Dám hỗn *)
Các tài xế coi chừng gà, vịt, chó, mèo, súc vật nói chung, sắp qua hết đường, nghe còi xe thì quay lại! Sao vậy?
- Kinh nghiệm xui nó đấy! Nó chỉ tin vào quãng đường đã đi qua, đâu dám liều bước tới đoạn đường chưa biết.
Tất cả cách ứng xử thông thường đều đúc kết từ kinh nghiệm sống thường ngày, vì sự an toàn cho cuộc sống trước mắt, ngay lập tức, với một lựa chọn đơn giản nhất: đúng – sai, nên – không nên.
- Không nên cầm dao – đứt tay!
- Không nên chơi lửa – cháy nhà!
- Không nên hỗn với người lớn!
- Không nên ăn cắp!
- Vân vân
Từ lời khuyên đến lệnh cấm chỉ gang tấc thôi:
Cấm cầm dao, cấm chơi lửa, cấm hỗn, cấm ăn cắp…
Xin bình tâm nghĩ lại coi: Những điều cấm ấy không sai, nhưng đã hẳn là đúng? Cứ cho ăn cắp là vô đạo đức, nhưng không ăn cắp thì đã chắc là có đạo đức? Hỗn là không nên, nhưng ngoan ngõa thì đã phải là có đạo đức hơn?
May sao, người lớn cứ cấm trẻ em cứ cầm dao, chơi lửa! Cư xử như vậy, trẻ trung thành hơn với nguyên lý NGƯỜI: tránh mối nguy bằng cách vượt qua nó và tạo ra mối nguy còn lớn hơn! Thì đấy, đang đi bộ an toàn, bỗng có anh chàng liều bày chuyện đi xe hai bánh. Đi xe đạp ngã chỉ sầy da, còn ô tô gặp nạn thì toạc trán vỡ đầu, thế mà loài người ngày càng sản xuất ra nhiều ôtô. Rồi máy bay. Rồi con tàu vũ trụ… Mỗi lần cứ như liều lĩnh lao vào một mối khủng khiếp hơn. Thế mới biết bản tính NGƯỜI là không cam chịu quá khứ, dám dấn đến chỗ chưa biết, chưa có trong kinh nghiệm mà người đời bảo là hỗn và liều.
- À mà này, có thật ư, cái thứ đạo đức hỗ như thế?
- Có chứ! Các nhà cách mạng của các thời đại là tấm gương sáng chói về hỗn như thế. Phong trào đổi mới và dân chủ hóa hiện nay thực chất là khuyến khích hỗn như thế.
Chẳng riêng với NGƯỜI, xưa nay thiên nhiên đều khuyến khích sự sống phải hỗn và liều như thế. Cái chồi phải hỗn và liều thì mới dám vượt bỏ quá khứ mầm để trở thành trồi, như trước đó mầm đã dám hỗn và liều vượt bỏ quá khứ hạt giống vậy.
Quá khứ lấy mình làm chuẩn thì phải coi cái mới (trái với kinh nghiệm) là hỗn và liều, và vô đạo đức nữa kia! Nhưng cái gì phù hợp với luật tự nhiên thì bao giờ cũng được cuộc sống cho nó trở thành chính nó, thành chính thống; rồi sẽ đến lượt, chính nó lại lấy mình làm chuẩn để chê bai cái mới tiếp theo là hỗn và liều và vô đạo đức.
Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện nay, đâu đâu cũng nhan nhản những sự hỗn loạn về đạo đức, về kỷ cương, những chuyện chướng tai gai mắt… Nhưng từ đó rút ra kết luận gì?
Lập lại kỷ cương xã hội và nhà trường quay về cách dạy lễ như ngày xưa?
- Không! Tôi trả lời KHÔNG. Không phải lập lại kỷ cương cũ, mà xác lập một kỷ cương mới, không phải dạy LỄ mà hình thành lẽ sống mới, theo một nguyên lý đạo đức mới, trên cơ sở triết lý mới của đời sống hiện đại chưa hề có trong kinh nghiệm. Nghĩa là phải thay triết lý nho giáo, vốn là con đẻ của nền tiểu nông, gia trưởng, thủ công nghiệp, với một đời sống trì trệ hàng ngàn năm, bằng một triết lý mới dựa trên nền sản xuất đại công nghiệp, trên cơ sở đời sống xã hội luôn luôn biến động.
Đã có một triết lý như thế cho đạo đức mới: triết lý Mác xít, một triết lý coi trọng KHOA HỌC và CÁCH MẠNG, NHÂN VĂN và CÁ NHÂN.
*) Nhân đọc bài báo của một cây bút Bách khoa bàn về cách dạy giáo dục đạo đức có ý xui nhà trường quay về cách dạy Lễ của ngày xưa
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005