên thị trường) hay trong phòng bầu cử thì cũng vẫn là một “tôi” ấy, như bất kỳ “tôi” nào khác. “Tôi” - tôi với “tôi” - anh trực tiếp với nhau, không có quá khứ xen vào, không cho kẻ thứ ba xen vào (trừ hàng hóa).
Thỏa mãn cùng một lúc cả ba đặc điểm ấy (kinh tế thị trường, dân chủ, phạm trù cá nhân) ở giai đoạn hiện nay (5, 10, 15 năm tới) là một cách xử lý thực tiễn theo định hướng lý thuyết. Vì là xử lý chính trị nên tất cả mọi người đều phải biết rõ “việc của dân chúng” để có thể chấp nhận cách xử lý. Nói chữ: mọi việc của dân chúng phải xử lý công khai, minh bạch, không còn “bí mật nội bộ”, không còn “xử lý nội bộ”, không còn bất cứ vùng cấm đặc quyền đặc lợi nào cho bất cứ cá nhân nào. Được như vậy là được cho cả tồn tại (cho bây giờ) và được cho cả phát triển (cho ngày mai).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt