Hoàn toàn mới: Thực nghiệm giáo dục

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Kể chuyện thực nghiệm giáo dục với các bạn Văn Nghệ Trẻ vì dễ chia sẻ những chuyện lãng mạn như thế với bạn trẻ. Giữa những năm 1960, Hồ Ngọc Đại chỉ với hơn mười tiết thực nghiệm đã dạy học sinh lớp 2 bên Nga định nghĩa sau về phép toán: trong một tập hợp M, theo một quy tắc nào đó, từ hai phần tử bất kỳ theo thứ tự ước lệ là a, b mà xác định được 1 phần tử duy nhất c cũng thuộc tập hợp M thì có một phép toán, ký hiệu quy ước : a T b = c. Từ bỏ lối dạy học cũ Thày giảng - Trò nhắc lại, Hồ Ngọc Đại đã thực nghiệm thành công, được đặc cách vượt một bậc Vũ môn ở một ngôi trường nằm trên một ngọn đồi cao, Đại nói với tôi đó là nơi kiêu căng vào bậc nhất thế giới. Đại cũng nói với tôi, và nay xin được gửi lại độc giả Văn Nghệ Trẻ:

- Lúc đó mình còn trẻ, còn thích phiêu lưu, còn lãng mạn, còn đầy ắp trong lòng muốn đem kiến thức giúp đời, và cũng còn chưa biết sợ, phải như thế mới đủ sức làm một cái mới như cuộc thực nghiệm thời đó...

Cái kiểu "thử" trên đời...
Trước hết, nên nói qua về những kiểu "thử" từng có trên đời, có thế mới nổi bật lên cung cách làm việc hoàn toàn mới là thực nghiệm giáo dục, đặc biệt là thực nghiệm CNGD.

Đầu tiên ta có kiểu "thử" trần trụi. Dân Trung Hoa thành thị nông thôn hang cùng ngõ hẻm ra quân mở cờ gióng trống đi đánh chim sẻ. Các nhà bác học lầu bầu tiên báo thảm hoạ môi trường. Mặc kệ! Người ta vẫn cười thầm ra lệnh tiêu diệt chim sẻ. Đó là việc làm thử xem mình còn có thể tung ra những mệnh lệnh oái oăm nào nữa. Đó là kiểu thử sức của một cá nhân về vai trò của mình trong Lịch sử. Cũng như vài chục năm sau một con gấu trắng trẻo cũng thử ra lệnh cấm người Nga uống rượu và hút thuốc lá, chuyện nắn gân nhau lúc mới cầm quyền ấy mà.

Cuộc sống thực còn có những cái thử khác của con người, hồn nhiên hơn, phập phù khi hỏng khi được, xếp vào mục thử và sai. Đó là Mai An Tiêm thử trồng mấy cái hột đen đen chim nhả ra, rồi sau đó thành đặc sản dưa hấu. Hoặc hai vợ trồng bàn nhau bảy mặt con rồi, thử thêm may ra được thằng con trai mà lại vừa vặn hai cỗ. Hoặc em bé lợi dụng lúc mẹ đang mải vui cùng ông thân sinh ra mình liền thò tay sờ vào lửa, và nhận ra rằng cái này làm bỏng tay. Rồi mấy chàng trai lộc ngộc gặp vài ba cô gái yểu điệu liền ướm thử bây giờ mận mới hỏi đào... đùa vui thế rồi thành ra những mô hình xếp sắp ngôn từ để biểu đạt cái ỡm ờ hoặc cái đá vàng.

Trong lịch sử cũng từng thấy những cách thử và sai có giá trị tích cực hoặc tiêu cực về mặt xã hội. Chẳng hạn như phong trào vigilante ở bên Mỹ của những người mới "lập ấp" tổ chức nhau lại giữ gìn trị an, sau rồi thành ra cả một phong trao "dân quân" đấy. Bây giờ nhiều cô cậu đang có lối cưới thử dăm bảy tháng vài ba năm xem có hợp nhau không rồi mới ra phường đăng ký. Người Do Thái có những hợp tác xã gọi là những kibbutz mà ngay con em các gia đình nền nếp đến tuổi trưởng thành cũng thường tới đó để học cách xây dựng kinh tế văn hoá cộng đồng. Cũng có tên gọi như vậy, những hợp tác xã và những công xã nhân dân tiếng tăm hơn có lẽ cũng nên được xếp vào hàng những thử nghiệm, nhưng theo một chiều trí tuệ khác.

Dù thành công chăng nữa, những cách làm nói trên vẫn chỉ là "thử", chẳng thể sánh nổi với thực nghệm giáo dục. Một thực nghiệm từng được Trung tâm CNGD tiến hành mang những đặc điểm khác hẳn. Nó có định hướng lý thuyết ngay từ đầu. Nó chủ động tạo ra một thực tại khác hẳn cái cũ. Nó có cách làm đủ thuyết phục người đời, không những thế, còn giúp người đời lặp lại cách làm đó để nhân rộng những cái mẫu đã thực nghiệm.

Thực nghiệm giáo dục(1): nghiên cứu trẻ em
Xưa nay con người chỉ hiểu học... là học, hoặc học là... cắp sách đến trường. Nếu chấp nhận "chân lý" trực quan đó, thì chẳng phải làm gì thêm, cũng chẳng cần đổi mới gì hết. Chết nỗi, cuộc đời là đổi thay. Để đổi mới cái nếp giáo dục vẫn tiến hành như một thói quen, thì điều trước tiên là phải có ý thức rõ ràng học là gì, học là làm những việc gì, học để đạt tới những sản phẩm gì? Khi đó, nhà sư phạm sẽ xác định được nhiệm vụ giáo dục là tổ chức sự phát triển tâm lý trẻ em của cả dân tộc, đưa các em đến trình độ cao nhất có thể đạt tới, thực nghiệm giáo dục là tìm tòi cách thức đúng nhất thực thi nghiệm vụ đổi mới giáo dục.

Để đi đến mục tiêu đó, điều trước tiên là phải biết chắc trẻ em là gì? Trước khi có thực nghiệm giáo dục, nhà giáo làm mọi điều mà chẳng cần biết trẻ em là gì, họ cũng chẳng khi nào cần hỏi ý kiến con trẻ về thức ăn tinh thần đem lại cho các cháu, trứng không thể khôn hơn vịt được xem là chân lý hiển nhiên. Theo thói quen, thày chỉ biết dạy là dạy, thày bắt trò nhắc lại lời mình, trò gào lên rồi cố mà nhớ, em nào nhớ nhiều chứng tỏ em đó thông minh hơn người. Một cung cách dạy học như thế mang lại kết quả cao nhất là cái tầm của người thày. Con giỏi lắm chỉ bằng cha, trò giỏi lắm chỉ bằng thày. Những trường hợp "có phúc" đều là ngoại lệ.

Muốn thay đổi cách làm, vấn đề đầu tiên là phải xem trẻ em là gì? Thừa hưởng cách làm việc lối phân tích của thời đại công nghiệp hoá, người đầu tiên nghiên cứu và đo nghiệm trẻ em không phải là nhà tâm lý học, mà lại là một nhà sinh vật học. Năm 1840, Charles Darwin ghi chép hàng ngày các thay đổi tâm lý của cậu con trai William. Darwin ghi chép các phản xạ lần đầu xuất hiện ở con. Chẳng hạn, ngày tuổi thứ 9 cậu nhìn chằm chằm vào ngọn nến; ngày tuổi thứ 49 thì cậu chú ý vào cái tua sặc sỡ; vào ngày thứ 132 thì cậu tìm cách với tay đến đồ vật. Có lẽ vì cho rằng mình không là nhà sư phạm, mình chỉ là người amatơ thôi, nên mãi 37 năm sau Darwin mới chịu công bố những ghi chép đó trên tạp chí Mind.

Gần một năm sau Darwin, nhà tâm lý học Jean Piaget tiếp tục cách ghi chép đó, nhưng nâng cao hơn bằng những thực nghiệm hình thành trí khôn, tiến hành thông qua những đứa con của mình Lucienne, Jacqueline và Laurent cùng những học sinh trường mầm non thuộc Viện Jean - Jacques Rousseau ở bên Thuỵ Sĩ. Những thăm dò của Piaget đã dẫn tới kết luận quan trọng này: học là chiếm lĩnh các đối tượng trong thực tế khách quan theo cách học đặc trưng cho từng giai đoạn. Có ít nhất ba chặng lớn, qua cách học bằng sử dụng các giác quan; học bằng vận dụng lô-gich cụ thể; và học bằng lô-gich hình thức.

