Triết lý siêu hình
Mục lục
1. Giới thiệu.
2. Siêu hình học- tiền Descartes
3. Siêu hình học hiện đại -hậu Descartes
4. Nhị nguyên siêu hình luận của René Descartes
5. Tâm vật nhất nguyên luận của Benedict Spinoza
6. Thuyết phiếm hồn của Gottfried Wilhelm Leibniz
7. Chủ nghĩa kinh nghiệm của John Locke.
8. Chủ nghĩa Duy Tâm của George Berkeley
9. Chủ nghĩa hoài nghi của David Hume
10. Chủ nghĩa Duy Tâm Phê Phán của Immanuel Kant
11. Chủ nghĩa Duy Tâm Tuyệt Đối của Georg Wilhelm Friedrich Hegel
12. Chủ nghĩa Duy Tâm y Chí Bi Quan của Arthur Schopenhauer
1. Giới thiệu
Thuật ngữ siêu hình học (metaphysics) vốn xuất phát từ cụm từ Hy Lạp "meta ta Phusika" (hàm nghĩa phía sau, hay vượt ra khỏi, giới vật chất tự nhiên). Siêu hình học là bộ môn nghiên cứu Thực Tại Tối Hậu, về những gì vượt lên trên hiện tượng vật chất.
Đối với giới triết gia, những gì mà các giác quan có thể cảm nhận được đều là "hiện tượng" (phenomenal). Trên cơ sở đó, họ phân định sự khác biệt giữa "sự hiện hữu mang tính hiện tượng" (phenomenal existence) và sự thực hữu tối hậu, hay "thực tại siêu hình" (metaphysical reality).
Thí dụ: Một lượng nước trong cốc chỉ thể hiện hình thái lỏng, ẩm ướt và không mầu; nhưng thực chất, nó bao gồm những phân tử H2O. Không có khả năng cảm nhận được 2 nguyên tử hydrogen và 1 nguyên tử oxygen trong phân tử nước, các giác quan chỉ có thể nắm bắt được sự tồn tại mang tính hiện tượng của loại vật chất ấy.
Bên cạnh đó, siêu hình học cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa thực tại và hiện tượng nỗ lực miêu tả bản chất của vũ trụ.1
- Xuất xứ:Theo quan niệm tryền thống, thuật ngữ metaphysicschỉ đơn thuần ghi nhận thứ tự sắp xếp các bộ sách trong thư viện của Aristotle. Do các bộ sách đề cập đến các lãnh vực siêu hình được xếp phía sau các bộ sách vật lý (physics), chúng được biết đến với biệt ngữ meta physics (phía sau vật lý). Giả thuyết này được Andronicus đưa ra. Tác giả này là người đã biên tập và hệ thống hoá các tác phẩm của Aristotle, đồng thời mang đến cho chúng ta thuật ngữ "metaphysics".
Trong số các tác phẩm của Aristotle, quyển "Triết học đầu tiên" (First philosophy) đề cập đến sự tồn tại của Thượng Đế, bản chất của thực tại và nguyên lý nhân quả, v.v....Vượt ra khỏi khuôn khổ vật chất và hiện tượng giới, một số tác phẩm xem xét, giới thiệu những suy tưởng và chiêm nghiệm về Thực Tại Tối Hậu - đối tượng nghiên cứu của bộ môn siêu hình học.
- Phân loại: Christian Wolff, vị học giả Đức đã từng hệ thống hoá triết lý của G. W. Leibniz, phân loại siêu hình học ra làm 4 nhánh chính:
1. Bản thể học (Ontology): Chuyên nghiên cứu Thực Tại Tối Hậu.
2. Vũ trụ học (Cosmology): Chuyên nghiên cứu trật tự tối hậu của vũ trụ.
3. Tâm lý học (Psychology): Chuyên nghiên cứu bản chất và sự tồn tại của Thượng Đế trong khuôn khổ các sự kiện tự nhiên và kinh nghiệm lý lẽ.
4. Tri thức học (Epistemology), bộ môn nghiên cứu khả năng thu thập kiến thức của con người, cũng được một số triết gia vĩ đại xem là một phân môn của siêu hình học, George Hegel đã từng đồng hoá tri thức học với luận lý học, xem sự thật là điều hợp lý và ngược lại.
John Stuart Mill đã nhận định siêu hình học như "một bộ phận của lãnh vực triết lý tinh thần, cố gắng xác định xem chức năng thần kinh nào thuộc về nguồn gốc tâm linh, chức năng nào được hình thành từ vật chất và ngoại cảnh."
Với Immanuel Kant, siêu hình học là những gì vượt khỏi kinh nghiệm tri thức của con người. Thượng Đế, linh hồn, sự bất tử,v.v...là những lãnh địa bất khả tri, con người chỉ có thể thu được kiến thức trọn vẹn về thế giới hiện tượng. Qua đó, Kant đã mở đường cho sự ra đời của Hiện Tượng Luận (Phenomenalism) và Thực Chứng Luận (Positivism).
Schopenhauer kết hợp kinh nghiệm với siêu hình học, nhấn mạnh vai trò của sự phân tích các sự kiện kinh nghiệm và thực chứng.
Là những người xem mọi cuộc thảo luận về Thực Tại Tối Hậu là nỗ lực vô nghĩa, các triết gia thực dụng rất đồng tình với nhận xét của William Jame về siêu hình học: "Giống như mọi chú mèo đều xám màu trong bóng đêm, mọi lý lẽ đều mờ mịt đi dưới quan điểm phê phán siêu hình."
Xét về mặt lịch sử, Renes Descartes được xem là cha đẻ của triết học và siêu hình học hiện đại. Vì thế, siêu hình học còn được phân ra làm hai nhánh: Tiền Descartes (Pre-Cartesian) với công trình nghiên cứu của các triết gia Hy Lạp cổ đại, và Hậu Descartes (Post-Cartesian) hay còn được gọi là siêu hình học hiện đại.
2. Siêu hình học tiền Derscarte
Theo truyền thống văn hoá Tây Âu, siêu hình học tiền Descates được xem là bắt nguồn từ các nhà vật lý cổ đại tại Ionia2(giai đoạn 600-528 trước Công Nguyên), bao gồm bộ ba hiền triết của thành Miletus (Tiểu Á), sống trước thời Socrates: Thales3(624-546 trước CN) và Anaximander (610-546 trước CN) và Anaximenes(585-528 trước CN).
a) Ý tưởng của các bậc hiền triết thành Miletus (the Milesian Philosophers)
Các bậc hiền triết thành Miletus quan tâm đến thực tại và vật chất của vũ trụ, chất liệu đã hình thành nên thế giới. Nói cách khác, họ cho rằng vật chất là thực tại tối hậu (chân xác về mặt bản thể). Bởi vì các bậc hiền triết ấy là những nhà tiên phong trong lãnh vực khoa học và triết học, ý tưởng và ngôn ngữ diễn đạt của họ được xem là có giá trị nguyên thuỷ.
Thales nhận định rằng nước là thực tại tối hậu, bởi lẽ đó là chất liệu có khả năng tồn tại ở ba trạng thái: rắn, lỏng và khí, Anaxienes lại có quy kết cho không khí, có lẽ ông đã xét đến tầm quan trọng, sự cần thiết và khả năng chuyển hoá linh động của nó. Thực tế, nước và không khí đều là yếu tố có tầm quan trọng sống còn đối với sự tồn tại. Quy kết nguồn gốc sự sống cho vật chất, các nhà vũ trụ học đã đưa ra Thuyết học hoạt (Hylozoism), cho rằng nước và không khí là 2 yếu tố cần thiết cho hoạt động sống. Về phần mình, Anaximander nhận định aperon, trạng thái vô biên và vĩnh hằng, là bản thể nguyên sơ của vũ trụ. Ông cũng đề cập đến bản thể apeiron ấy bằng các tên gọi khác như: Vô Cực, Vô Biên, Vô Hạn hay Thực Tại Thần Thánh.
b) Trường phái Eleatic
Trường phái Eleatic (the Eleatic School), xuất hiện vào thời kỳ 540-475 trước Công Nguyên, quan tâm đến vấn đề tính đồng nhất và sự biến dịch, thừa nhận rằng chỉ có một thực tại duy nhất, loại trừ tính thực hữu tối hậu của mọi hình thức thay đổi. Đứng đầu trường phái này là bốn vị hiền triết xứ Elea, bao gồm:
- Xenophanes(570-475 trước CN), người đề xuất Nhân Hình Luận và vai trò của nó đối với Thuyết Đa Thần, này đã đưa ý tưởng Nhất Thần vào lãnh vực triết học. Kết luận về tính nhất thể của Thượng Đế được ông suy luận ra từ sự vận hành hoà hợp trong thế giới tự nhiên muôn hình vạn trạng. Ngoài ra, ông cũng đồng hoá Thượng Đế với thế giới thực tại vĩnh hằng và vô biên (quan điểm Phiếm Thần).
- Parmenides, người lãnh đạo trường phái Eleatic, phát triển khái niệm Thực tại (Being) - sự chân xác về mặt bản thể. Ông đánh đồng thực tại với tư tưởng, cho đó là hai mặt của cùng một vấn đề. Những gì không thể tư tưởng, không thể tồn tại. Tư tưởng là điều kiện tiên quyết cho sự thực hữu. Bởi lẽ sự thực hữu là nội dung của tư tưởng, tư tưởng cũng chính là hình thái (hay nguyên lý) của Thực Tại. Thực Tại là những gì hiện hữu, có thể chất và chiếm hữu một phần không gian nào đó. Khoảng không trống rỗng là vô nghĩa, hư vô phi hữu.
Parmenides lập luận rằng, do khoảng không trống rỗng và phi hữu, mọi chuyển động đều không thực hữu bởi lẽ chuyển động chỉ có thể xảy ra trong vùng hư không phi hữu. Hơn nữa, các đối tượng đa thành phần tách biệt nhau cũng không thực hữu, bởi vì các thành phần của chúng bị phân cách bởi khoảng hư không phi hữu ấy. Vì thế, ông đi đến kết luận rằng thực tại tối hậu (Being) là một (về mặt số lượng và chủng loại), vĩnh hằng (nguyên thuỷ), bất hoại (tồn tại đời đời) nhưng hữu hạn (về mặt không gian).
- Zeno4 người được Aristole tôn xưng là "nhà phát minh ra phép lập luận biên chứng", nổi tiếng với tài biện luận sắc sảo. Ông thường đẩy những kẻ tranh biện với mình vào chỗ mâu thuẫn và bế tắc. Zeno cho những lập luận đặc sắc phản bác sự thực hữu của mọi chuyển động. Với thí dụ về một mũi tên bay, ông phân tích từng thời điểm của đường bay để chứng mình rằng thực ra mũi tên ấy không hề chuyển động. Ngày nay, chúng ta có thể tiến hành lập luận tương tự bằng cách thu hình một vật thể đang chuyển động. Đoạn phim thu được sẽ cho chúng ta thấy rằng chuyển động ấy thực ra chỉ bao gồm một chuỗi hình ảnh bất động.
- Melissus cống hiến cho trường phái Eleatic khái niệm thực tại vô biên. Ông lập luận rằng nếu không gian là hữu hạn, nó phải bị giới hạn bởi không gian trống rỗng (vùng hư không phi hữu). Bằng cách đó, ông đặt ra câu hỏi: "Nếu không gian gần càng tại một điểm nào đó, bên ngoài nó có thể là cái gì? không gian khác ư?"
Đối với luận điểm của trường phái Eleatic (vạn bất nhất thể, biến dịch phi hữu) là luận điểm của Heraclitus5 taị thành Ephesus (544-484 trước CN). Heraclitus cho rằng mọi vật đêu chuyển động và biến dịch (giống như nước sông không ngừng tuôn chảy về biển, vạn vật liên tục biến đổi trong quá trình tiến hoá). Nâng sự biến dịch lên vị trí "thống soái của toàn bộ vũ trụ" ông nhấn mạnh rằng không có gì bất biến, mọi vật liên tục đổi thay trong từng khoảnh khắc. Chuyển dịch là nền tảng của muôn vật và vạn sự. Thực tại là một tiến trình biến đổi. Vì thế, Biến dịch (Becoming) chính là Thực Tại Tối Hậu của vũ trụ.
Bản chất của lửa chính là minh hoạ sinh động nhất của Biến Dịch Lửa liên tục đổi dạng, không ngừng chuyển động, chẳng bao giờ cố định. Do đó, Heraclitus cho rằng lửa là yếu tính của vạn vật. Mặt khác, để có thể vận hành nhịp nhàng và có trật tự, thế giới tự nhiên phải tuân thủ một hệ thống quy luật có tính hệ thống quy luật có tính đồng nhất. Vì thế, quy luật tự nhiên (The Logos - Lý lẽ của vũ trụ) chính là Thực Tại thường hằng duy nhất.
c) Đa nguyên luận (Pluralism)
Cuối cùng, vấn đề bất đồng quan điểm giữa trường phái Eleatic và Heraclitus được giải quyết thông qua quan điểm tổng hợp của các triết gia Đa Nguyên Luận, những người nhận định rằng Thực Tại vừa đồng nhất, vừa biến dịch. Cống hiến những tư tưởng triết học cho nhân loại trong khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên (470-370 trước CN) Đa Nguyên luận được hình thành nhờ công lao của các triết gia vĩ đại như:
- Empedocles xứ Agrigentum (thuộc đảo Sicily) nhận định rằng vạn vật được tạo ra từ 4 yếu tố cơ bản: Đất, Khí, Lửa và Nước. Tuy là các yếu tố nguyên thuỷ, bất hoại, thuần nhất và bất biến, chúng đều có thể phân thành những phần tử nhỏ hơn và có khả năng biến dịch. Mặc dù mọi vật đều biến đổi, tự bản thân chúng không có động lực. Theo Empedocles, mọi biến động đều xuất phát từ nguyên lý ngoại tại, từ yêu và ghét. Không chỉ là chức năng, quan hệ hay cảm giác đơn thuần, yêu và ghét còn là động lực, là quyền năng.
- Anaxagorasxứ Clazomene mặc nhiên thừa nhận một vũ trụ bao gồm vô số nguyên tố (elements). Ông cho rằng mỗi sự vật trong tự nhiên đều bao hàm nhiều nguyên tố vũ trụ, chúng chỉ khác biệt với nhau về mặt hình thái, màu sắc hay mùi vị. Những sự vật ấy tác động đến các giác quan của chúng ta, bộc lộ những thuộc tính vượt trội đặc biệt của chúng (thí dụ như thuộc tính trắng của thạch cao, thuộc tính ngọt của mật, v.v...) Cho rằng các nguyên tố ấy là vĩnh hằng, bất hoại và bất biến, ông đã định hình nên học thuyết về tính bất diệt của vật chất (the Doctrine of the Indestructibility of Matter).
Ngoài ra, Anaxagoras tin rằng có một nguyên lý tinh thần (được ông gọi là Nous) ban cho các nguyên tố vũ trụ một khả năng chuyển dịch. Ông cũng quy kết các thuộc tính như Trật Tự, Cái Đẹp, Chủ Đích, Quy luật và Sự Hoà Hợp của vũ trụ cho nguyên lý tinh thần ấy. Giống như Lý Lẽ, Tinh Thần hay Tư Tưởng, Nous đã được Anxagoras đồng hoá với Thân Thánh. Chính quan điểm triết lý này đã mở đường cho Chủ Đích Luận ra đời.
- Leucippus của thành Abdera6là người đầu tiên đưa ra khái niệm "nguyên tử" (atoms - hàm nghĩa "vật bất khả phân"). Theo ông, đó là những nguyên tố vĩnh hằng, nguyên thuỷ, bất biến, bất hoại, đồng nhất, bấ khả phân và hữu hạn. Tràn ngập khắp không gian, các nguyên tử có số lượng rất lớn, chúng chỉ sai khác nhau về kích cỡ, hình thái và vị trí. Leucippus cho rằng mọi biến động trong vũ trụ đều xuất phát từ sự chuyển dịch vị trí của các nguyên tử trong không gian. Vì thế, chuyển động là kết quả của sự tái lập mối quan hệ giữa không gian và các nguyên tử, những thực thể siêu hình duy nhất trong vũ trụ.
- Democritus7 của thành Abdera là triết gia nổi tiếng nhất của trường phái Đa Nguyên Luận. Là người phát triển thuyết nguyên tử, cha đẻ của chủ nghĩa Duy Vật (Materialism) ông góp phần hình thành nên nguyên lý bảo toàn năng lượng (the Conservation of Energy) của vật lý học hiện đại. Ông nhận định rằng không có gì được hình thành hoặc tiêu biến đi một cách tuyệt đối, bởi lẽ mọi vật được cấu thành từ các nguyên tử bất hoại, các nguyên tử này chỉ thay đổi và tái lập trật tự, cách sắp của chúng mà thôi.
Democritus cũng cho rằng các nguyên tử có tính vĩnh hằng, nguyên thuỷ và liên tục biến dịch; do đó, biến dịch cũng có tính vĩnh hằng. Theo quan điểm của ông, thế giới không chỉ là tập hợp của những thuyết nguyên tử hỗn độn, nó được thống trị bởi các quy luật mang tính cơ chế.
d) Các triết gia cùng thời khác
- Phythagoras của đảo Samos8 đã phát triển một quan điểm triết học dựa trên cơ sở khái niệm số học, nhận được sự đồng tình của nhiều triết gia khác, đặc biệt là Philolaus của Thebes (sống cùng thời với Socrates). Ông đã kết hợp ý tưởng về số học với các thuộc tính của thực tại tối hậu và siêu hình như: thường hằng, bất dịch, bất hoại, phổ quát, v.v..., những thuộc tính này không bị ảnh hưởng bởi thời gian hay sự biến đổi. Theo quan điểm của Pythagoras, bản chất của thế giới có thể được tìm thấy trong các quy luật toán học, các quy luật mang đến cấu trúc và hình dạng cho các vật thể hữu hình. Ông cho rằng vật chất phải bao hàm những dạng thức toán học, rằng thế giới phải được xem như một tập thể tập hợp các con số. Vì thế, các giá trị tối thượng trong vũ trụ phải bất biến và thường hằng, bởi lẽ mọi thực thể tồn tại trong vũ trụ đều được thống trị bởi các định lý toán học.
- Protagoras của Thành Abdera, triết gia nguỵ biện nổi tiếng vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước CN, đưa ra lý thuyết lĩnh hội tri thức học (Perception Theory of Epistemology), gói gọn đời sống tinh thần của cá nhân trong khuôn khổ nhận thức. Quan điểm duy cảm (sensualism) thể hiện qua câu châm ngôn của ông: "Con người là thước đo của mọi sự." Đối với Protagoras, kiến thức, thực tại và chân lý chỉ có giá trị khách quan, bởi chúng chỉ là tư kiến chủ quan của con người, không hề có sự kiện khách quan, chẳng hề có chân lý tuyệt đối cho tất cả mọi người. Điều gì có vẻ đúng với tôi chỉ đúng với tôi, điều gì có vẻ đúng với anh chỉ đúng với anh. Bởi vị tính khách quan không thể thành lập được, con người cần phải bằng lòng với tư kiến và chân lý chủ quan.
- Gorgis (mất năm 380 trướcCN) phát triển ý tưởng của Protagoras thành Chủ nghĩa Hư Vô, cho rằng không có thực tại tối hậu hay siêu hình nào cả. Theo Gorgias, ngoài nhận thức của con người, không hề có một thực thể chân xác nào khác.
e) Quan điểm của Plato
Phần nào dựa trên ý tưởng của Democritus, Plato đã phát triển nên một ngành siêu hình học mới, căn cứ vào hai nhánh tri thức học khác nhau, mỗi nhánh bao hàm một học thuyết siêu hình riêng. Theo Plato, nhận thức của con người chỉ có thể nắm bắt được thực tại tương đối và phiến diện (hiện tượng thoáng qua). Trong khi đó, lý trí của con người có khả năng khai phá các quy luật tự nhiên hay thực tại tuyệt đối, thường hằng, đồng nhất và phổ quát. Những dữ kiện về hiện tượng giới là đối tượng tri giác của con người (qua giác quan); những nguyên lý về thực tại tuyệt đối phải được suy tưởng và chiêm nghiệm. Các đối tượng cảm quan tồn tại trong thế giới suy tưởng siêu hình.
Thế giới thực tại siêu hình là lãnh vực tri thức trọng tâm trong Thuyết Ý Niệm của Plato (Plato's Doctrine of Ideas). Học thuyết ấy bao gồm các nguyên lý và bản thể của thực tại tối hậu, của chân lý tuyệt đối, của đạo lý trong vũ trụ. Đó là những ý tưởng siêu hình, bởi lẽ thực tại tối hậu vốn vượt lên trên thế giới vật chất và hiện tượng, chỉ hiển hiện trong thế giới tâm tưởng và nhận thức. Giống như các nguyên lý toán học nhưng lại không có nội dung cụ thể, thực tại tối hậu không có tướng trạng; vì thế con người chỉ có thể chiêm nghiệm về nó để lý hội. Với quan điểm ấy, Thuyết Ý Niệm của Plato ngụ ý rằng thế giới thực tại được cấu thành từ tinh thần, từ các yêu sách của yếu tố phi vật chất và vô hình tướng. Đó là học thuyết cốt lõi của Chủ nghĩa Duy Tâm theo trường phái Plato (Platonic Idealism).
f) Quan điểm của Aristotle
Aristotle đã cố gắng giải quyết vấn đề đồng nhất và biến dịch, vấn đề trọng tâm nẩy sinh từ ý tưởng của Plato về hai thế giới tương hỗ (hiện tượng giới và siêu hình giới). Ông đi đến kết luận về một tiến trình nhận thức, nối kết vô số biến trạng của hiện tượng giới với thực tại thống nhất và vĩnh hằng của thế giới ý niệm siêu hình.
Plato (trái)- Aristo (phải)
Đối với Aristotle, thực tại siêu hình là một yếu tính (essense) vốn không tách rời khỏi các hiện tượng, là "mục đích nội tại" (entelechy) của một đối tượng cảm quan khiến nó có khả năng tự nhận thức. Khởi sự tồn tại, mọi hiện tượng chỉ là giả tạm, không thực hữu; chúng đòi hỏi phải được hiện thực hoá. Hiện thực là một tiến trình, một quá trình tự nhận thức. Sự thực hữu của một vật, bản chất của nó, các nguyên lý thống trị nó đều không tách rời khỏi nhận thức về hiện tượng tổng thể. Tính phổ quát vốn tiềm ẩn trong từng chi tiết. Vì thế, thực tại chính là bản chất của một vật thể, nó cần được hiện thực hoá và nhận thức trọn vẹn.
Aristotle cho rằng các ý niệm siêu hình của Plato tồn tại như "hình thể" (form), trong khi các hiện tượng tồn tại ở dạng vật chất (matter). Nhưng khác với Plato, Aristotle chẳng bao giờ cho phép hai dạng này tách biệt nhau. Hình thể và vật chất luôn hợp nhất, tạo thành "hình thể vật chất" (formed matter). Không có hình thể, vật chất nằm ngoài phạm vi nhận thức. Kết hợp lại với nhau, hiện tượng giới và siêu hình giới cầu thành thế giới thực tại. Trong sự kết hợp ấy, mục đích nội tại (entelechy) chuyển hoá vật chất từ hiện tượng thành hiện thực. Mục đích nội tại là tiến trình tự nhận thức của vật chất, chuyển từ dạng tiềm năng đơn thuần thành thực tại chân xác.
Theo Aristotle, tiến trình nhận thức và hiện thực hoá được tiến hành với 4 động cơ như sau:
1. Vật chất (Material cause): Phần vật chất cần thiết để tham gia tiến trình
2. Hình thể (Formal cause): Lý thuyết, đề án hay nguyên lý mà vật chất phải tuân thủ
3. Năng lượng( Efficient cause): Nỗ lực hay năng lượng dành để thực hiện tiến trình.
4. Chung cuộc (Final cause): Mục đích tối hậu của tiến trình.
Thí dụ: Khi xây dựng một ngôi nhà, chúng ta cần phải có vật liệu (vật chất), bản đồ hoạ thiết kế của kiến trúc sư (hình thể), sức lực của công nhân (năng lượng) và mục đích xây dựng ngôi nhà ấy (chung cuộc).
Aristotle cho rằng mọi vật trong vũ trụ đều được tạo thành từ hình thể và vật thể chất, từ đó hiện thực hoá vật chất. Cấu trúc của thế giới phụ thuộc vào vị trí tương đối mà mỗi đối tượng chiếm giữ trong vũ trụ:
- Thượng Đế, Thực Tại siêu hình và siêu việt, ngự trên tầng cao nhất.
- Các đối tượng có hình thể siêu việt khác (tinh thần hay linh hồn) ngự ở tầng thấp hơn.
Đá, khoáng chất và các vật thể vô tri giác chiếm giữ tầng đáy.
- Chiếm giữ các tầng trung gian bên trên tầng đáy lần lượt là: đời sống thực vật, đời sống động vật và đời sống con người.
Mặc dù thể hiện quan điểm tiến hoá, hệ thống phân loại hình thể- vật chất của Aristotle bao gồm những đối tượng được sáng tạo trong cùng một thời điểm. (Khác với quan điểm tiến hoá theo quá trình thích nghi và hoàn thiện dần tổ chức cơ thể do Charles Dawin đề ra vào thế kỷ 19.)
Cuối cùng, Aristotle tin tưởng rằng động lực chủ yếu của vạn vật là Thượng Đế, thực tại có hình thể thuần nhất (pure form), hoàn toàn siêu thoát khỏi ràng buộc vật chất (vật chất vốn không hoàn hảo, cần đến tiến trình tự nhận thức và hiện thực hoá). Là động lực tiên nguyên, bản thân Thượng Đế là bất biến. Ngài là thực tại viên mãn và là nguồn gốc khởi động của vạn vật. Do đó hình thể thuần nhất, Thượng Đế cũng là độnng cơ chung cuộc (final cause), thúc đẩy mọi vật tự nhận thức và hiện thực hoá bản thân.
Đối với Aristotle, Thượng Đế là siêu hình, phi vật chất, vĩnh hằng và thuần nhất; Ngài là thực thể tuyệt đối độc lập và hoàn hảo. Chỉ có Thượng Đế mới là thực tại viên mãn, không cần đến quá trình tự nhận thức. Do vậy, Ngài là thực tối thượng, là thực thể thuần nhất (actus purus) và tư tưởng thuần nhất.
3.Siêu hình học hiện đại- hậu Descartes
Siêu hình học hiện đại bắt nguồn từ các công trình của René Descartes, triết gia Pháp thuộc trường phái Duy Lý của châu Âu lục địa. Phần thảo luận dưới đây sẽ tóm lược quan điểm siêu hình của chín triết gia thời hiện đại, bao gồm:
- Ba triết gia Duy Lý của châu Âu lục địa (Continental Rarionalism): Descartes, Spinoza và Leibniz.
- Ba triết gia Kinh Nghiệm của Anh quốc (British Empiricism): Locke, Berkeley và Hume.
- Ba triết gia Duy Tâm của Đức (German Idealism): Kant, Hegel và Schopenhauer.
Chúng ta sẽ đề cập đến quan điểm siêu hình của các triết gia đương đại ở phần VI "Các hệ thống triết học hiện đại". Thực tế, siêu hình học hiện đại tập trung vào hai lãnh vực chủ yếu: tìm kiếm bản chất tối hậu (chân xác về mặt bản thể), cách thâu đạt kiến thức về thực tại tối hậu ấy (tri thức học hay phương pháp luận).
4. Nhị nguyên siêu hình luận của René Descartes
Là triết gia Nhị Nguyên Siêu Hình luận (Metaphysical Dualism) có ảnh hưởng sâu sắc nhất của mọi thời đại, Descartes nhận định rằng thực tại bao gồm hai yếu tố cấu thành: tinh thần và vật chất. Hai bản thể này bao trùm thực tại tổng thể: phi tinh thần là vật chất và ngược lại. Khả năng duy nhất còn lại là sự kết hợp của hai bản thể này.
Descartes cho rằng yếu tính của vật chất là chiếm hữu không gian, trong khi bản chất tâm linh và siêu hình là thuộc tính riêng biệt của tinh thần. Xét theo phương diện thực tại tối hậu, tinh thần là yếu tố có tính quyết định.
Theo Descartes, sự thực hữu của linh hồn có thể được chứng minh một cách tuyệt đối chắc chắn, dựa trên cơ sở lập luận cho rằng nó tồn tại vượt lên trên mọi hoài nghi. Tính xác thực của linh hồn (đối với Descartes, linh hồn cũng đồng nghĩa với tinh thần) gắn liền với sự kiện là, trong khi nỗ lực phản bác sự tồn tại của linh hồn, người ta tìm thấy chứng cớ biện minh cho sự hiện hữu của nó. Mẩu đối thoại dưới đây minh hoạ cho lập luận ấy:
"Tôi hoài nghi về sự tồn tại của mình "
"Nhưng nếu tôi không tồn tại, ai đang nuôi dưỡng và thể hiện mối hoài nghi ấy?"
"Chí ít, chủ thể đang hoài nghi phải tồn tại."
"Bởi lẽ tôi đang nuôi dưỡng và thể hiện mối hoài nghi ấy, vì thế tôi - chủ thể hoài nghi, phải tồn tại. Tôi không thể hoài nghi sự tồn tại của chính mình."
Nhận định cuối cùng của trường phái Descartes về lập luận nói trên là: "Tôi hoài nghi, vì thế tôi tồn tại" (Cogito, Ergo sum.)
Chính phương pháp ấy, cách lý luận không phụ thuộc vào bất kỳ sự kiện hay kinh nghiệm nào, đã dẫn Descartes đến kết luận rằng tri thức tiềm ẩn trong mỗi cá nhân ngay từ khi mới sinh ra, rằng tri thức là các ý tưởng hay nhận thức nội tại. Ông còn tiến xa hơn khi nhận định rằng, không chỉ có tri thức về các quy tắc toán học hay luận lý, các ý tưởng về Thượng Đế và linh hồn cũng là bẩm sinh. Theo lập luận của ông, bởi lẽ tư tưởng vận hành không cần đến sự hỗ trợ của kinh nghiệm hay sự kiện thực tế, chủ thể tinh thần (hay linh hồn) của hoạt động tư duy ấy phải có tính nội tại. Tương tự, ý tưởng về Thượng Đế cũng là thiên bẩm, bởi lẽ nó không phụ thuộc vào kinh nghiệm. Các chức năng lập luận tư duy cũng thế.
Thí dụ: Quy tắc mâu thuẫn là tri thức nội tại. Không ai chấp nhận một tiền đề mâu thuẫn cả. Không ai thừa nhận một sự vật đồng thời và toàn trắng lại toàn đen, hoặc vừa chết lại vừa sống, hay vừa hiện diện vừa vắng mặt. Lý trí của con người mặc nhiên ấn định rằng chỉ có thể chấp nhận một trong hai khả năng của các tiền đề mâu thuẫn ấy. Vì thế, quy tắc mâu thuẫn là tri thức nội tại, không cần đến sự hỗi trợ của kinh nghiệm thực tế.
Descartes nhận định rằng chân lý xuất phát từ lý lẽ, bao gồm ý tưởng rõ ràng và tư duy luận lý, thể hiện sự liên kết mạch lạc cần thiết giữa các khái niệm.
Thí dụ: Các mối quan hệ toán học như 2+2=4. Mối quan hệ gắn kết trong hình thức tam đoạn luận ( syllotistic như:"nếu mọi cư dân của thành phố Boston đều là công dân Hoa Kỳ, và nếu John Doe là một cư dân của Boston, tất yếu John Doe phải là một công dân Hoa Kỳ.")
Descartes đã vận dụng phương pháp luận này để chứng minh sự tồn tại của Thượng Đế, của linh hồn và của tri thức nội tại.
5. Tâm Vật Nhất Nguyên Luận của Benedict Spinoza
Triết gia Phiếm Thần Benedict Spinoza (1632-1677) đồng hoá Thượng Đế với Bản Chất Tối Hậu của vũ trụ. Ông cho rằng Thượng Đế và Bản Chất là một, rằng hai thuật ngữ ấy có thể sử dụng thay đổi qua lại cho nhau. Quan điểm này được biết đến với cái tên (Nhất Nguyên Siêu Hình luận " (Metaphysial Monism). Thượng Đế là vô hạn, Ngài sở hữu vô số thuộc tính có khả năng biến thiên vô cùng tận.
Trong số các thuộc tính ấy, con người chỉ biết đến hai yếu tố: tinh thần và vật chất. Bởi vì chúng đều là thuộc tính của một bản chất, bất kỳ biến động nào có liên quan đến Bản Chất đều ảnh hưởng đến cả hai yếu tố ấy. "Trật tự và sự nối kết của các ý tưởng cũng chẳng khác gì trật tự và sự nối kết của vật chất." Khi tinh thần bị tác động, vật chất cũng chị ảnh hưởng tương ứng, và ngược lại. Tin tưởng rằng tinh thần và vật chất là hai khía cạnh khác của cùng một Bản Chất, Spinoza đã đề ra một học thuyết được gọi là "Thuyết Tâm Vật Song Lập" (Psychophysical Paralleism).
Ngôn chí của trường phái Spinoza là "dưới khía cạnh vĩnh hằng" (sub specie aiterni), xuất phát quan điểm phiếm thần của ông, từ niềm tin rằng mọi thực tại đều là Thượng Đế và Thượng Đế là Thực Tại tổng thể. Theo quan niệm ấy, thế giới thực tại phải là một hệ thống gắn kết chặt chẽ, mỗi bộ phận đều có một vị trí đặc biệt thích hợp trong tổng thể. Trong một hệ thống như vậy, sự tồn tại của Thượng Đế triệt tiêu sự hiện hữu của cái Ác; cái Ác bị gói gọn trong khuôn khổ Vô Minh.
Thực tế, Spinoza cho rằng Vô Minh phản ánh sự bất lực về mặt nhận thức sự vật theo đúng vị trí của nó, vị trí "dưới khía cạnh vĩnh hằng". Hơn nữa, giá trị tương đối với Thực Tại vĩnh hằng. Mỗi đối tượng trong vũ trụ đều có vị trí thích hợp của nó, đều có mối quan hệ nhất định đối với Thượng Đế; "Lẽ phải tối thượng của tinh thần là trị thức về Thượng Đế; đức hạnh tối thượng cuả tinh thần là sự hiểu biết về Ngài.” Mọi vật đêu thực hữu trong lòng Thượng Đế, mọi vật đều có mối quan hệ xác đáng với Thượng Đế.
Với những tư tưởng như thế, Spinoza đã được triết gia Novalis tôn xưng là "Triết gia si mê Thượng Đế."
6. Thuyết Phiếm Hồn của Gottfried Wilhelm Leibniz
Gottfied W. Leibniz ( 1644-1716) được biết đến như là một triết gia Đa Nguyên Siêu Hình luận (metaogphysial Pluralist), bởi lẽ ông nhận định rằng bản chất tối hậu của thế giới bao gồm vô số thực thể giống như nguyên tử. Ông gọi các thực thể ấy là những Đơn Tử (monads). Mỗi đơn tử đều năng động, khác biệt nhau về mặt bản chất, độc lập với nhau và không hề có mối tương tác thực sự với nhau. Mỗi Đơn Tử vận hành theo bản chất riêng nhưng có khả năng "phản chiếu các Đơn Tử khác" Vì thế, khi một Đơn Tử vận hành, nó không tạo ra một mối tương tác thực sự mà chỉ là một mối tương tác ngoại quan (hiện tượng).
Leibniz quy kết mối tương tác ngoại quan ấy là đặc tính của Sự Hoà Hợp Tiên Định (Preestablished Harmony), cơ chế hay bản chất mà Thượng Đế phú cho mỗi Đơn Tử.
Thí dụ: Hai nguyên tử hydrogen tương tác với một nguyên tử oxygen, tạo thành một phân tử nước. Theo thuyết Hoà Hợp Tiền Định của Leibniz, đó không phải là mối tương tác thực sự. Các nguyên tử hydrrogen không hề nhận thức được sự hiện hữu và tác động của các nguyên tử oxygen, và ngược lại. Chỉ vì vận hành theo bản chất thiên định, hai dạng nguyên tố này nối kết với nhau theo một tỷ lệ nhất định và tạo ra các phân tử H2O. Đó là kết quả của sự Hoà Hợp Tiên Định, thể hiện dưới hình thức tương tác mang tính hiện tượng ngoại quan.
Cũng bằng cách lập luận ấy, Leibniz giải quyết vấn đề về mối quan hệ tinh thần và thể xác trên nền tảng của Thuyết Hoà Hợp Tiên Định. Những Đơn Tử tinh thần và Đơn Tử thể xác vận hành theo bản chất thiên phú của chúng, tạo nên một mối quan hệ thống nhất mang tính hình thái tương tác ngoại quan.
Cho rằng mọi thực thể đều bao gồm các Đơn Tử, Leibniz cũng quy kết cho các Đơn Tử một đời sống tinh thần, bao gồm cung cách ứng xử có phần kém hiệu quả hơn so với hình thức các mức năng lượng trong nguyên tử mà giới vật lý gia hiện đại đề ra. Đối với Leibniz, vật chất không thụ động và sinh khí. Theo quan điểm này, mọi thực tại (chân xác về mặt bản thể) đều bao gồm những sinh thể. Chính vì thế, Leibniz xứng đáng được xem là triết gia thuộc Thuyết Phiếm Hồn (Panysychism), học thuyết cho rằng mọi vật thể đều có một tinh thần hay linh hồn cố hữu.
Leibniz định hình chân lý như là thể đối lập bao gồm chân lý của lý trí và chân lý sự kiện. (Ngoài ra, còn có một dạng chân lý đặc biệt có liên quan đến vương quốc đạo đức của Thượng Đế.)
Cần được chiêm nghiệm, suy tưởng để lý hội, chân lý của lý trí (Truths of reasons) là vĩnh hằng, tuyệt đối, mang tính quy luật và có nguồn gốc nội tại. Thí dụ: Các nguyên tắc toán học luận lý học, v.v... Cần được tri giác rõ ràng, chân lý sự kiện (Truths of fact) xuất phát từ kinh nghiệm và các dữ kiện thực tế.
Theo Leibniz, chân lý sự kiện được biện minh bởi "Nguyên tắc này cho rằng một sự kiện riêng biệt xảy ra, thay vì là một sự kiện nào khác, tất phải co lý do chính đáng nào đó. Phải có lý do chính đáng để ma sát tạo ra được nhiệt, để lửa bốc cháy, để con người thu khí oxygen. Phải có lý do thích hợp và xác đáng để toàn bộ thế giới này và muôn vật bên trong nó hiện lữu. Vũ trụ này sẽ hỗn độn biết bao nếu mọi vật tồn tại một cách phi lý!"
Là triết gia có quan điểm lạc quan, Leibniz thừa nhận thế giới này là môi trường lý tưởng nhất trong phạm vi có thể, dựa trên cơ sở về Thượng Đế nhân từ vô cùng. Là Đấng toàn năng và thông suốt mọi lẽ, Thượng Đế đã chọn lựa và sáng tạo ra một thế giới lý tưởng nhất dành cho những tạo vật của Ngài.
Thừa nhận sự tồn tại của cái Ác trên thế giới này, Leibniz cho rằng đó là điều kiện cần thiết cho sự hình thành và phát triển của các giá trị luân lý, trí tuệ và tự do. Nếu cái Ác không tồn tại, hẳn là không thể có quyền lựa chon và tự quyết. Nếu thế giới này không có hoài nghi, phiền não và các vấn đề đáng quan tâm khác, hẳn trí tuệ nhân loại không có cơ hội hoàn thiện và khắc phục những nhược điểm của mình. Leibniz vạch ra rằng bất kỳ thế giới nào bao hàm những giá trị tinh thần và đạo đức cũng bao hàm cả những thế lực tội ác tương ứng, rằng sự đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác là điều tất yếu.
Theo Leibniz, bên ngoài Thượng Đế trần gian này còn có Vương quốc của Thượng Đế. Đó là thế giới hoàn hảo nhất, vương quốc giành cho những linh hồn đức độ. Trong khi linh hồn của các động vật khác chỉ là ảo ảnh trong guồng máy vũ trụ, chỉ có linh hồn con người mới phản ánh những phẩm chất tinh thần của Thượng Đế. Chỉ có con người mới có mối liên kết tinh thần với Thượng Đế, có cơ hội bước vào vương quốc của Ngài. "Tậphợp của toàn bộ linh hồn đức độ tạo nên thành phố của Thượng Đế, vương quốc khả dĩ hoàn hảo nhất dưới sự trì vì của bậc minh đế hoàn hảo nhất"9 Bàn về ảnh hưởng của Thượng Đế đối với thế giới vật chất và tinh thần, Leibniz nhận định :"Thượng Đế là Kiến Trúc Sư của guồng máy vũ trụ, là Hoàng Đế của Thiên Đường dành cho Những Linh Hồn Thánh Thiện."10
7. Chủ nghĩa kinh nghiệm của John Locke
Ngoài Francis Bacon11 và Thomas Hobbes, John Locke (1632-1704)12 là triết gia đóng góp phần cống hiến quan trọng hơn cả trong quá trình phát triển phong trào thực nghiệm tại Anh Quốc. Ông để lại một số tác phẩm có hưởng sâu rộng, trong đó có tuyệt phẩm "Một luận điểm về tri thức của con người" (An essayconcerning Human Understanding - 1690), thể hiện quan điểm siêu hình của ông về các vấn đề liên quan đến chân lý và tri thức.
Chủ nghĩa Kinh Nghiệm (Empircism) là hệ thống triết học thừa nhận rằng kinh nghiệm là nguồn gốc của mọi tri thức. Xét trên phương diện nguồn gốc từ (Etymology), thuật ngữ Empiricism xuất phát từ “enpeira” (tiếng Hy Lạp), có nghĩa là thực nghiệm. Đối lập với các nhà Duy Lý của châu Âu lục địa, các triết gia Kinh Nghiệm của Anh Quốc nhận định rằng mọi tri thức hay chân lý đều xuất phát từ kinh nghiệm.
Phủ nhận khái niệm Ý Niệm Nội Tại của trường phái Descartes, Locke nhấn mạnh rằng tri thức chỉ xuất phát từ kinh nghiệm. "Chẳng có sự hiểu biết nào lại không được khởi đầu hình thành thông qua cánh cửa giác quan." Khi mới được sinh ra, tâm trí của con người là "mảnh giấy trắng tinh", hay theo cách nói của các triết gia, là một "bản văn trống" (tabua rasa).
Bước vào cuộc sống, tâm trí của con người không ngừng tiếp nhận các loại cảm giác khác nhau, giống như một cuộn phim nhạy sáng thu lấy ngoại cảnh thông qua thị kính của máy quay. Các cảm giác ấy để lại những ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí con người. Không có cảm giác, nó sắp xếp và kết hợp chúng lại với nhau, hình thành các mối liên hệ để phản ảnh chúng. Locke nhận định đó là tiến trình suy lý. Vì thế, ý tưởng là sản phẩm được tạo ra từ nguyên liệu cảm giác. Nhân cách là thể phức hợp của các ý tưởng, bản sắc cá nhân là kết quả của quá trình tích luỹ các ý tưởng vào kho ký ức.
Locke cũng phân biệt rõ ràng giữa đặc tính sơ cấp và đặc tính thứ cấp của các đối tượng kinh nghiệm. Ý tưởng ở trong tâm trí nhưng những đặc tính lại được tìm thấy nơi bản thân đối tượng vật chất. Các đặc tính sơ cấp của một đối tượng vật chất là những phẩm chất mang tính cảm quan và tâm lý (đối với kinh nghiệm của con người) chẳng hạn như màu sắc, âm sắc hay mùi vị, v.v...
Tuy nhiên, Locke cũng cho rằng cả hai đặc tính ấy đều không phải là bản chất thực sự của vật thể, chúng chỉ là những cơ sở nào đã tạo ra những đặc tính sơ cấp cũng như thứ cấp ấy? Liệu rằng có sự tồn tại của một bản chất siêu hình (thực tại tối hậu), hay phải chăng các đặc tính ấy hiện hữu một cách độc lập? Thí dụ, phải chăng một quả bóng nhựa đỏ chỉ đơn thuần là những đặc tính mà nó đang có, hoặc giả nó còn có một bản chất tiềm ẩn nào đó? Phải chăng quả bóng ấy chỉ đơn thuần là tính đàn hồi, sắc đỏ, độ căng tròn và độ mềm dẻo đặc trưng của nó? Hoặc giả, nó còn có thêm điều gì khác nữa - một bản chất siêu hình, một thực thể làm cơ sở nền tảng cho những đặc tính ấy?
Locke viện dẫn Thuyết Bất Khả Tri. Khẳng định thực tại tối hậu là "điều tôi không biết" (Je-ne-sais-quoi), ông lập luận:
"... Chúng tôi có thói quen cho rằng phải có một cơ sở nền tảng cho sự tồn tại, từ đó hình thành nên các kết quả thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta quen gọi đó là bản chất... Nếu để tâm xem xét lại ý tưởng về cái gọi là bản chất ấy, người ta sẽ phát hiện ra thực tế mình chắng có ý kiến nào khác ngoài giả định rằng anh ta không biết gì về cơ sở nền tảng của những đặc tính giúp chúng ta định hình nên các ý tưởng, những đặc tính mà chúng ta thường gọi là 'sự kiện mang tính hiện tượng'."
"Nếu được hỏi: "Cái gì đang nâng đỡ khối vật chất cứng rắn và to lớn dưới chân chúng ta?" một số người Ấn Độ sẽ trả lời rằng thế giới được đặt trên lưng của một con voi vĩ đại. Nếu được hỏi tiếp rằng con voi ấy tựa trên cái gì, họ sẽ trả lời: 'Trên lưng một con rùa vĩ đại" Nhưng nếu chúng ta tiếp tục truy vấn rằng con rùa ấy tựa vào đâu, họ sẽ trả lời thế nào? - Tựa vào một cái gì đó, cái mà họ không biết."
"Tương tự, trong những trường hợp không có ý tưởng minh bạch rõ ràng, chúng ta thường phát biểu như trẻ con. Với những câu hỏi nằm ngoài tầm hiểu biết của mình, trẻ con sẵn sàng đưa ra cầu trả lời hết sức vô tư về “một cái gì đó”. Thực chất, nhưng lời phát biểu như thế, dù xuất pháp từ người lớn hay trẻ con, không mang đến ý nghĩa gì ngoài một điều rằng mình đã biết và đang nói chỉ là các ý tưởng mơ hồ, không rõ ràng, thậm chí là hoàn toàn mờ mịt. Ý tưởng của chúng ta về cái gọi là bản chất cũng thế, không là gì ngoài các cơ sở giả định vô căn cứ của những đặc tính vốn đang hiện hữu và được xem là không thể tồn tại một cách độc lập ..."
Quan điểm nói trên của Locke, hoài nghi và phủ nhận sự hiểu biết về bản chất của thực tại tối hậu, được biết đến với tên gọi "Thuyết Bất Khả Tri Siêu Hình" (Metaphysical Agnosticism).
8. Chủ nghĩa Duy Tâm của George Berkeley
Berkeley (168-1753) là triết gia vĩ đại thuộc trường phái Kinh Nghiệm tại Anh. Ông đã phát triển tiền đề của John Locke đến kết luận tối hậu rằng nếu mọi tri thức đều xuất phát từ kinh nghiệm, bất kỳ sự vật nào không thể chứng nghiệm được đều không thực hữu. "Tồn tại là chứng nghiệm được" (Esse est percipi)13. Những gì nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm đều không thực hữu.
Theo quan điểm của Berkeley, bản chất của kinh nghiệm (các cảm giác mang tính tâm lý) là tinh thần, thuộc về lãnh vực tâm linh. Vì thế, mọi thực tại phải bao hàm cùng một bản chất tinh thần (hay tâm linh). Ông lập luận rằng kết quả phân tích cảm giác có thể chứng minh được mọi kinh nghiệm đều có bản chất tinh thần, thí dụ như trường hợp phân tích kinh nghiệm dưới đây.
Tôi thấy một quyển sách ở trên bàn phía trước mặt tôi. Rõ ràng, đôi mắt tôi không rời khỏi thân xác để tìm đến quyển sách và mang nó vào tâm trí tôi. Thay vì vậy, tôi chỉ nắm bắt (chứng nghiệm) hình ảnh của quyển sách ấy- một hình ảnh mang tính tâm lý (hay tinh thần) mà thôi. Vì thế, quyển sách duy nhất mà tôi thực sự chứng nghiệm được chỉ là một hình ảnh thị giác. Tương tự, nếu tôi chạm vào quyển sách ấy (tiếp xúc với nó về mặt vật chất), các cơ quan xúc giác của tôi cũng không rời khỏi thân xác, không nhập vào quyển sách để xác lập cảm giác tiếp xúc. Chúng vẫn ở lại thân xác trong quá trình hình thành một cảm giác thần kinh. Vì thế, quyển sách duy nhất mà tôi chứng nghiệm được qua xúc giác chỉ là ấn tượng tinh thần. Quyển sách ấy mang đến cho tôi những ấn tượng mà bản chất của chúng có liên quan mật thiết với bản chất của tinh thần (không phải của bộ não).
Không chỉ nhận định rằng toàn bộ thế giới thực tại bao hàm một bản chất tâm linh, Berkeley còn cố gắng chứng minh rằng mọi sự vật phi tinh thần đều không thực hữu. Đối với ông, vật chất là giả lập- tệ hơn nữa, vật chất phi tinh thần là hư dối về mặt nhận thức. Berkeley cho rằng bất kỳ đối tượng nào cũng phải trở thành tư tưởng trong tâm trí; vật chất không thể nào thâm nhập vào tâm trí của con người, chỉ có thực thể tinh thần và ấn tượng tâm lý mới có khả năng đó. Tóm lại, nếu sự vật thực sự tồn tại, chí ít nó phải có một bản chất tinh thần (hay tâm linh).
Thực tế, luận thuyết cho rằng chỉ có chủ thể tư tưởng là thực hữu (toàn bộ thế giới chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chủ thể ấy) được biết đến với tên gọi "Thuyết Duy Ngã" (Solipsism). Nó thể hiện niềm tin tuyệt đối voà chủ thể tính, cho rằng bản ngã chỉ biết đến trạng thái tồn tại về mặt tinh thần của chính nó mà thôi. Berkeley không thừa nhận quan điểm ấy. (Thực tế, không một triết gia hàn lâm nào cổ xuý cho Thuyết Duy Ngã cả). Ông vốn tin vào thực tại khách quan, tin vào sự tồn tại của thế giới bên ngoài ý thức cá nhân. Ông nỗ lực chứng minh rằng Thượng Đế đã sáng tạo ra nên vũ trụ, đồng thời Ngài cũng tạo ra con người có linh hồn, có năng lực chiêm nghiệm vũ trụ ấy. Tuy nhiên, ông nhận định rằng thế giới thực tại bao hàm một bản chất tâm linh, tương đồng với bản chất của kinh nghiệm, tư tưởng và tinh thần.
Chúng ta còn có một bằng chứng khác cho thấy Berkeley không phải là triết gia Duy Ngã. Ông tin rằng người biết (chủ tri) và đối tượng biết (khách thể) là hai thực thể riêng biệt. Đó là quan điểm của Nhị Nguyên Tri Thức luận (Epistemological Dualism). Ngược lại, Thuyết Duy Ngã lại cho rằng chủ tri và khách thể chỉ là một, thế giới thực tại chỉ là một trường ảo hoá mà thôi.
Nếu quan niệm "tồn tại là chứng nghiệm được" của Berkeley được chấp nhận là chân lý, sự tồn tại của các đối tượng nằm ngoài phạm vi chứng nghiệm phải được lý giải như thế nào? Liệu rằng chúng phải được xem là không thực hữu? Câu trả lời của Berkeley là "nếu Thượng Đế cảm nhận chúng, chúng thực hữu." Nói cách khác, mọi thực tại đều phải nằm trong phạm vi chứng nghiệm (dẫu rằng hiện tại không có ngưòi nào chứng nghiệm được), những gì không thể nào chứng nghiệm được tất không thực hữu.
Do xác định rằng thực tại có tính tương đồng với ý tưởng, giới hạn thế giới thực tại siêu hình trong lãnh vực tâm linh (hay tinh thần), Berkeley thường được xem là triết gia theo quan điểm Duy Tâm (Idealist).
9. Chủ nghĩa hoài nghi của David Hume
Sinh trưởng tại Scotland, có thể được xem là triết gia Hoài Nghi (Skeptic) hàng đầu của nhân loại, David Hume (1711-1776) cũng là một triết gia Kinh Nghiệm của Anh Quốc. Giống như trường hợp Berkeley phát triển lý luận của Locke để hình thành phương cách lý giải mớ về thực tại, Hume đã vận dụng các ý tưởng của Berkeley làm nền tảng cho những kết luận mới mẻ của mình.
David Hume
Là triết gia Kinh Nghiệm, Hume gói gọn mọi tri thức trong khuôn khổ nhận thức, phạm vi mà từ đó con người thu nhập được những ấn tượng và hình thành nên các ý tưởng. Cuối cùng, ông đi đến nhận định rằng bất cứ điều gì mà con người không thể nhận thực được đều không thực hữu. Bên cạnh đó, phương pháp, phân tích của Hume còn dẫn ông đến kết luận rằng hầu hết những đối tượng nhận thức, trước đó đã được mặc nhiên thừa nhận là thực hữu, phải được phủ nhận.
Bản chất của thế giới, chất liệu đã hình thành nên nó, điều mà con người không thể nhận thức được, không thể xem là thực hữu. Thượng Đế không phải là đối tượng nhận thức, vì thể không thể cho rằng Thượng Đế là thực hữu. Linh hồn con người không phải là một nhận thức, vì thế linh hồn không tồn tại. Các định luật khoa học, nguyên lý nhân quả, v.v... cũng nằm ngoài khả năng tri giác của con người, vì thế khoa học và các chân lý của nó không thực hữu. Chủ nghĩa Hoài Nghi của Hume (Hume's Skepticism) đi đến tận cùng khi khẳng định rằng tri thức về thực tại tối hậu cũng không thực hữu.
Những kết luận ấy đã đưa David Hume đến chỗ thừa nhận quan điểm Hiện Tượng luận (Phenomenalism), học thuyết giới hạn sự tồn tại trong khuôn khổ hiện tượng. Quan điểm hoài nghi của Hume đối với khoa học vốn dựa trên cơ sở tính bất khả tri giác của các định luật tự nhiện.
Lấy luật vạn vật hấp dẫn làm thí dụ. Khi quan sát một vật thể rơi xuống đất, ta thấy được chuyển động và sự thay đổi vị trí, hoàn toàn không cảm nhận được bản thân trọng lực hay lực hấp dẫn. Thực tế, một người đang rơi chỉ cảm nhận được các thay đổi áp lực trong không khí, hoàn toàn không cảm nhận được lực hút nào cả. Từ lập luận ấy, Hume kết luận rằng các định luật và phương pháp luận khoa học là bất khả tri giác, là ảo tưởng phi thực tế.
10. Chủ nghĩa Duy tâm phê phán của Immanuel Kant
Mối bất đồng về quan điểm, tồn tại giữa các triết gia Duy Lý của Châu Âu lục địa và các triết gia Kinh Nghiệm của đảo quốc Anh, đã được giả quyết bởi quan điểm dung hợp của triết gia Đức Immanuel Kant (1724-1804). Thoạt đầu, Kant thừa nhận cả hai quan điểm ấy, nhưng về sau ông phát hiện ra rằng không thể thừa nhận chúng một cách riêng rẽ, rằng cần phải dung hợp hai trường phái triết học ấy thành một. Các nguyên lý của Chủ nghĩa Duy Tâm Đức phát triển từ quan điểm triết học ấy của Kant.
Để hình thành tri thức, tri giác và suy tưởng đều cần thiết. Các cảm giác cung cấp cho chúng ta nhận thức, suy tưởng cung cấp cho chúng ta khái niệm. Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, "Phê phán năng lực thuần lý" (the Critique of Pure Reason, 1781-1787), Kant đã viết; "Không có nội dung, tư tưởng trống rỗng; không cái khái niệm, nhận thức mù quáng... Lý trí đơn thuần không thể nhận thức, tri giác đơn thuần chẳng thể suy tưởng. Tri thức xuất phát từ sự phối hợp hoạt động của hai dạng năng lực này". Sự phối hợp ấy (giữa cảm giác và suy tưởng) tạo ra tri thức hoàn chỉnh - giống như sự phối hợp giữa máy móc và nguyên liệu tạo ra thành phẩm vậy! (Trong lối so sánh này, cảm giác được ví như nguyên liệu, lý trí như máy móc và tri thức được ví như thành phẩm).
Kant mở ra cái nhìn về thế giới như là một thực thể tam diện, bao gồm:
- Thế giới lý trí và hiểu biết tồn tại trong tâm trí của con người.
- Thế giới hiện tượng mà con người có thể nhận thức được qua giác quan
- Thế giới thực tại siêu hình, thế giới tâm linh, bất khả tư nghì
- Thế giới lý trí bao gồm những tri thức mà con người thu thập được từ thế giới hiện tượng.
Tuy nhiên, các đối tượng trong thế giới nhận thức của con người lại được xây dựng trên nền tảng của thế giới thực tại. Tri thức hoàn chỉnh, sản phẩm của sự kết hợp giữa thế giới lý trí và thế giới hiện tượng, chỉ có thể tái hiện bóng dáng của thế giới thực tại. Bị giới hạn trong thế giới hiện tượng, các giác quan của con người không thể thâm nhập được vào thực tại siêu hình. Chính lý trí vận dụng các dữ kiện cảm giác có nguồn từ hiện tượng giới để hình thành nên các khái niệm và hình ảnh về thế giới thực tại. Đó là một tiến trình tinh thần, tái tạo một mô hình thực tại căn cứ theo cách phân định của lý trí về hiện tượng giới. Theo Kant, bởi vì thế giới thực tại là thế giới của tư tưởng và tâm linh, thực tại phải có bản chất tinh thần (hay tâm linh). Đó là kết luận tối hậu của Chủ nghĩa Duy Tâm theo trường phái Kant (Kantian Idealism).
Như đã nêu trên, các giác quan của chúng ta chỉ có thể cảm nhận được hiện tượng giới, không thể trực tiếp nắm bắt được thực tại, vì thế con người chỉ có thể tạo lập được hình bóng của thế giới thực tại. Tri thức hoàn chỉnh về thế giới thực tại là bất khả đắc. Bản chất của thực tại vốn siêu việt, vượt khỏi năng lực của giác quan và nằm ngoài phạm vi tri thức. Đối với con người, tri thức duy nhất khả dĩ chỉ là sản phẩm tổng hợp của cảm giác và lý trí, một hình thức suy luận từ kinh nghiệm. Tri giác không bao giờ có thể vượt khỏi khuôn khổ kinh nghiệm để nắm bắt được thực tại; đó là "chướng ngại muôn thủa", ngăn chặn con người chứng nghiệm chân lý về thực tại tối hậu. Vì thế, mọi tri thức của con người có liên quan đến thực tại luôn sai lệch và thiếu sót. Khẳng định sự bất lực muôn đời của trí tuệ con người trong vòng ràng buộc của kinh nghiệm, vô vọng trước khả năng thâm nhập vào thế giới thực tại siêu hình, lập luận này đã hình thành nên Thuyết Bất Khả Tri của trường phái Kant (Kantian Agnoticism).
Theo Kant, Thượng Đế, tự do, sự bất tử và tâm linh, v.v... là những đối tượng "siêu nghiệm" (transcendental objects) với bản chất "phi hiện tượng" (noumenal-thuật ngữ do Kant đề ra). Đó là những đối tượng của dạng tri thức phi luận lý, không thể chứng nghiệm bằng tri giác mà phải được thừa nhận với đức tin. (Thực tế, Chủ nghĩa Vô Thần và Chủ nghĩa Chủ nghĩa Hư Vô cũng đưa ra tri thức nằm ngoài khuôn khổ kinh nghiệm, cần được thừa nhận với lòng tin). Dạng tri thức phi luận lý ấy đã cung cấp cho nhân loại những ý tưởng siêu việt, giúp con người vượt qua các "khoảng trống" và "nghi vấn" (nảy sinh từ sự bất toàn của kinh nghiệm cảm giác) trong quá trình kết hợp trí thức thành một khối thống nhất.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng thế giới thực tại của Kant là một thế giới siêu nhận thức (supersensible). Nếu giới hạn nhận thức trong khuôn khổ kinh nghiệm giác quan, con người phải tự bằng lòng với lượng tri thức hạn hẹp về thế giới hiện tượng mà mình có thể cảm nhận được.
11. Chủ nghĩa Duy tâm tuyệt đối của Georg Wilhelm Friedrich Hegel
Là một triết gia Duy Tâm Đức, Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng của Kant, một phần từ các tác phẩm của Heraclitus và Spinoza. Ông được ghi nhận là người có công hình thành nên các ngành triết học tôn giáo, lịch sử triết học, triết học lịch sử và một số nguyên tắc triết lý khác. Hegel còn để lại một cống hiến có ý nghĩa vĩnh hằng cho bộ môn luận lý học (về sau được Karl Marx phát triển thành hệ thống các học thuyết của Chủ nghĩa Duy Vật Biện Chứng). Đó là một hệ thống lý luận sinh động, được biết đến với tên gọi Biện Chứng Pháp của Hegel (Hegelian Dialectic), có khả năng khám phá ý nghĩa của thực tại hteo một tiến trình. Biện chứng hàm nghĩa lý luận và phê phán, một hình thức đối thoại. Đối với Hegel, đối thoại là bản chất đích thực của tinh thần. Theo ý nghĩa đó, biện chứng là phương pháp lý luận thể hiện được bản chất và sự vận hành của thực tại sinh động.
Biện Chứng Pháp của Hegel khởi sự với một luận đề (thesis). Theo nguyên tắc phủ nhận (principle of negativity), nó có một luận đề đối nghịch được gọi là là phản đề (antithesis). Mâu thuẫn của hai thế lực đối lập ấy kết thúc bằng sự hình thành nên một luận đề mới được gọi là hợp đề (synthesis), dung hoà được cả hai luận đề ban đầu. Thí dụ: Sự dung hoà giữa hydrogen (luận đề) và oxygen (phản đề) tạo ra nước (hợp đề). Mối bất đồng quan điểm giữa Chủ nghĩa Duy Lý của châu Âu lục địa (luận đề) và Chủ nghĩa Kinh Nghiệm của Anh quốc (phản đề) tạo nên Chủ nghĩa Duy Tâm Đức (hợp đề)
Biện Chứng Pháp hình thành nên lý thuyết về tính gắn kết của mọi sự vật; tiến trình biện chứng là quá trình nối kết các sự vật. Trên thế giới này, không có gì tồn tại riêng rẽ; mỗi sự vật đều liên kết và bị ảnh hưởng bởi các sự vật khác. Hệ quả chung cuộc là mọi sự vật trong vũ trụ đều gắn kết với nhau. Lý giải ý nghĩa của một sự vật là tìm kiếm mối liên kết giữa nó và các sự vật khác, giữa nó và các phản đề của nó. Phát hiện được nhiều mối quan hệ liên kết của một sự vật, người ta càng dễ dàng vạch ra sự gắn bó của nó đối với vũ trụ tổng thể, khả năng lý giải và biện minh cho sự tồn tại của nó càng lớn. Hệ quả cuối cùng là mọi sự kiện của toàn bộ thế giới này đều gắn kết với nhau. Lý thuyết về sự gắn kết tổng thể này được biết đến với tên gọi Thuyết Chân Lý Gắn Kết (the Coherence Theory of Truth hay the Coherence Theory of Reality).
Thuyết Chân Lý Gắn Kết được hình thành trên cơ sở ý tưởng cho rằng thế giới là một hệ thống lý tính, một tổng thể Tuyệt Đối. Bản chất của tổng thể này, cái được Hegel gọi là "Ý Tưởng Tuyệt Đối" (Idee), là lý tính. "Thực tính là lý tính và lý tính là thực tính". Xét theo một hệ thống tổng thể, lý tính là Chân Lý. "Chân lý là tổng thể". Bởi vì Hegel nhìn nhận thực tại tối hậu như Ý Tưởng Tuyệt Đối, một tổng thể gắn kết có lý tính, ông thường được biết đến như một triết gia Duy Tâm.
Khác với quan điểm của Kant về thế giới thực tại bất khả tri, Hegel cho rằng con người có khả năng và thực sự nhận thức được thế giới siêu hình. Ông cho rằng chúng ta hiểu biết được thực tại, bởi lẽ nó là một hệ thống lý tính và loài người là sinh vật có lý tính. Chúng ta không nhất thiết phải cảm nhận thực tại; chúng ta hiểu nó, tư duy về nó và suy luận để xác định bản chất của nó. Dĩ nhiên, với hệ giác quan bình thường mà thiên nhiên ban tặng cho con người, không ai có thể cảm nhận được tia X. Tuy nhiên, do các tia sáng ấy có bản chất lý tính và vận hành theo lý tính, con người vẫn có khả năng tích luỹ thông tin về chúng và suy luận về chúng. Cuối cùng, nhân loại đã nắm bắt được tri thức về bản chất và cơ chế hoạt động của dạng ánh sáng ấy. Lý tính là thực tính và thực tính là lý tính. Nói cho cùng, theo quan điểm của Hegel, "thế giới này là gì nếu không phải là bóng dáng của LÝ LẼ...?"
12. Chủ nghĩa duy tâm ý chí bi quan của Arthur Schopenhauer
Triết lý của Schopenhauer (1788-1860) được xem là Chủ nghĩa Duy Tâm Ý Chí Bi Quan (Pessimistic Voluntaristic Idealism). Gọi là Bi Quan vì ông cho rằng thế giới này là phi lý; gọi là ý Chí và Duy Tâm vì ông nhận định rằng bản thể thực sự của thế giới là Ý Chí (động lực) và bản chất của thực tại siêu hình là tinh thần.
Triết lý của Schopenhauer nêu bật những khái niệm ấy. Theo ông, thực tại tối hậu là ý chí phi lý và mù quáng; động lực này thể hiện nơi con người như là ý chí sinh tồn (động cơ tự bảo toàn sinh mạng). Tuy nhiên, thực chất đời sống là vô nghĩa, là một lỗi lầm mà con người phải nỗ lực khắc phục bằng cách đè bẹp ý chí sinh tồn.
"Thế giới chính là yếu tố tư tưởng của tôi", Schopenhauer đã viết như thế. Đó cũng là nền tảng cho Chủ nghĩa Duy Tâm của ông. Thế giới mà con người nhận biết, chứng nghiệm, tri giác, tư duy, v.v... luôn xuất hiện dưới hình thức ý tưởng. "Vì thế, không có sự thật nào xác đáng, độc lập hay vững vàng hơn cả; tất cả đều tồn tại đối với tri thức. Và cũng chính vì thế, toàn bộ thế giới này chỉ là khách thể đối với một chủ thể, là nhận thức của một quan sát viên - nói tóm lại, là ý tưởng".14Do vậy, đối với chủ thể hay quan sát viên, chất liệu tạo nên thế giới chính là ý tưởng.
Thực tế, sự tồn tại của mọi đối tượng khách thể đều quy luật về chủ thể, bởi lẽ chỉ có chủ thể mới sở hữu kinh nghiệm nhận thức. Hệ quả là ý tưởng đồng nhất với đối tượng của chủ thể tư duy. "Toàn bộ thế giới sự vật là và chỉ còn là ý tưởng." Cần lưu ý rằng chủ nghĩa Duy Tâm của Schopenhauer không phải là Thuyết Duy Ngã; thế giới của nó không phải là thế giới mộng tưởng. Không hề nhập nhằng với thế giới ảo vọng, Schopenhauer quy kết cho thế giới nhận thức hai thuộc tính: nhất quán đối với kinh nghiệm và gắn kết có lý tính.
Theo quan điểm của Schopenhauer, thế giới hiện tượng bao gồm những ý tưởng. Tuy nhiên, thế giới thực tại bao gồm ý chí. Ông rin rằng ý chí là động lực, động lực này chủ yếu thể hiện qua bản năng thân xác như: bảo toàn sinh mạng và tình dục. Trong tự nhiên, nó thể hiện qua lực hấp dẫn. "Ngoài ý chí và ý tưởng, mọi sự đều bất khả tri và bất khả suy lường đối với con người". Đối với một người, "ý chí là bản chất tiềm ẩn bên trong sự tồn tại của anh ta ở thế giới hiện tượng. Đối với anh ta, nó tự thể hiện dưới dạng tư tưởng... Sự tồn tại trong thế giới hiện tượng không gì khác hơn là ý tưởng. Mọi đối tượng và ý tưởng, cho dù thuộc dạng nào đi nữa, đều tồn tại ở mức hiện tượng. Chỉ có ý chí là thực hữu mà thôi. "ý chí, giống như bản chất thực tại theo quan niệm của Kant, không thuộc về hiện tượng giới mà thực tại tối hậu, chất liệu cấu thành nên toàn bộ thế giới.”
Ý chí, bản chất thực tại, là động lực mù quáng, phi lý và bất hoại. Do ý chí vận hành theo cách riêng của nó mà không hề bận tâm đến lý lẽ, triết gia chỉ còn biết chán chường và tuyệt vọng cho số phận của con người và vũ trụ. Ý chí không lưu tâm đến đời sống và hạnh phúc của con người. Chính vì khía cạnh thất thường này của ý chí, đời người luôn gặp phải khổ đau và phiền não.
Đau khổ và phiền não trong thế giới này không phải là yếu tố ngẫu nhiên. Nó là khía cạnh nổi trội và không hề tách rời của thực tại. Đau khổ và phiền não là cơ bản và tất yếu. Hạnh Phúc là thất thường, là những khoảnh khắc tạm bợ và hiếm hoi, xen lẫn giữa giòng thời gian khổ đau và bất tận. Đối với Schopenhauer, "đời sống phải là một thứ lỗi lầm", và "sinh ra ở đời là một cái tội"
Chết cũng không thoát khỏi ý chí bạo ngược; bởi ý chí là vĩnh hằng và bất diệt, không ngừng bám theo số phận từ kiếp này sang kiếp khác. Vì thế, tự sát không phải là phương pháp giải thoát. Hơn nữa, đó là giải pháp hèn nhát, một thể nghiệm ngu xuẩn, không dành cho cá nhân cơ hội nào để sửa chữa sai lầm. Giải thoát chỉ có thể đạt được bằng sự nỗ lực loại bỏ khát vọng sống (không phải là khước từ cuộc sống), thành tựu được chân lý tối hậu và đạt đến cõi Niết Bàn (Nirvana). Đó là trạng thái giũ bỏ hoàn toàn mọi xáo động trong tâm hồn và lãnh đạm với mọi biến thiên trong đời - nói cách khác, đó là cõi Hư Vô (nothingness).
Theo Schopenhauer, đức hạnh tối thượng là từ ái với mọi người. Tất cả chúng ta đều phải gánh chịu cuộc sống khổ đau trong đời, thay vì tạo thêm phiền hà cho nhau, tốt hơn con người nên thương xót và cảm thông lẫn nhau. Nguyên tắc đạo đức tối cao này đòi hỏi con người phải kiềm chế và loại bỏ mọi hình thức tranh giành kích kỷ và thù hận.
-------------------------------------------------------
Ghi chú:
1Trích từ tác phẩm "Hiện tượng và thực tại" (Appearance and Reality)của Francis Herbert Bradley, xuất bản vào năm 1891. (TG)
2Ionian ( hay Ionian islands): Tập hợp các hòn đảo ngoài khơi vùng duyên hải miền Tây Hy Lạp, bao gồm các đảo Corfu, Cephalonia và Ithaca, v.v...(ND)
3Thales (624-546 trước Công Nguyên): Thuỷ tổ của khoa học và triết học Hy Lạp, một trong số bảy vị hiền triết theo truyên thống cổ đại, được xem là người đặt nền móng cho hình học, thiên văn học và triết học ở Hy Lạp .Ông là người sáng lập ra trường phái duy vật tự phát tại Miletus, cho rằng thế giới do vật chất tạo thành, trong đó "nước" là yếu tố bản nguyên và cuối cùng của mọi vật. (Theo Sổ tay danh nhân thế giới, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999). (ND)
4Zeno (sống vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước CN): Triết gia hy Lạp cổ đại, nổi tiếng với các vấn đề nghịch lý toán học do ông đưa ra, trong đó có bài toán về cuộc chay đua giữa Achilles (một dũng sĩ trong truyền thuyết Hy Lạp ) Và một con rùa. Nếu xuất phát sau con rùa, Achilles không thể nào bắt kịp con rùa ấy (xét về mặt lý thuyết ). (ND)
5Heraclitus (544-484 trước CN): Triết gia duy vật cổ đại Hy Lạp, cha đẻ của phép biện chứng. Xuất thân từ gia tộc thống trị, ông nhường quyền kế nghiệp cho em, chuyên tâm nghên cứu và viết lách. Toàn bộ tác phẩm củs ông đã bị thất lạc, chỉ còn khoảng 130 đoan ghi chép về triết học thiên nhiên và quan niệm biện chứng khó hiểu. Ông cho rằng mọi vật thể đều chuyển động và biến đổi, rằng "nguời ta chẳng thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông" và ngay cả "măth trời cũng mỗi ngày một mới", ông còn có những phỏng đoán thiên tài quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. (Theo Sổ tay danh nhân thế giới, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999).(ND)
6Leucippus of ABdera (khoảng 500-30 trước CN) : Triết gia Hy Lạp cổ đại, sinh trưởng tại Abdera, thành phố thương mại lớn vùng Thrace. Ông là thầy của Democritus. (ND)
7Democritus thành Abdera (460-370 trước CN): Triết gia duy vật Hy Lạp cổ đại, học trò của Leucippus, người đã phát triển thuyết nguyên tử. Ông du lịch, học tập, nghiên cứu và viết lách nhiều (khoảng 70 công trình thuộc nhiêu lãnh vực khác nhau: đạo đức, triết học, tâm lý học, mỹ học, ngôn ngữ học, kỹ thuật, âm nhạc, v.v...) Các tác phẩm của ông bị huỷ hoại gần hết, chỉ còn khoảng 300 đoạn văn các loại và những trích dẫn của Epieurus và Lucretius Cars. những người kế tục chủ nghĩa duy vật của ông. (Theo Sổ tay danh nhân thế giới, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999).(ND)
8Pythagoras (571-497 trước CN): Triết gia, nhà toán học danh tiếng Hy Lạp cổ đại. Cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn nằm trong bóng tối. Ông không để lại tác phẩm nào. Người ta chỉ biết đến trường phái của ông, qua tục truyền và trích dẫn trong sách vở, thư tịch của học trò ông để lại. Về triết học, ông quan tâm đến chủ nghĩa duy tâm thần bí, chủ trương sống thuần khiết, tin tưởng vào thuyết luân hồi (metempsychosis). Ông thần bí hoá con số, tách nó ra khỏi thế giới vật chất, cho con số là bản chất và quy luật của vũ trụ. Ông cũng có nhiều phát hiện có giá trị khoa học về nhạc lý, toán học và thiên văn học, nổi tiếng với định lý về số đo các cạnh và tổng số góc trong 1 tam giác. (Theo Sổ tay danh nhân thế giới, Nhà Xuất bản thanh niên, 1999. (ND)
9Trích từ tác phẩm "Thuyết Đơn Tứ" (Monadology)của dịch giả Mary Morris (Nhà xuất bản J.M. Dent & Són Ltd., London, 1934), chuyển từ nguyên bản Pháp ngữ "La Monadalogic " trang 85-8, xuất bản năm 1714. (TG)
10Cùng một tác phẩm , trang 87. (TG)
11Francis Bacon (1561-1626): Chánh trị gia và triết gia người Anh, Nam tước vung Verulam và Tử tước vùng Sự thật Albans. Các tác phẩm của ông, chủ yếu được viết theo dạng lý luận quy nạp, thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến những khám phá khoa học mới mẻ và thời bấy giờ. Một vài người cho rằng chính ông là cha đẻ của các tác phẩm kịch của Shakespeare. (ND)
12John Locke (1632-1704): Triết gia người Anh. Ông được xem là người sáng lập ra chủ nghĩa kinh nghiệm, cho rằng mọi tri thức đều xuất phát từ kinh nghiệm thực chứng qua các giác quan, vì thế tri thức của nhân loại về thế giới là hữu hạn và phải được hỗ trợ bởi đức tin. (ND)
13Trích từ tác phẩm " Luận thuyết về các nguyên lý của tri thức nhân loại" (A Treatise concerning the Principles of Human Knowledge) của Geoge Berkeley. (Xuất bản tại Dublin năm 1710, tái bản lần 2 tại Luân Đôn năm 1734). (TG)
14Các đoạn trích dẫn trong phần này đều được rút ra từ tác phẩm "Thế giới ý chí và ý tưởng" (The World as Will and Idea), bản dịch của R.B Haldane và J. Kemp (1883) từ nguyên bản Đức ngữ của Arthur Schopenhauer (biên tập và xuất bản tại Leipzig, năm 1819). ( TG)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh