Tri thức về tri thức
Vấn đề tri thức cũng lâu đời như chính con người. Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, con người không thể sống được nếu không có tri thức. Đúng như Francis Bacon nói, tri thức là sức mạnh, là quyền lực của con người. Và những bước tiến khổng lồ về tri thức chỉ có thể thực hiện được trong sự thử thách khắc nghiệt của thực tiễn và sự tự nhận thức lại rất nghiêm khắc của con người.
Edgar Morin viết: "Phải chăng chúng ta cần biết rằng kỷ nguyên Ánh sáng của chúng ta là ở trong đêm tối và sương mù? Phải chăng cần đặt lại thành vấn đề tất cả những gì chúng ta coi là hiển nhiên và phải xem xét lại tất cả những gì làm cơ sở cho những chân lý của chúng ta? Chúng ta có một nhu cầu sống còn là xác định, suy nghĩ và tự tra vấn lại tri thức của chúng ta, nghĩa là biết những điều kiện, những khả năng và giới hạn của những năng lực đạt tới chân lý mà tri thức nhằm tới… Sự tìm tòi chân lý từ nay gắn liền với sư tìm tòi về khả năng đạt tới chân lý. Do đó, nó mang theo sự cần thiết phải tìm hiểu về bản chất của tri thức để xem xét giá trị của tri thức".
Nghiên cứu về tri thức như vậy không phải là lĩnh vực đặc quyền của các nhà triết học, càng không thể theo con đường mòn dễ dãi quen thuộc. Rất cần phải đổi mới căn bản việc nghiên cứu tri thức, phát triển tri thức luận mới - tri thức luận phức hợp (épistémologie complexe). Đó là "một nhiệm vụ lịch sử” đối với mỗi người và đối với tất cả mọi người.
Thực hiện nhiệm vụ lịch sử này, ông đã tiến hành nghiên cứu cơ bản và hệ thống về tri thức trong sách "Phương pháp " (La Méthode) gồm 5 tập, lần lượt được xuất bản trong suốt 1/4 thế kỷ. Dựa trên những thành tựu mới của nhiều ngành khoa học, tác giả đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới trong tri thức vật lý và vật lý học về tri thức (Phương pháp 1: Tự nhiên về tự nhiên hay bản tính của tự nhiên - La Nature de la Nature, năm 1977), tri thức sinh học và sinh học về tri thức (Phương pháp 2: Sự sống về sự sống - La Vie de la Vie, năm 1980), nhân học về tri thức (Phương pháp 3: Tri thức về tri thức – La Connaissance de la Connaissance, năm 1986), xã hội học và sinh thái học về tri thức (Phương pháp 4: Tư tưởng - Les ldées, năm 1991) và liên kết tri thức, suy nghĩ về tính phức hợp của nhân loại (Phương pháp 5: hân loại về nân loại - L'Huanité de I’Humanité, năm 2001). Cách tiếp cận mới mẻ và độc đáo của Edgar Morin về tri thức thể hiện nổi bật ở cuốn Phương pháp 3 “tri thức về tri thức", trong đó ông chủ trương "tổ chức lại tri thức luận" (réorganisation épistémologique), xây dựng tri thức luận phức hợp.
Sở dĩ phải "tổ chức lại tri thức luận" , tiến hành "một cuộc cách mạng trong việc tổ chức tri thức" là vì chính "sự tổ chức tri thức trong nền văn hoá của chúng ta" ngày càng tỏ ra bất cập và sai lệch nghiêm trọng. Sự gia tăng theo cấp số nhân của những tri thức tách rời trong các bộ môn khép kín không biết đến tính liên ngành đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa và thiếu tri thức - thừa những tri thức cắt xén, vụn mảnh, thiếu những tri thức phức hợp (connaissance complexe).
Các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt của Edgar Morin: - Trái đất – Tổ quốc chung, NXB Khoa học xã hội, 2002. |
Để tổ chức lại tri thức luận, trước hết phải xác định tri thức luận là lĩnh vực "giáp ranh" giữa triết học và khoa học , mà chỉ riêng triết học hay riêng khoa học không thể hiểu được tri thức. Triết học và khoa học có thể được quan niệm một cách quy ước như là hai cực đối lập của tư duy. Triết học thiên về suy nghĩ và tư biện, khoa học thiên về quan sát và thực nghiệm. Cần thực hiện "một sự giao lưu vòng tròn", sự phản xạ thường xuyên của khoa học và triết học theo quan điểm tư duy phức hợp trong việc xây dựng "một tri thức bậc hai về tri thức". Khi đó tri thức về tri thức, hay tri thức luận phức hợp sẽ trở thành khoa học 100%, do đối tượng hoá đến mức tối đa tất cả các hiện tượng nhận thức, đồng thời vẫn có thể và phải là triết học 100%.
Điểm xuất phát của tri thức luận phức hợp là tri thức trong tính đa dạng và nhiều chiều của nó. "Tri thức vừa là hoạt động (nhận thức-cognition) vừa là sản phẩm của hoạt động ấy". Khả năng và hoạt động nhận thức của con người cần có một bộ máy nhận thức, tức là bộ não. Não người là "một cỗ máy siêu phức hợp", hoàn toàn mang tính chất vật lý - hóa học trong những tương tác của nó, hoàn toàn sinh học trong tổ chức của nó, hoàn toàn con người trong những hành động, suy nghĩ và có ý thức của nó. Do vậy tri thức là một hiện tượng nhiều chiều, theo nghĩa cùng một lúc nó là vật lý, sinh học, não, tinh thần, tâm lý, văn hoá, xã hội, không tách rời nhau.
Nhiệm vụ trung tâm của tri thức luận phức hợp là tìm tòi xây đựng một phương pháp nhằm tới tư duy ít bị cắt xén nhất để đối thoại với thực tại.
Ngay từ đầu, khi bắt tay xây dựng bộ sách có tên chung là "Phương pháp", Edgar Morin đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu một phương pháp nhằm nối lại những cái bị phân cách và liên kết những gì bị tách biệt" (Phương pháp 1, 1977, tr. 5). Đến Phương pháp 3 này ông khăng định: "Phương pháp hướng dẫn chúng tôi để xây dựng tri thức luận phức hợp cũng chính là phương pháp do tri thức luận phức hợp đưa lại”. Nói cách khác "tính phức hợp không phải chi là vấn đề đối tượng của tri thức, nó còn là vận đề phương pháp nhận thức cần thiết cho đối tượng ấy". Cùng với việc vạch rõ tình trạng bất cập trong các nguyên lý của khoa học cổ điển (nguyên lý trật tự của quyết định luận phổ quát, nguyên lý phân cách, nguyên lý quy giản, nguyên lý logic diễn dịch - quy nạp - đồng nhất, bao gồm cả nguyên lý nhân quả tuyến tính) , tác giả nêu lên 3 nguyên lý của tư duy phức hợp. Đó là nguyên lý đối hợp logic, nguyên lý hồi quy và nguyên lý toàn ảnh, hay toàn hình (principe dialogique, principe récursif, pnncipe hologrammatique - xem chú thích tr.42 và tr. 85 -192). Nếu tri thức luận phức hợp hình thành thì đó sẽ là "một cuộc cách mạng siêu Copernic" hay còn gọi là "cách mạng kiểu Hubble trong tri thức luận". (Theo Edwin Powell Hubble - nhà thiên văn học Mỹ (1889 - 1953) vũ trụ không có trung tâm. Tri thức luận phức hợp không có nền tảng, cấu trúc của nó không theo thứ bậc, mà là một hệ thống theo kiểu mạng) . Khoa học đương đại với những khám phá mới không phục tùng các nguyên tắc trí tuệ cũ nữa. Cách đây 120 năm (năm 1886) F. Engels nói rằng: "Mỗi lần có một phát minh mang ý nghĩa thời đại ngay cả trong lĩnh vực lịch sử - khoa học tự nhiên thì chủ nghĩa duy vật lại không tránh khỏi thay đổi hình thức của nó..." (Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 21, tr.409). Bất chấp những phát minh khoa học vĩ đại trong 120 năm qua, CNDV mà Engels nói tới vẫn lạc lõng ở bên ngoài (bên trên khoa học), làm vật cản đáng sợ cho mọi sự đổi mới và sáng tạo. Cuộc cách mạng kiểu mới trong tri thức luận sẽ thay đổi căn bản việc tổ chức tri thức, nâng cao năng lực trí tuệ của con người trong việc giải quyết những vấn đề phức hợp mà nhân loại đang phải đối mặt.
Công trình khoa học tiêu biểu này của Edgar Morin là một cuốn sách hay, rất cần cho sự hiểu biết về tri thức và tư duy hiện đại.
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Phật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonBản giao hưởng dở dang
28/02/2006Về giá trị và giá trị Châu Á
22/02/2006Hồ Sĩ Quý