Cùng với Piaget, trong thế kỷ 20, được thấy sự nở rộ ở hầu khắp các quốc gia những tìm tòi vào tâm lý người học ở trẻ em. Những tìm tòi thời kỳ này rất đa dạng, ở trẻ em bình thường cũng như ở trẻ em khuyết tật hoặc trẻ em đặc biệt - trong đó kể cả trẻ em có năng khiếu các loại. Và nếu mở các tạp chí tâm lý học thế giới, thì sẽ thấy phần lớn các bài viết đều là những mô tả thực nghệm, những vấn đề tâm lý trẻ em hiện ra qua cách các em học những môn học khác nhau, có khi hiện ra qua một bài học nào đó, mỗi bài báo đều cố gắng gợi lên những vấn đề lớn hơn, sâu hơn, để cùng tìm tòi thêm mãi. Những tìm tòi đó cho phép nhà sư phạm kể từ đó, tuy vẫn đứng cao trên bục giảng, nhưng đã bớt lấy mình làm trung tâm, đã bắt đầu coi trọng người học, lấy người học làm thước đo.

Thực nghiệm giáo dục ở Việt Nam cũng phải tìm ra những số đo đặc trưng của con em mình, để đến được những câu trả lời đặc trưng của trẻ em nước mình, chứ không phải hô hào "tiến lên", "đuổi kịp các nước khu vực" đã được coi là đủ đổi mới. Những câu "trả lời" của con em lại nằm trong những công việc giao cho các em thực hiện, và đó là nội dung (hoặc ý nghĩa) thứ hai của thực nghiệm giáo dục.

Thực nghiệm giáo dục (2): tổ chức việc làm cho trẻ em
Những khám phá của những trường phái tâm lý học khác nhau đã cùng củng cố quan điểm cho rằng nhà giáo dục có thể chủ động thiết kế sẵn hệ thống việc làm giao cho học sinh thực hiện qua đó mà nhìn rõ trẻ em bộc lộ những năng lực và có thể đưa các em đi xa hơn nữa đến đâu.

Trước khi có thực nghiệm giáo dục người ta tập trung vào cách dạy của giáo viên, và việc làm gần như được tiến hành một cách chủ quan, vô căn cứ. Người ta đã nghĩ ra năm bước lên lớp nổi tiếng một thời, được giáo viên nói gọn thành năm tiếng, tổ (chức lớp) - kiểm (tra bài cũ) - giảng (bài mới) - củng (cố bài mới) - dặn (dò học sinh về nhà học thuộc), nghe như đọc kinh, và hiển nhiên qua cả năm bước chẳng thấy đâu là hoạt động của học sinh, mà chỉ rặt thấy thầy cô múa may quay cuồng.

Thực nghiệm giáo dục, như CNGD đã làm, phải lôi người giáo viên ra khỏi cái vòng kim cô do nhà đại sư Nga Kairov vạch ra. Nhưng bằng cách nào? Bằng cách tìm ra hệ thống làm việc cho học sinh hoạt động và để các em tự làm ra sản phẩm giáo dục, là cái được kết đọng lại trong đầu óc mỗi em.

Vẫn chưa hết, CNGD còn tìm ra cho trẻ em hệ thống thao tác học khiến các em thực sự thoát khỏi tình trạng nghe giảng rồi nhắc lại nguyên vẹn lời giáo viên, và thực hiện được công cuộc tự giáo dục cho chính mình.

Muốn thực hiện được mơ ước tạo ra hệ thống làm việc và thao tác tự giáo dục, công cuộc thực nghiệm giáo dục phải xác định được những đối tượng để học sinh chiếm lĩnh. Các em phải tự chiếm lĩnh gì? Đến lúc này, CNGD phải phân biệt được ba loại đối tượng tồn tại hoàn toàn khác nhau về thao tác: đối tượng khoa học tồn tại qua khái niệm, đối tượng nghệ thuật tồn tại qua tưởng tượng và liên tưởng rồi từ đó tác động vào tình cảm, và đối tượng đạo đức tồn tại trong nền nếp sống có ý thức. CNGD đã có công lao nói ra được rành mạch về sự khác nhau giữa ba loại đối tượng đó. Không thấy được sự khác nhau giữa ba loại đối tượng đó thì không thể tổ chức được việc làm của người học.

Các việc làm trên con đường chiếm lĩnh những đối tượng kể trên có điểm chúng giống nhau là tổ chức cho trẻ em đi lại con đường của người đi trước và con đường chiếm lĩnh các đối tượng khác nhau cũng có điểm phân biệt ở chính những thao tác làm ra sản phẩm (cả ở người đi trước lẫn ở người làm lại)

Đi lại con đường chiếm lĩnh đối tượng khoa học dựa trên những thao tác chiếm lĩnh các khái niệm. Chiếm lĩnh khái niệm thực hiện bằng cách làm lại cách vận hành của khái niệm chứ không bằng cách học thuộc định nghĩa khái niệm bằng lời.

Đi lại con đường tạo ra các sản phẩm nghệ thuật không dựa trên khái niệm, mà được thực hiện qua hai thao tác tưởng tượng và liên tưởng, cũng không nhại lại lời bình giảng của giáo viên về những cái hay cái đẹp của các sản phẩm nghệ thuật. Thông qua hai thao tác làm ra sản phẩm nghệ thuật, người học biến cái Vật-tự-nó tồn tại khách quan với tất cả mọi người (các văn bản nghệ thuật) thành cái Vật-cho-ta, cái đã chiếm lĩnh thành tài sản tinh thần của riêng mỗi người học.

Đi lại con đường tạo ra sản phẩm đạo lý không bằng cách học thuộc những châm ngôn, không bằng học thuộc những gương sáng, mà bằng tổ chức hệ thống hành vi, được thực hiện cho thành nền nếp để dần dần thành những nền nếp có ý thức.

Tóm lại, thực nghiệm giáo dục theo cách làm của CNGD là tạo ra những quy trình để học sinh tự đi lấy con đường tự giáo dục chính mình. Vậy vai trò nhà giáo ở chỗ nào?

Thực nghiệm giáo dục (3): tổ chức lại cách huấn luyện sư phạm
Lâu nay, nói cho đúng là từ những năm 70 của thế kỷ trước, trong giới hoạt động giáo dục thường nghe thấy những lời hô hào sư phạm đi trước một bước. Hô hào rồi lại hô hào, nhưng không làm được. Vì sao? Để có câu trả lời thoả đáng, nên phân tích cách làm thực nghiệm giáo dục của CNGD như sau.

Cách làm hoàn toàn mới mà hệ thống CNGD đem lại cho tiến trình huấn luyện sư phạm thực ra rất đơn giản. Nó nằm trong cái vòng tròn xoáy ốc nâng cao dần trong những "điểm" sau:

- Điểm 1: thực nghiệm giáo dục phổ thông để xác đúng cách học của trẻ em.
- Điểm 2: tạo ra quy trình gồm hệ thống việc làm và thao tác thực thi của học sinh, được kiểm chứng đầy đủ qua các môn học.
- Điểm 3: tổ chức huấn luyện giáo viên cách dùng các quy trình nói trên đã sư phạm hoá thành những bản thiết kế.

Những bản thiết kế là những "bí mật" nghiệp vụ của CNGD. Nhưng chúng lại vô cùng đơn giản, gồm có:

• những lệnh giáo viên phải ra cho học sinh thực hiện;
• những chỉ dẫn giáo viên phải làm gì khi trẻ em thực hiện đúng, khi các em làm sai và khi các em thực hiện vừa sai vừa đúng các lệnh;
• những chỉ dẫn cho giáo viên cách làm mẫu các thao tác trẻ em phải làm theo (thí dụ thao tác phát âm, thao tác phân tích, thao tác tự đánh giá...).

Xem vậy, và so sánh với năm bước lên lớp (tổ - kiểm - giảng - củng - dặn) thì bảng thiết kế sư phạm CNGD hoàn toàn khác duy nhất ở chỗ này: đó là những việc làm và đó là những cách kiểm soát công việc làm của học sinh, và sau hết, đó là những chỉ tiêu đánh giá xem bản thân giáo viên đã thực hiện tốt bản thiết kế hay chưa. Ta cũng thấy, lần đầu tiên trong đời, CNGD đã biến việc "cho điểm" không còn là công cụ hù doạ trẻ em nữa, mà đó là công việc đánh giá chính người dạy. (Tác giả sẽ trở lại vấn đề "cho điểm đánh giá" này vào dịp khác).

Thực nghiệm theo ba điểm như vừa nêu tạo thành một vòng thực nghiệm thứ nhất. Nhưng cuộc sống rõ ràng là không ngừng tiến lên, do đó sẽ phải thực nghiệm vòng thứ hai (cũng bao hàm ba điểm như trên) và rồi ta sẽ thấy, sẽ còn nhiều vòng nữa, cho tới khi nào loài người vẫn còn cần tới nhà trường thì một sự nghiệm xứng đáng với danh hiệu nền giáo dục hiện đại, đổi mới vẫn còn có nhiệm vụ tổ chức thực nghiệm. Và một công cuộc thực nghiệm giáo dục thực sự khoa học sẽ là thực nghiệm liên tục, luôn luôn đi trước một bước, thực nghiệm đi trước một bước thay cho lời hô hào xuông đã mấy chục năm ròng "sư phạm đi trước một bước".

Hệ quả của cách làm ba điểm nhiều vòng này là gì? Trước hết, nó làm thay đổi cách định nghĩa thế nào là nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu theo CNGD sẽ là tạo ra cái mẫu theo yêu cầu của lý thuyết, và cái mẫu đó phải đủ sức lặp lại với chất lượng cao trong đời sống bình thường bởi những giáo viên được huấn luyện thực thi các bản thiết kế đã trải qua thực nghiệm.

Vài kỷ niệm thực nghiệm CNGD
Nếu có ai hỏi về nhân cách của tôi những tháng năm thực nghiệm dưới sự hướng dẫn của Hồ Ngọc Đại, tôi sẽ không ngần ngừ nói ngay đó là sự chặt chẽ và phóng khoáng.

Bắt tay vào việc, tôi hỏi Hồ Ngọc Đại rằng hướng đi thì đã có, nhưng ngộ nhỡ chúng ta làm sai thì sao? Hồ Ngọc Đại bảo tôi làm sai thì tự chúng ta sửa, không ai biết mà sửa hộ chúng ta. Thế vậy, làm cách nào biết mình sai hay mình đúng? Trẻ em cho chúng ta câu trả lời. Nếu các em khước từ làm việc thì nhất định chúng ta sai, nếu trẻ em làm việc và có sản phẩm, thì chúng ta đúng một nửa để dần dần đúng thêm lên mãi.

Vì thế mà những ngày đầu thực nghiệm giáo dục ở Giảng Võ, Hồ Ngọc Đại đã xây dựng một tập thể với những luật chơi khác hẳn, ấm áp, rực lửa, và xả thân:

• Không có giám đốc, công việc là giám đốc;
• Không có thanh tra, trẻ em là thanh tra;
• Tất cả bí mật đều công khai, không xì xèo;
• Sống kỷ luật và tiết kiệm;
• Nhớn rồi, không chờ ai dạy, tự mình giải đáp thắc mắc...

Hồ Ngọc Đại luôn luôn nhấn mạnh phải làm ra sản phẩm cụ thể là những thiết kế dạy học được học sinh chấp nhận, giáo viên dễ thực thi.

Hồ Ngọc Đại luôn luôn nhắc nhở anh chị em lấy cuộc sống thực làm chuẩn giá trị điều đó quán triệt mọi lĩnh vực.
Còn một bài học nữa nhận từ Hồ Ngọc Đại tôi cũng chẳng thể quên, đó là Đại luôn luôn nhấn mạnh vào tính liên tục của thực nghiệm giáo dục. Cuộc sống tiến lên, nhà khoa học phải đi trước thực nghiệm một cách làm mới để có sản phẩm mới và sản phẩm càng năng động chứ không phải ổn định chốn ao tù.

Thực nghiệm CNGD sẽ phải luôn luôn đi trước một bước để đem thành tựu cho ngành sư phạm đi tiếp theo để đem ra đại trà đi tiếp, tất cả lại tạo ra cơ sở cho thực nghiệm đi tiếp trước một bước mới, cao hơn, xa hơn, nhanh hơn và đẹp hơn. Trẻ

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác