Trí thức là ngươi nắm bắt tương lai
Thông tuệ và nhiệt tình, GS Tương Lai đã có cuộc trò chuyện với PV SVVN xung quanh vấn đề tri thức.
Luận hiền tài
Thưa GS, theo ông, khái niệm trí thức cần được hiểu thế nào?
GS Tương Lai: Định nghĩa về trí thức thì nhiều lắm, làm sao liệt kê ra trong một bài trả lời phỏng vấn. Tôi chỉ xin gợi ra một vài ý: Cụ Nguyễn Công Trứ từng có một bài “Luận kẻ sĩ” dưới dạng một bài ca trù khẳng định rằng “Có giang san thời sĩ đã có tên”. Tác giả của “Luận kẻ sĩ” ấy cũng là một danh tướng từng cầm quân dẹp cường khấu ở Lạng Sơn, bắt Phiên tặc ở thành Trấn Tây, trừ Hải tặc ở ngoài Đông Hải… Tài kinh bang tế thế của ông không chỉ dừng lại việc cầm quân, mà còn là công cuộc lấn biển mở đất ở Kim Sơn Tiền Hải, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương vùng châu thổ Sông Hồng đến việc khơi dòng Mê Kông ở Long Xuyên vùng đồng bằng sông Cửu Long… cho đến việc chống tham nhũng ngay giữa triều đình đúng như ông từng tâm nguyện “Trong lăng miếu ra tài lương đống, Ngoài biên thùy rạch mũi can tương”.
Ý tưởng của một “kẻ sĩ” Việt Nam thế kỷ XIX bắt gặp quan điểm của J.P Sartre, triết gia người Pháp thế kỷ XX: “Trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ, kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức”.
Một người có bằng cấp cao chưa hẳn đã là một trí thức nếu ông ta không gắn kết công việc chuyên môn của ông với vận mệnh của đất nước, ông không quan tâm gì đến số phận của nhân dân mình mà chỉ biết có sự nghiệp riêng mình, chăm chút riêng cho tổ ấm gia đình mình. Chán nản trước thời cuộc, “mũ ni che tai”, cũng không phải là người trí thức theo nghĩa chân chính của nó, trước đây đã vậy, nay càng như vậy.
Vậy ông đánh giá thế nào về những đóng góp của trí thức vào việc phát triển đất nước?
Dựa vào ý của C.Mác, người ta đã đưa ra một cách định nghĩa khác về người trí thức. “Trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”. Phải chăng vì thế, tuy biết rất rõ sự nghiệp phát triển đất nước rất cần trí thức, song không ít người thiếu bản lĩnh đã không dám hoặc không thích dùng những trí thức, những “người nói sự thật và phê bình không nhân nhượng” ấy. Cũng chính vì vậy, chúng ta cần lưu ý đến vấn đề xây dựng bản lĩnh cần thiết để mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm lực trí thức, trong đó, có việc dám lắng nghe và biết lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và trung thực của những trí thức chân chính. Đó là những ý kiến xuất phát từ động cơ không vụ lợi, không vụ danh mà chỉ vì muốn đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, xem việc đóng góp đó là sứ mệnh của người trí thức như Nguyễn Công Trứ khẳng định “việc trong trời đất là phận sự của mình”.
Cũng là một trí thức, GS thấy mình được “đãi ngộ” và “sử dụng” ra sao?
Xin được cho tôi đứng ra khỏi nội dung câu sẽ trả lời dưới đây, vì tôi chưa dám nhận mình là một trí thức theo đúng với quan điểm về người trí thức mà tôi vừa đưa ra, nhiều lắm cũng chỉ là người có học, có chút hiểu biết và muốn trở thành một trí thức như mình quan niệm. Mà muốn chưa chắc đã được!
Chính vì chúng ta đang thiếu một bản lĩnh cần thiết để mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm lực trí thức, trong đó, có việc không dám lắng nghe và không biết lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và trung thực của những trí thức chân chính cho nên đã hạn chế rất lớn sự đóng góp của trí thức.
Thực tế, trong lịch sử cận đại, việc sử dụng trí thức đã có nhiều bài học thành công, nhưng cũng có những bài học khá đau lòng mà khiến chúng ta cần nhớ lại để tránh “những vết xe đổ” mà ta đã đi qua…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn của mình trong việc đánh giá vai trò của trí thức, hết sức trân trọng và tìm mọi cách sử dụng, phát huy tiềm năng của trí thức. Do đó, trí thức đã có sự đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Tên tuổi của những trí thức lớn từ bỏ cuộc sống giàu sang và triển vọng phát huy tài năng chuyên môn trong những môi trường thuận lợi ở nước ngoài để theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Đặng Văn Ngữ… đã nói lên điều đó. Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, những nhà lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Cục ở Miền Nam đã biết trân trọng đón nhận và tìm mọi cách phát huy tài năng, tâm huyết của các trí thức nhân sĩ bỏ cuộc sống giàu sang, tham gia kháng chiến như Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Ngọc Thuần, Phạm Ngọc Thạch…
Đáng tiếc là sau đó, nhất là từ sau “cải cách ruộng đất”, “chỉnh đốn tổ chức” bị áp đặt theo mô hình giáo điều, “tả” khuynh từ bên ngoài, xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này có ý nghĩa lớn đối với việc nhìn nhận và đánh giá vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cách nhìn thiển cận về lý lịch, thành phần đã đẩy tới những sai lầm nguy hiểm trong việc sử dụng và phát huy năng lực của trí thức. Đấy là chưa nói đến việc nhục mạ, đối xử bất công với trí thức, trong đó có những trí thức lớn như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Văn Thiêm, Đào Duy Anh…
… Và “Cầu kẻ sĩ”
Ngày xưa, Lưu Bị đã 3 lần đến lều cỏ vời người tài là Khổng Minh ra giúp nước, GS nghĩ thế nào về triết lý “cầu tài phụng nghĩa” thời nay?
Trong bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, đoạn “Lưu Huyền Đức tam cố thảo lư” là một trong những đoạn được người đời cho là hay nhất. Muốn cầu người hiền, Lưu Bị phải ba lần gội tuyết, đội gió đến lều cỏ của Khổng Minh. Vì nhiều hiền tài không chịu dấn thân, nên người thật sự muốn gây nghiệp lớn phải biết cầu hiền.