Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam

Giám đốc - Tổng biên tập NXB Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ & Môi trường
08:41 SA @ Thứ Hai - 04 Tháng Ba, 2019

Thứ Sáu, ngày 11/06/2010 (hồi 14h), TS Chu Hảo trình bày nghiên cứu "Sỹ phu, trí thức và tầng lớp “có học” xưa và nay" tại 53 Nguyễn Du, mở đầu cho loạt seminar «Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức» . Seminar do Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức trong khuôn khổ chương trình tọa đàm thường kỳ của Nhà xuất bản và Quỹ Văn hóa.

Chungta.com trân trọng giới thiệu nội dung trình chiếu bài thuyết trình của TS Chu Hảo tại seminar do NXB Tri thức cung cấp và toàn văn bài viết của TS về vấn đề này.

I. Trí thức và tầng lớp trí thức

Ở nước ta hiện nay có một số khá đông người được xã hội, hoặc tự mình, coi là trí thức. Nhưng “thế nào là một trí thức?” thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Có thể đã có nhiều cá nhân trí thức, nhưng những con người đơn lẻ ấy đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một giai tầng của xã hội như là tầng lớp trí thức chưa? Đặc điểm, tính cách của trí thức Việt Nam là gì? Vai trò và trách nhiệm của trí thức trước vận mệnh của dân tộc ta trong thời đại mới - thời đại kinh tế tri thức, thời đại hội nhập toàn cầu, là như thế nào?

Mỗi câu hỏi trên đây đều đặt ra một vấn đề thảo luận rất nghiêm túc và lý thú, có ý nghĩa quan trọng đối với việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình đổi mới - hội nhập - phát triển. Để đi đến đồng thuận chắc cần phải có thời gian. Ở đây chúng tôi chỉ xin đặt vấn đề và gợi mở, mong các bạn đọc cùng chia sẻ.

Ai là trí thức? Đã từ lâu, ở nước ta tồn tại một khái niệm đơn giản: Những người lao động trí óc là trí thức, chỉ cốt để phân biệt với những người lao động chân tay như công nhân và nông dân. Một quan niệm bớt đơn giản hơn một chút thì cho rằng hễ có trình độ học vấn từ cấp cao đẳng, đại học trở lên là trí thức. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947 Hồ Chủ tịch đã dùng định nghĩa này. Theo chỗ tôi hiểu thì Người đã cố tình giải thích khái niệm này (cũng như một số khái niệm khác) một cách hết sức đơn giản, dễ hiểu, thích hợp với trình độ dân trí của nước ta thời đó. Ngày nay, chúng ta không nên quá câu nệ vào việc giữ nguyên định nghĩa này của Bác Hồ.

Thật ra ngay từ khi từ “tầng lớp trí thức” (intelligentsia) xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu thế kỷ 19, và sau đó là từ “người trí thức” (intellectuel) xuất hiện ở Pháp sau công xã Paris (1871), đã mang một ý nghĩa khá rõ ràng: đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Cũng trong tinh thần cách mạng ấy Karl Marx đã coi trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội nên họ phải là những người: “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. Cần phải hiểu rằng ở đây Marx chỉ muốn nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của người trí thức. “Những gì đang hiện hữu” là những bất cập của các chính sách xã hội hiện hành, chứ không thể là những chính sách hợp lý, tiến bộ. Người trí thức có năng lực phê phán và có tầm nhìn xa nên thường hay tỏ sự bất bình trước sự trì trệ và bất hợp lý một cách công khai và thẳng thắn.

Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: 1) Tiếp thu và truyền bá tri thức KH&CN hoặc VH&NT ; 2) Sáng tạo các giá trị mới của tri thức KH&CN hoặc VH&NT; 3) Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; 4) Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Trong đó, hai điểm đầu tiên là chung cho những người lao động trí óc. Còn hai điểm sau chủ yếu là riêng cho tầng lớp trí thức.

Quan niệm về trí thức trên đây là phổ quát đến với các xã hội văn minh cận, hiện đại. Riêng ở nước ta, từ khi có lịch sử thành văn cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quan niệm này có lẽ chỉ thích hợp trong một giai đoạn phát triển ngắn ngủi, từ đầu đến giữa thế kỷ 20, khi xuất hiện tình huống giới trí thức mới (dùng chữ quốc ngữ) có cơ hội trở thành một tầng lớp xã hội khá độc lập với chính quyền về hoạt động nghề nghiệp và chính kiến. Ngoài giai đoạn này, chúng tôi e rằng chưa bao giờ ở nước ta thực sự có một tầng lớp trí thức như cách hiểu thông thường của thế giới.

Thường ở ta, trí thức được gán một cách không đúng cho những người gọi là “có học”, chỉ xuất hiện ở xã hội Việt Nam ở buổi đầu công nguyên từ khi nhà Hán du nhập Nho giáo vào Việt Nam với mục đích giáo hóa và đào tạo quan lại bản xứ. Sau khi giành được độc lập vào năm 939, các triều đại phong kiến ngày càng tôn sùng Nho giáo; và đến đời nhà Trần (thế kỷ 13) thì Nho giáo đã được coi là hệ tư tưởng chính thống cho đến hết các triều Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Suốt gần một nghìn năm ấy chỉ có một thứ được dạy và được học (một cách có hệ thống) là Nho giáo (khác với sự chuyên biệt hạn hẹp của Phật giáo và Đạo giáo). Các Nho sĩ sau khi đỗ đạt sẽ được bổ nhiệm làm các quan lớn, nhỏ trong hệ thống cai trị của Nhà nước phong kiến. Các Nho sĩ thi trượt thì trở lại làng quê vừa dạy “chữ thánh hiền” như một kế sinh nhai, vừa “dùi mài kinh sử” đợi kỳ thi sau, đợi được đi làm quan để “cả họ được nhờ”!

Cái cơ hội “đổi đời” dường như duy nhất ấy đã tạo ra, một mặt là cái mà chúng ta vẫn thường tự ca ngợi là truyền thống hiếu học của dân ta, mặt khác, quan trọng hơn đã tạo nên sự lệ thuộc đến nô dịch của những người “có học” vào Nhà nước phong kiến. Và do đó, có thể nói rằng dưới các triều đại phong kiến ở nước ta chưa bao giờ tồn tại một tầng lớp trí thức theo cách hiểu đúng đắn của từ này. Các sĩ phu là những người “có học” có danh tiếng của các thời đại phong kiến, do vậy hầu hết cũng chỉ là các “quan văn” mang sứ mệnh “phò chính thống” mà thôi - họ không hẳn là người trí thức, hoặc tầng lớp trí thức, như cách hiểu thông thường.

Đến giữa thế kỷ 19 cùng với sự suy đồi của triều Nguyễn, sự xâm lược của thực dân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh công nghiệp phương tây, tầng lớp Nho sĩ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và xuất hiện những nhóm sĩ phu tiến bộ có đầu óc canh tân - tiền thân của nhóm trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Những nhân vật điển hình có thể kể đến là Vũ Tông Phan (1800 - 1851, cùng với Hội Hướng thiện); Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871); Nguyễn Lộ Trạch (1852 - 1895); Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890); Phạm Phú Thứ (1820 - 1883) v.v... Đó chính là những sĩ phu có đầu óc canh tân đầu tiên trong lịch sử nước ta, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 dù là theo đường lối bạo lực, như các phong trào Cần Vương (Phan Đình Phùng, 1844 - 1895), và Đông Du (Phan Bội Châu, 1867 - 1940); hay chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa - giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh, 1872 - 1920), và Đông Kinh nghĩa thục (Lương Văn Can, 1854 - 1927).

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cùng với sự tàn lụi của chế độ phong kiến và sự thiết lập chế độ của thực dân, ảnh hưởng của tư tưởng Dân chủ tư sản và khoa học - kỹ thuật phương tây đã tràn vào xã hội Việt Nam thông qua Nhật Bản và Trung Hoa. Trong bối cảnh đó phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục đã quy tụ được một tầng lớp sĩ phu trí thức bao gồm các nho sĩ cách tân (Huỳnh Thúc Kháng, 1876 - 1947; Trần Quý Cáp, 1870 - 1908; Đào Nguyên Phổ, 1861 - 1907 v.v...), và các trí thức mới dùng quốc ngữ và tiếng Pháp (Trương Vĩnh Ký, 1837 - 1898; Phan Khôi, 1887 - 1960; Nguyễn Văn Vĩnh, 1882 - 1936; Phạm Quỳnh, 1892 - 1945; Nguyễn Văn Tố, 1889 - 1947 v.v...). Đây chính là tầng lớp trí thức đầu tiên của nước ta.

Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra cho một số người điều kiện có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có thể sống bằng nghề lao động trí óc của mình chứ không nhất thiết phải ra “làm quan”, và tiếng nói của họ càng ngày càng có uy tín trong xã hội. Họ phần đông là người hành nghề tự do như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, và nghệ sĩ... Những phần tử ưu tú trong số đó chính là tầng lớp trí thức mới, và nhiều người đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức văn hóa hoạt động công khai. Đó là các hội, chẳng hạn Trí Tri, Khai trí Tiến đức, Truyền bá Quốc ngữ và Tự lực Văn đoàn v.v... Là các báo hoặc tạp chí, chẳng hạn Đông Dương, Nam Phong, Tiếng Dân, Tri Tân, Thanh Nghị, Khoa học v.v... Tình trạng này đã tiếp diễn cho đến năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tầng lớp trí thức ấy tham gia vào chính quyền cách mạng non trẻ của mình. Những nhân vật tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phạm Khắc Hoè, Vũ Đình Hòe... (xuất thân từ các sĩ phu Nho học); Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên.... (xuất thân từ tầng lớp trí thức “Tây học”) đã và sẽ luôn là tấm guơng mẫu mực về phẩm tính cao quý của người tri thức.

Tiếc rằng từ đầu những năm 50 của đầu thế kỷ trước, ngay khi còn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tầng lớp trí thức của chúng ta với những nhân cách văn hoá đẹp đẽ ấy, lại rơi vào một thời kỳ phát triển đặc biệt mà chắc còn cần phải tốn nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu một cách nghiêm túc sự tồn tại và vai trò của họ trong xã hội. Thời kỳ phát triển đặc biệt này có thể phân kỳ thành ba giai đoạn 1945 - 1950 là thời kỳ cách mạng và kháng chiến nhưng hết sức “lãng mạn” của tầng lớp trí thức yêu nước, 1950 - 1965 là thời kỳ du nhập một cách hoàn chỉnh ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Maoist vào Việt Nam, qua các phong trào chính huấn tư tưởng, cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, phê phán nhân văn gia phẩm và chống “xét lại”; 1965 - 1975 là thời chiến mọi nhu cầu tinh thần và các giá trị văn hóa đều hướng vào mục tiêu giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước; 1976 - 1986 là thời kỳ quan liêu bao cấp, đặc biệt là về mặt tư tưởng; 1986 cho đến nay là thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Mỗi giai đoạn trên đây đều có hoàn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội khá đặc biệt đối với sinh hoạt tinh thần - tư tưởng của tầng lớp có học.

Sau giai đoạn giao thời 1945 - 1950, có lẽ tầng lớp trí thức trước cách mạng đã không tồn tại nữa. Từ năm 1950 trở đi tầng lớp có học ngày càng đông; các cá nhân trí thức thì lúc nào cũng tồn tại, có lúc hết sức hiếm hoi như giai đoạn 1950 - 1965; nhưng tầng lớp trí thức thì không tồn tại, ít nhất là cho đến trước đổi mới (1986). Từ năm 1986 đến nay tầng lớp có học có bằng cấp cao ngày càng đông nhưng phẩm tính tri thức thì chỉ thấy ở những cá nhân lẻ tẻ. Những cá nhân này ngày càng đông cùng với quá trình mở rộng dân chủ trong sinh hoạt xã hội, nhưng điều kiện để cho họ tự liên kết lại thành một tầng lớp có vị trí xác định trong xã hội dân sự thì chưa đủ.

Cần phải có những nghiên cứu nghiêm chỉnh về tầng lớp “có học” từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến nay để có được bức tranh hoàn chỉnh về trí thức Việt Nam từ khi có độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn vậy ngoài việc thống kê đầy đủ sự biến động về số lượng và tính chất hoạt động của những người có học vấn nói chung, cần phải nghiên cứu hồ sơ của những trí thức tiêu biểu qua từng thời kỳ. Hồ sơ của những người như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Nguyễn Đình Thi... cũng như của Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường... sẽ nói lên được rất nhiều điều đáng quan tâm.

Vì chưa có điều kiện tìm hiểu một cách có hệ thống nên ở đây chúng tôi đã không đề cập đến tầng lớp trí thức (hoặc “có học ”) ở miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975.

