Nói về trí thức, tại sao cứ phải thêm “đích thực”?

05:38 SA @ Thứ Sáu - 28 Tháng Tám, 2009

Cái tựa đề vừa khẳng định vừa bao quát

Thói háo danh dù đã bị nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đưa lên mức “quốc nạn” có lẽ vẫn chưa đủ, khiến nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn phải viết liên tiếp 3 bài để khẩn báo: không những háo danh mà còn vĩ cuồng.

Cái tựa đề của bài đầu tiên - Thói háo danh và vĩ cuồng của trí thức- vừa khẳng định (hễ là trí thức thì sở hữu 2 “thói”), lại vừa bao quát (không trừ ai) nói lên nỗi bức xúc của tác giả trước một vấn nạn có thật. May, khi đọc hết bài mới thấy tác giả chỉ nói về giới trí thức Việt Nam; và nói theo nghĩa thông dụng (ai có chút học vị đã là trí thức). Và rốt lại, tác giả chỉ muốn báo động rằng “thói háo danh đang thịnh hành ở một bộ phận không nhỏ thuộc giới này”. May hơn nữa, càng những bài sau, mức độ gay gắt càng giảm.

Khoe chức, trưng danh là phổ biến ở thời phong kiến

Thói háo danh đang phát triển tới mức kệch cỡm trong trí thức. Mà đây là lớp trí thức mới, vì nước ta đã nước XHCN từ nhiều thập kỷ nay. Dẫu vậy, trong bài tác giả vẫn dẫn ra những sự kiện xảy ra từ thời phong kiến. Điều này có lý, vì từ lâu trí thức ta đã bị nhận xét là có dáng dấp một ông quan văn – nghĩa là háo danh và “phò chính thống”. Vậy môi trường nào đã tạo ra và nuôi dưỡng cái dáng dấp quan văn này của của giới trí thức mới?

Tuy nhiên, thời nay dù háo danh kệch cỡm đến đâu cũng chưa bằng thời xưa. Chưa cần lớn lên để đọc sách của Ngô Tất Tố, chính tôi hồi nhỏ đã chứng kiến những trường hợp (cưới hỏi, ma chay, đình đám...) hai bên đối thoại cứ ra sức tâng bốc nhau về chức và danh của nhau. Khi gọi “bác Vĩnh”, tôi đã bị một cụ nhắc nhở để gọi cho đúng là “bác Cả Vĩnh”. Sau này, tôi cứ tự hỏi sao hồi ấy các cụ không thấy mình lố bịch?

Có lẽ tới 1/3 đàn ông làng tôi có chức hoặc danh. Số người có chức thật, danh thật đã hàng trăm; nhưng danh hão còn nhiều hơn. Đi lính (trơn) về, cũng có danh: cụ Vệ Huấn, cụ Vệ Lễ... Thậm chí, trưởng họ (địa vị trời sinh) cũng có danh: cụ Trưởng Phát, Trưởng Huyến... Rồi, nếu nộp cho làng một khoản tiền để được “nhiêu” (miễn) chuyện tạp dịch, cũng được gọi cụ Nhiêu, kèm với tên tục... Đến ông Đậm, mù chữ, cũng mua được danh. Ông ky cóp đủ 6 đồng bạc nộp cho làng, để được quản mấy người vác gậy đi tuần (chống bọn trộm vặt), từ đó mang danh “ông Trương Đậm”. Nay, vài trăm cụ có chức, có danh đã từ lâu ra người thiên cổ. Thời các cụ đã qua, nhưng chuyện trưng chức, khoe danh mà con cháu quyết kế thừa vẫn chưa qua.

Xưa, không những đó là chuyện thường, mà còn là một lẽ sống. Và mang tính tích cực. Nhưng nếu tàn dư vẫn rơi rớt đến nay, thì thành “thói”. Môi trường nào duy trì cái thói khoe danh rất lố bịch ngay dưới chế độ XHCN rất tiên tiến của chúng ta?

Chế độ phong kiến chỉ cần thư lại

Trong bài thứ hai - "Giới thông thái chân đất" – tác giả tỏ ra rộng lượng hơn (không lần nào nhắc tới từ “vĩ cuồng” nữa). Đến bài thứ ba, tác giả càng thông cảm với người có lỗi. Ông nhận ra, nền giáo dục dưới chế độ phong kiến quá đơn sơ (đừng ca ngợi nó quá mức cần thiết). Số người nổi tiếng thì nhiều, nhưng số tác phẩm thì ít, cứ như “cây không trái”. Ông kết luận: nền giáo dục như vậy chỉ có sản phẩm là lớp thông thái “chân đất” mà thôi. Có những gương ham học, nhưng học gì mới quan trọng.

Thật ra, chẳng cần tìm tòi, tra cứu gì nhiều, chứ một nền giáo dục – đã trải 9 thế kỷ kể từ khi có Quốc Tử Giám đến 1945 - mà tỷ lệ người mù chữ vẫn tới 99% đủ nói nó èo uột, sơ sài tới mức nào.

Nếu người xưa chỉ học những thứ mà hôm nay chúng ta thấy “vô bổ” thì lỗi tại ai?

  • Trước hết, người học không có lỗi, vì “thi thế nào, học thế ấy”. Đố thí sinh nào dám trễ nải Tứ Thư, Ngũ Kinh rồi... chắc chắn sẽ “hỏng thi”.
  • Liệu chế độ phong kiến có lỗi? Không đâu. Bởi vì, nó phải tuyển đúng những người mà nó cần. Đó là những người trung thành với đạo Khổng (đức) và đủ khả năng làm thư lại (tài), trong đó quan văn là thư lại cao cấp. Mà thư lại thì không có nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm. Nếu nhiều vị trở thành những nhà quân sự, kinh tế, ngoại giao có tài... thì đó là do khi làm quan, họ thể hiện một năng khiếu thiên phú, đồng thời họ may mắn được đặt đúng vị trí để trổ tài; chứ không phải do cách học và cách thi mà có được nhân tài.
  • Vậy thì, chả lẽ lỗi ở... chúng ta? Phải chăng chúng ta dùng cách nhìn hôm nay để phê phán chuyện đời xưa? Có thể là thế, nhưng điều này chưa quan trọng. Quan trọng là nếu thời nay vẫn dạy, học và thi không khác bao nhiêu so với thời xưa và vẫn theo đuổi thứ triết lý nhang nhác thời xưa (lễ và văn). Trách gì trí thức hiện nay chẳng hao hao giống quan văn, chằng ham khoe danh, khoe tước?

Một đoạn trích trong bài"Thói háo danh và vĩ cuồng của trí thức":

"Nửa cuối thế kỷ thứ XVII, có một trí thức Trung Quốc là Chu Thuấn Thuỷ trên bước đường chống Thanh phục Minh nhiều lần đến Việt Nam. Lần ấy, khoảng 1657, nghe Chúa Nguyễn có hịch chiêu mộ những ai biết chữ để giúp vào việc nước, Chu ra trình diện. Nhưng ông cảm thấy chung quanh không hiểu mình, không thi thố được tài năng, lại bị làm phiền, nên bỏ sang Nhật. Sau ông đóng góp rất nhiều vào viêc phát triển xã hội Nhật. "

Chúa Nguyễn ban hịch cả nước, nên người trực tiếp tuyển dụng là quan địa phương. Họ chỉ lấy người “biết chữ” (như hịch đã hướng dẫn) để làm thư lại hoặc quan văn, ai đủ điều kiện thì dự thi, và phải chấp nhận cách thức và nội dung thi. Tóm lại, đây không phải kỳ thi chính quy.

Một kỳ thi chính thức phải kiểm tra một cách hệ thống cả đức và tài, “lễ” và “văn”. Về “đức” sĩ tử phải thể hiện sự thấm nhuần và giỏi vận dụng đạo Khổng. Về “tài”, họ phải “văn hay - chữ tốt” để thảo được chiếu chỉ (để vua ban ra), viết được biểu để dâng lên vua. Nếu kỳ thi bắt họ phải làm một bài thơ (hay phú) thì không phải chế độ phong kiến cần nhà thơ, mà chỉ để thử thách cách dùng ngôn từ chải chuốt của vị quan văn tương lai. Một bài thi chính (mang tính bình luận) là để đánh giá thí sinh: 1) Có thuộc nhiều Kinh, Sách?; 2) Văn có hay, chữ có tốt?; 3) Có thấm nhuần và vận dụng sắc sảo đạo Khổng?. Do vậy, dù là kỳ thi Hội hay thi Đình chính thức, cách tuyển này vẫn không chọn được “trí thức đúng nghĩa”. Trên thực tế, chúa Nguyễn tuyển được nhân tài Đào Duy Từ không phải là nhờ thi cử, mà là qua đàm đạo trực tiếp.

Nhà nước phong kiến không cần nhà văn, nhà thơ, kể cả bác học. Càng không cần nhà lập thuyết: Vì đã có đạo Khổng rồi. Do vậy, chuyện “đỗ đạt nhiều, nhưng tác phẩm và công trình ít” là đương nhiên; khỏi bàn, khỏi thắc mắc. Việt Nam có được Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Phạm Thái... hay Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Bỉnh Khiêm... là do trời ban cho dân tộc ta những con người có năng khiếu bẩm sinh, cộng với sự ham mê sáng tạo của bản thân. Thường đó là việc “nghiệp dư” (không lương). Nguyễn Du được trả lương không phải do đã viết truyện Kiều, mà do giữ chức Tham Tri; Phan Huy Chú hưởng lương theo ngạch bậc, chứ không có nhuận bút cho Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Các tác giả viết Quốc Sử Diễn Ca chỉ được thưởng lụa và tiền, chứ không nhờ thế mà thăng quan...

Đến đây, cần tham khảo định nghĩa chặt chẽ của từ “trí thức”

Đọc bài đầu (Thói háo danh và vĩ cuồng của trí thức) và bài thứ ba (Truy tìm căn nguyên thói “háo danh” của trí thức) chúng ta thấy rất nên làm rõ nội hàm của từ trí thức. Bởi vì, theo những định nghĩa chặt chẽ, đã là trí thức thì không háo danh; đã háo danh thì hết là trí thức. Đến bài thứ hai (Giới thông thái chân đất), tác giả tạo hẳn một đề mục, bằng câu hỏi: “Ta đã có tầng lớp tri thức đúng nghĩa?” thì lại càng cần làm rõ khái niệm về trí thức.

Kết quả tra tìm bằng Google, với cụm từ “trí thức đúng nghĩa”

Chỉ cần 0,39’’ ta đã có 61700 kết quả; trong đó trang gần đây nhất chính là bài Giới thông thái chân đất. Như vậy, trước tác giả bài này đã có nhiều người quan tâm đến những phẩm chất để xếp một người có học vấn cao vào tầng lớp trí thức “đúng nghĩa”.

Thông thường, chúng ta dùng từ trí thức để chỉ người có học vấn cao (so với trình độ chung của xã hội) và kiếm sống bằng học vấn của mình. Loại người này thì bất kỳ xã hội nào cũng có, kể cả xã hội nguyên thuỷ, sơ khai. Dưới chế độ phong kiến, họ có tên nho sĩ, kẻ sĩ, sĩ phu... Cách dùng từ trí thức chung chung này trong nhiều trường hợp chưa gây rắc rối gì lớn, mà còn thuận tiện. Hoàn toàn có thể viết: “chế độ ưu việt của chúng ta đã đào tạo được nhiều triệu trí thức XHCN”. Thậm chí nó được dùng trong một văn bản quan trọng (Nghị quyết “Xây dựng đội ngũ trí thức”).

Intelligentsia (giới trí thức) có gốc Nga, ra đời từ giữa thế kỷ 19; còn intellectuelintellectual (người trí thức) có gốc Pháp và Anh, xuất hiện đầu thế kỷ 20. Đó là những từ mới, có một nội hàm mới. Do vậy, thật đáng khâm phục khi chuyển các từ nói trên sang tiếng Việt, các cụ ta đã không dùng những từ sẵn có (như: kẻ sĩ, nho sĩ, sĩ phu, bậc hiền tài, nhà thông thái, học giả...) mà dùng “trí thức”. Thật sáng tạo, khi từ này gói ghém được hai phẩm chất của trí thức: 1) họ là người có học vấn cao (trí tuệ); 2) đồng thời là người “tỉnh thức”.

Các Mác coi trí thức là người nhìn ra (tỉnh thức) những điều cần phê phán, và dám lên tiếng phê phán để xã hội phát triển. Viện sĩ Nga Likhachev coi trí thức là “bộ phận độc lập về trí tuệ” của một xã hội, nên ít được giới quyền lực bảo thủ ưa chuộng. Nếu xã hội là một cơ thể thì giới trí thức là cơ quan nhận thức và phát biểu của cơ thể đó. Các bài của các tác giả Việt Nam (tập trung nhiều ở trang web Chungta.com) coi trí thức là người có thiên chức phản biện xã hội với mục tiêu xây dựng...v.v. Tất cả, đều nhấn mạnh phẩm chất thứ hai. Định nghĩa chi tiết có thể xem thêm ở từ điển Wikipedia.

Trí thức “đúng nghĩa” không thể xuất hiện dưới chế độ phong kiến

Điều nói trên càng đúng dưới chế độ phong kiến phương Đông. Chỉ xin nói vắn tắt: Những người đỗ đạt ở chế độ này chỉ có một con đường duy nhất để tiến thân: làm Quan Văn (sau này gọi là vào biên chế). Năng lực chung được đào tạo: làm thư lại cao cấp. Chỉ có một cách hành xử: Tuyệt đối trung thành với đấng toàn quyền (vua), coi chủ thuyết của Khổng Tử như một giáo lý, bản thân xử sự như tín đồ (tụng niệm, cấm được nói khác giáo lý). Sự phấn đấu cả đời là thăng quan, tiến chức. Vinh dự cả đời là khoe chức, tước và danh (ghi đầy đủ chúng vào cáo phó, bài vị, câu đối ở nhà thờ và trên bia mộ). Dũng cảm nhất là dám lễ độ can vua (chớ có dại mà “phản biện”), cương trực nhất là dám từ chức, từ quan. Khi bị oan, khôn nhất là “mong sao thánh thượng sẽ hồi tâm”...

Như vậy, mỗi chế độ xã hội quy định cách ứng xử đặc trưng của trí thức(nghĩa rộng). Cứ nhìn cách ứng xử chung của giới này mà suy ra bản chất (hoặc tàn dư, sự trá hình) của một chế độ.

Sang chế độ tư bản, và nhất là dưới chế độ XHCN, là những xã hội dân chủ - khiến người có trình độ có thể phản biện mà vẫn an toàn; lại có thị trường - khiến người lao động trí óc có thể sống mà không cần vào biên chế; do vậy trí thức “đúng nghĩa” có thể xuất hiện và hành xử phù hợp với nền văn minh Công Nghiệp.

Tàn dư phong kiến

Khi giành độc lập (1945), nông dân ta chiếm 95% dân số, rất nặng tư tưởng tiểu nông. Thích hợp với kinh tế tiểu nông là chế độ phong kiến. Tàn dư phong kiến tồn tại dai dẳng là chuyện đương nhiên khi năm 2009 nông dân vẫn chiếm 3/4 dân số. Nếu những tàn dư này đem lại lợi ích cho một nhóm người thì họ sẽ tìm cách duy trì chúng, dưới dạng biến thể hay trá hình.

Hẳn là đảng lãnh đạo đã biết rõ để có cách xử lý thích hợp.

Tại sao chúng ta cứ phải nói dai, nói dài, nói mãi về trí thức “đúng nghĩa”?

Đó là vì trí thức XHCN tuy ngày càng đông đảo (triệu và triệu) nhưng cũng ngày càng... ít đúng nghĩa. Có lẽ hiếm nước nào khi nói về trí thức cứ phải thêm “đúng nghĩa”. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, trong bài thứ 3, đã phân tích nhiều nguyên nhân của bệnh háo danh và tìm hiểu vì sao nước ta chưa có trí thức “đúng nghĩa”. Phải chăng nguyên nhân bao trùm nhất là tàn dư phong kiến. Nhưng nó biểu hiện cụ thể ra sao, thì chúng ta phải hợp sức cùng tìm.

Cứ tiện đâu nói đấy, cũng có thể kể hàng chục đặc trưng phong kiến rất dễ để lại những tàn dư, biến thể, và sống rất dai vì nó hợp với tư tưởng tiểu nông của dân ta. Không loại trừ nó được những nhóm lợi ích bảo hộ, che giấu.

Vài ví dụ:

- Vua: Đó là một thực thể quyền lực tối thượng, không bao giờ sai lầm, được “trời” đặt lên ngai và chỉ chịu trách nhiệm với “trời” – nghĩa là đứng trên pháp luật và không bao giờ bị phán xử trước toà. Tâm lý tiểu nông không thể thiếu vua, nên dễ bị lợi dụng để chấp nhận và tôn sùng những cá nhân (hoặc thực thể) biến chất dần dần hành xử như vua. Nước ta 7 lần có 2 vị cùng làm vua, gọi theo cách hiện nay là “tập thể vua” (thời hai bà Trưng, thời Hậu Ngô và thời Trần). Địa vị của vua được giải thích là do luật Trời.
- Vua ban hành pháp luật (ví dụ, Luật Hồng Đức, Luật Gia Long) để xử các quan và xử dân. Nhưng các quan được xử theo “lễ”; còn dân bị xử theo “luật”.
Sau 60 năm, chế độ dân chủ của ta đã có cấp thứ trưởng suýt bị xử trước toà. Đây có lẽ là điều điều khác hẳn ngày xưa?.
- Vua là nước. Trung với vua, với chế độ của vua, là đủ. Quân đội càng phải “trung quân”.
- Toàn triều đình, toàn thể quan lại và dân thường phải tôn thờ duy nhất chủ thuyết của đức Khổng Tử - tức nhất nguyên. Không thể tồn tại khái niệm “đa nguyên”.
- Tôn chủ thuyết của đức Khổng Tử thành quốc đạo, thành tôn giáo (gọi là đạo Khổng - giống như nay ta gọi đạo Phật, đạo Thiên Chúa). Coi ngài như vị thánh lập thuyết; có đền miếu để sĩ phu nước Việt có nơi thờ phụng, dù ngài có gốc ngoại quốc.
- Đưa đạo Khổng vào chương trình bắt buộc trong trường. Muốn gia nhập biên chế quan lại nhất thiết phải học và thi giáo lý đạo Khổng.
- Lập lăng mộ cho vua - nhất là vị sáng lập triều đại. Lăng các vua Lê ở Thanh Hoá; lăng các vua triều Nguyễn ở Huế.
- Tạo ra các vị thánh của chế độ (không nhất thiết có công với dân), có nơi thờ phụng trang nghiêm để đề cao chế độ. Ví dụ, triều Nguyễn (đươc, làm vua) đã cho lập đền thờ cụ Võ Tánh hy sinh trong cuộc nội chiến giành ngôi vua với phe Tây Sơn (bị thua, bị triều Nguyễn coi là giặc).
- Tạo ra lớp “trí thức quan văn”, nhiệm vụ số 1 là phục vụ và ca ngợi triều đình; lấy chức tước và danh hiệu được vua và chế độ ban cho làm vinh dự và sự nghiệp cả đời.

- ... đến đây, có thể vân vân... được rồi.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí thức và thói háo danh

    05/02/2018Vương Trí NhànTrí thức là một thành phần quan trọng, đóng vai trò định hình tư tưởng, dẫn dắt xã hội. Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, không phải toàn bộ nhưng ít nhất một bộ phận trong số họ có những nhược điểm cố hữu...
  • Trí thức: bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội

    09/08/2019D. S. Likhachev (Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga) - Phạm Xuân Nguyên dịchTừ “trí thức” trong các thứ tiếng khác được coi là vay mượn từ tiếng Nga. Tôi muốn gọi trí thức là bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội. Đây không đơn giản là học vấn và những người có học làm việc trong lĩnh vực lao động trí óc. Sự độc lập trí tuệ là đặc điểm tối quan trọng của trí thức. Độc lập với các quyền lợi đảng phái, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, thương mại và thậm chí đơn giản là công danh.
  • Kẻ sĩ xưa và nay

    09/04/2019Hà Thúc MinhQuá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.
  • Để có lớp trí thức xứng đáng

    12/05/2018Hoàng TụyThời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức. Nói rõ hơn là hoàn cảnh chính trị xã hội, là bản lĩnh, tài năng các nhà lãnh đạo quốc gia, và một phần chính yếu, là môi trường giáo dục đương thời. Cho nên tôi rất tán thành hãy bắt đầu bằng vấn đề giáo dục để bàn chuyện xây dựng lớp trí thức mới.
  • Chứng vĩ cuồng: Hiện tượng và căn nguyên

    20/08/2017Cao Xuân HạoChứng vĩ cuồng không có cách gì chữa được. Không có cách gì lôi một con người ra khỏi cõi cực lạc mà họ đã đắm mình vào một cách hoàn toàn vô thức. Chính vì sự giác ngộ về sự vĩ đại của bản thân là hoàn toàn vô thức, cho nên không có cách gì chứng minh cho đương sự thấy rằng đó là một ảo giác...
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • "Sĩ phu, trí thức thì không được hèn"

    16/03/2016Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nhân đầu xuân mới, bàn tròn xuân Kỷ Sửu của Đất Việt ghi lại những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng Việt Nam bàn về sĩ phu, trí thức thời nay.
  • Từ kiến thức đến nhân cách

    20/10/2015Vương Trí NhànCái vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thức vốn khá đa dạng. Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội. Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học. Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vẫn nổi lên rõ rệt hơn cả...
  • Sự trung thực của trí thức

    30/08/2014Lê ĐạtTheo nghĩa truyền thống, kẻ sĩ là một người có học. Còn học nên biết lẽ phải trái để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái dũng của họ không phải cái dũng chém tướng đoạt thành mà là hệ quả của cái trí, nhằm làm sáng tỏ đạo thánh hiền. Đó là một công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
  • Luận bàn về trí thức

    17/06/2014TS. Nguyễn Quang AVài tháng nay các trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) sôi nổi đóng góp cho Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua.
  • Trí thức nửa mùa

    09/09/2013Oleshuk Iu.FỞ nước Nga, trong thế kỷ XX đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này, chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ yếu trong những cuộc cải cách đầy tai họa hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa.
  • Danh lợi

    20/08/2010Nghiêm Lương ThànhĐọc sách xưa, thấy các cụ hay nói đến cụm chữ “công danh”. Phải chăng các cụ nhà mình cũng lại rất háo danh? Nếu để ý một chút, thấy trước chữ "danh" bao giờ cũng là chữ "công"...
  • Quan niệm về trí thức và vị trí của trí thức với sự phát triển xã hội

    03/08/2009Đất nước đang tiến vào tương lai trong thời đại loài người tăng tốc chia sẻ nguồn tài nguyên tri thức bằng sự phát triển vũ bão của CNTT, truyền thông, thế giới Internet kỳ diệu. Quốc gia nào cũng khao khát làm chủ nền kinh tế tri thức mới. Vai trò và trách nhiệm của trí thức ngày càng trở nên quan trọng, thúc bách. Chungta.com xin trân trọng giới thiệu chủ điểm về Người Trí Thức, tổng hợp lại các bài nghiên cứu hoặc tranh luận nhằm tạo ra một góc nhìn đa diện, nhiều chiều về chân dung người trí thức nói chung và vai trò, vị trí của họ đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc.
  • Chế độ xã hội với trí thức

    03/07/2009Nguyễn Ngọc LanhMỗi chế độ xã hội đều có tầng lớp lao động trí óc của mình với tiêu chuẩn và tên gọi riêng. Nói một cách danh chính và chặt chẽ, trí thức đúng nghĩa chỉ xuất hiện trong những xã hội đã có dân chủ, tự do; nhất là tự do báo chí. Cách mạng tư sản Pháp thành công năm 1789, nhưng hơn một thế kỷ sau mới ra đời từ trí thức; chính là vì phải đợi cho tự do, dân chủ phát triển đạt yêu cầu. Nhưng ở thế kỷ XX, nhiều nước châu Á tuy rất nặng căn phong kiến mà chỉ cần vài thập niên đã có đủ dân chủ, tự do để trí thức “đúng nghĩa” xuất hiện. Thế ký XXI hẳn phải nhanh hơn nữa.
  • Phẩm cách quan trọng của người trí thức

    21/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện)Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chia sẻ với SVVN về tư cách của trí thức, và sứ mệnh của trí thức trong sự nghiệp đưa đất nước ngày một cường thịnh.
  • Hành xử của trí thức dưới chế độ cũ

    05/05/2009GS - Nhà giáo nhân dân, Nguyễn Ngọc LanhChế độ phong kiến (và trước nữa) mọc lên từ nền văn minh nông nghiệp, trải hàng chục ngàn năm, nay đã hết vai trò lịch sử khi loài người chuyển sang nền văn minh công nghiệp dành cho một chế độ mới. Do quá trình tàn lụi kéo dài hàng thế kỷ, chế độ cũ vẫn để lại những tàn dư, biến tướng, kể cả trá hình, nhất là ở phương Đông. Đó là nơi chế độ phong kiến tồn tại quá lâu, hơn nữa nó bị lật đổ không phải bằng sự lớn mạnh của giai cấp tư sản, do vậy sự xoá bỏ khó mà triệt để - nhất là xoá bỏ nền kinh tế tiểu nông: nơi sản sinh và nuôi dưỡng ý thức hệ phong kiến.
  • Giữa đất và trời

    25/03/2009GS. Cao Huy ThuầnRất khó định nghĩa như thế nào là một người trí thức, nhưng bất cứ người trí thức nào cũng có lúc đặt phải câu hỏi cho chính mình: giữa những nguyên tắc trong veo mà mình nuôi dưỡng trong đầu với thực tế trái ngược mà mình phải đương đầu trước mắt, có thể nào dung hòa được không trong hành động?
  • Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!

    01/09/2008Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nghị quyết TƯ 7 sau một tháng ban hành đang dần đi vào cuộc sống, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Đây được coi là một cơ hội để từ đó, có thể hình thành một tầng lớp trí thức với đầy đủ tính năng, phẩm chất của nó...
  • Trí thức là ai?

    30/01/2007Tiến sĩ Nguyễn Quang ATrong thế giới toàn cầu hóa ngày nay (với cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông, với sự phổ biến của Internet, với sự bành trướng sức mạnh của thông tin, của biểu tượng, với sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức) thì vai trò và trách nhiệm của trí thức là rất lớn lao. Trên Vietnamnet đang có cuộc tranh luận về trí thức Việt Nam mạnh hay yếu. Bài này mong góp vài ý kiến về chủ đề này....
  • Trí thức Việt Nam thời toàn cầu hóa: Tư duy, kỳ vọng và trách nhiệm

    01/01/2007Trần Hữu DũngNgười trí thức phải mạnh dạn hướng dẫn và gạn lọc (qua thuyết phục) các trào lưu văn hóa đại chúng. Song, cần nhấn mạnh, sự “hướng dẫn” này phải được vạch ra từ góc nhìn toàn cầu của chính người trí thức. Nó phải xuất phát từ một trình độ lý luận cao, đượm tính nhân bản, tôn trọng dị biệt. Nó không thể là một “phản xạ” có tính giáo điều, hoặc mù quáng bảo lưu những tư duy lỗi thời, không còn thích hợp với thế giới mới...
  • xem toàn bộ