Thư gởi anh Diệu
Anh Diệu thân mến, đáng lẽ Tết này tôi đã có thể ở Hà Nội rồi? Tôi đã có thể gặp gỡ anh em trí thức trong Diễn Đàn Khoa Học dự định khai mạc vào dịp ấy. Đã có thể làm việc với anh trong Ban Nội Dung mà anh mời tôi tham gia. Đã có thể nói được cùng nhau đôi điêu tâm huyết. Tôi nhận được thư mời chính thức ngày 6-10- 2003. Đang suy nghĩ về đề tài để nói thì ngày 30 cùng tháng, một thông báo điện tử gởi đến cho biết Diễn Đàn Khoa Học không được tổ chức nữa. Ô hay! Ái ân ta có ngần này mà thôi?
Cùng với anh, cả một tập thể cảm thấy có liên quan. Tập thể mà Nguyễn Công Trứ đã vinh danh hào khí truyền thống:
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
So Chính khí đã đầy trong trời đất
Đâu rồi, niềm trân trọng truyền thống ấy? Không về Hà Nội, đầu năm tôi khai bút với anh,chẳng có mục đích gì ngoài việc đùa chơi với chữ nghĩa, âu cũng là cái thú thanh cao còn sót lại của các ông đồ già. Trong thư mời gởi đến tôi cuối tháng 9, anh viết:
“Đã từ lâu, đặc biệt từ đầu những năm 1990, khi đất nước bắt đầu bước sang một thời kỳ có tính bước ngoặt của Đổi mới, là một trí thức sống và làm việc trong nước, tôi cảm nhận được sự lúng túng của con đường “đổi mới” và sự cần thiết phải nhận thức được thực chất của những gì cần thay đổi và cần có một cơ sở lý luận khoa học xác đáng cho con đường đôi mới đó. May mắn có điều kiện được quen biết với nhiều anh em ở trong nước và đặc biệt với các anh ở nước ngoài, tôi có một suy nghĩ và mong muốn tha thiết là nêu như có được dịp anh chị em trí thức trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi ý kiến và thảo luận một cách khoa học, cởi mở và thẳng thắn về những vấn đề đổi mới và phát triển đất nước trong thời đại ngày nay, thì chắc có thể giúp ích nhiều cho nhận thức chung, nhất là cho giới có trách nhiệm của đất nước những gợi ý mới, những tư duy mới để đưa đất nước đổi mới nhanh hơn và đúng hương hơn”.
Đối với chúng tôi, tên của anh, Phan Đình Diệu gắn liền với hoài bão đổi mới ở trong nước. Bởi vậy, đọc thư anh, ai chẳng lóe lên ánh lửa tin yêu trong đầu? Và cũng bởi vậy, khi đường tơ bỗng dứt, ai chẳng đặt bao nhiêu câu hỏi? Tôi cũng tự đặt cho mình hai câu, thuần túy lý thuyết, hai câu nhưng dính với nhau làm một: Trí thức là gì vậy? Đổi mới là gì vậy? Hai câu mà một, bởi vì tôi muốn xét sự tương quan giữa cái này với cái kia. Giữa hai bên có cái gì liên quan? Vai trò gì anh đang đóng? Nó thật hay giả? Nó dựa vào đâu để tự tin? Thay vì tìm câu trả lời bằng cách phân tích một thực tế mà tôi mù tịt, tôi bắt chước người xưa “xuân nhật túy khởi ngôn chí”, ngày xuân rượu say nói chí mình, bằng cách cho vào anh mà lý thuyết, lý thuyết về chính anh - nghĩa là về chúng ta.
Tôi sẽ bắt đầu với ông Sartre thân mến của chúng tôi thời trai trẻ, nhưng chuyện tôi muốn nói với anh không phải là tư tưởng của Sartre. Tôi bắt đầu với ông ấy vì tôi thấy anh loay hoay hoài từ hơn mười năm nay với cái gì đó ở trong đầu, và Sartre chính là người điểm đúng vào cái huyệt loay hoay đó của trí thức. Trí thức, đối với Sartre, không phải là tất cả những người làm lao động trí óc. Một người nghiên cứu trên hạt nhân để cho nổ ra trái bom nguyên tử càng lúc càng tinh vi, người đó, ông gọi là bác học. Cũng nhà bác học đó, khi ý thức được cái khí giới giết người ghê gớm ông nắm trong tay, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, lúc đó ông ấy là trí thức. Không phải người chuyên viên nào cũng là trí thức, nhưng trí thức là từ trong đám chuyên viên mà ra. Nơi mỗi chuyên viên, có thể một người trí thức đang nẩy mầm. Sartre định nghĩa: trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ, “s'occupe de ce qui ne le regarde pas”. Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ như vậy? Sartre giả vờ ngụy biện trả lời: tại vì họ xớ rớ vào chính chuyện cua họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức.