II. Phẩm tính “trí thức” Việt Nam

Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; và Tự do sáng tạo. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng. Chúng ta thường nghe nói: trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã, v.v... Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì? Chúng ta đã từng nghe nói đến tính cách “phò chính thống”; và tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”. Có nhiều người nói là tính cách “tuỳ thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định. Nguyên cớ gì mà phải “hèn”? Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới “trí thức” Việt Nam chính là ở chỗ này!

Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm! Bởi lẽ, còn có một thực tế khác nữa cần phải xem xét. Đó là tính cách uyển chuyển, kết hợp “hành” và “tàng” của sĩ phu - trí thức nước nhà. Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi “tàng” ngay trong lòng cường quyền với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái” (trước dòng nước xiết, can đảm thoái lui). Thế nhưng ranh giới giữa thái độ đúng đắn này với cái sự hèn thật là mong manh; chỉ “tự mình, mình biết cho mình” chứ khó lòng mà phán xét từ phía ngoài. Vậy thực sự trí thức Việt Nam có phẩm tính gì?

Phẩm tính cao quý nhất của người trí thức là Tôn thờ lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ, không bị gò bó bởi ý thức hệ, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, không khuất phục trước uy quyền và không bị tha hóa bởi danh lợi.Nếu trong một xã hội có nhiều người có học vấn cao đồng thời có những phẩm tính như vậy lại liên kết được với nhau (chủ yếu bằng diễn đàn và giao lưu tư tưởng chứ không phải bằng các hội đoàn) thành một tầng lớp, thì đấy là một xã hội dân sự lành mạnh, có nhiều tiềm năng phát triển.

Tạm gác sang một bên khái niệm “tầng lớp trí thức” như cần được làm rõ ở mục I., chúng ta hãy xem xét tầng lớp những người “có học” trong giai đoạn hiện nay phù hợp với đối tượng điều chỉnh của NQTW7 khóa 10, mà từ những năm 60 thế kỷ trước được Đảng và Nhà nước coi là “tầng lớp Trí thức XHCN”. Trước Cách mạng tháng Tám, tầng lớp “có học”, như được xã hội đương thời công nhận, có thể bao gồm những người có học vấn từ trung học, thâm chí tiểu học, trở lên. Ngày nay, những người có bằng cấp từ đại học, cao đẳng trở lên, được coi là tầng lớp “trí thức ”. Con số này vào khoảng 2, 6 triệu. Trong đó có bằng Tiến sĩ khoảng 16 nghìn, Thạc sĩ 20 nghìn, Giáo sư khoảng 1, 2 nghìn và Phó Giáo sư khoảng 7 nghìn. Lực lượng này nằm đông nhất là trong các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước, sau đó là ở các trường học, bệnh viện, các lực lượng quân đội an ninh, và doanh nghiệp. Lực lượng này cũng được tập hợp trong một số Hội hoặc Liên hiệp hội như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam...

Những nét đặc trưng của “ tầng lớp trí thức XHCN ” này là gì? Ngoài những đặc tính được Đảng và Nhà nước và phần nào là xã hội thừa nhận là ưu điểm, là tích cực như: Yêu Tổ quốc và CNXH; Trung thành với Đảng và Nhân dân; Cần cù, thông minh,sáng tạo; Không ngại khó khăn gian khổ... thì những tiêu cực không thể phủ nhận được là hết sức điển hình. Đó là:

  1. Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.
  2. Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.
  3. Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.
  4. Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha.

Tất cả những mặt tiêu cực điển hình của tầng lớp có học nói trên đều xuất phát từ một nguyên nhân chính là sự mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, trước hết trong nội bộ Đảng, rồi từ đó trong toàn xã hội. Sự mất dân chủ này đã bắt đầu từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau chiến dịch Biên giới, khi ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Mao Trạch Đông, tràn vào Việt Nam theo con đường chính thống, được một bộ phận chủ chốt của Đảng tiếp thu và áp dụng một cách rốt ráo cho đến tận trước Đại hội VI.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, phát huy dân chủ và tự do tư tưởng đã được Đảng đề xướng (qua chủ trương “cởi trói” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và được toàn dân hân hoan đón nhận, nhất là tầng lớp “có học”, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ “được cởi trói”. Nhưng tiếc rằng chỉ ít năm sau đó không khí dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng dần dần bị loãng hẳn đi cho đến trước Đại hội 10. Khi Đảng chủ trương lấy ý kiến của quần chúng đóng góp cho văn kiện Đại hội 10, bầu không khí dân chủ lại đuợc thổi vào một luồng sinh khí mới từ nhân dân. Tiếc rằng ngay sau Đại hội 10 cho đến nay, càng ngày càng có những biểu hiện đáng lo ngại về thực chất của nền dân chủ của chúng ta. Điều này được thể hiện khá rõ trong việc quản lý các hoạt động báo chí và xuất bản gần đây.

Báo chí và xuất bản là mặt tiền, là thước đo của mỗi nền dân chủ. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản dân chủ và công bằng. Sách và báo chí còn là vật mang, là phương tiện trường tồn của các nền văn hóa. Chúng ta muốn có một nền văn hóa tiên tiến, thấm đượm bản sắc dân tộc thì một lần nữa, trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản tiên tiến và nhân bản. Những nhiệm vụ nặng nề ấy không phải của riêng ai mà của tất cả: Nhà nước, cộng đồng người viết và cộng đồng người đọc.

III. Quan điểm, định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng tầng lớp trí thức ở Việt Nam

1. Các bài học lịch sử

Khẩu hiệu “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, nghe nói có từ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng hình như không có văn bản nào chứng tỏ đó là chủ trương chính thức của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau Đại hội lần thứ 2, nói chung khẩu hiệu này đã được thực hiện ở các mức độ khác nhau, trừ một số trường hợp được chính phủ Cụ Hồ trọng dụng, nâng đỡ ngay từ đầu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt mà cách mạng không thể bỏ qua. Cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chúng ta đã trả giá đến tận ngày nay cho thái độ kỳ thị của cách mạng đối với các tầng lớp trí thức, công thương gia và địa chủ.

Thái độ kỳ thị này cũng giống hệt như thái độ của những người cộng sản Nga từ sau Cách mạng tháng 10 đối với tầng lớp trí thức của nước họ. Ngay sau Cách mạng tháng 10, hàng ngàn gia đình trí thức Nga đã buộc phải lưu vong ra nước ngoài. Số còn lại hầu hết đã trở thành đối tượng của cách mạng và dần dần không còn tồn tại như một tầng lớp xã hội nữa: Số muốn giữ nhân cách trí thức thì bị đàn áp không những về mặt tư tưởng mà thậm chí bị tù tội ở các khu cải tạo; số khác tự đánh mất mình bằng thái độ “chùm chăn” hoặc cơ hội chính trị. Trong cuốn sách “Về trí thức Nga” (ở mục Tài liệu tham khảo) các tác giả cũng phân tích khá sâu sắc sự hình thành về phẩm chất và thái độ chính trị của tầng lớp có học (mà có người gọi là “trí thức nửa mùa”) trong suốt thời kỳ Xô Viết cũ. Họ chỉ ra rằng nhà nước Xô Viết cũ đã thực hiện chính sách “cào bằng giá trị” và “đồng nhất xã hội” để không còn tồn tại tầng lớp tinh hoa - tầng lớp trí thức không đáng tin cậy dưới con mắt của tầng lớp lãnh đạo. Một số nhỏ cá nhân trí thức tiêu biểu đã chỉ được sử dụng như những bông hoa làm cảnh cho chế độ mà thôi!

Tình trạng này không khác mấy so với các biến cố đã xảy ra ở Trung Quốc đối với tầng lớp trí thức, nhất là trong cuộc cách mạng văn hóa hồi những năm 60 và cuộc vận động dân chủ hồi cuối những năm 80. Tầng lớp trí thức ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu cũng như vậy, cũng hầu như tan rã sau những biến cố thăng trầm.

Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao tất cả các nước theo xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản đều có một kết cục như nhau đối với tầng lớp trí thức như vậy? Câu trả lời có thể là: Vì trong tất cả các nước ấy đã không thực sự có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Tình trạng đó đã bắt đầu từ khi Lê Nin áp dụng nguyên tắc Tập trung Dân chủ trong Đảng Cộng sản Nga trước và sau Cách mạng tháng 10 và trở thành truyền thống của các Đảng Cộng sản. Thay vì Dân chủ Tập trung, tức là trước hết phải thực hành Dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác nhau kể cả khi tuân theo nguyên tắc: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưói phục tùng cấp trên v.v... các Đảng Cộng sản đã áp dụng nguyên tắc Tập trung là chủ yếu, Dân chủ chỉ là thêm vào. Sau khi nắm chính quyền, nguyên tắc Tập trung Dân chủ sai lầm này lại được áp dụng trong toàn bộ máy Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Cơ chế mất dân chủ này đã xiết chặt cái “vòng kim cô” mất lập trường giai cấp và chệch hướng XHCN lên toàn bộ sinh hoạt tinh thần - tư tưởng trong nội bộ Đảng và toàn xã hội ở tất cả các nước đã áp dụng mô hình chủ nghĩa theo kiểu Xô Viết.

Cơ chế mất dân chủ với cái “vòng kim cô” ấy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước ta đặc biệt từ khi giải phóng miền Nam: Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng dân vẫn chưa quy tụ về một cõi, khối đại đoàn kết dân tộc không được như chúng ta mong muốn, nhiều khi không có sự đồng thuận xã hội trong những vấn đề quan trọng của đất nước.

2. Quan điểm và định hướng

Trong quan điểm và định hướng nhất thiết chúng ta phải khẳng định rằng: Cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp trí thức thực thụ được hình thành và phát triển như Nghị quyết của TW Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức đã nêu rõ. Muốn vậy, điều cốt lõi là phải thực hành nghiêm chỉnh chế độ dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng.

Phát huy dân chủ phải được đặt trên nền tảng mục đích chung của dân tộc là xây dựng một quốc gia “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Mục đích chung ấy là quyền lợi của dân tộc, phải được đặt lên trên hết, trên mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ và mọi lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau.

Dân chủ không phải là sản phẩm chỉ của phương Tây (dù là Hy Lạp cổ đại hay Tây Âu và Bắc Mỹ hiện đại) mà là sản phẩm của cả nhân loại, trong đó có phương Đông. Phật giáo hết sức đề cao Đối thoại và Khoan dung, là cốt lõi sâu xa của Dân chủ. Dân chủ là một chế độ, trong đó mọi công dân thực có quyền được nhận xét, phê phán và chất vấn trực tiếp các cấp lãnh đạo (ở nước ta là của Đảng và của Nhà nước). Đúng như lời của Nelson Mandela nói: “Bất cứ ai muốn phát biểu có thể được nói. Đó là Dân chủ trong hình thức thuần tuý nhất. Có thể không tránh khỏi tình trạng dẳng cấp giữa vị trí quan trọng của người này với người kia, nhưng dù là lãnh tụ hay dân thường, tướng tá hay thày thuốc, buôn bán hay nông dân, đại chủ hay tá điền, người nào cũng được nói... chính đó là nền tảng của Dân chủ: Tất cả mọi người đều được tự do phát biểu ý kiến của mình và tất cả đều bình đẳng như là công dân”.

Định hướng quan trọng nhất mà chúng ta cần là phải làm rõ nội dung công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Về công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, chúng ta cũng đã từng đưa ra từ rất lâu, ngày nay cũng vẫn được nhắc lại như cũ. Nếu không làm rõ nội hàm của những mối quan hệ đó thì vẫn lâm vào tình trạng nói một đằng làm một nẻo. Chúng ta tiếp tục lúng túng và khó tránh khỏi sẽ lại phạm vào những sai lầm trong việc đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân, trong khi thường xuyên nói đến công thức kể trên như một cách để nói, chứ không phải nói để làm, nói vậy mà không phải vậy. Thực chất nội dung của công thức đó chính là đảm bảo quyền Dân chủ trong Đảng, xây dựng được Nhà nước pháp quyền vững mạnh, phát huy quyền tự do Dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Rút kinh nghiệm từ những bài học lịch sử, căn cứ vào những quan điểm và định hướng kể trên, để nâng cao chất lượng thực hành Dân chủ đối với đội ngũ trí thức (hay là “có học” như nói ở trên) cần thiết phải có các giải pháp sau đây:

3.1. Trước hết phải thực hành Dân chủ ở trong nội bộ Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, trên thực tế Đảng lãnh đạo và chi phối toàn bộ hoạt động của xã hội. Nếu trong Đảng mà không thực sự có Dân chủ thì ngoài xã hội không thể có Dân chủ.

Trước hết trong Đảng phải thực sự tôn trọng nguyên tắc Dân chủ Tập trung chứ không phải Tập trung Dân chủ. Đại hội đại biểu của Đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, sau đó đến Ban chấp hành Trung ương, rồi mới tới Bộ Chính trị. Nguyên tắc này lâu nay bị vi phạm, thường là Bộ Chính trị có quyền hạn tuyệt đối không những trong nội bộ Đảng, mà còn đối với mọi vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước mà lẽ ra phải là trách nhiệm của Quốc hội.

Trong nội bộ Đảng, mọi Đảng viên nên đều phải được phát biểu và bảo vệ chính kiến của mình song song với nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cần phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện để ý kiến của thiểu số được thảo luận một cách công khai và bình đẳng.

Cơ chế dân chủ trực tiếp cần phải được phát huy tối đa trong các cuộc bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.Việc bổ nhiệm Đảng viên vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Nhà nước phải được tiến hành một cách dân chủ hơn. Không áp đặt tiêu chuẩn cấp uỷ Đảng vào tiêu chuẩn lãnh đạo các cấp nhà nước. Một vị trí lãnh đạo nhà nước có thể tiến cử hai Đảng viên có ý kiến khác nhau về chủ trương về cách thực hiện để Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước lựa chọn, v.v....

Chỉ trong những điều kiện tối thiểu như trên thì tầng lớp trí thực thực thụ của nước ta mới có thể tự hình thành và phát triển một cách lành mạnh được.

3.2. Phải từng bước xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh.

Trong điều kiện chế độ chính trị có một Đảng lãnh đạo, những khiếm khuyết do chế độ toàn trị gây ra có thể được khắc phục, điều chỉnh một cách hữu hiệu bằng xã hội dân sự. Xã hội dân sự lành mạnh là đối trọng, chứ không phải là đối lập với Nhà nước. Sự đồng thuận xã hội được giải quyết chủ yếu thông qua xã hội dân sự .

Trước mắt phải xây dựng được một Luật về Hội. Các hội nghề nghiệp và quần chúng là thành phần quan trọng nhất của xã hội dân sự. Quyền tự do thành lập Hội được ghi trong Hiến pháp phải được thể hiện đầy đủ trong Luật về Hội.

Chỉ trong một xã hôi dân sự lành mạnh như vậy tầng lớp trí thức mới phát huy được phẩm tính trí thức của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3.3. Phải thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân như được ghi trong Hiến pháp.

Tự do ngôn luận là quyền được bình đẳng phát biểu công khai ý kiến của mỗi công dân. Đó là cốt lõi của Dân chủ, không có tự do ngôn luận thì không thể dân chủ.

Báo chí và xuất bản sách là công cụ chủ yếu để thực hiện tự do ngôn luận. Luật về Báo chí và Xuất bản cần được cải thiện hơn nữa, hướng tới chấp nhận nền báo chí và xuất bản tư nhân và mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm về các ấn phẩm của mình.

Không có tự do ngôn luận thì những người “có học” chỉ có thể là những người là những người lao động trí óc ( thậm chí rất giỏi ) nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà các xã hội văn minh coi là tinh hoa.

Hà Nội, tháng 6 năm 2010.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, Sửa đổi lề lối làm việc, 1947.
2. N.M Voskpesenskaia và N.B Davletshina, Chế độ Dân chủ - Nhà nước và xã hội (Phạm Nguyên Trường dịch), NXB Tri thức, Hà Nội 2009.
3. Nhiều tác giả (Nga), Về Trí thức Nga, (La Thành và Phạm Nguyên Trường dịch), NXB Tri thức, Hà Nội 2009.
4. Việt Phương, Dân chủ, Tài liệu tham khảo cá nhân, Hà Nội, 9 - 2008.
5. Trần Hữu Dũng, Dân chủ và phát triển, Thời đại mới, Số 10 tháng 3 năm 2007.
6. Võ Văn Kiệt, “Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới”, 2006.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí thức và thói háo danh

    05/02/2018Vương Trí NhànTrí thức là một thành phần quan trọng, đóng vai trò định hình tư tưởng, dẫn dắt xã hội. Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, không phải toàn bộ nhưng ít nhất một bộ phận trong số họ có những nhược điểm cố hữu...
  • Trí thức: bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội

    09/08/2019D. S. Likhachev (Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga) - Phạm Xuân Nguyên dịchTừ “trí thức” trong các thứ tiếng khác được coi là vay mượn từ tiếng Nga. Tôi muốn gọi trí thức là bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội. Đây không đơn giản là học vấn và những người có học làm việc trong lĩnh vực lao động trí óc. Sự độc lập trí tuệ là đặc điểm tối quan trọng của trí thức. Độc lập với các quyền lợi đảng phái, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, thương mại và thậm chí đơn giản là công danh.
  • Kẻ sĩ xưa và nay

    09/04/2019Hà Thúc MinhQuá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.
  • Xã hội tri thức và vài suy nghĩ về con đường hội nhập

    15/05/2018Phan Đình DiệuSinh thời, Norbert Wiener, cha đẻ của Điều khiển học (Cybernetics) đã dự báo: "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó".
  • Tâm đàm về cái Sự học, Tri thức và Trí thức

    01/05/2018Nguyễn Tất ThịnhNgày xưa, người có trình độ như ông Giáo Thứ (trong Sống Mòn của Nam Cao) có thể được xem là Trí thức. Nói chúng họ có vẻ như là người học rộng biết nhiều, và có trình độ được đào tạo cao hơn mặt bằng chung, thuộc tầng lớp được xã hội gọi là ‘Thày’, như Thày Giáo, Thày cãi, Thày thuốc…
  • Cách mạng tháng 8 và người trí thức

    02/09/2016Mai ThụcKỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám – “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” tuổi 63, người trí thức bừng tỉnh trước nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu diễn ra trên đất nước ta như một cơn lốc xoáy. Rất lâu rồi, bây giờ mới có những hội thảo, những chuyên đề về vai trò của trí thức. Mọi người đồng thanh xác định vị trí của trí thức trong các ngành...
  • Sai lầm, rủi ro trong khoa học phương Tây và đổi mới tư duy về khoa học ở Việt Nam

    14/08/2016Lê Ngọc HùngTrong bài viết này, tác giả đã tập trung luận giải: 1) Vấn đề phán xét các sai lầm trong khoa học; 2) Việc phân loại các sai lầm trong khoa học; 3) Bản chất của các sai lầm thuần túy khoa học; 4) Vấn đề dân chủ hóa trong khoa học và trách nhiệm công dân của nhà khoa học; 5) Sai lầm thuần tuý khoa học và đổi mới tư duy về khoa học ở Việt Nam.
  • Trí thức, lãnh đạo và cái dũng của phản biện

    14/06/2016Lê Vinh TriểnMột “không gian” rộng là thực sự cần thiết để trí thức có thể toàn tâm toàn ý thực hiện trọng trách của mình trước xã hội: phản biện để phát triển đất nước. Phản biện là một việc gắn liền, gần như song sinh với trí thức. Nếu không có phản biện thì không có trí thức thật sự. Đã là trí thức thì phải đã, đang và sẽ phản biện.
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Trí thức là ngươi nắm bắt tương lai

    12/05/2016Lê Ngọc Sơn (thực hiện)Thông tuệ và nhiệt tình, GS Tương Lai đã có cuộc trò chuyện với PV SVVN xung quanh vấn đề tri thức.
  • Tri thức và trí thức

    25/03/2016GS. Nguyễn Ngọc LanhTrong xu hướng tiến hóa của xã hội, vai trò của tri thức và trí thức ngày càng quan trọng hơn. Bài viết thứ hai của Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh trong chủ đề thảo luận "Trí thức Việt Nam" phân tích một số nhận thức về vai trò của tri thức.
  • "Sĩ phu, trí thức thì không được hèn"

    16/03/2016Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nhân đầu xuân mới, bàn tròn xuân Kỷ Sửu của Đất Việt ghi lại những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng Việt Nam bàn về sĩ phu, trí thức thời nay.
  • Giá của tri thức

    28/01/2016GS, TSKH Vũ Đình Cự“Tri thức, bao gồm cả tri thức về phát triển là hàng hóa công cộng toàn cầu” (J.Stiglitz), nhưng các quốc gia giàu có đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để ngăn cản sự truyền bá tri thức cho sự phát triển chung cứu thế giới...
  • Trí thức và nhận thức pháp quyền

    30/10/2015B. A. Kistiakovski - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thíchMột số người cho rằng pháp luật chỉ có giá trị tối thiểu về đạo đức, một số khác lại cho rằng cưỡng chế, nghĩa là bạo lực, là thành tố không thể tách rời của pháp luật. Nếu đúng là như thế thì chẳng có cơ sở nào để chê trách giới trí thức của chúng ta trong việc coi thường pháp quyền hết. Giới trí thức của chúng ta luôn hướng tới những lý tưởng tuyệt đối và trên đường đi của mình nó có thể bỏ qua cái giá trị thứ cấp này.
  • Không gian mới của trí thức

    25/09/2015Huy Đức - Mỹ Lệ lược thuậtNhà văn Nguyên Ngọc, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, cùng với Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa đã gặp mặt đầu năm 2008 cùng Sài Gòn tiếp thị, để từ những sự kiện văn hóa diễn ra gần đây, nghĩ về vai trò của trí thức...
  • Cách mạng tháng Tám: những con người làm nên lịch sử

    01/09/2014Đoan TrangCách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc hồi sinh vĩ của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời. Hồi tưởng lại những tháng ngày sôi sục khí thế đấu tranh đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò lịch sử của những con người đã góp phần hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc tại thời khắc bước ngoặt lịch sử...
  • Luận bàn về trí thức

    17/06/2014TS. Nguyễn Quang AVài tháng nay các trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) sôi nổi đóng góp cho Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua.
  • Bàn về tính chủ thể của giới trí thức ở các nước thế giới thứ ba

    12/03/2014Nguyễn Trần BạtGiới trí thức nào cũng là sản phẩm của một hệ thống kinh tế, hệ thống chính trị, hệ thống văn hoá và hệ thống giáo dục. Trong tiến trình phát triển của một dân tộc, giới trí thức có vai trò rất quan trọng...
  • Giáo dục, trí thức và nửa đường còn lại

    24/09/2012Ngô Tự Lập...việc xây dựng một đội ngũ trí thức, hay nói đúng hơn, việc biến đội ngũ nửa trí thức của chúng ta thành một đội ngũ trí thức thực thụ, đủ khả năng đảm đương vai trò đầu tàu của nó trong sự nghiệp phát triển của dân tộc, cũng chính là chặng đường còn lại của nền giáo dục dân tộc. Ðó là một nhiệm vụ cấp bách và to lớn, không chỉ đòi hỏi nhiều tiền của, thời gian và ý chí, mà còn cả những thay đổi triệt để trong quan niệm và phương pháp giáo dục.
  • Người trí thức - Võ Nguyên Giáp

    05/10/2013Lê Tùng - Phương NguyễnVà trong những năm tháng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.
  • Trí thức nửa mùa

    09/09/2013Oleshuk Iu.FỞ nước Nga, trong thế kỷ XX đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này, chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ yếu trong những cuộc cải cách đầy tai họa hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa.
  • Sĩ phu, trí thức nước nhà xưa và nay

    08/09/2013TS. Chu HảoKhông ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!
  • Thư gởi anh Diệu

    13/11/2009Cao Huy ThuầnAnh Diệu thân mến, đáng lẽ Tết này tôi đã có thể ở Hà Nội rồi? Tôi đã có thể gặp gỡ anh em trí thức trong Diễn Đàn Khoa Học dự định khai mạc vào dịp ấy. Đã có thể làm việc với anh trong Ban Nội Dung mà anh mời tôi tham gia. Đã có thể nói được cùng nhau đôi điêu tâm huyết. Tôi nhận được thư mời chính thức ngày 6-10- 2003.
  • Nói về trí thức, tại sao cứ phải thêm “đích thực”?

    28/08/2009Nguyễn Ngọc LanhThói háo danh đang phát triển tới mức kệch cỡm trong trí thức. Mà đây là lớp trí thức mới, vì nước ta đã nước XHCN từ nhiều thập kỷ nay. Dẫu vậy, trong bài tác giả vẫn dẫn ra những sự kiện xảy ra từ thời phong kiến. Điều này có lý, vì từ lâu trí thức ta đã bị nhận xét là có dáng dấp một ông quan văn – nghĩa là háo danh và “phò chính thống”. Vậy môi trường nào đã tạo ra và nuôi dưỡng cái dáng dấp quan văn này của của giới trí thức mới?
  • Triết lý siêu hình

    22/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchThuật ngữ siêu hình học (metaphysics) vốn xuất phát từ cụm từ Hy Lạp "meta ta Phusika" (hàm nghĩa phía sau, hay vượt ra khỏi, giới vật chất tự nhiên). Siêu hình học là bộ môn nghiên cứu Thực Tại Tối Hậu, về những gì vượt lên trên hiện tượng vật chất....
  • Quan niệm về trí thức và vị trí của trí thức với sự phát triển xã hội

    03/08/2009Đất nước đang tiến vào tương lai trong thời đại loài người tăng tốc chia sẻ nguồn tài nguyên tri thức bằng sự phát triển vũ bão của CNTT, truyền thông, thế giới Internet kỳ diệu. Quốc gia nào cũng khao khát làm chủ nền kinh tế tri thức mới. Vai trò và trách nhiệm của trí thức ngày càng trở nên quan trọng, thúc bách. Chungta.com xin trân trọng giới thiệu chủ điểm về Người Trí Thức, tổng hợp lại các bài nghiên cứu hoặc tranh luận nhằm tạo ra một góc nhìn đa diện, nhiều chiều về chân dung người trí thức nói chung và vai trò, vị trí của họ đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc.
  • Chế độ xã hội với trí thức

    03/07/2009Nguyễn Ngọc LanhMỗi chế độ xã hội đều có tầng lớp lao động trí óc của mình với tiêu chuẩn và tên gọi riêng. Nói một cách danh chính và chặt chẽ, trí thức đúng nghĩa chỉ xuất hiện trong những xã hội đã có dân chủ, tự do; nhất là tự do báo chí. Cách mạng tư sản Pháp thành công năm 1789, nhưng hơn một thế kỷ sau mới ra đời từ trí thức; chính là vì phải đợi cho tự do, dân chủ phát triển đạt yêu cầu. Nhưng ở thế kỷ XX, nhiều nước châu Á tuy rất nặng căn phong kiến mà chỉ cần vài thập niên đã có đủ dân chủ, tự do để trí thức “đúng nghĩa” xuất hiện. Thế ký XXI hẳn phải nhanh hơn nữa.
  • Trí thức và công thức bổ nhiệm minh bạch

    23/06/2009TS. Nguyễn Ngọc HiếuĐể trí thức đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển thì chúng ta cần có trí thức trưởng thành và chuyên nghiệp. Muốn có điều đó lại cần đề cao tính chuyên nghiệp, bổ nhiệm theo thực tài với cả những đối tác của trí thức, kể cả những người chủ, chính trị gia và nhà quản lý trong cả xã hội.
  • Phẩm cách quan trọng của người trí thức

    21/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện)Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chia sẻ với SVVN về tư cách của trí thức, và sứ mệnh của trí thức trong sự nghiệp đưa đất nước ngày một cường thịnh.
  • Năng lực sáng tạo: Làm sao để có

    16/06/2009Phan Đình DiệuNăng lực sáng tạo là vấn đề hưng vong của quốc gia, đất nước, nó cũng là vấn đề thành bại của mỗi tổ chức, doanh nghiệp; và cũng là vấn đề sống còn của mỗi cá nhân. Lợi ích chung và lợi ích riêng hòa hợp một cách hữu cơ trong cùng một nhiệm vụ là làm sao để nâng cao được năng lực sáng tạo chung đó?
  • "Có một người trí thức như thế!"

    25/05/2009GS Cao Huy ThuầnTại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức - một người trí thức như thế
  • Ông Võ Văn Kiệt tôn trọng chủ kiến của trí thức

    23/05/2009Vũ Quốc TuấnĐiều nổi bật trong Ông Võ Văn Kiệt là Ông thực sự tôn trọng trí thức, không chỉ trong suy nghĩ, trên lời nói mà trong thực tế đã mạnh dạn sử dụng, phát huy tài năng, trí tuệ của trí thức trong các tổ chức tư vấn độc lập cho lãnh đạo để đưa trí thức vào cuộc, gắn bó trực tiếp với lãnh đạo và cuộc sống.
  • Jean Francois Lyotard với thực tại luận và tri thức luận

    07/05/2009Trần Quang TháiMặc dù còn mang tính võ đoán và chưa thật sự thuyết phục khi đồng nhất các học thuyết triết học phổ quát với các đại tự sự, quy mọi tri thức về các phát ngôn ngôn ngữ, xoá nhoà ranh giới phân biệt có tính bản thể giữa khoa học với truyện kể, song có thể nói, J.F.Lyotard đã đưa ra những kiến giải mới về vấn đề tri thức và cách tiếp cận đối với thực tại trong hoàn cảnh xã hội hậu hiện đại.
  • Hành xử của trí thức dưới chế độ cũ

    05/05/2009GS - Nhà giáo nhân dân, Nguyễn Ngọc LanhChế độ phong kiến (và trước nữa) mọc lên từ nền văn minh nông nghiệp, trải hàng chục ngàn năm, nay đã hết vai trò lịch sử khi loài người chuyển sang nền văn minh công nghiệp dành cho một chế độ mới. Do quá trình tàn lụi kéo dài hàng thế kỷ, chế độ cũ vẫn để lại những tàn dư, biến tướng, kể cả trá hình, nhất là ở phương Đông. Đó là nơi chế độ phong kiến tồn tại quá lâu, hơn nữa nó bị lật đổ không phải bằng sự lớn mạnh của giai cấp tư sản, do vậy sự xoá bỏ khó mà triệt để - nhất là xoá bỏ nền kinh tế tiểu nông: nơi sản sinh và nuôi dưỡng ý thức hệ phong kiến.
  • Suy nghĩ về khái niệm trí thức

    14/04/2009GS - Nhà giáo nhân dân, Nguyễn Ngọc LanhCó nhiều định nghĩa trí thức, rất dễ tìm trên internet. Không chỉ nhiều, mà rất nhiều, cho thấy đến nay định nghĩa trí thức vẫn chưa thật định hình. Do vậy, khi bàn về trí thức thường người ta phải xác định khái niệm trước khi bàn tiếp. Nhiều nhà trí thức lớn cũng đưa định nghĩa của mình, trong đó có những định nghĩa mới chỉ nêu tính cách đặc trưng hơn là nêu bản chất.
  • Tư duy lại khoa học

    26/02/2009Tôi hy vọng rằng các ý tưởng và kiến giải đó sẽ tạo được những ấn tượng đậm nét trong suy tư của bất kỳ ai quan tâm đến tiền đồ phát triển của khoa học trong một giai đoạn bước ngoặt hiện nay, khi thực tế tự nhiên và xã hội - các đối tượng nhận thức của chúng ta - đã và đang bộc lộ rõ các đặc trưng phức tạp, hỗn độn và bất định của mình, mà tầm nhìn và năng lực nhận thức của chúng ta thì vẫn đang còn loay hoay nhiều trong vòng vây cố hữu của tư duy cơ giới với niềm tin vào các luật nhân quả giản đơn, tuyến tính, tất định trong một thế giới ổn định và tiên đoán được.
  • Bản lĩnh kẻ sĩ

    19/12/2008Mai LanKarl Marx đã coi trí thức là những người có đủ trí thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề xã hội. Và “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì họ đang hiện hữu”.
  • Nghĩ về người tri thức

    12/09/2008G.S Tương LaiTừ đòi hỏi phát triển của xã hội hiện đại mà hiểu sâu hơn cái logic của tư duy truyền thống khi đặt kẻ “ sĩ” đứng đầu trong thang bậc phận vị xã hội khi các cụ ta từng hiểu rõ “ phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”. Khi tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước đi vào chiều sâu, vấn đề tri thức và trí thức càng nổi rõ...
  • Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!

    01/09/2008Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nghị quyết TƯ 7 sau một tháng ban hành đang dần đi vào cuộc sống, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Đây được coi là một cơ hội để từ đó, có thể hình thành một tầng lớp trí thức với đầy đủ tính năng, phẩm chất của nó...
  • G.S Phan Đình Diệu: “Đừng vội nói chuyện đãi ngộ trí thức thấp, cao!”

    10/07/2008Thanh Phách thực hiệnTrao đổi về Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 7, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng, một khi chưa có quan niệm đúng đắn về trí thức và một cơ chế để tạo môi trường cho người trí thức phát huy hết năng lực thì rất khó bàn đến chuyện đãi ngộ thế nào là xứng đáng với những đóng góp của họ...
  • Trí thức Việt Nam

    19/05/2008GS Vũ KhiêuGS Vũ Khiêu day dứt, làm thế nào để ngày nay, trí thức Việt Nam có thể nhanh chóng vươn lên đỉnh cao của trí tuệ, đề ra được những kiến giải mầu nhiệm nhất cho mọi vấn đề lớn nhỏ, thực hiện được những hoài bão chung của cả dân tộc trên con đường tiến lên của đất nước...
  • Bàn thêm về cấu trúc của tri thức khoa học

    08/05/2007Trần Hồng LưuHầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận tri thức khoa học bao gồm trithức: kinh nghiệm và tri thứclý luận.Trong đó tri thức kinh nghiệmlà trình độ thấp,còn tri thức lý luậnlà trình độ caocủa tri thức khoa học.
  • Nhân tài và sử dụng nhân tài

    18/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrước khi bàn về việc làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, cần xem xét lại quan niệm về nhân tài...
  • Trí thức Việt Nam thời toàn cầu hóa: Tư duy, kỳ vọng và trách nhiệm

    01/01/2007Trần Hữu DũngNgười trí thức phải mạnh dạn hướng dẫn và gạn lọc (qua thuyết phục) các trào lưu văn hóa đại chúng. Song, cần nhấn mạnh, sự “hướng dẫn” này phải được vạch ra từ góc nhìn toàn cầu của chính người trí thức. Nó phải xuất phát từ một trình độ lý luận cao, đượm tính nhân bản, tôn trọng dị biệt. Nó không thể là một “phản xạ” có tính giáo điều, hoặc mù quáng bảo lưu những tư duy lỗi thời, không còn thích hợp với thế giới mới...
  • Kinh tế tri thức - xét từ giác độ lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

    08/10/2006Phạm Ngọc QuangCùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự phát triển của cách mạng công nghiệp, cách mạng khoa học-kỹ thuật rồi của cách mạng khoa học-công nghệ, cũng như để sử dụng có hiệu quả những thành tựu do các cuộc cách mạng đó mang lại, năng lực trí tuệ của người lao động không ngừng được nâng cao, phần giá trị do lao động trí tuệ của họ tạo ra trong quá trình sản xuất và được kết tinh ở sản phẩm ngày càng tăng...
  • Luận bàn về Tri thức

    26/07/2006Châu Hồng LĩnhKhi luận bàn về một sự vật hay hiện tượng, trước hết chúng ta phải xác định một định nghĩa cho nó. Vậy Tri thức là gì ? "Tri thức" có vai trò như là một từ của một ngôn ngữ, đồng thời, "Tri thức" cũng có vai trò là sự diễn tả nguồn gốc, sự phát triển và các mối quan hệ của các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ.
  • Xuân thu nhã tập bàn về người trí thức

    04/06/2006GS. Nguyễn Đình ChúTôi muốn chúng ta chú ý nhiều đến bài viết bàn về “trí thức” của bộ ba tác giả: Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc. Riêng tôi, xin được nói ngay đấy là một luận văn xuất sắc, hiếm thấy trong việc bàn về trí thức. Bản luận văn đặt ra các câu hỏi: Trí thức là gì? Thế nào là kẻ trí thức? Làm sao tới được trí thức?
  • Tri thức về tri thức

    01/03/2006Phạm Khiêm ÍchVấn đề tri thức cũng lâu đời như chính con người. Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, con người không thể sống được nếu không có tri thức. Đúng như Francis Bacon nói, tri thức là sức mạnh, là quyền lực của con người. Và những bước tiến khổng lồ về tri thức chỉ có thể thực hiện được trong sự thử thách khắc nghiệt của thực tiễn và sự tự nhận thức lại rất nghiêm khắc của con người...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Về nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức

    20/12/2005Viễn Phố dịch từ tài liệu tiếng TrungBài viết nói về nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó vạch rõ nhân cách đó do nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức quyết định và thể hiện yêu cầu của nguyên tắc đó. Do vậy nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức phải vừa đề cao lý tính lại vừa thấm đượm tinh thần nhân văn.
  • Thế nào là người trí thức?

    13/12/2005Paul Alexandre Baran (Phạm Trọng Luật dịch)Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động với trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ «trí thức».
  • Trí thức và chất lượng cuộc sống...

    12/12/2005Đặng Lam SơnCó người nói rằng: "Trí thức ở nước ta những năm gần đây chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của mình". Điều đó là đúng, nhưng...
  • xem toàn bộ