Quan niệm về trí thức và vị trí của trí thức với sự phát triển xã hội
08:52 SA @ Thứ Hai - 03 Tháng Tám, 2009
Đất nước đang tiến vào tương lai trong thời đại loài người tăng tốc chia sẻ nguồn tài nguyên tri thức bằng sự phát triển vũ bão của CNTT, truyền thông, thế giới Internet kỳ diệu. Quốc gia nào cũng khao khát làm chủ nền kinh tế tri thức mới. Vai trò và trách nhiệm của trí thức ngày càng trở nên quan trọng, thúc bách.
Chungta.comxin trân trọng giới thiệu chủ điểm về Người Trí Thức, tổng hợp lại các bài nghiên cứu hoặc tranh luận nhằm tạo ra một góc nhìn đa diện, nhiều chiều về chân dung người trí thức nói chung và vai trò, vị trí của họ đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc.
Sự hình thành tầng lớp trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX
Bước sang đầu thế kỷ XX, toàn thể dân tộc Việt Nam phải đối mặt những biến động dữ dội chưa từng có trong lịch sử. Giống như con trai ngoài bể Đông, xót lòng mà phôi thai thành ngọc quý, một thế hệ tinh hoa đã hình thành trong nỗi đau của dân tộc và thắp lên ngọn lửa Duy tân - Khai sáng, góp phần soi đường cho cả dân tộc trong gần nửa thế kỷ đấu tranh khổ nhục mà vĩ đại này...
Họ là những người đứng ở bản lề lịch sử, trưởng thành trong phút giao thời. Họ vừa ra sức chắt lọc và lưu giữ những tinh hoa của nền cựu học huy hoàng tồn tại hàng nghìn năm trong đời sống tinh thần dân tộc, vừa hồ hởi mở lòng đón nhận ngọn gió văn minh từ phương Tây tràn tới. Kết quả của cuộc giao thoa Đông-Tây, tân-cựu, cùng với lòng yêu nước nồng nàn và sâu sắc, đã tạo ra những người khổng lồ về cả tầm vóc trí tuệ, tư tưởng, lẫn sức mạnh khí phách, tâm hồn.