Hơn đâu cả, chữ “trí thức” ở Pháp có một lịch sử rõ ràng, xuất hiện nhân một biến cố sôi nổi, trong đó bao nhiêu người đã xớ rớ vào những chuyện không ăn nhập gì đến mình như vậy. Đó là vụ án Dreyfus, một thời đã chia cắt dư luận nước Pháp ra làm hai, bốp chát nhau. Dreyfus, đại úy trong quân đội Pháp, bị kết án làm tình báo cho địch tháng chạp năm 1894. Lúc đầu, không mấy ai hồ nghi cáo trạng của bộ tham mưu. Bị cáo hoàn toàn cô đơn trước bộ máy quân đội khổng lồ. Dần dần, số người đặt lại vấn đề càng đông. Từ một phẫn nộ trước bất công, vụ án trở thành một tranh chấp ý thức hệ trong cả nước, trong một nước Pháp đang trên đường củng cố chính thể cộng hòa chống lại những lực lượng bảo thủ, quân chủ, thần quyền. Cuối 1897, nhà lãnh đạo và tư tưởng gia đảng xã hội Jaurès nhảy vào vòng chiến bênh vực Dreyfus. Tháng giêng 1898, Zola tung ra bài viết lừng danh Jáccuse (Tôi buộc tội) và cùng với nhiều người khác ký vào “Tuyên ngôn của những người trí thức”. Đây là lần đầu tiên từ intellectuel xuất hiện dưới dạng danh từ. Trong cơn sốt của vụ án, danh từ mới đó bị các nhà văn cánh hữu, nhất là Barrès, đem ra chế diễu, khinh bỉ. Do đó mà sau này danh từ intellectuel thường hàm ý intellectuel de gauche, trí thức phe tả. Nói “trí thức phe hữu nghe ngược ngạo từ trong bản chất như nói gà mái thiến vậy. Cũng do đó mà dưới mắt trí thức phe tả, trí thức là người nói sự thật, người phê bình, “phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. Đó là câu nói của Marx mà các trí thức phe tả thường trích dẫn. Và thêm: bằng phê bình như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội ý thức chính mình, tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Như vậy, người trí thức trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử.
Trở về lại với định nghĩa của Sartre, các trí thức bênh vực Dreyfus là những người tự đặt mình ra khỏi thẩm quyền của mình: tha tội hoặc kết án Dreyfus là việc của tòa án nhà binh, của bộ tham mưu, mắc mớ gì mà các ông xen vào. Trí thức chẳng phải là người lạm dụng tên tuổi, danh tiếng của mình để làm những chuyện chẳng liên can gì đến mình đấy sao? Tại sao họ làm vậy? Tại vì, Sartre trả lời, “trí thức là người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội giữa việc đi tìm sự thật qua thực tiễn hành động và hệ ý thức đang đô hộ. ý thức được điều đó tức là khám phá ra những mâu thuẫn căn bản của xã hội, nghĩa là những xung đột giai cấp và, ngay trong lòng giai cấp thống tri, một xung đột hữu cơ giữa sự thật mà giai cấp đó nhân danh để thống trị và những huyền thoại, giá trị, tập tục mà nó bám giữ và truyền nhiễm vào những giai cấp khác để thống trị”.
Bi hùng thay là số phận của trí thức trong quan niệm của Sartre! Trí thức là người xuất thân từ giai cấp trung lưu nhưng chống lại sự đô hộ ý thức hệ của chính giai cấp mình; họ đứng về phía thành phần bị bóc lột vì đó là phương cách duy nhất để họ hiểu được xã hội trong đó họ sống, nhưng thành phần đó có thừa nhận họ một cách toàn vẹn đâu? Này, anh trí thức tiểu tư sản kia, anh đã uống văn hóa tư sản từ trong trứng nước, lớn lên giữa vòng tay ôm ấp của tư sản, bây giờ anh vỗ ngực tự xưng nói lên tiếng nói khách quan của giai cấp lao động mà anh chưa hề tiếp xúc, lại cũng chẳng được thâu nhận hết lòng. Anh có thây cái vòng luẩn quẩn trong đầu anh chăng? Anh muốn bảo vệ sự thật bằng cách nói lên rằng sự thật mà giới thống trị đang nhân danh kia chỉ là sự thật của giới thống trị, và để làm điều đó anh nói lên quan điểm của những người bị áp bức nghĩa là những người mà chỉ sự hiện hữu đã là lời tố cáo bằng xương bằng thịt. Nhưng để nói lên quan điểm đó, anh phải chưa từng bao giờ là tiểu tư sản, bởi vì giáo dục mà tư sản chúng tôi đã nhào nặn trong đầu anh từ trong trứng đã làm anh thành ra thế rồi, trong mỗi đường gân thớ thịt. Và bởi vì anh là hiện thân của mâu thuẫn, bởi vì chính cái mâu thuẫn giữa sự thật khách quan, phổ quát mà anh theo đuổi, và sự thật riêng biệt, chủ quan mà hệ ý thức thống trị đang áp đặt trên xã hội, vâng, bởi vì chính cái mâu thuẫn đó làm nên người trí thức nơi anh, đáng lẽ ra anh không nên làm người trí thức. Trong thành phần của anh, bao nhiêu người đã không làm như vậy Vậy thì, nếu anh cứ muốn làm, hãy chấp nhận cô đơn mà làm, chênh vênh giữa trời và đất, trời mà anh đã ruồng bỏ, đất muôn đời chẳng dung nạp anh. Anh có thể là lý thuyết gia của giai cấp bị áp bức, nhưng không bao giờ, không bao giờ, anh là trí thức hữu cơ của giai cấp đó.
Anh Diệu thân mến, trí thức hữu cơ: đây mới là chuyện tôi muốn nói với anh. Trong những năm cuối đời của ông, Sartre đứng về phía tả của phe tả - phía cực tả - trong hành động chính trị của ông. Đó là những năm 60, khi tả hữu xung đột nhau mãnh liệt trên thế giới cũng như trong nội bộ các nước tư bản phương Tây, nhất là ở Pháp, nơi mà đảng cộng sản lúc đó hãy còn mạnh. Tả hay cực tả, quan điểm về trí thức đều nhuốm màu sắc mác xít, nghĩa là không tách rời khỏi thực tế giai cấp trước mắt. Chính trên quan điểm giai cấp mà Sartre đã nhìn vấn đề trí thức và thâu nhận khái niệm “trí thức hữu cơ” - intellectuel organique - của Gramsci vào quan điểm “trí thức dấn thân” của ông.
Lý thuyết gia mác xít lừng danh của nước Ý, Gramsci để lại một học thuyết sáng tạo về trí thức, tránh định nghĩa quá rộng và quá rỗng dựa trên sự phân biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay, và định nghĩa quá hẹp, quá ưu tú, hạn chế trí thức vào giới “trí thức của trí thức”, nghĩa là những tư tưởng gia, những người sáng tạo hệ tư tưởng. Cái nhìn của Gramsci đặt nặng trên chức năng của trí thức. Ông viết: mỗi nhóm xã hội, khi nảy sinh ra từ một quá trình sán xuất kinh tế, đẻ ra cùng một lúc với nó một hay nhiều lớp trí thức, và chính lớp trí thức này mang lại cho nhóm xã hội kia tính đồng nhất và ý thức về vai trò của nó, không những trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực chính trị, xã hội. Nhờ trí thức mà một tập hợp những cá nhân có cùng một hoàn cảnh giống nhau trong đời sống kinh tế và xã hội trở thành nhóm và có ý thức cùng chung một nhóm. Trí thức hiện hữu được như là trí thức là nhờ nhóm xã hội mà họ liên kết, nhưng trong liên kết đó, họ có chức năng đặc biệt: liên hệ giữa hai bên là liên hệ hữu cơ, và họ là trí thức hữu cơ. Mỗi nhóm xã hội đẻ ra trí thức hữu cơ của mình, nhưng trí thức hữu cơ không phải vì vậy mà mất hẳn tính cách độc lập. Bởi vì họ hành xử một chức năng căn bản trong việc xây dựng và củng cố nhóm xã hội, họ cần phải có chút độc lập, chút khoảng cách, kể cả khả năng chỉ trích, để thực hiện đúng đắn chức năng đó. Chỉ trích như thế tức là giúp nhóm xã hội tự soi sáng lương tâm của mình, tức là biết tách mình ra khỏi nhóm nhưng chính là để hòa mình vào nhóm một cách mật thiết hơn.
Nhóm xã hội nào cũng đẻ ra trí thức hữu cơ như vậy, nhưng tất nhiên quan trọng nhất là trí thức hữu cơ được đẻ ra từ những “nhóm xã hội căn bản”, nghĩa là những giai cấp mà quá trình lịch sử đưa lên địa vị quyền hành. Nói theo cách của Marx, trí thức hữu cơ của giai cấp thống trị là trí thức thống trị. Chức năng của trí thức đó trở thành vô cùng quan trọng, bởi vì chính họ tạo ra ý thức xây dựng cơ sở, phát triển kiến thức cho giai cấp đã sinh thành ra họ và đồng thời cho cả xã hội. Chính họ thuyết phục những giai cấp khác nhận những quyền lợi riêng, giá trị riêng của giai cấp thống trị như quyền lợi chung, giá trị phổ quát, sự thật phổ quát. Họ nói tiếng nói của toàn thể xã hội, nhưng kỳ thực đó là quan điểm của một giai cấp. Tiếng nói của họ át các tiếng nói khác, hạ các tiếng nói khác xuống địa vị tương đối. Bởi vậy, khi tiếng nói của họ từ tuyệt đối rơi xuống tương đối, ấy là lúc mà giai cấp sinh thành ra họ đã bắt đầu lung lay.
Trong lịch sử Âu châu, nhà thờ thời trung cổ là ví dụ điển hình nhất của trí thức hữu cơ do giai cấp điền chủ quý tộc đẻ ra. Nhà thờ nắm hết mọi chức năng trí thức, bởi vì chức sắc nhà thờ nắm độc quyền kiến thức trong tay: chỉ chức sắc nhà thờ biết đọc. Nhà thờ nắm quyền kinh tế với vô biên ruộng đất, nắm quyền chính trị với vai trò trọng tài, nắm quyền văn hóa với hệ ý thức thiên chúa giáo, qua đó trật tự phong kiến được giải thích, biện minh, củng cố. Chức sắc nhà thờ không phải là quý tộc hoài bão của hai bên khác nhau, nhưng nhà thờ liên kết hữu cơ với hệ thống phong kiến, ngồi cùng chiếu với quý tộc, chia đặc quyền đặc lợi. Hơn thế nữa, trong khi quý tộc là một giai cấp khép kín, nhà thờ mở ra, thâu nhận những thành phần ưu tú nhất trong các giai cấp dưới, thực hiện một chức năng quan trọng nữa của trí thức hữu cơ: chức năng đồng hóa. Thâu nhận, biến đổi là cách thu phục cấp dưới vừa hữu hiệu, vừa hào hiệp.
“Les Philosophes”, các “triết gia” của cách mạng tư sản Pháp, là ví dụ thứ hai của trí thức hữu cơ. Sau trung cổ, tư sản thương mại nẩy nở tại Âu châu. Tri thức và trí thức nẩy nở theo. Muốn vượt biển phải đóng tàu; muốn đóng tàu phải có kỹ sư, bác học. Buôn bán cần sổ sách, kế toán; kế toán đòi hỏi những người biết tính toán. Tài sản là mục tiêu tối thượng của kinh doanh: nhà luật học phải làm sáng tỏ quyền đó. Cái nọ kéo theo cái kia, y học phát triển, giải phẫu phát triển, cơ thể con người tạo cảm hứng tuyệt vời cho hội họa. Bác học, kỹ sư, kế toán viên, luật gia, y sĩ, họa sĩ... tất cả đều ở trong giai cấp tư sản mà ra, nhưng họ chưa có ý thức về họ và về giai cấp của họ chừng nào chưa đánh gục được hệ ý thức vẫn chiếm ưu thế trong xã hội do chức sắc nhà thờ nắm giữ. Trước khí thế của giai cấp mới đang lên, chính các chức sắc này đấu tranh tư tưởng với nhau để thu hút kẻ đang lăm le tiếm vị. Tin Lành, với chủ trương thành công vật chất ở đời này là dấu hiệu của ân sủng mà Thượng Đế đã dành sẵn cho từ trước, vạch ra một đạo đức mới, quyến rũ tư bản thương mại. Cơ Đốc phản ứng lại, gây ra tranh cãi gay gắt giữa đạo đức khắt khe của phái janséniste và đạo đức mềm dẻo của các tu sĩ Dòng Tên. Đều là cho vay cả, nhưng “cho vay nặng lãi” bị nhà thờ kết án trở thành “tín dụng”, được các vị Dòng Tên biện minh. Cho đến một lúc thì giới trí thức mới nhận ra được rằng đấu tranh tư tưởng kia chỉ là giả, cái thật là cái ngăn cản họ xác nhận thế lực của họ, và cái đó là thần quyền - thần quyền trong tư tưởng, thần quyền trong tổ chức xã hội. Voltaire xuất hiện như thần tượng của tư sản tự do: Thượng Đế bị đẩy lên trời trước khi nổ ra Cách Mạng 1789 dưới đất. “Dân Pháp đang suy nghĩ như Bossuet, bỗng chốc suy nghĩ như Voltaire: thế là Cách Mạng”, câu tóm tắt thật hay của một nhà sử học gần đây Voltaire, Montesquieu, Diderot, Rousseau, d'Alembert, Helvétius... đám người được gọi chung dưới tên “triết gia” đó là tinh hoa của trí thức hữu cơ, mang lại hệ ý thức mới xây dựng trên Lý Trí, Tiến Bộ, đưa giai cấp tư sản lên địa vị thống trị. Trong vụ án Dreyfus, các lực lượng bảo thủ chung quanh nhà thờ nhảy vào vòng chiến, câu kết với các đảng phe hữu để nhân đó chống lại trật tự mới. Nhưng Dreyfus được ân xá, nội các Waldeck-Rousseau cải tổ quân đội, soạn thảo luật 1901, đặt các tổ chức nhà thờ dưới sự kiểm soát của Nhà nước, trả lại cho César cái gì của César.
Anh Diệu thân mến, Sartre quả quyết rằng anh trí thức tiểu tư sản kia chẳng bao giờ có thể là “trí thức hữu cơ” của giai cấp vô sản. Đúng hay sai không phải là vấn đề của tôi ở đây. Trí thức thuộc thế hệ của tôi ở miền Nam ngày trước không tiếp xúc với thực tế giai cấp bằng thực tế thuộc địa và thực tế chiến tranh, nghĩa là thực tế dân tộc. Vấn đề làm chúng tôi bức xúc là vấn đề dân tộc, không phải vấn đề giai cấp. Bởi vậy, giữa trí thức chúng tôi với nhau, sự lựa chọn không tùy ở cái liếc mắt đưa tình về phía giai cấp nào mà về phía các thành phần đối đầu với chiến tranh. Cùng học một lớp, cùng trung lưu với nhau cả, bạn bè chia cách nhau chỉ trên một câu hỏi và một câu trả lời: đâu là dân tộc, đâu là phi dân tộc. Tách rời khỏi giai cấp như vậy, khái niệm “trí thức hữu cơ” có còn ích lợi gì nữa chăng? Có chứ? Riêng tôi, càng chiêm nghiệm thực tế miền Nam ngày trước, tôi càng thấy khái niệm đó phong phú. Chẳng hạn, thời 1954, ai dám bảo không có một lớp trí thức hữu cơ hồ hởi mang “tính đồng nhất và ý thức về chức năng của mình” đến cho một quyền lực bắt đầu dựng xây? Đông đảo, ồ ạt, trấn áp, thống trị trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa, tư tưởng, lớp trí thức hữu cơ đó, thừa hưởng khí thế đuổi Tây và đuổi Bảo Đại của kháng chiến, tạo ra một hệ ý thức “quốc gia” bài phong, phản thực, diệt cộng, mà một chính quyền từ bên ngoài đưa vào cần như cơm nước để xây dựng nền móng chính thống còn rỗng thênh. Sau đó, cái gì đã lật nhào tính cách chính thống kia, cái gì đã hạ bệ hệ ý thức diệt cộng xuống hàng “tương đối” so với ý thức độc lập dân tộc nếu không phải là bản chất ngoại thuộc càng ngày càng lộ, tính cách đàn áp càng ngày càng rõ, dẫn đến sự tan rã của nòng cốt trí thức hữu cơ? Và sau đó nữa, hệ ý thức gì nung nấu một tầng lớp trí thức hữu cơ mới, trẻ, đang tìm cách thành hình? Anh thử hỏi các phong trào sinh viên ở miền Nam cũ, có lẽ họ sẽ trả lời: “nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng, nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương” . . .
Và bây giờ, anh Diệu, cái gì làm anh loay hoay mãi hoài như vậy từ hơn mười năm nay, cái gì thôi thúc anh động viên chúng tôi và động viên cả chính anh? Cái gì khiến anh hăng say như thế với Diễn Đàn Khoa Học, cái gì làm anh tưởng chừng như bất chợt nghe đồng hồ lịch sử báo thức? Tôi trả lời câu hỏi đặt ra lúc đầu: cái ấy là ước mơ của một trí thức được làm trí thức hữu cơ của thời đại mới. Ước mơ ấy chắc không phải của riêng anh. Tôi cũng đã từng đặt hy vọng nơi một vị lãnh đạo. Đông người nuôi ước mơ như vậy lắm đấy. Nở một cái trứng là ra cả trăm con. Nhưng trứng hãy còn ấp! Chung quy, anh Diệu vẫn chưa chào đời. Tại sao? Thì Gramsci đã nói: “nhóm xã hội đẻ ra cùng một lúc với nó…” Nhóm xã hội đẻ ra trí thức hữu cơ, đẻ ra anh, đẻ ra cái trứng; anh không đẻ ra ngược lại. Đổi mới “đúng hướng” đẻ ra anh; anh không đẻ ra đổi mới “đúng hướng”. Chừng nào cái nhóm xã hội “đúng hướng” ấy hãy còn là con nhộng nằm co trong kén, anh Diệu vẫn cứ chồn chân mỏi gối với cái thân phận trí thức dấn thân bạc bẽo. Chỉ khi nào nhộng kia hóa bướm bay ra, anh mới mọc cánh hữu cơ bay lên với bướm, làm Diễn Đàn Khoa Học không nửa chừng xuân. Câu trả lời giản dị như không cần phải lý thuyết gì cả. Nhưng chính sự giản dị lồ lộ ấy làm chúng tôi bàng hoàng khi Diễn Đàn Khoa
Học bị đình chỉ. Hơn chúng tôi có thể tưởng tượng, thì ra anh chẳng là cái gì cả. Anh chẳng là gì cả vì anh chưa có; anh chưa có vì, theo Gramsci, “nhóm xã hội” của anh chưa có. Chưa có! Hơn mười năm nay máu của anh chảy vào tim nào vậy?
Nhưng, anh Diệu ạ, chính vì lận đận lao đao như thế cho nên cuộc đời mới đáng sống. Dù nhóm xã hội đã có hay chưa, đi trước vẫn vui hơn. Nói trước vẫn vui hơn. Ở đâu và bao giờ cũng cần có những người nói trước như thế. Bởi vì cuộc đời là sáng tạo, luôn luôn mới. Không sáng tạo thì cũng bằng chết. Ở đâu và bao giờ cũng cần có những người mà chức năng là phải đi như thế, dù mặt trời đã mọc rồi hay chưa ló. Đi như những đơn côi đi với nhau, chấp nhận số phận dấn thân đơn chiếc, chênh vênh giữa trời với đất như ông Sartre đã cảnh giác. Họ bằng lòng làm những hạt nếp riêng rẽ. Nhưng ai dám bảo nếp kia chẳng trở thành bánh chưng ngày Tết? Mười năm hay hơn nữa chẳng là bao, cái gì chưa có sẽ có. Như khi nhìn lên trời, thấy trăng lưỡi liềm, hãy biết chắc rằng mai mốt trăng tròn.
Chú thích:
Chú thích trong bức thư thì còn gì là thư ? Vậy xin sơ lược:
1 Về Sartre, lấy trong: Sartre: Plaidoyer pour les intellectuels, Idées/Gallimard, 1972.
2.Về câu nói của Marx và về trí thức phe tả, Paul Baran: Qu 'est- ce qu 'un intellectuel? Partisans, số 22, tháng 10-1965.
3.Về Gramsci, F. Bon et A. Bumier: Les nouveaux intellectuels, Cujas, 1966. Về vị thế độc lập tương đối của trí thức hữu cơ đối với nhóm xã hội, câu trích dẫn dài hơn, nêu rõ tương quan biện chứng, xin ghi nguyên văn của Gramsci như sau cho rõ ràng: “... les intellectuels se détachent de la classe dominante pour s'unir à elle plus intimement pour être une vraie superstructure, et non seulement un élément inorganique et indistinct de la structure économique” (Jean-Marc Piotte, La pensée politique de Gramsci, Anthropos, 1970, trang 37; Hughes Portelli, Gramsci et le bloc historique, PUF, 1972, trang l04). Ngoài ra, trí thức hữu cơ thể hiện “l'autoconscience culturelle, l'autocritique de la classe dominante” (sđd).
4.Về Bossuet và Voltaire, tôi trích dẫn theo trí nhớ, chắc không sai, nhưng quên mất xuất xứ, mong được độc giả bổ túc. Bossuet là lý thuyết gia của nền quân chủ Pháp.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh