Xã hội tri thức và vài suy nghĩ về con đường hội nhập
Tóm tắt
Sinh thời, Norbert Wiener, cha đẻ của Điều khiển học (Cybernetics) đã dự báo: "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó".
Quả thực, mấy chục năm qua, dưới tác động của những tiến bộ vũ bão của khoa học và công nghệ, mà nổi bật là công nghệ thông tin, môi trường kinh tế và xã hội đã có những biến đổi căn bản, đang chuyển biến tới một môi trường về cơ bản là mới của nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Con người tạo ra môi trường đó; nhưng rồi đến lượt mình, chính sự phát triển khách quan của môi trường đó, với tất cả tính phức tạp, bất định và thường xuyên biến động của mình, lại đòi hỏi con người phải tự biến đổi để có thêm nhiều tri thức mới, nhiều năng lực trí tuệ mới khác về chất so với các năng lực cũ, nhằm giúp mình thích nghi với môi trường mới, có khả năng hành động linh hoạt trong cái phức tạp, bất định và thường xuyên biến động đó của môi trường mới. Công nghệ thông tin đang tích cực thúc đẩy hoạt động tri thức trong mọi lĩnh vực, hỗ trợ đắc lực cho con người phát huy tiềm năng trí tuệ để tồn tại và phát triển trong môi trường mới đó.
Trong bài báo cáo, tác giả sẽ trình bày một số nhận thức khoa học về những chuyển biến nói trên, và nêu một vài suy nghĩ về việc tìm kiếm con đường hội nhập của chúng ta từ thực trạng hiện nay vào xu thế chuyển biến chung của thế giới đến một nền kinh tế và xã hội tri thức khi bước sang thế kỷ mới.
I. Môi trường đang thay đổi nhanh chóng
Sự ra đời của máy tính điện tử cùng với việc xuất hiện các khoa học về thông tin, điều khiển, hệ thống,... vào những năm giữa thế kỷ này là những mầm mống báo hiệu cho một kỹ nguyên phát triển mới của xã hội loài người, như Norbert Wiener đã dự báo "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ...". Nhưng, "biến đổi môi trường đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó" thì là một dự báo mà đương thời ít ai tính đến. Những biến đổi trong môi trường kinh tế, xã hội trên thế giới trong mấy chục năm qua, đặc biệt trong thập niên cuối cùng của thế kỷ này, đã xảy ra càng lúc vàng nhanh chóng, dồn dập, càng lúc càng đầy tính bất ngờ và không lường trước được.
Ngay trong lĩnh vực máy tính, thực tế phát triển đã nhanh chóng vượt xa mọi dự đoán của các chuyên gia có thẩm quyền: năm 1943, Thomas Watson, chủ tịch IBM, dự đoán sẽ có một thị trường thế giới với khoảng dăm bảy máy tính; năm 1949, máy tính "trong tương lai" được dự đoán sẽ còn nặng khoảng 1 tấn rưỡi' năm 1977, Ken Olson, chủ tịch và là người sáng lập DEC, còn nói "không có lý do gì để mỗi người phải có một máy tính ở nhà mình", Bill Gates vào năm 1981 còn phỏng đoán "640k là đủ cho mọi người". Và chính Bill Gates cũng thừa nhận là thực tế thay đổi nhanh hơn nhiều phỏng đoán, nhiều chuẩn mực, vì vậy, ngày nay trong công nghệ phần mềm, "chuẩn mực chính là sự thay đổi", liên tục thay đổi để cải tiến, để thích nghi với yêu cầu luôn thay đổi của thị trường.
Hai mươi năm trước, khi máy tính điện tử đã được sử dụng ngày càng nhiều vào các lĩnh vực kinh tế xã hội, thúc đẩy cuộc "cách mạng quản lý", người ta đã bắt đầu nói đến tin học hóa xã hội và một "xã hội thông tin" trong tương lai, nhưng những điều hình dung về tương lai đó còn mang tính dự phóng; vào thập niên 80 khi lần lượt các thế hệ máy vi tính ra đời, với tốc độ tăng năng lực theo luật Moore và với khả năng cung cấp cho thị trường mỗi năm hàng triệu, hàng chục triệu rồi hàng trăm triệu máy, thì hình thù của một cơ sở hạ tầng cho "xã hội thông tin" mới bắt đầu rõ nét. Và, bước chuyển biến có ý nghĩa quyết định nhất, thuyết phục nhất, khẳng định sự xuất hiện là sự phát triển bùng nổ của mạng Internet toàn cầu với những bước đi lừng lững vào sâu mọi ngõ ngạch của đời sống con người, bất chấp mọi rào ngăn và cản trở.
Mạng Internet, nối hàng trăm triệu máy tính của người dùng, có thể truy cập đến hàng triệu nguồn cung cấp thông tin trên khắp thế giới, không còn chỉ là một phương tiện kỹ thuật đơn thuần, mà đã trở thành một môi trường mới của mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa... có tác động rất lớn đến các chuyển biến nhanh chóng của đời sống con người trên khắp hành tinh chúng ta. Và đó mới chỉ là những bước đầu để khẳng định "xã hội thông tin" đã là một hiện thực. Con đường hoàn thiện nó, có những điều dự đoán được và vô số điều không dự đoán được, còn trải dài ở phía trước, hứa hẹn nhiều bất ngờ mới cho thế kỷ mà ta sắp bước vào.
Và vì thế, có lẽ không lấy làm lạ và vào thập niên cuối thế kỷ 20 này, trong bề bộn của những biến động chính trị và xã hội sâu sắc, những tăng trưởng thần kỳ xen lẫn những khủng hoảng của nhiều nền kinh tế, sự xuất hiện của thương mại điện tử, của xu thế toàn cầu hóa kinh tế, v.v... nổi bật lên những lời kêu gọi hấp dẫn về tương lai gần của một nền kinh tế tri thức, của một xã hội tri thức, không chỉ cho các nước giàu đã phát triển, mà là cho mọi quốc gia, những kêu gọi cùng với các khuyến nghị và cảnh báo từ các cơ quan quốc tế như Liên hiệp quốc, Ngân hàng thế giới.
Để đi đến những chuyển biến hiện nay, loài người đã trải qua những bước phát triển và những thử thách liên tục trong suốt con đường thế kỷ 20. Một thế kỷ của sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, của những thử thách đối với các hình thức tổ chức và quản lý xã hội, của các phát minh vĩ đại về khoa học và công nghệ, của những tiến triển trong nhận thức con người về kinh tế, xã hội và nhân văn... đã chuẩn bị cho bước chuyển biến hiện nay, được xác định là bước chuyển biến từ xã hội công nghiệp lên xã hội thông tin và tri thức. Có thể đối với một người sống trong các nước công nghiệp phát triển, từng trải nghiệm qua những chặng đường phát triển đó, thì việc chờ đón bước chuyển biến hiện nay là tự nhiên, nhưng đối với chúng ta, sống trong một nước còn chậm phát triển, chưa có điều kiện của sự trải nghiệm đó, thì những thuật ngữ như nền kinh tế thông tin, xã hội tri thức... còn là khá xa vời, và tất nhiên sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi dòng chảy của những điều "xa với" đó bỗng ập đến lôi cuốn chúng ta đòi hội nhập.
Vậy, thực chất của những biến đổi cơ bản về kinh tế xã hội là gì, vai trò của "tri thức" trong quá trình biến đổi đó đã có những chuyển biến như thế nào, và đã có những tiến triển gì trong nhận thức con người về những biến đổi đó, từ đó chúng ta cần chuẩn bị gì để có thể tự tin đi vào cuộc hội nhập vì sự phát triển của đất nước và dân tộc ta? Những câu hỏi lớn và cấp bánh, tôi mong được tìm hiểu đôi phần, nhưng tất nhiên không dàm có tham vọng đưa ra câu trả lời. Với mong muốn được cùng trao đổi ý kiến, tôi xin trình bày dưới đây một số nhận thức hạn hẹp về các vấn đề nói trên, và đặc biệt về vai trò của sự phát triển Công nghệ thông tin trong các vấn đề đó.
II. Sự chuyển biến tới nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức
1. Tri thức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội:
Sự phát triển của tri thức gắn lền với lịch sử phát triển của loài người. Con người tạo ra tri thức và sử dụng tri thức để sống, để phát triển và để hoàn thiện cuộc sống của mình. Ta từng được học rằng con người cần tri thức để nhận thức thế giới và để tác động lên thế giới (nhắm phát triển sản xuất làm ra của cải phục vụ cuộc sống con người). Nói gọn theo cách của Peter Drucker tri thức được dùng để sống (to being), rồi tiếp đó, để làm (to doing). Và đến giai đoạn phát triển hiện nay, tri thức có thêm một chức năng mới, càng ngày càng rõ nét và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kinh tế xã hội, đó là dùng tri thức để tạo tri thức (applying knowledge to knowledge), chức năng mới này là nhân tố cơ bản làm nên bước chuyển biến tới nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức.
Từ xa xưa, tri thức thường được coi như của riêng của các bậc thức giả, tri thức là dấu hiệu của đời sống tinh thần, đạo đức, trí tuệ của một người; tri thức là để cho mình, để chứng tỏ phẩm giá của mình, tức là để sống, để khẳng định sự tồn tại của mình. Dù có những hiểu biết giúp con người làm ra kỹ thuật này kỹ thuật nọ, góp phần hữu ích cho cuộc sống, nhưng có lẽ do thiếu tính hệ thống và không đủ chặt chẽ về lôgich, nên chúng thường ít được tôi trọng, thậm chí không được xem là tri thức. Phải đợi đến cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp thì tri thức mới thực sự được dùng để làm, để tạo ra kỹ thuật, công nghệ, để tìm kiếm và khai thác tài nguyên, để chế tạo công cụ sản xuất, để làm ra sản phẩm...
Khoa học phát triển, cung cấp các tri thức khoa học ngày càng phong phú, làm cơ sở cho các sáng chế kỹ thuật, phát triển các ngành công nghiệp, tri thức được thể hiện trong việc liên tục phát triển sức sản xuất; và về sau, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chức năng đó còn được thể hiện ở chỗ tri thức được dùng để nghiên cứu bản thân việc làm (lao động), phân tích lao động và tổ chức một cách khoa học các quá trình lao động trong sản xuất công nghiệp. Điều đó đã khởi đầu cho một cuộc "cách mạng năng xuất" trong nhiều nước công nghiệp phát triển, mà nổi bật là phương pháp nổi tiếng về quản lý khoa học các quá trình sản xuất do F.Taylor đề xướng.
Kinh tế thị trường càng phát triển thì vai trò của hoạt động kinh doanh càng quan trọng, trong nhiều trường hợp là quan trọng hơn cả hoạt động sản xuất trực tiếp. Và vì vậy, trong nền kinh tế thị trường, ưu thế thường thuộc về các tài năng kinh doanh, đó là các tài năng biết phát hiện và tận dụng cơ hội, nắm bắt các ý tưởng mới, tổ chức và sử dụng khéo léo các nguồn lực... người ta thường kể, Edison có hàng trăm bằng sáng chế, trong đó có sáng chế nổi tiếng về sợi dây tóc của bóng đèn điện, nhưng ông ta xem phát minh lớn nhất của mình là tổ chức labo nghiên cứu như là một hình thức công nghiệp hóa việc nghiên cứu khoa học và các hoạt động trí tuệ; Rockefller trở thành ông vua dầu hỏa không phải ở tài tìm dầu mà là ở tài hiểu được nên đưa dầu ra thị trường như thế nào và làm thế nào để kiểm soát được thị trường dầu.
Quản lý kinh doanh trở thành một năng lực và phẩm chất hết sức quan trọng trong kinh tế thị trường, và ở đây, tri thức bắt đầu thực hiện một chức năng mới, không phải chỉ để sống, để làm, mà là dùng tri thức để tạo tri thức. Đó là việc dùng tri thức nhằm giúp ta tìm cách làm thế nào sử dụng có hiệu quả những tri thức vốn có và tìm thêm những tri thức mới để tạo ra giải pháp và quyết định, tức là những sản phẩm tri thức của quản lý.
2. Sự chuyển biến tới nền kinh tế thông tin và tri thức:
Nền sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường càng phát triển thì hoạt động kinh doanh và quản lý kinh doanh càng trở nên phức tạp, đòi hỏi nhiều thông tin và tri thức, và tất nhiên cũng càng có ý nghĩa quyết định. Nội dung chủ yếu của hoạt động kinh doanh là điều khiển dòng chảy của các nguồn lực để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất có thể. Khi thị trường rộng mở. Và trong môi trường đó, các nguồn lực có tinh năng động và linh hoạt cao như nguồn vố (tài chính) trở thành tác nhân dễ được điều khiển và dễ mang lại những tác động quan trọng đối với kinh tế. Những biến động kinh tế trong thời gian qua đã cho ta thấy rõ việc thay đổi dòng chảy của nguồn vốn (đầu tư) có tác động quyết định như thế nào đến số phận của các nền kinh tế. Và như người ta thường nói, ở giai đoạn phát triển hiện nay, nền kinh tế thế giới đã được "tài chính hóa", và trong xu thố toàn cầu hóa hiện nay, thì toàn cầu hóa thương mại (hàng hóa và dịch vụ, mà đặc biệt là dịch vụ) và toàn cầu hóa hoạt động tài chính là hai lĩnh vực quan trọng nhất và tiến triển nhanh nhất.
Tri thức tạo tri thức trong hoạt động thường xuyên, liên tục của quản lý kinh doanh đòi hỏi phải được tiến hành trên nền của các kho thông tin và dữ liệu phong phú phản ánh mọi mặt phức tạo, đa dạng và luôn biến động của thị trường. Và khác với tri thức để sống và để làm thường có ý nghĩa phổ quát và ổn định, tri thức ở đây thường đòi hỏi phải đáp ứng những nhu cầu trực tiếp, nhất thời, có tính chuyên biệt cho từng lĩnh vực, từng tình huống, và không nhất thiết phải thỏa mãn các tính chất đầy đủ, phi mâu thuẫn, không nhất thiết phải hoàn toàn chắc chắn, nhưng phải giúp cho người quản lý lấy những quyết định kịp thời để không bỏ lỡ thời cơ của công việc kinh doanh.
Sự phát triển vũ bảo của công nghệ thông tin và truyền thông trong vài thập niên gần đây đã tạo ra một môi trường tuyệt vời kích thích và thúc đẩy loại hoạt động tri thức tạo tri thức nói trên trong quản lý kinh doanh, và cũng trong nhiều hoạt động xã hội, văn hóa khác. Có thể nói, công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổ bản chất vai trò của thông tin và tri thức từ chỗ là tiềm năng trở thành hiện thực, từ vị trí thụ động chuyển thành một sức mạnh chủ động sáng tạo nên sự giàu có của xã hội. Chính nhờ sự lớn mạnh và phổ biến nhanh chóng của các công nghệ đó mà các nguồn thông tin, dữ liệu được thu thập, tổ chức rộng khắp, truyền đưa vào trao đổi gần như tức thời, được xử lý nhanh chóng, được khai phá và tinh luyện thành tri thức cần thiết... để kịp thời giúp cho người quản lý có được những quyết định đúng lúc.
Công nghệ thông tin có tác động to lớn đến các ngành kinh tế, đem đến cho các ngành kinh tế sức mạnh chủ động của thông tin và tri thức, và đồng thời, bản thân nó cũng là một ngành kinh tế tri thức phát triển hết sức nhanh chóng; có thể nói đó là ngành kinh tế tri thức giữ vai trò chủ đạo trong việc chuyển biến nền kinh tế thế giới hiện nay sang nền kinh tế tri thức. Các sản phẩm của công nghệ thông tin như máy tính, các thiết bị truyền thông, các loại phần mềm, v.v... chứa trong chúng biết bao tri thức phong phú đã được tích lũy, để từ đó giúp con người tạo ra tri thức mới, và làm cho tri thức có hiệu quả trng đời sống. Và vì vậy, ngoài ý nghĩa của tri thức trong quản lý kinh doanh như trình bày ở trên, ý nghĩa củ "tri thức tạo tri thức" còn được thể hiện rõ ràng trong chính các sản phẩm của công nghệ thông tin.
3. Nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức trong tương lai:
Ta đã nói đến những tiến triển của vai trò tri thức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội loài người, và sữ chuyển biến hiện nay sang một nền kinh tế và xã hội mà thông tin và tri thức là nguồn lực có vị trí chủ đạo. Nhưng, nền kinh tế thông tin, xã hội tri thức mới ở bước đầu khẳng định sự hiện hữu. Trong tương lai, nền kinh tế đó, xã hội đó sẽ có hình thù như thế nào, khó mà tiên đoán được đầy đủ, nhất là trong một môi trường kinh tế xã hội càng ngày càng lắm đổi thay và biến động. Tuy nhiên, dù không vẽ một bức tranh tương lai để ngắm, thì con người vẫn phải dự tính và chuẩn bị cho những yêu cầu của các dự tính đó. Mà nói cho cùng thì tương lai sẽ ra sao chính là phụ thuộc vào những dự tính ngắn hạn cùng những thành công và thất bại của những dự tính đó. Trên ý nghĩa đó, khắp thế giới, từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Tây Âu, đến các nước đang phát triển, đều tùy theo trình độ phát triển mà có những chính sách, biện pháp nhằm xây dựng cơ sở cho nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức của mình.
Khu vực kinh tế thông tin và tri thức là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế của nhiều nước, đặc biệt ở các nước phát triển.
Khu vực này bao gồm:
- Các hoạt động kinh tế xã hội và sản xuất công nghiệp có sử dụng các dịch vụ thông tin và truyền thông;
- Công nghiệp nội dung (content industries), mà sản phẩm là nội dung thông tin và tri thức của mọi ngành kinh tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật... được tổ chức, ghi chữ bằng các phương tiện cùa công nghệ thông tin (như đĩa từ, CD ROM);
- Bản thân các ngành công nghiệp tin học và truyền thông, làm ra máy tính và phần mềm, các dịch vụ liên quan đến máy tính, các thiết bị và dịch vụ viễn thông, các linh kiện vi điện tử, các thiết bị văn phòng v.v...
Khu vực này chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác, và cũng tạo thêm được nhiều việc làm nhất. Theo số liệu của các nước trong Cộng đồng châu Âu (EU) thì các doanh nghiệp và người tiêu thụ của EU trong năm 1997 đã chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ của khu vực này nhiều hơn cho các khu vực ôtô, sắt thép và hàng không cộng lại. Từ năm 1995 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP trong khu vực kinh tế thông tin này dao động trong khoảng 7,5 - 9%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP nói chúng là 2-3%; tốc độ tăng việc làm của khu vực này trong năm 1996 và 1997 là 7% và 8,8%, trong khi đối với toàn nền kinh tế nói chung là 0,5% và 0,6%. Việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tin học và truyền thông ngày càng phổ biến.
Theo số liệu 1998 tại Mỹ cứ 100 lao động "cổ trắng" thì có 103 máy vi tính và cứ 100 dân thì có 46 máy vi tính. Các con số tương ứng này ở EU là 78 và 33. Số người dùng mạng Internet hiện nay đã vượt quá 200 triệu và vẫn tăng với tốc độ hàm mũ, thương mại điện tử mới bùng nổ vài ba năm gần đây, năm 1998 đạt doanh số 30 tỷ USD, ước tính đến 2002 sẽ đạt hơn 300 tỷ và đến 2005 sẽ đạt 1000 tỷ! Ta chú ý rằng khu vực kinh tế thông tin cũng là khu vực sản sinh ra những doanh nhân giàu có nhất thế giới; đến năm 1995, tại Mỹ, trong số 20 người giàu nhất nước có đến 14 doanh nhân trong khu vực này, đứng đầu là Bill Gates, sau đó là những tên tuổi nổi tiếng như J.Kluge, P. Allen, L.Ellison, D.Packard, G.Moore...
Các chính sách và biện pháp nhằm tích cực chuẩn bị cho việc phát triển nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức ở các nước tuy có những điểm khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển của mình, nhưng cũng có nhiều điểm chung có thể xem như những yêu cầu cơ bản của kinh tế và xã hội tri thức, đó là: xây dựng một kết cấu hạ tầng thông tin vững chắc và phong phú trên cơ sở phát triển mạng các xa lộ thông tin và tham gia Internet; phát triển một văn hóa kinh doanh mới dựa trên công nghệ thông tin và tri thức để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đào tạo lại lao động và tạo việc làm; cải tổ hệ thống giáo dục và phổ cập việc học, học liên tục, học suốt đời cho mọi người; phát triển các ngành công nghiệp nội dung; đẩy mạnh và liên tục cải cách tổ chức, v.v... Trong chính sách của nhiều nước, cũng đã đề cập đến vai trò quan trọng có tính chất đi đầu và nêu gương của các cơ quan nhà nước và khu vực công cộng trong quá trình chuyển biến sang một xã hội tri thức.
4. Những vấn đề mới nảy sinh của kinh tế và xã hội tri thức:
Thông tin và tri thức đang nhanh chóng trở thành nguồn lực chủ đạo của các nền kinh tế phát triển. Trong nhiều ngành công nghiệp, tri thức đang thay thế vốn, tài nguyên và lao động với tư cách là nhân tố cạnh tranh có tính quyết định. Tri thức chấm sâu vào mọi mặt của quá trình tổ chức và quản lý, từ việc thiết kế đến sản xuất sản phẩm, từ việc tìm hiểu nhu cầu khách hàng đến năng lực phán đoán và hành động mau lẹ để chớp lấy những cơ hội mới của kinh doanh... Công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp thông tin và tri thức phát huy được những mặt mạnh của mình: con người thâm nhập tới mọi nguồn tri thức một cách dễ dàng và kịp thời; tạo ra nhiều cơ hội hợp tác vượt qua các giới hạn về không gian, thời gian và khác biệt văn hóa; làm tăng giá trị của các nguồn tri thức do được nhân bản, cung cấp và trao đổi thuận tiện... Thông tin và tri thức còn có một thuộc tính cơ bản là nói chúng, sau khi sử dụng không những không mất đi mà càng sử dụng càng được hoàn thiện để tăng thêm giá trị.
Với các thuộc tính nói trên của thông tin và tri thức, các nguồn lực này có thể mang lại những "tỷ suất lợi nhuận tăng" (increasing returns) cho các ngành kinh tế tri thức, và đồng thời với tính năng động, dễ đổi thay và biế động của mình, chúng cũng có thể mang lại nhiều đổi thay và biến động cho đời sống kinh tế. "Tài chính hóa", kinh tế, rồi tiếp thêm "tri thức hóa" kinh tế, nền kinh tế thị trường tiếp nhận liên tiếp những tác nhân chủ đạo dễ gây những thay đổi và biến động, làm cho nền kinh tế (và xã hội) từ nay càng trở nên có nhiều khả năng biến động hơn, có nhiều tính bất định hơn. Phát triển và tiến bộ không ngừng trong bất định và biến động liên tiếp, phải chăng đó là một xu thế của kinh tế, xã hội trong hiện tại và tương lai?
Con đường tiến đến kinh tế thông tin và xã hội tri thức tất nhiên không phải toàn những điều tốt đẹp. Nhiều vấn đề xã hội mới sẽ nảy sinh, nhiều mâu thuẫn trong nội bộ từng quốc gia và trong quan hệ quốc tế sẽ đòi hỏi được giải quyết. Xã hội tri thức hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng chắc không thể cho mọi người những năng lực ngang nhau. Hiện nay, ở nhiều nước phát triển, lực lượng lao động trong các khu vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chỉ còn dưới 30%, còn hơn 70% là trong các khu vực thông tin và dịch vụ. Có thể hình dung tương lai, đại đa số lao động xã hội sẽ làm việc trong hai khu vực thông tin và dịch vụ.
Tính chất tri thức trong hai loại lao động đó có khác nhau, và từ đó có nảy sinh những xung đột mới giữa các giai tầng khác nhau của xã hội. Con đường tiến đến kinh tế tri thức và xã hội tri thức cũng không phải đồng đều cho mọi nước. Các nước chậm phát triển có thể dễ mua được máy vi tính rẻ tiền, nhưng làm sao chó thể mau chóng có năng lực và trình độ nhảy vọt, vượt qua giai đoạn? Các nước phát triển thúc giục toàn cầu hóa thương mại, nhưng toàn cầu hóa ngay trong khi quá chênh lệch trình độ phải chăng sẽ dẫn đến một tình trạng bất bình đẳng trầm trọng mới. Nhiều nhà khoa học, kinh tế và xã hội đã đề xuất kiến nghị cần xem xét việc thiết lập những quan hệ toàn cầu về xã hội song song với quá trình toàn cầu hóa kinh tế, nhưng quan hệ như thế nào là công bằng, và cơ chế nào buộc được mọi nước phải chấp nhận?
Norbert Wiener (1894 - 1964) là một nhà toán học và triết học Mỹ, người lập nên ngành khoa học - điều khiển học
.
III. Nhận thức về một nền kinh tế và xã hội đang biến đổi
1. Một lý thuyết kinh tế mới cho kinh tế tri thức?
Dù mới là những bước đầu, nhưng nền kinh tế thế giới đã chuyển biến sang một giai đoạn phát triển mới, có những khác biệt rõ ràng về chất so với các giai đoạn trước. Thông tin và tri thức trở thành một nguồn lực chủ đạo của phát triển kinh tế, nhưng nguồn lực đó vận hành như thế nào, ta chưa hiểu được đầy đủ; một lý thuyết kinh tế đặt tri thức vào vị trí trung tâm của quá trình tạo ra của cải có khả năng giải thích mọi hiện tượng mới lại trong đời sống kinh tế là cần thiết, nhưng ta chưa có đủ kinh nghiệm để hình thành một lý thuyết như vậy. Ta chỉ biết rằng một lý thuyết như vậy, nếu có, chắc phải khác nhiều với những lý thuyết đã có, cổ điển hay tân-cổ điển, Keynes hay tân Keynes. Các giả thiết thường được dùng trong các lý thuyết đã có (như giả thiết về cạnh tranh hoàn toàn và đầy đủ, giả thiết về trọng cung hay trọng cầu...) khó thích hợp để làm căn cứ cho lý thuyết mới.
Chưa có một mẫu số chung cho các loại tri thức khác nhau để có thể hình dung một cách đánh giá định lượng tri thức, do đó một mô hình (toán học) cho kinh tế tri thức còn là một điều xa vời. Làm thế nào để đánh giá được tác động và hiệu quả của tri thức trong những cải cách và đổi mới, và nói chung đánh giá được năng suất của tri thức, trong khi chi phí đầu tư cho tri thức (ở các nước phát triển) đã lên đến khoảng 20% GDP hàng năm? Trong sách Rethinkinh the Future, xuất bản năm 1997, hàng chục nhà khoa học hàng đầu ở Mỹ đã thảo luận về hàng loạt vấn đề cần được tư duy lại cho tương lai, tập trung quanh 3 chủ đề lớn:
- Con đường cũ dừng ở đây, tương lai không phải là sự tiếp tục của quá khứ, thế giới đã thay đổi và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến;
- Thời mới đòi hỏi những cách tổ chức mới, người thắng cuộc trong thế kỷ 21 sẽ là những người có năng lực biến tổ chức của mình thành một cái gì đó linh hoạt như chiếc xe jeep, có khả năng phản ứng nhanh, chuyển hướng nhanh trong một miền đất đầy trắc trở và bất định;
- Rồi chúng ta sẽ đi đâu? Ta cần có một tầm nhìn, một định hướng mục tiêu về tương lai, nhưng không phải bằng cách nhìn vào một bản đồ có sẵn. Không có bản đồ nào cho miền đất chưa khám phá; thay vào đó những người đi đầu sẽ nhìn về phía trước, sáng tạo những ý tưởng mới, phát hiện những chân trời mới, vạch đường để hấp dẫn mọi người cùng đi.
Tư duy lại trên cơ sở các phương pháp khoa học, nhưng phải là kiểu tư duy khoa học có đổi mới. Phương pháp khoa học truyền thống xem mục đích của khoa học là phát hiện chân lý, tìm kiến các qui luật để giải thích, dự đoán và điều khiển các sự kiện. Nhưng thế nào là đúng, là sai trong thế giới phức tạp của tự nhiên, của kinh tế, xã hội? Và phải chăn là hợp lý hơn nếu xem mọi lý thuyết khoa học đều có thể sai, khoa học không đi tìm cái luôn luôn đúng, mà tìm kiến các tri thức được hoàn thiện dần bằng phương pháp "thử và sai", giả thuyết và bác bỏ; mục đích của khoa học là "giải bài toán", tức là cung cấp những lời giải chấp nhận được cho những vấn đề mà con người quan tâm.
2. Một vài cách tiếp cận tìm hiểu kinh tế và xã hội tri thức:
Các hệ thống kinh tế xã hội vốn đã là những hệ thống lớn, phức tạp; hiện nay khi chuyển sang giai đoạn của kinh tế tri thức và xã hội tri thức, chúng lạu càng trở nên phức tạp hơn bội phần do tác động to lớn củanhững yếu tố thường xuyên biến động và bất định. Các lý thuyết trước đây thường tìm cách đơn giản hóa bằng các giả thuyết qui hành vi của hệ thống về các quan hệ giữa một số thành phần chủ yếu đã lược bỏ tính bất định, rồi từ đó thiết lập các mô hình, và từ nghiên cứu, phân tích trên các mô hình mà rút ra các nhận định, phán đoán, kiến nghị... Nhiều mô hình lý thuyết về kinh tế trước đây được xây dựng trên các giả thuyết về cân đối (chẳng hạn cân đối cung - cầu) đã là căn cứ cho việc lập kế hoạch, điều tiết thị trường v.v... Việc bỏ qua các yếu tố bất định trong một chừng mực nào đó là có thể chấp nhận để có được những mô hình bất định lại trở thành chủ yếu có tác động gần đúng các hệ thống thực tế, nhưng khi cái bất định lại trở thành chủ yếu có tác động quyết định đến hành vi của hệ thống thì việc tìm kiếm các mô hình như vậy trở thành vô vọng.
Các lý thuyết kinh tế tân - cổ điển thường giả thiết là nền kinh tế tuân theo luật "liên hệ ngược âm" để tự điều chỉnh về trạng thái cân đối. Brian Arthur nhìn thấy rằng luật liên hệ ngược âm có cùng một hiệu quả như giả thuyết kinh tế về "tỷ suất lợi nhuận giảm" (diminishing returns - trong điều kiện sản xuất hàng hóa vật chất, sản xuất càng nhiều thì có xu thế lợi nhuận thu được trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ giảm xuống).
Trong kinh tế tri thức, khi sản phẩm hàng hóa là thông tin, tri thức và các ý tưởng, thì luật tỷ suất lợi nhuận giảm trong nhiều trường hợp lại nhường chỗ cho luật "tỷ suất lợi nhuận tăng" (increasing returns). Trong các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận tăng thì cơ chế liên hệ ngược dương cũng hoạt động để củng và tăng cường những thành tựu đạt được, và do đó không trở về trạng thái ổn định của cân đối mà có xu hướng tồn tại trong trạng thài thường xuyên bất ổn định. Hệ quả của những khảo sát như vậy có thể là: Trong nền kinh tế mà luật "tỷ suất lợi nhuận giảm" chi phối thì liên hệ ngược âm hoạt động, hệ thống có xu thế đi đến ổn định và cân đối, do đó có thể quản lý bằng kế hoạch hóa; ngược lại, trong nền kinh tế mà luật "tỷ suất lợi nhuận tăng" chi phối thì liên hệ ngược dương hoạt động, hệ thống phát triển thường xuyên trong bất định, bất ổn định và không cân đối.
Trong thực tế, các nền kinh tế là những hệ thống phức tạp (và phi tuyến) thường bao gồm cả hai loại liên hệ ngược, âm và dương; trong những hệ thống như vậy, có thể có nhiều những trạng thái ổn định bộ phận và hệ thống thường vận động giữa những trạng thái ổn định bộ phận có một cách không ổn định và khó mà tiên đoán được. Nhưng, theo I.Prigogine, bất định, bất ổn định, mất cân đối trong các hệ thống phức tạp của tự nhiên và kinh tế xã hội không nhất thiết ohải đi đến hỗn loạn và hủy diệt, mà các hệ như vậy thường có cấu trúc và năng lực tự tổ chức một cách tự phát (spontaneously self - organizing) của mình. Prigogine, và sau đó, Arthur đều xem rằng nền kinh tế là một hệ thống tự tổ chức. Chú ý rằng, trong cái hệ thống lớn là nền kinh tế, bất định, không cần đối và tự tổ chức đó, có cả con người là thành viên tích cực. Vì vậy, ở đây con người không phải ngoài hệ thống để lập kế hoạch cho sự phát triển của nó, mà tham gia trực tiếp vào sự phát triển đó bằng khả năng thích nghi, năng lực sáng tạo và đổi mới của mình.
Vài trò tham gia trực tiếp của con người với tư cách là thành viên đang tư duy (thinking participant) trong các hệ thống kinh tế đã được nhà tài chính và kinh tế học nổi tiếng G.Soros phân tích một cách độc đáo trong lý thuyết về tính phản xạ. Sự tham gia của con người đang tư duy trong các hệ thống kinh tế và xã hội có tính chất hai chiều: vừa là thụ động với tư cách người tìm hiểu và suy nghĩ về hệ thống, vừa là tích cực với tư cách người tham gia quyết định có ảnh hưởng đến hành vi và kết quả của hệ thống. Và hai tư cách đó được thực hiện đồng thời. Do là đồng thời nên thường gặp những tình huống mà con người khi suy nghĩ để làm quyết định không thể dựa vào tri thức đầy đủ và chính xác về hệ thống, đơn giản là vì chưa thể có những tri thức như vậy, tình trạng của hệ thống còn phụ thuộc vào chính quyết định của những người tham gia.
Kết quả, vì vậy, thường khác với dự kiến, và do đó lại thêm một yếu tố bất định cho bước suy nghĩ tiếp theo. Trong những nền kinh tế chịu nhiều tác động của những yếu tố linh hoạt và nhạy cảm như tài chính, tri thức thì tính phản xạ lại càng có ý nghĩa rất quan trọng. Phản xạ xảy ra trong bất định, và chức đựng tiềm năng thường trực làm tăng tính bất định của hệ thống. Bất định, bất ổn định, nếu không được điều hòa bởi những yếu tố tự tổ chức của hệ thống thì có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng. Vì vậy, toàn cầu hóa kinh tế hiện nay cẩn phải được đi kèm với những thỏa ước quốc tế thích hợp (trong khi chưa có dấu hiệu nào sẵn sàng cho một giải pháp toàn cầu hóa xã hội tương ứng) để có thể tránh đi đến khủng hoảng.
3. Vai trò và tác động của Công nghệ thông tin:
Sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng cho việc tạo ra những nhân tố năng động mới của nền kinh tế và xã hội, và do đó, cho quá trình hình thành nền kinh tế thông tin và xã hội thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là công nghệ thông tin đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho môi trường kinh tế xã hội của ta biến đổi "tận gốc rễ", và ta đã nhận thức được rằng đã đến lúc ta phải tự đổi chính mình để có thể tồn tại được torng môi trường mới đó. Như đã trình bày ở trên, môi trường mới đó không còn có thể coi là bất định và ổn định, ta không còn có thể điều khiển nó theo những con đường vạch sẵn; môi trường mới chứa đầy những yếu tố biến động và bất định, là không ổn định và không tiên đoán được, có độ phức tạp ngoài năng lực điều khiển của các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là con người đánh phó mặc cho môi trường đưa đẩy.
Tính phản xạ của các hệ thống kinh tế xã hội khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của sự tham gia tích cực của con người trong các hệ thống đó; hệ thống lớn, phức tạp, về tổng thể là không ổn định, nhưng không phải là không ổn định ở mọi lúc mọi nơi, như trên đã nói, hệ thống thường có những trạng thái ổn định bộ phận và nó vận động giữa các trạng thái ổn định bộ phận đó một cách không tiên đoán được. Con người không đứng ngoại để vạch cho hệ thống những mục tiêu định sẵn, những kế hoạch chung cứng nhắc, mả phải tự nhúng mình vào hệ thống, thích nghi với hệ thống, thu nhập thông tin và tri thức để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp hành động (kể cả xác định mục tiêu và kế hoạch một cách cục bộ cho những yếu tố tạm thời ổn định), và vì mọi hiểu biết và hành động đều có thể sai, nên phải thường xuyên đánh giá lại tri thức cũ, giải pháp cũ để có thể hiểu biết mới, giải pháp mới cho tình hình đã thay đổi.
Vì vậy, luôn luôn học, có tri thức và biết dùng tri thức để tạo tri thức, có năng lực thích nghi, linh hoạt trước mọi đổi thay, có năng lực sáng tạo và đổi mới là những phẩm chất mà từng con người cũng như các tổ chức kinh tế xã hội cần phải có nếu muốn tồn tại, phát triển và có vị trí xứng đáng trong môi trường mới.
Đến lượt mình, Công nghệ thông tin, với những thành tựu tuyệt vời đã đạt được cũng như đầy hứa hẹn trong tương lai, đang và sẽ trợ giúp đắc lực cho con người có được những năng lực nói trên. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi để thiết lập các cơ sở dữ liệu và các kho thông tin phong phú trong mọi lĩnh vực, mọi cơ quan, doanh nghiệp; đang được sử dụng tích cực để trợ giúp con người trong nhiều hoạt động trí thuệ, đặc biệt trong việc tìm kiếm và phát hiện tri thức để trợ giúp quyết định trong kinh doanh và các hoạt động kinh tế, và từ chỗ cung cấp được những thông tin và trí thức kịp thời mà làm tăng khả năng của con người cũng như các tổ chức trong việc phản ứng linh hoạt, thích nghi một cách hữu cơ, và tự thay đổi trước những biến động khôn lường của môi trường. Cũng cần nói thêm một điều là trong môi trường mới, để tăng cường những năng lực nói trên, học, việc học của mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức phải được xem là vấn đề trung tâm. Và ở vấn đề trung tâm này, công nghệ thông tin hoàn toàn có thể cung cấp những công cụ, phương pháp và phương tiện mới để thực hiện một cách sâu rộng và có hiệu quả.
IV. Vài ý kiến về con đường hội nhập của ta:
1. Về chính sách quốc gia phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin
Trên ý nghĩa đó, vào đầu những năm 90, Chính phủ đã ra một Nghị quyết quan trọng xác định Chính sách quốc gia về phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin, lấy mục tiêu chủ yếu là xây dựng cơ sở cho một kết cấu hạ tầng thông tin có khả năng đáp ứng các nhu cầu thông tin cho quản lý nhà nước và cho các hoạt động kinh tế xã hội, đồng thời phát triển từng bước những cơ sở cho một nền công nghiệp công nghệ thông tin của đất nước. Chính sách đó được tổ chức thực hiện thông qua một Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin với một hệ thống các dự án, các biện pháp. Và, trong mấy năm qua, công nghệ thông tin ở nước ta đã có những bước phát triển đáng chú ý. Tuy nhiên, vào thời điểm sắp kết thúc thập niên này nhìn lại, thì ta thấy những điều ta mong đợi cũng còn khá xa vời. Các dự án tin học hóa được thực hiện chậm chạp, chưa thể làm mầm mống cho một kết cấu hạ tầng thông tin của quốc gia, tình trạng nghèo thông tin vẫn là một yếu kém chưa được khắc phục bao nhiêu, các chính sách về đầu tư và tài chính chưa tạo được những khuyến khích cần thiết cho việc phát triển những mầm non (mà ta tin rằng rất có triển vọng) của công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm, công nghệ nội dung...
Nghị quyết của Chính phủ ra đời từ năm 1993, về cơ bản là đáp ứng được những nhu cầu phát triển trong thập niên 90, nhưng cũng cần được cập nhật để thích ứng với những tiến bộ mới và nhữg đòi hỏi mới. Chúng ta mong rằng sẽ có những đánh giá và phân tích nghiêm túc về những gì đã đạt được và cả những gì chưa đạt được, đồng thời sẽ có những dự tính thiết thực và những biện pháp tích cực cho tương lai.
2. Về những bước đường tiếp tục:
Qua thực tiển mấy năm phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vừa qua, tuy nhiều điều ta mong đợi còn chưa đạt được, nhưng ta cũng nhìn thấy nhiều khả năng tiềm tàng còn chưa khai thác, nhất là nhiều năng lực to lớn của thế hệ trẻ còn chưa có điều kiện để được bồi dưỡng và phát huy. Một điều có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển công nghệ thông tin là những nhu cầu của môi trường kinh tế xã hội. Một nền kinh tế thị trường phát triển với nhiều doanh nghiệp tự do đua tranh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, một nền hành chính quản lý đổi mới và năng động, một hệ thống dịch vụ văn hóa, xã hội phong phú... sẽ cần đến thông tin và tri thức và cũng sẽ lớn mạnh lên nhờ có thông tin và tri thức. Vì vậy, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là công cuộc đổi mới của ta cần tạo thuận lợi thúc đẩy việc phát triển một môi trường kinh tế xã hội như vậy để trong đó công nghệ thông tin có thể phát triển nhanh chóng. Nói đúng hơn, công nghệ thông tin vừa có thể được ứng dụng để thúc đẩy sự phát triển của một môi trường kinh tế xã hội như vậy, vừa do sự lớn mạnh của môi trường đó mà chính nó lại phát triển tiếp tục.
Sự chuyển biến sang nền kinh tế thông tin và tri thức cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế nhanh chóng đã làm phân hóa "Thế giới thứ ba", thế giới đó không còn có ký do để được coi như một thế giới riêng tự thân nữa, mà vở ra thành 4 loại nước khác nhau: loại các nước khổng lồ về dân số, loại các nước có nhiều tài nguyên dầu mỏ để xuấr khẩu, và ở hai cực là loại các nước "công nghiệp hóa mới" có khả năng hội nhập có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới và loại các nước có nguy cơ bị dạt ra rìa của dòng chảy. Ta không thuộc vào hai loại trước, và chắc cũng không muốn để rơi vào nền kinh tế thế giới, trong đó phát triển công nghệ thông tin và xây dựng dần các yếu tố của kinh tế thông tin và tri thức là một nhân tố quan trọng, nếu không nói là quyết định.
Đối với các nước đang phát triển đang phấn đấu vươn lên hội nhập vào nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức trong tương lại, Ủy Ban Khoa học và công nghệ vì Phát triển của Liên hiệp quốc khuyến nghị một số nội dung chiến lược cần được tập trung thực hiện trong chính sách phát triển công nghệ thông tin như sau:
- Hướng việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thiết thực các mục tiêu xã hội và tăng ưu thế (cạnh tranh) cho nền kinh tế;
- Phát triển nguồn tài nguyên nhân lực cho các chiến lược công nghệ thông tin quốc gia bằng cách đẩy mạnh và mở rộng các hình thức học, học liên tục và học suốt đời;
- Cải tiến quản lý sự phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các tổ chức vì sự phát triển quốc gia;
- Phát triển các mạng thông tin và kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia, và thực hiện các biện pháp để mở rộng khả năng truy cập của mọi người đến các mạng đó;
- Khuyến khích các nguồn đầu tư và tăng cường đầu tư tài chính từ nhà nước cho phát triển công nghệ thông tin và cho kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia;
- Tạo mọi khả năng để truy cập tới các nguồn tri thức khoa học và kỹ thuật trên thế giới;
- Theo dõi và khi có cơ hội, tham gia vào việc định "các luật chơi" quốc tế liên quan đến kinh tế tri thức toàn cầu hóa, như về kết cấu hạ tầng thông tin toàn cầu, về thương mại điện tử, về các chuẩn, về an toàn thông tin, về quyền sở hữu trí tuệ...
Chắc rằng các khuyến nghị đó cũng thích hợp với hoàn cảnh của nước ta, và ta có thể tham khảo trong khi cập nhật các chính sách và kế hoạch phát triền công nghệ thông tin của ta trong giai đoạn sắp tới.
Một thế kỷ sắp qua, và một thế kỷ mới sắp đến. Những gì xảy ra trong thế kỷ 20 này thực tế đã khác xa với những dự đoán từ cuối thể kỷ 19. Cuộc sống đang biến đổi nhanh chóng, và thề kỷ 21 chắc sẽ còn lắm đổi thay bất ngờ, khác với những điều mà hiện nay con người tiên đoán. Nhưng không vì vậy mà ta không dự đoán tương lai. Chỉ có điều là, ta phải xem mọi dự đoán đều có thể sai, và chuẩn bị sẵn sàng những năng lực để ứng phó linh hoạt và kịp thời trước mọi đổi thay. Thích nghi, sáng tạo và đổi mới không ngừng chính là những phẩm chất và bản lĩnh mà ta cần trang bị cho mình để vửng vàng đi vào thế kỷ 21, và nói như Biil Gates, ngày nay chuẩn mực chính là sự thay đổi. Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, làm cho xã hội giàu có thông tin và tri thức là nhân tố có ý nghĩa quan trọng để trau dồi các phẩm chất và bản lĩnh nói trên, tạo khả năng cho đất nước ta vươn lên trong mọi biến động và thử thách, vững vàng hội nhập một cách có hiệu quả vào xã hội tri thức toàn cầu trong tương lai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015