Nghĩ về người tri thức
Trí thức là câu chuyện muôn thửa “ Nhân bất học bất tri lý”, lời răn của Khổng Tử mấy nghìn năm trước vẫn còn mang tính cập nhật khi mà chúng ta hôm nay đang mong muốn xây dựng một “ xã hội độc lập”. Từ đòi hỏi phát triển của xã hội hiện đại mà hiểu sâu hơn cái logic của tư duy truyền thống khi đặt kẻ “ sĩ” đứng đầu trong thang bậc phận vị xã hội khi các cụ ta từng hiểu rõ “ phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”. Khi tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước đi vào chiều sâu, vấn đề tri thức và trí thức càng nổi rõ vai trò không thể thay thế ( tri và trí trong chữ Hán cùng một cách viết). Chẳng thế mà Hội nghị Trung Ương lần thứ VII khẳng định : “ Trong thời đại ngày nay, tri thức càng giữ vai trò với sự phát triển cúa mỗi quốc gia, dân tộc”.
Vốn là một nước có truyền thống văn hiến lâu đời, trí thức luôn chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong sự phát triển xã hội, họ là tầng lớp có tác động trực tiếp đến sự hưng vong, thành bại của một triều đại, một chế độ. Lịch sử nước ta chứng minh rất rõ điều đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự thật lịch sử cũng được trình bày khách quan và trung thực . Khí phách và bản lĩnh của ba anh em Thái sử công nước Tề, tuy được ca ngợi và truyền tụng, song không mấy người theo nổi. Cho nên , sự thật lịch sử có lúc bị bẻ queo một cách oan uổng. vào những thời điểm như vậy, vai trò của trí thức và thân phận của họ phải chịu những ngang trái khó kể xiết.
Đúc kết quy luật bi thảm đó, Nguyễn Trãi mượn lời của Tô Đông Pha để cảnh báo với hậu thế: “ Cổ lai thức tự đa ưu hoạn. Người có học từ xưa tới nay hay găp nhiều hoạn nạn”. Mấy trăm năm sau, đại thi hào Nguyễn Du cũng tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên”. Rồi “ Uy viễn tướng công” Nguyễn Công Trứ, tác giả của “ Luận kẻ sĩ” thì đã từng năm lần bị cách chức, giáng chức, có lần lĩnh án ‘ trảm giam hậu”, có lần bị cách tuột làm lính trơn. Năm 70 tuổi ông về hưu với hai bàn tay trắng. Trước khi mất đã lập nốt di chúc để lại, từ chối mọi lễ nghi của triều đình, quan tước, dặn chôn ngay nơi huyệt đã đào sẵn dưới chõng tre, dựng cho mình một tấm bia không chữ, trồng bên mộ một cây thông. Nỗi bi phẫn chỉ muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo đâu chỉ là nỗi bi phẫn của một Nguyễn Công Trứ. Cũng chẳng phải chỉ một Nguyễn Du phải “ bạc đầu bi phẫn ngước nhìn trời xanh. Một Trần Đức Thảo cũng đủ cho bài học đau đớn. Cái giá phải trả cho người trí thức “ muốn là mình”, “ được là mình” là như vậy. Nhưng vẻ đẹp của người tri thức, nét đáng kính của người tri thức, bản lĩnh tri thức của họ cũng được thể hiện ở chính chỗ đó. Quả thật để là người trí thức đích thực không dễ chút nào.
Chẳng thế mà trước đây, Cao Bá Quát đã từng chia trí thức ra mà ba loại, ứng với ba loài chim. Loại thứ nhất là hồng hộc bay giữa trời xanh. Loại thứ hai là hạc đen ẩn mình bên sườn núi. Loại thứ ba là hoàng yến luẩn quẩn ở chốn lâu đài của kẻ quyền quý. Khỏi phải nói ocn người “ nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, cả đời chỉ biết bái tạ cành hoa mai như Cao Bá Quát thích loại chim nào và khinh loại nào.
Hãy chỉ nói đến hình ảnh thảm hại của con sáo, một loại chim không được nhắc đến trong bảng sếp hạng kia “ chỉ vì để có thể nói được tiếng người mà đến nỗi chịu cụt mất đầu lưỡi” mà ông kể ra nhằm để khuyên răn “ kẻ sĩ – người trí thức” chớ vì “ áo mũ xênh xang” mà đánh mất mình. Lời khuyên ấy đã tạc vào lịch sử một cách thế ứng xử cần có của người tri thức,
“ Kẻ sĩ - người trí thức" mà không nói được tiếng nói của chính mình, không được bày tỏ chính kiến, không nghĩ được điều mình muốn nghĩ , thì suy cho cùng có khác gì con chim sáo bị cụt mất đầu lưỡi! Nhưng làm con hồng hộc bay giữa trời xanh quả là khó lắm, còn chọn được cách thế của con hạc đen ẩn mình bên sườn núi thì cũng đâu có dễ. Thì đó, hành xử được như Chu Văn An đã mấy ai làm được. Trong lịch sử đã vậy, nay xem ra còn hiếm hơn! Giữa triều đình dám dâng “ thất trảm sớ” đòi chém bảy tên gian thần, rồi lui về quê dạy học, bản lĩnh ấy, “ bản lĩnh trí thức”, hạo khí dĩ bằng thiên địa bạch, cao phong di đối thủy sơn trường, trời đất soi chung vầng hào khí, nước non còn mãi nếp cao phong. Chẳng thế mà 400 năm sau, nhà Bác học Lê Quý Đôn, trong “ Kiến văn tiểu lục” khi viết về Chu Văn An đã bình rằng: “ đấy là bậc thanh cao nhất”.
Người trí thứ phải noi theo các khí phách thanh cao ấy thì mới đáng gọi là trí thức. Xưa đã như thế, nay lại càng phải như thế.
Vậy thì thế nào là người trí thức?
Trong “Luận kẻ sĩ”, Nguyễn Công Trứ người đã từng bi phẫn “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo” cũng chính là người từng hào hùng khẳng định “Có giang san thời sĩ đã có tên”, kẻ sĩ – người trí thức phải làm cho “bách thế lưu phương”. Mà quả thật, ông đã làm được như vậy: là danh tướng cầm quân dẹp cường khấu ở Lạng Sơn, bắt Phiên tặc ở thành Trấn Tây, trừ tặc ở ngoài Đông Hải, là người chỉ huy công cuộc lấn biển mở đất ở Kim Sơn, Tiền Hải, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương vùng châu thổ song Hồng, rồi khơi dòng Mê Kong ở Long Xuyên vùng Đồng Bằng sông Cửu Long… Tại chốn quyền lực cao nhất, lại là người dám “lấy chính đạo” để chống tham nhũng giữa triều đình. Về thơ văn, con người ấy cũng chiếm riêng một góc độc đáo trong lịch sử văn hóa nước nhà.
Với tám mươi tuổi đời, tuyên ngôn của ông “Trong vũ trụ đã đành phận sự, Phải có danh mà đối với núi sông” đã được sự nghiệp của ông chứng minh. Đương nhiên phải hiểu chữ “danh” ông nói đây theo nghĩa rộng, vượt khỏi “vòng danh lợi” hạn hẹp và có khi thấp kém, mà “danh” là sự nghiệp làm nên sử sách, là sự cống hiến cho giang sơn Tổ quốc. Cái “danh” ấy được khởi nguồn từ một ý tưởng cao cả: “Vũ trụ chi gian giai phận sự”, xem việc trong trời đất là phận sự của mình.
Ý tưởng của “kẻ sĩ” Việt Nam thế kỉ XIX bắt gặp quan điểm của J.P Sartre, triết gia người Pháp thế kỷ XX: “trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ, (s’occupe de ce qui ne le regarde’pas). Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không pahir là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức”. Phải chăng đây cũng là một cách diễn đạt cái ý vũ trụ chi gian giai phận sự?
Nhắc lại chuyện cổ kim Đông Tây chẳng qua cũng chỉ nhằm nói lên một điều: sự hưng vong của một triều đại, một chế độ, tùy thuộc vào việc có chiêu tập, quy tụ được anh tài, coi trọng trí thức hay làm phân ly, thất tán đi. Làm được việc đó không dễ. Người đời hay nhắc đến hình ảnh nhà triết học cổ đại Diogenes đốt đuốc đi giữa ban ngày. Hỏi tại sao , trả lời: “ để đi tìm một người công chính”. Muốn tìm người công chính đâu có dễ, phải cần đến một bản lĩnh như Diogenes : Khi Alexander đại đế hỏi ông : Có việc gì mà người cai trị toàn thế giới này có thể làm cho ông không ? Diogenes trả lời : “ Vâng xin ông đứng tránh qua một bên, để ánh mặt trời không bị che khuất”! Người đời kể rằng, Alexander đã có ấn tượng mạnh trước thái độ của nhà triết học đã thốt lên rằng: Nếu ta không là Alexander, ta ước gì mình là Diogenes”.
Sự ngạo ngược cố tình của nhà triết học cổ đại ấy chẳng qua cũng chỉ là cách phản ứng quyết liệt với quyền uy đang đè nặng lên cuộc sống tinh thần của xã hội, trái với nguyên lý tuân thủ của thành Athens. Hiểu được giá trị của mình, giữ mình trung chính, tự tôn tự trọng, đó là đặc điểm nổi bật của người công chính. Có được một ứng xử kiểu Diogenes gần một trăm năm ở Phương Đông, Mạnh Tử cũng có ứng xử tương tự, với một quan điểm rất rành mạch: ‘ Họ cậy tước của họ, ta cậy đức của ta. Ta có gì thua kém họ ?”. Hoàn toàn dễ hiểu khi người ta cho rằng người trí thức chân chính phải là người công chính mà Diogenes đốt đuốc giữa ban ngày để tìm! Đông – Tây, kim – cổ thức chân chính đều cùng gặp nhau trong cách ứng xử với cuộc đời, với xã hội, với tầng lớp cầm quyền.
Thật ra thì có nhiều cách diễn đạt sứ mệnh của người trí thức đích thực, chẳng hạn như các nhà dịch giả trí thức. Cao Xuân Hạ vừa quá cố năm ngoái hỏi: “ Mỗi người trong chúng ta phải có đủ nhiệt huyết để dám tự thiêu hủy trong đấu tranh thì Chân mới thắng được Ngụy, Thiện mới thắng được Ác” cũng là một cách nói đến một phẩm tính nổi bật của người tri thức. Từ nhận thức đó mà ông yêu cầu phải sửa lại cách dịch của câu thơ Nadim Hikmet cho đúng với tinh thần của nó:
Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao?
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?
Ánh sáng trí tuệ từ khối óc và trái tim trí thức của người chân chính, nói như Sarthe “ Người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội”, sẽ góp phần xua tan bóng tối đè nặng lên cuộc sống , góp phần vực con người đứng dậy, đi về phía trước. Chính vì thế có người nhấn mạnh rằng, trí thức là người truyền bá tư tưởng. Tư tưởng đó có thể là của chính họ, hay là các ý tưởng của những người khác mà họ tâm đắc, coi là của chính mình. Phải truyền bá tư tưởng vì một khi tư tưởng thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành sức mạnh vật chất.
Cho nên, một người có bằng cấp cao chưa hẳn đã là một trí thức nếu ông ta không gắn kết công việc chuyên môn của ông với vận mệnh đất nước , ông không quan tâm gì đến số phận của nhân dân mình mà chỉ biết có sự nghiệp riêng mình, chăm chút cho tổ ấm gia đình mình. Lại không thiếu những người thức thời, song chán nản trước thời cuộc, “ mũ ni che tai”, thì cũng không phải là người trí thứ theo nghĩa chân chính của nó. Chính vì vậy, dựa vào ý của C.Mác, người ta đã đưa ra một cách định nghĩa khác về người tri thức : “ Trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”.
Theo logic đó thì không thể đào tạo trí thức theo kiểu mở lớp huấn luyện rồi phát bằng được ! Cái cách căn cư vào bằng cấp theo lối “ chuẩn hóa” cán bộ để nói về người tri thức đã phải trả giá cho việc mua bằng, bán điểm để đẻ ra hàng loạt những trí thức rởm, những tiến sĩ giấy làm tối loạn hệ thống giá trị xã hội.
Chạy theo cái giả, khước từ cái thật, căn bệnh nguy hiểm này khởi nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp khá mà trong phạm vi bài viết câu chuyện trí thức khó để nói kĩ. Chỉ xin lưu ý rằng, “ trí thức rởm”, “ tiến sĩ giấy” mà lại được trọng dụng thì hệ lụy của nó khó mà lường trước được. Mua phải hàng giả thì tốn tiền, song có thể phát hiện nhanh chóng và vứt bỏ, ăn phải của giả thì nguy hiểm hơn một chút nhưng rồi có thể tìm cách mà tẩy độc. Nhưng dùng trí thức rởm, tiến sĩ đi mua hay di chạy mà thì có nguy hại phải nhân lên cấp số nhân! Chẳng những thế, khi vướng phải tình huống “ nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào”, trót đã đặt họ vào những ghế theo một quy trình chặt chẽ, thì muốn chuyển họ ra khỏi cái ghế ấy thì “ quy trình” cũng lại phải chặt chẽ không kém. Mà đáng lo ngại còn ở chỗ, của giả thì dễ kiếm, trí thức thật lại khó tìm. Vì người trí thức thật lại không chịu bán rao! Điều này thì “ Chiếu cầu hiền” của Lê Thái Tổ từng nói đến: “ Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa giúp đỡ được người hiền tài giúp đỡ trị nước . Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối người tài không chỉ có một phương. Nếu ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế, nhưng phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì làm sao mà trẫm biết được ? Khi chiếu này ban ra , các quan hãy đem hết lòng thành, lo tiến cử. Còn như kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, vì trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”.
Phải tầm cỡ văn tài và đức độ của Nguyễn Trãi mới soạn nổi tờ chiếu đó. Dự phòng phải tránh chuyện “ đem ngọc bán rao” là để chạm được đến chỗ sâu kín trong tâm lý tự trọng của “ kẻ sĩ” phải là sự uyên bác của nhà văn hóa lớn đi liền với sự trải nghiệm sâu sắc của nhà chính trị lớn. Hiểu được điều đó, có được đức độ đó cho nên , ngay khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước , chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha kêu gọi: “ Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Phải có cái tâm vì nước vì dân và cái tầm nhìn của nhà lãnh đạo biết rõ ngọn nguồn sức mạnh của mình được dồn góp và chưng cất từ trí tuệ và khát vọng của quần chúng nhân dân mới dám nhận lấy cái lỗi nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân.
Phải chăng vì thế, tuy biết rất rõ sự nghiệp đất nước rất cần tri thức, song không ít những người cầm quyền thiếu bản lĩnh đã không dám hoặc không thích dùng những trí thức, “ người nói sự thật và phê bình không nhân nhượng” ấy. Vì vậy, trong việc “ xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức hiện có, vừa xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020” mà hội nghị TW kỳ này bản thảo, nên chăng cần lưu ý vấn đề xây dựng bản lĩnh cần thiết để mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm lực trí thức, trong đó có việc dám nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và trung thực của những trí thức chân chính.
Những ý kiến trung thực sở dĩ được xem là tâm huyết của người tri thức chân chính, vì đó là những ý kiến xuất phát từ động cơ không vụ lợi, không vụ danh mà chỉ vì muốn đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước , xem việc đóng góp đó là sứ mệnh của người tri thức, xem “ Vũ trụ chi gian giai phận sự, Nam nhi đáo thử vị hào hùng” việc trong đời đất là phận sự của mình, làm trai đến thế mới tài giỏi như “ Luận kẻ sĩ” đã chỉ ra. Đương nhiên, “nữ nhi" cũng phải thế!
Chính vì thiếu một bản lĩnh cần thiết để mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm lực trí thức, trong đó, có việc không dám lắng nghe và những ý kiến đóng góp tâm huyết và trung thực của của những tri thức chân chính cho nên đã hạn chế rất lớn sự đóng góp của trí thức.
Đãi ngộ trí thức cũng là điều cần, vì xét đến cùng, sự đãi ngộ đó là vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân, vì sự đãi ngộ xứng đáng là một cách tỏ rõ thái độ trân trọng trí thức của nhà cầm quyền, của xã hội, điều đó sẽ động viên người trí thức cống hiến hết mình. Tuy nhiên, với người trí thức chân chính thì sự “ đãi ngộ” mà họ cần nhất là tạo một môi trường tự do suy nghĩ sáng tạo, tạo điều kiện để trình bày những suy nghĩ đó, để tranh luận nhằm đi đến chân lý, từ đó mà những ý tưởng đúng được thực hành, chân lý được sáng tỏ, góp được vào đường lối chính sách, đưa sự nghiệp phát triển đất nước đi tới. Đó chính là sự tôn trọng sự độc lập tư duy, tự do trong suy nghĩ và tranh luận, dân chủ và công bằng trong thảo luận, cổ vũ cho sự tìm tòi sáng tạo mà không khuôn cứng vào những kết luận đã có sẵn từ bên trên, nghiêm chỉnh thực hiện những điều luật đã được ghi trong Hiến pháp về tự do ngôn luận, xuất bản và báo chí.
Xưa nay, kẻ sĩ có thực tài và biết tự trọng thường chọn cách ứng xứ “ dụng chi tắc hành, xả chi tắc vàng” ( được dùng thì ra làm việc, không được dùng thì lui về) thể hiện một quan niệm sống, một thái độ sống. Quyết định chuyện “ xuất” và “ xử” của “ kẻ sĩ” gắn liền với thời cuộc, “ thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn”, có đạo thì ra , vô đạo thì ẩn. Bởi lẽ gặp lúc nước hữu đạo mà nghèo và hèn là đáng thẹn, gặp lúc nước vô đạo mà giàu sang là đáng thẹn”. Hữu đạo và vô đạo nói ở đây có nội hàm khá rộng.
Song trực tiếp nhất và cập nhật trong bối cảnh hiện đại chính là cái tâm của người lãnh đạo có thật lòng và trọng dụng hiền tài, trọng dụng trí thức không . Vả chăng, “ đường lối tìm người tài không chỉ có một phương”. Sức nam châm có lực hút hiền tài, trí thức là độ rộng mơ của dân chủ và công khai trong việc tạo ra môi trường để cho những tài năng thật sự có thể phát huy trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Vì thế, thật chí lý và đáng mừng khi người đứng đầu Chính Phủ trong cuộc chao đổi trực tuyến với nhân dân đã khẳng định rằng “ phải thật sự công tâm , khách quan và đặc biệt là phải thật sự dân chủ, hay chỉ dân chủ, vì không dân chủ, hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài”. Thật không dễ để thấy ra được: “ Có cạnh tranh, có cơ chế thị trường thật sự thì mới xem xét được ai là người tài. Người tài không chỉ thê hiện ở bằng cấp hay ở lời nói, mà quan trọng là ở việc làm”.
Thế kỉ XXI là thế kỉ của sự khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não. Khi mà con người bắt đầu thổi hồn vào những vật vô tri vô giác gồm những thanh nhỏ của trí tuệ, liên kết chúng lại thành một sân chơi toàn cầu và nối kết trí tuệ của họ thành một hệ thống, thì cái sẽ xảy ra? Đây là sự kiện lớn nhất, phức tạp nhất và kỳ lạ nhất trái đất.
Với việc đan dệt những sợi dây trí tuệ từ kính và sóng radio, loài người bắt đầu nối kết tất cả các khu vực, tất cả các quá trình, tất cả các khái niệm thành một hệ thống khổng lồ. Từ nền tảng mạng lưới trí tuệ phôi thai đó đã ra đời một nền tảng hợp tác mới cho nền văn minh mới. Trong đó, vai trò quyết định của người tri thức, bất chấp mọi thiển cận và hạn hẹp, càng được khẳng định.
Đặc điểm mang ý nghĩa thời đại đó quy định vai trò quyết định của trí thức đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005