Bản lĩnh kẻ sĩ
Karl Marx đã coi trí thức là những người có đủ trí thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề xã hội. Và “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì họ đang hiện hữu”.
Trí thức việt Nam hôm nay thật sự đã thể hiện được đầy đủ những phẩm chất ấy chưa? Hơn thế, tiếng nói của họ được lắng nghe tới đâu? Trong hàng loạt vấn đề tiêu cực của xã hội vừa qua, tiếng nói của trí thức đâu rồi? Người Đô Thị trò chuyện với GS Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM (LHH).
* Phóng viên: Thưa GS, ông phụ trách mảng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH, chắc hẳn ông sẽ có nhiều điều để nói về hoạt động này?
- GS Hoàng Anh Tuấn: Thực ra, 3 cụm từ tư vấn, phản biện và giám định xã hội để chỉ một chuỗi hoạt động của trí thức khi tham gia ý kiến vào một dự án công trình hoặc một vấn đề nào đó trong xã hội. Nếu tham gia ngay từ khâu đầu tiên lúc lên dự án thì gọi là tư vấn, tham gia vào lúc dự án đang hoạt động là phản biện, còn tham gia vào khâu cuối cùng gọi là giám định xã hội.
"Kiểng" trí thức!?
* Vừa qua hàng loạt chủ trương, chính sách và nhiều dự án, công trình tại TP đều có những vấn đề trục trặc, người dân tự hỏi: Đâu rồi tiếng nói phản biện của các trí thức TPHCM? Họ chán nói? Họ không dược nói hay không biết gì để nói?
- Chính kiến của người trí thức ít nhiều cũng đã được bày tỏ trên nhiều diễn đàn lớn nhỏ, nhưng để đánh giá đạt yêu cầu đến đâu thì quả thật là khó nói.
* Vâng, để nhìn nhận vấn đề cụ thể hơn, chúng tôi xin thử tìm hiểu về "Dự án thoát nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè", một dự án mà trí thức TPHCM đã lên tiếng rất nhiều về hiệu quả của nó.
- Ở dự án này, chúng tôi ngay từ đầu đã lên tiếng không đồng tình một cách rất quyết liệt rằng việc gom nước bẩn trong TP rồi bơm ra giữa sông, tức là đưa ô nhiễm cục bộ ra diện rộng.
* Nhưng, sau đó dự án vẫn được triển khai!?
- Quyền không ở trong tay chúng tôi. Sau đó, LHH không phản biện nữa mà được UBND TP mời làm giám định xã hội các khâu: thi công, tiến độ, môi trường, tác động đến xã hội...
* Và trên thực tế ngàn dân vẫn thấy dự án này còn lắm vấn đề?
- Định kỳ và đột xuất chúng tôi đều có những báo cáo rất cụ thể cho UBND TP. Chẳng hạn, anh em chúng tôi góp ý: Công tác điều tra địa chất của dự án không được làm kỹ, do độ lún của nền đất không đều nên việc đặt các đầu nối ống thoát nước không khớp nhau lâu dài sẽ có độ vênh giữa các mấu nối, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng công trình.
* UBND TP có lắng nghe?
- UBND rất quan tâm, kể cả sở chuyên ngành cũng có. Nhưng, mọi chuyện hình như vẫn vậy, tôi không biết nói thế nào...
* Như vậy, tiếng nói của các trí thức chỉ để "làm kiểng"?
- Hoạt động của chúng tôi chỉ mang tính xã hội như tên gọi vốn có của nó, không phải là giám định Nhà nước chính quy. Tiếng nói của chúng tôi chỉ mang tính tham khảo, chúng tôi không có quyền gì. Nhưng, cũng nên sòng phẳng hơn rằng, không phải lúc nào tiếng nói của chúng tôi cũng "làm kiểng" cả đâu. Chẳng hạn, với đề án di dời cảng Sài Gòn ra khỏi TPHCM và đưa về Bà Rịa- Vũng Tàu, giới trí thức cũng lên tiếng quyết liệt: Nếu làm như vậy, không bao lâu nữa TPHCM sẽ thành một phố Hiến, một Hội An thứ hai. Và, kết quả, tiếng nói được lắng nghe: cảng Sài Gòn được đưa ra cảng Hiệp Phước. Rồi đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân, LHH cũng cử các thành viên tham gia ý kiến...
Vẫn là chuyện cơ chế!
* LHH có bao nhiêu hội viên, thưa GS?
- Khoảng 60.000 hội viên với 43 hội chuyên ngành.
* Vừa qua, thông qua LHH, các nhà khoa học TP đã tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội được bao nhiêu công trình?
- Không nhiều, trong 4 năm từ 2003- 2006, cấp LHH tham gia 7 công trình, và các hội thành viên tham gia khoảng 50 công trình.
* GS có phân tích nguyên do vì sao tiếng nói đóng góp của trí thức khoa học quá ít ỏi vào các dự án, chưa kể tác động của họ vào các chủ trương, chính sách và nhiều vấn đề xã hội khác còn khá nhạt nhòa?
- Ý kiến của các trí thức vẫn chỉ dừng ở mức độ đóng góp "thử nghiệm", mà chưa thực sự trở thành một cơ chế buộc Nhà nước phải thực thi.
* Phải chăng vì vậy mà nhiều trí thức đã phải kêu lên: chán rồi, không nói nữa, vì nói thì ai nghe. Ngay Chủ tịch LHH - GS Nguyễn Ngọc Giao - cũng than thở: Nói nhiều lắm rồi, chẳng đến đâu?
- Nói cho đúng ra, trí thức cũng có nhiều chỗ để nói lên chính kiến của mình về một vấn đề nào đó thông qua LHH, Mặt trận Tổ quốc, tại các hội nghị, hội thảo hoặc trực tiếp gửi thư kiến nghị...
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng nhấn mạnh vai trò phản biện của từ thức. Song, vấn đề ở chỗ cơ chế nào để tiếp thu và phản hồi trở lại cho trí thức những ý kiến của họ, để trí thức không cảm thấy chán nản trước thời cuộc. Mọi sự im lặng đều đáng sợ cả.
*Vậy, theo ông, trí thức cần cơ chế như thế nào để đóng góp của mình thực sự có hiệu quả?
Ngoài cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin trên tôi vừa nói, để mở rộng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên diện rộng (cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển hiệu quả), phải nâng cấp loại hình hoạt động này bằng cách thể chế hóa cơ chế kiểm soát mọi hoạt động trong xã hội. Chẳng hạn, xác định các định mức công trình dự án đầu tư bao nhiêu tỉ đồng thì bắt buộc phải có giám định xã hội; hoặc các công trình, dự án nào phải được Hội đồng Nhân dân TP xem xét và tổ chức phản biện xã hội...
Phẩm hạnh trí thức - nên hiểu như thế nào?
* Chúng ta đã bàn đến tính phản biện của trí thức và đòi hỏi những cơ chế cho trí thức có điều kiện đóng góp ý kiến. Song, nếu nhìn hai mặt của vấn đề chúng tôi cũng muốn GS có một cái nhìn thẳng thắn hơn về năng lực của trí thức hôm nay.
- Trước hết, đã gọi là trí thức tức là anh phải luôn có chính kiến thức trong mọi vấn đề xảy ra trong xã hội. Mà, hiện nay cái không gian phản biện của trí thức nó còn mờ mờ ảo ảo, gây nên tình trạng vàng - thau lẫn lộn. Anh nói nhiều chưa chắc đã hay. Cho nên để đánh giá rất khó khăn.
* TS Chu Hảo, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ & Môi trường, trả lới phỏng vấn các phương tiện truyền thông đã cho rằng: "Nhiều trí thức đã không giữ được phẩm hạnh". Còn suy nghĩ của ông?
- Ông bà ta nói "Thời thế tạo anh hùng" thì cũng lắm khi thời thế có thể giết chết một anh hùng. Tôi nghĩ, không có gì là tuyệt đối cả trong một xã hội toàn cầu hóa biến chuyển từng giờ như hiện nay. Tầng lớp nào cũng có người hay kẻ dở. Vấn đề mấu chốt vẫn là những cơ chế, chính sách của Nhà nước để anh hùng lộ diện được, để những phẩm hạnh đích thực của người trí thức có cơ hội phát huy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005