Cách mạng tháng Tám: những con người làm nên lịch sử
Cách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc hồi sinh vĩ của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời. Hồi tưởng lại những tháng ngày sôi sục khí thế đấu tranh đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò lịch sử của những con người đã góp phần hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc tại thời khắc bước ngoặt lịch sử... Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài viết của Tuần Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám: Khi trí thức dấn thân
Cho đến nay, nhiều tài liệu lịch sử đã khẳng định liên minh công - nông - trí là nền tảng sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Nhưng nói như vậy có lẽ chưa đủ để xác nhận vai trò to lớn của lực lượng trí thức Việt Nam, đại diện cho trí tuệ và tinh thần dân tộc của nhân dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập.
Khi tìm hiểu về “vai trò của trí thức trong Cách mạng Tháng Tám”, người viết bài này đã có dịp hỏi chuyện ông Nguyễn Trọng Xuất (tức Sáu Nhân) - nguyên Tổng Thư ký bộ phận biên tập “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, một cán bộ kỳ cựu, tham gia cách mạng từ thời 1945-1946.
Căn nhà của ông ở số 51/10/14 Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, TP HCM nay là di tích lịch sử cách mạng “Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ”.
Xuất thân là một nhà giáo (từng làm Bí thư chi bộ Giáo viên TX Mỹ Tho), ông Xuất có cảm tình đặc biệt đối với trí thức mà theo ông là lực lượng góp mặt nổi bật trong lịch sử Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám.
Ông cho rằng, trí thức trong xã hội Việt Nam thời kỳ ấy có một số đặc trưng. Thứ nhất, về kiến thức, thì đứng trên mặt bằng thời đó, học sinh - sinh viên đã là trí thức rồi. Thứ hai, trí thức Việt Nam có tình cảm dân tộc rất sâu sắc.Thứ ba, các trí thức đều có tinh thần dám dấn thân, “không trùm mền” (từ dùng của ông Xuất).
Theo ông Xuất, thậm chí ngay cả số “trùm mền” cũng là “vì giữ tiết tháo, không muốn hợp tác với Pháp”; hoặc nếu có quan hệ với thực dân Pháp thì cũng vì mong muốn vận động Pháp cải thiện đời sống và mở rộng tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Sôi sục trí thức trẻ…
Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), 2/9/1945. (Ảnh tư liệu, nguồn: vietchange.com) |
Trí thức trẻ của ngày trước là các học sinh - sinh viên. Họ chính là nòng cốt của Thanh niên Tiền phong (TNTP) – tổ chức chính trị mạnh nhất và là lực lượng chủ yếu tham gia giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám. Ông Xuất, năm ấy mới 13 tuổi, là thành viên của Thiếu niên Tiền phong, một bộ phận thuộc TNTP.
Ấy là vào năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Nhật “gợi ý” chính quyền thành lập một đoàn thể quy tụ thanh niên để xây dựng một lực lượng thân Nhật, chống Pháp. Thống đốc Minoda bèn đề nghị bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (tức Tư Đá, đảng viên cộng sản) đứng ra tổ chức đoàn thể này.
Ông Phạm Ngọc Thạch báo cáo lại Xứ ủy Nam Kỳ (đứng đầu là ông Trần Văn Giàu), Xứ ủy quyết định thành lập TNTP, phát động phong trào Cứu quốc.
Vậy là TNTP ra đời. Ông Xuất kể lại: “Do có danh nghĩa công khai nên tổ chức lớn mạnh nhanh, khí thế lớn lắm; trong không tới 3 tháng đã thu hút 1,2 triệu thanh niên ở khắp Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Tây Ninh, Đồng Nai. Phần lớn thành viên là tiểu tư sản học sinh - sinh viên, tức là trí thức”.
“Trái với mục đích của Nhật Bản là xây dựng lực lượng thân Nhật chống Pháp, ủng hộ chủ thuyết Đại Đông Á, mục đích của TNTP đã luôn chỉ là ‘đem tài ra cứu nước nhà trong cơn nguy biến’. Điều đó làm nên khí thế yêu nước rất mãnh liệt của thời kỳ tiền khởi nghĩa”.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989), tác giả của Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng Giang... (Ảnh tư liệu) |
Có những gương mặt sinh viên rất nổi tiếng: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Việt Nam, Võ Văn Khải, Mai Văn Bộ… Có các trí thức lớn: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, nhà văn Thiếu Sơn, nhà nghiên cứu Lê Thọ Sơn, Thuần Phong, Huỳnh Xuân…
TNTP sôi nổi hoạt động: hội họp, mít tinh, cứu đói ở miền Bắc, cướp súng đạn của lính Pháp… Dần dần tổ chức mở rộng ra, có thêm TNTP Ban xí nghiệp (tức TNTP của công nhân), TNTP Phụ lão (tức Phụ lão Tiền phong), Thiếu niên TP, Phụ nữ TP.
Sau này nhớ lại, ông Nguyễn Trọng Xuất nhìn nhận: “TNTP là ngọn cờ mà người trí thức ở Nam Bộ giương lên. Quần chúng nhìn vào tổ chức, thấy có những trí thức như ông Phạm Ngọc Thạch, người ta mới tin tưởng. Trí thức là bộ phận tinh túy của dân tộc. Nói về trí thức thì đừng nên bị khuôn vào vấn đề giai cấp, mà hãy đánh giá họ cho thỏa đáng”.
Ở miền Bắc, trí thức trẻ cũng đã đóng vai trò lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Một nhân chứng của thời đó, bà Lê Thi, con gái cố GS Dương Quảng Hàm, cho biết: “Lực lượng chính làm nên Cách mạng Tháng Tám ở thủ đô là tiểu tư sản học sinh - sinh viên. Không có lực lượng vũ trang vì khi đó quân của ông Võ Nguyên Giáp ở chiến khu chưa về kịp. Nhân dân Hà Nội đã tự đứng lên làm khởi nghĩa.
Khi tôi đi trong đoàn biểu tình, tôi thấy rất nhiều nữ sinh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Tôi nhận thấy hôm đó rất đông các chị em quần trắng”.
Và ảnh hưởng của các trí thức lớn
Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam DCCH quy tụ được một loạt gương mặt trí thức nổi tiếng. (Ảnh tư liệu, nguồn: wikipedia.org)
Ông Trần Văn Giàu đánh giá rằng trí thức Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, luôn đoàn kết với quần chúng nhân dân:
“Trong hàng ngũ của TNTP, của Mặt trận Việt Minh… rất đông trí thức có học vị cao, chức cao, lương cao ở chế độ thực dân, ruộng vườn đồn điền cả ngàn mẫu, cả trăm mẫu, xe hơi, nhà lầu, thế mà họ vẫn tham gia cách mạng và kháng chiến, họ vẫn đi đến “mút mùa” với những trí thức bình thường, với nhân dân lao khổ”.
TS Hồ Hữu Nhựt, chủ biên cuốn Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, cũng nhận định: “Trí thức Tây học sớm truyền bá cả tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vào Sài Gòn… Trong đấu tranh, trí thức có vai trò tập hợp, hiệu triệu quần chúng, họ đương đầu trực diện với kẻ thù”.
Và sức ảnh hưởng của trí thức thật to lớn. Trí thức đã sử dụng báo chí, văn nghệ để giáo dục lòng yêu nước, vận động đấu tranh giành độc lập. Những bài viết trên Đông Pháp thời báo của chủ bút Trần Huy Liệu, Thanh Niên của Huỳnh Văn Tiểng từng làm chấn động cả Sài Gòn.
Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, những bài ca yêu nước của giới nhạc sĩ – trí thức Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu tá, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Diệt phát xít… đã cổ vũ không ngừng cho khí thế người dân tiến lên giành chính quyền.
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp trở lại, bản tuyên ngôn tập hợp hơn 200 chữ ký của trí thức ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống Pháp đã ảnh hưởng cả tới công luận thế giới, thu hút sự chú ý và phản đối của công luận quốc tế với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương.
Nhân dân thủ đô diễu hành cổ động phong trào diệt giặc dốt, ngày 6/12/1945. (Ảnh tư liệu, nguồn: vietchange.com)
Nặng lòng với dân tộc
Trí thức Việt Nam đã đi theo cách mạng với tấm lòng và nhiệt huyết, thậm chí với cả một chút ngây thơ và nhát sợ khi mới bước vào cuộc chiến đấu. Ông Nguyễn Trọng Xuất cười kể lại: “Hồi đó, chúng tôi dũng khí thì có thừa đấy mà kinh nghiệm trận mạc, tổ chức đội ngũ chả có gì. Cướp được súng của Nhật, của Pháp, súng bự quá lại không biết cách tháo ra, cả chục người phải xúm lại khiêng một khẩu.
Hồi đầu kháng chiến, nghe tiếng đạn đum đum cũng sợ. Đạn ngày đó, một viên bắn ra, lọt khỏi nòng nó nổ một lần, “cắc”, tới đích nó nổ lần thứ hai, “bòm”, nên gọi là đạn “cắc bòm” là vì vậy”.
Nhưng trí thức Việt Nam là thế, họ luôn gắn bó cùng đất nước trong một tinh thần dân tộc rất sâu nặng. Trọng nghĩa khinh tài, khí khái, dấn thân, đặc điểm đó nhiều ít ở mỗi người mỗi khác, nhưng cái chung của họ luôn là tình cảm đối với quốc gia và dân tộc. Chính điều này làm nên sĩ khí của họ.
Quân Anh đến Sài Gòn, tháng 9/1945. (Ảnh tư liệu, nguồn: vietchange.com)
Trong lịch sử gần một thế kỷ chống Pháp, khởi đầu từ phong trào Cần vương của giới văn thân và sĩ phu yêu nước cho đến những nhóm chính trị đầu thế kỷ XX, trí thức luôn thể hiện tinh thần yêu nước của mình, dù ở những dạng khác nhau và theo những quan điểm khác nhau.
Tuy nhiên, cần phải nói là trong một thời gian dài, họ đã không có được một đường hướng đoàn kết và thống nhất, hoạt động của họ, lúc thì đi vào con đường bế tắc, lúc thì theo hướng trùm chăn "án binh bất động" chờ thời hoặc ngược lại, theo chủ trương bạo động mà chưa đặt trọng tâm vào vận động quần chúng nhân dân.
Chỉ đến cuối năm 1944 và nhất là mùa xuân năm 1945, khi Mặt trận Việt Minh đưa ra những kêu gọi và đường hướng rõ ràng, cương quyết và mạch lạc cho cuộc cách mạng Việt Nam, thì giới trí thức mới thực sự đồng thanh dấn thân cho sự độc lập của dân tộc.
Tạm thời xếp lại một số bất đồng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu để giành và giữ độc lập cho đất nước dưới ngọn cờ của Việt Minh - ấy là một số nét cơ bản của đội ngũ trí thức tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám, như lời tự thuật của nhà trí thức - nhà thơ Tú Mỡ:
Lên đường dẻo bước khoác ba lô
Mang theo ý chí người dân Việt
Thà chết không làm vong quốc nô.
19/8 - cuộc khởi nghĩa của những người tay không
Cách mạng Tháng Tám là những ngày biết bao nhiêu thiếu nữ gia giáo, nền nếp Hà Thành xuống đường mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Minh. Là những ngày thanh niên ồ ạt gia nhập tự vệ chiến đấu, các đoàn thể, đảng phái ở VN sát cánh bên nhau vì mục đích chung: giành độc lập, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.
Bà Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện Triết học, con gái cố GS Dương Quảng Hàm) nghĩ về Cách mạng Tháng Tám như vậy. Bà là người tham gia cả hai sự kiện lớn trong Cách mạng Tháng Tám: cuộc mít tinh 17/8 và ngày tổng khởi nghĩa 19/8 ở Hà Nội.
Bà cũng là một trong hai thiếu nữ được vinh dự kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945. (Người kia là bà Đàm Thị Loan, phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái).
Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với bà Lê Thi xoay quanh những hồi ức và nhìn nhận của bà về Cách mạng Tháng Tám.
*****
Bà Lê Thi năm 1944.(Ảnh do nhân vật cung cấp) |
- Giai đoạn tiền khởi nghĩa, bà đang là nữ sinh, sống ở Hà Nội trong một gia đình trí thức tiểu tư sản. Xin bà cho biết con đường đưa bà đến với cách mạng, và tham gia Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội?
- Hồi đó tôi mới 18-19 tuổi (bà Thi sinh năm 1926 – NV), vừa học xong bằng diploma của trường nữ học Trưng Vương, đang chờ học hai năm cao đẳng sư phạm để đi làm cô giáo.
Cuối năm 1944 thì tôi được một bạn học cùng lớp là chị Tuyết Minh cho đọc báo Cứu Quốc rồi vận động theo Việt Minh, như bây giờ ta gọi là “tuyên truyền, giác ngộ” ấy.
Đầu năm 1945, tôi tham gia Hội Phụ nữ Cứu Quốc. Nhiệm vụ của tôi khi ấy là bí mật quyên góp gạo, muối, tôm khô để gửi lên chiến khu ủng hộ Việt Minh, và phát báo Cứu Quốc cho chị em bạn bè đọc.
- Hồi ấy, thông tin tuyên truyền ở trong tình trạng vô cùng hạn chế. Bà và các chị em bạn bè hiểu như thế nào về Việt Minh?
- Tôi biết rằng Mặt trận Việt Minh là một tổ chức gồm nhiều đoàn thể và đảng phái, mà mục đích của họ là đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước. Nói thật chứ hồi đó tôi cũng chả hiểu dân chủ là gì đâu, chỉ biết là chính quyền mới sẽ là của dân, không còn là chính quyền của thực dân Pháp hay thân Nhật nữa.
Tôi cũng biết Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo trong Mặt trận Việt Minh, các ông có vai trò chủ chốt trong đó đều là đảng viên cộng sản cả đấy. Lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì là cụ Nguyễn Ái Quốc, mà cho tới mồng 2/9 tôi mới biết cụ Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn Việt Minh thì là một mặt trận liên kết các đoàn thể như Hội Phụ nữ Cứu Quốc, Thanh niên Cứu Quốc, Tự vệ Chiến đấu; các đảng phái như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Bà đã vận động, tuyên truyền cách mạng tới anh chị em bè bạn bằng cách nào?
- Tuyên truyền thì tôi cứ để ý trong đám bạn bè mình, ai có vẻ có cảm tình, thích Việt Minh rồi thì tôi đưa báo Cứu Quốc cho đọc, tất nhiên dặn họ giữ bí mật. Rồi thuyết phục, vận động họ ủng hộ Việt Minh hoặc tham gia các đoàn thể của Việt Minh.
Tất nhiên cũng có người sợ. Họ không nói thẳng ra là họ sợ đâu, mà kêu là không tham gia vì chả biết làm gì cả. Có người tôi đưa báo Cứu Quốc cho đọc, còn vừa đọc vừa run. Nhưng số đó ít lắm, mà cũng là trước 17/8 thôi. Đa phần đều hăng hái, nhiệt tình ủng hộ Việt Minh, nhất là sau ngày 17-19/8.
- Về phần mình, bà có sợ không?
- Sợ lộ thì ai chả sợ lộ. Trước ngày 17/8, mọi việc phải vô cùng bí mật. Có chuyển báo Cứu Quốc cho ai thì tôi cũng phải thăm dò, cân nhắc, thấy họ đáng tin cậy mới dám đưa. Tôi đạp xe đi đưa báo, giấu báo dưới yên. Có lần đang đi đường, tôi giật bắn mình nghe một tên công an quát: “Cô kia, đứng lại!”.
Tôi líu ríu đứng lại, hắn quát: “Về đồn!”. Tôi sợ quá, dắt xe theo hắn, chỉ lo hắn bảo lật yên lên thì chết. Nhưng cuối cùng hắn nói: “Cô đi vào đường ngược chiều. Nộp phạt!”. May quá. Tôi vội vàng nộp tiền phạt rồi “chuồn” ngay.
GS Lê Thi bây giờ. (Ảnh: Hoàng Thư)
17/8: Lần đầu tiên “con gái Hà Nội” xuống phố, hô khẩu hiệu…
- Bà có thể kể lại những hồi ức của bà về diễn tiến của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội? Đầu tiên là quá trình chuẩn bị?
- Trước ngày tổng khởi nghĩa khoảng một tháng, chị Tuyết Minh bảo tôi “chuẩn bị ra chiến khu nhé”. Thế là tôi giấu gia đình, thu xếp quần áo, chuẩn bị lên đường. Như thế là chuyện lớn lắm đấy vì xưa nay, có bao giờ tôi dám ra khỏi nhà buổi tối, nay tôi lại dám trốn nhà ra đi như thế.
Tưởng là lên chiến khu nhưng hóa ra chỉ tập trung ở nhà Tuyết Minh nhận lệnh “chuẩn bị tổng khởi nghĩa”. Chúng tôi ngày ngày tập hát, các bài Tiến quân ca (lúc đó đã biết Tiến quân ca sẽ là Quốc ca của nước Việt Nam độc lập rồi), Diệt phát xít, Du kích ca…
Rồi thuê người may cờ. Bản thân chúng tôi thì tự dán cờ bằng giấy thôi, vì vải đắt lắm, mà may thì dễ lộ. Lúc ấy, tức là cho đến trước ngày 17/8, mọi sự vẫn diễn ra trong bí mật mà.
Được khoảng hai tuần, chúng tôi nhận được kế hoạch khởi nghĩa. Theo đó, vào ngày 17/8, tại Nhà hát lớn sẽ diễn ra một cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức để đề cao vai trò của chính quyền thân Nhật. Mình phải hiểu bối cảnh thời đó là Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh, Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đang có ý định cướp chính quyền từ tay Nhật trước Việt Minh, nên tổ chức mít tinh để tự biểu dương lực lượng.
Biết vậy nên ta chủ trương hôm đó sẽ lật đổ cuộc mít tinh, biến nó thành một dịp để Việt Minh ra mắt đồng bào. Kế hoạch là như vậy, và chúng tôi chia nhau đi vận động mọi người tham gia, đến từng nhà vận động, tất nhiên vẫn là bí mật.
- Và ngày 17/8 đã diễn ra như thế nào? Với tư cách một người tham gia cả quá trình, từ lúc chuẩn bị tới khi thực hiện, xin bà kể lại những gì bà còn nhớ về sự kiện 17/8.
- Ngày hôm đó, chúng tôi dán cờ đỏ sao vàng bằng giấy, giấu sẵn trong người, kéo tới quảng trường Nhà hát lớn để dự mít tinh từ sáng sớm. Khi người của chính quyền Trần Trọng Kim vừa chuẩn bị khai mạc, thì một người – sau này tôi biết đó là ông Trần Lâm, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam – đã lên được gác hai tung cờ đỏ sao vàng của ta lên. Lá cờ rất lớn, phấp phới bay trong gió, đẹp và oai hùng lắm.
Cùng lúc đó, Việt Minh cũng giành micro từ tay người của phía chính quyền, chuyển nó cho hai phụ nữ đại diện của Mặt trận Việt Minh lên nói chuyện. Một người là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đảng viên Đảng Dân chủ, còn người kia là bà Từ Anh Trang, thành viên Hội Phụ nữ Cứu Quốc, Tự vệ Chiến đấu.
Tôi nghe loáng thoáng hai bà giới thiệu về Mặt trận Việt Minh, là tổ chức sẽ giành chính quyền, lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dứt lời, hai bà hô to: “Ủng hộ Việt Minh!”. Chúng tôi cũng lập tức rút cờ từ trong người ra hô vang: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”.
Tiếng hô khẩu hiệu dậy đất. Quần chúng vỗ tay rào rào, hoan nghênh nhiệt liệt. Rồi tỏa đi các phố tuần hành biểu dương lực lượng. Cuộc mít tinh của chính quyền đã vỡ tung thành cuộc tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ Việt Minh.
- Tôi rất muốn biết những chi tiết nho nhỏ xung quanh cuộc mít tinh 17/8 đó, ví dụ như thời tiết hôm đó, cảm xúc của bà lúc đó như thế nào, và những người đi cùng bà trong đoàn?
- Hôm ấy trời đầu thu, mát mẻ. Cũng có nắng nhưng không to. Tôi mặc áo dài trắng. Phụ nữ chúng tôi rất đông. Thiếu nữ Hà Nội áo dài quần trắng. Chị em tiểu thương thì mặc quần đen áo cánh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Về sau này đi kháng chiến, khi mới phải mặc quần đen, tôi cứ ngượng ngượng là vì thế.
Tôi không tả hết được cảm xúc vui sướng và hào khí cách mạng của ngày ấy. Chỉ có thể nói là: Trước đó ở Hà Nội, chưa bao giờ phụ nữ đi bộ ngoài phố đông như thế, lại còn vừa đi vừa vẫy cờ, vung tay hô khẩu hiệu vang trời, mà chẳng thấy xấu hổ gì cả.
Tôi lúc ấy đã là cán bộ, đi hàng bên ngoài, hô trước để chị em hô theo. Cứ vừa đi vừa gào lên: “Ủng hộ Việt Minh!”. Chị em lại reo: “Ủng hộ! Ủng hộ! Ủng hộ!”. Rồi hát. Diệt phát xít, Du kích ca, nhất là Tiến quân ca. Hăng hái vô cùng, đến khản đặc cả cổ.
Bà Lê Thi và các bạn trong đồng phục áo trắng, váy xanh của Thanh niên Cứu Quốc, giai đoạn 1945-1946. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
19/8: Điển hình của một cuộc cách mạng nhân dân
- Sau cuộc mít tinh 17/8, bà đã tham gia vào một sự kiện lịch sử là ngày cướp chính quyền ở Hà Nội, 19/8. Bà có thể kể lại những gì bà còn nhớ được về sự kiện ấy?
- Từ sau hôm 17/8 thì có thể nói là Việt Minh ra công khai rồi, các hoạt động tuyên truyền của chúng tôi không còn phải bí mật nữa. Chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, ngày 19/8: may cờ, dán cờ giấy, đến từng gia đình vận động đi dự, lên kế hoạch đội nào đi chiếm cơ quan chính quyền nào trong thành phố. Không khí sôi sục. Bây giờ thì không còn ai sợ nữa, mọi người đều tham gia rất nhiệt tình.
Ngày 19/8, mít tinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn. Ông Trần Quang Huy (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội – NV) đứng lên tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân ở Hà Nội, do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo.
Sau đó là chia nhau đi chiếm trụ sở các cơ quan chính quyền: Tòa thị chính, Sở Liêm phóng, Nhà khách Chính phủ, nhà máy điện, nhà máy nước, Ngân hàng Đông Dương… Tôi được phân công ở trong đoàn đi cướp trại bảo an binh (nằm tại phố Hàng Bài bây giờ - NV). Đây có lẽ là nơi duy nhất tình hình căng thẳng giữa ta và lính Nhật.
- Cuộc đấu tranh ở trại bảo an binh đã diễn ra căng thẳng như thế nào, thưa bà?
- Trại bảo an binh là trại lính khố xanh, mà thực chất lính khố xanh thì toàn người Việt. Nhưng khi chúng tôi đến, lại thấy bọn lính Nhật cầm súng lăm lăm. Chúng không dám bắn vào đoàn biểu tình, nhưng cũng nhất định không mở cửa. Ta thì bám cửa, hô khẩu hiệu, đòi chúng mở cổng. Rồi bọn tiếp viện đem xe tăng tới bao vây, lát sau người của ta lại đến bao vây lại. Giằng co suốt hai giờ đồng hồ.
Cuối cùng lãnh đạo của bên mình (ông Lê Trọng Nghĩa, ủy viên Ban Khởi nghĩa – NV) đã thuyết phục được bọn Nhật mở cổng và xe tăng của chúng rút lui. Đoàn biểu tình lập tức tràn vào, cướp kho súng. Lính khố xanh trong trại toàn là người Việt, có một số người xin về quê, còn lại họ đều xin theo Việt Minh.
- Lúc căng thẳng giữa lính Nhật và đoàn biểu tình, bà và mọi người không nghĩ mình có thể gặp nguy hiểm hay sao?
- Thú thực là khi đứng ở cổng trại bảo an binh, thấy bọn Nhật có súng, thì tôi cũng hơi ghê ghê. Nhưng nói chung, mọi người đều không sợ, vì lúc đó lực lượng quần chúng mạnh lắm, mà phát xít Nhật thì đã yếu thế rồi, đầu hàng Đồng minh rồi.
Chúng tôi chỉ nghĩ, bọn chúng có bắn thì cũng chết vài người, nhưng ngần này người sẽ lao vào chúng, sống mái với chúng, chúng phải sợ. Khí thế cách mạng lên rất cao.
Mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19/8. (Ảnh tư liệu) |
Ấy thế mà giành chính quyền ở Hà Nội hoàn toàn là nhân dân, tức là viên chức, thanh niên, học sinh, tiểu thương, tay không khởi nghĩa. Không hề có lực lượng vũ trang mà chỉ có tự vệ chiến đấu với súng tự kiếm, tự mua từ lính Nhật từ lúc trước. Nhưng quần chúng đã chiếm thế áp đảo. Đây thật sự là điển hình của một cuộc cách mạng nhân dân.
Tôi cũng phải nói thêm, cả hai sự kiện 17 và 19/8, thành phần tham gia chủ yếu là những người trẻ tuổi. Chúng tôi không hề nghĩ tới cái chết. Tất cả đều vui, hăng hái, say mê, như trong một cuộc chiến đấu rất đẹp. Không cần biết tương lai sẽ thế nào, chỉ cần biết phải tiến lên giành độc lập và sẵn sàng chiến đấu khi Pháp quay lại. Mà xác định tinh thần là chúng sẽ quay trở lại.
“Sa trường hăng hái đi không về…”
- Có vài ý kiến cho rằng thực chất nước Việt Nam đã độc lập từ sau khi Nhật đảo chính Pháp, và ngày 11/3 Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập và thành lập chính phủ Trần Trọng Kim. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
- Thực ra họ tuyên bố độc lập nhưng cũng có độc lập được đâu, người Nhật vẫn nắm chính quyền. Thêm nữa, tôi không ủng hộ chính phủ của Trần Trọng Kim và Bảo Đại, vì tôi đã tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1944.
Tuy nhiên, tôi tin nhiều người trong chính phủ Trần Trọng Kim không có tư tưởng chống đối cách mạng. Nói cách khác, họ bật đèn xanh cho Mặt trận Việt Minh làm cách mạng giành chính quyền.
Cũng có thể họ ở cái thế phải nhường, vì họ có lực lượng đâu, trong khi Việt Minh vô cùng đông đảo. Lúc đó tôi thấy nhân dân cần một tổ chức tập hợp tất cả các đoàn thể, đảng phái lại để đánh Pháp đuổi Nhật, mà Mặt trận Việt Minh chính là tổ chức có khả năng tập hợp quần chúng đó.
Ngay sau ngày 19/8, không biết bao nhiêu thanh niên xin gia nhập tự vệ chiến đấu, đăng ký ồ ạt ngay trước cổng trại bảo an binh. Tôi tham gia cả ba đoàn thể của phụ nữ, thanh niên lẫn tự vệ.
- Bà quyết tâm đi theo cách mạng từ thuở ấy?
- Thời gian sau Quốc khánh 2/9, tôi hăng hái tham gia hoạt động: tuyên truyền, dạy bình dân học vụ, tập quân sự… Tất nhiên toàn là “vận động cách mạng không tiền”, kiểu “ăn cơm nhà vác ngà voi”, làm gì có phụ cấp. Tôi hăng hái lắm. Có điều tôi lại vẫn nghĩ làm cách mạng chỉ là tạm thời thôi, phong trào thôi.
Bố tôi (GS Dương Quảng Hàm - NV) hỏi: “Con cứ lông bông thế này mãi à?”. Tôi thưa: “Bố cứ để con làm nốt việc này, rồi con về con học sư phạm”.Đấy, tôi vẫn nghĩ là nghề chính của tôi là đi dạy học mà, ai nghĩ làm cán bộ là một nghề. Mãi tới 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến, tôi mới biết mình sẽ hoàn toàn thoát ly, sống trọn đời với cách mạng.
- Nhìn trở lại thì bà nhìn nhận về Cách mạng Tháng Tám như thế nào?
- Đó là cuộc cách mạng của Mặt trận Việt Minh giành độc lập về cho dân tộc, trong đó, công trạng lớn nhất thuộc về Đảng Cộng sản.
Hồi ấy, công tác vận động đoàn kết dân tộc của ta giỏi lắm. Thời gian từ 19/8 tới 2/9, chúng tôi vận động mọi người đi dự lễ độc lập, dân chúng đi dự rất đông. Không tập dượt gì cả nhưng rất có tổ chức. Có cả đoàn các cố đạo, đoàn các nhà sư, phụ nữ ngoại thành Hà Nội áo nâu quần đen, v.v... Đông vô kể. Ai cũng hào hứng, cũng ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Tôi kể chuyện này để thấy điều đó: Suốt một tháng trời tôi ở nhà chị Tuyết Minh, đến lúc về nhà, tôi lo lắm, sợ bố mắng con gái hư, bỏ nhà đi làm cách mạng. Nhưng ông cụ lại không hề mắng. Hóa ra ông cụ cũng ủng hộ Việt Minh.
Còn hôm 19/8, khi chiếm được trại bảo an binh, chúng tôi có gặp ông Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng của dàn nhạc trong trại. Ông vui vẻ đón chào cách mạng, thậm chí còn huy động dàn kèn dạy chúng tôi hát, ông kêu chúng tôi hát nhiều bài sai nhạc quá. Sau này ông viết hồi ký, có câu: “Cứ tưởng Việt Minh phải sừng sỏ thế nào, hóa ra toàn thiếu nữ quần trắng áo dài”. (cười)
Tất nhiên, đấy là vì lực lượng phụ nữ được tung ra áp đảo lính Nhật tại trại bảo an binh thôi, chứ thực chất, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của những người trẻ tuổi gồm cả nam giới và phụ nữ. Nó là cuộc cách mạng không một tiếng súng, của những người tay không cướp chính quyền, của một mặt trận đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn