Suy nghĩ về khái niệm trí thức
“Trí thức” từ đâu ra?
Intellectuel (tiếng Pháp) hay intellectual (tiếng Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect(trí tuệ, trí thông minh). Nhưng một văn bản công bố năm 1906 - do nhà văn Zola ký tên đầu - lại được thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels). Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa có trong các từ điển trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902.
Đó là bản kháng nghị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, chống lại một bản án oan cũng nổi tiếng là xấu xa trong lịch sử tư pháp (xử đại úy Dreyfuss, sau gọi là “sự kiện Dreyfuss”). Như vậy, danh từ “trí thức” ra đời trong một sự kiện chống bất công, còn “người trí thức” ra đời khi xã hội thừa nhận danh từ này.
Thực ra, rất lâu trước đó đã có vô số cá nhân có phẩm chất và tiếng tăm không kém các tác giả bản tuyên ngôn nói trên, nhưng ý thức tự liên kết (ví dụ cùng ký tên vào một tuyên ngôn) và điều kiện cho phép liên kết để thực hiện những thiên chức xã hội thì chỉ xuất hiện khi xã hội có dân chủ; đồng thời người dân khi được hưởng các quyền tự do cũng bắt đầu hiểu rõ chức năng xã hội của tầng lớp trí thức và hưởng ứng họ.
Trí thức và dân chủ
Quả vậy, dẫu các tác giả của bản tuyên ngôn là những người uy tín lớn và đang được xã hội trọng vọng, như Emile Zola (1840-1902), Anatole France (1844-1924), Halevy, Buinot, Leon Blum... nhưng thật ra bản tuyên ngôn của họ chỉ có thể ra đời khi nước Pháp đã có chế độ dân chủ, ba quyền tối thượng đã được phân lập rạch ròi. Thủ tướng đứng đầu ngành hành pháp, quyền hành cực lớn, vẫn không được phép can thiệp vào công việc tư pháp, dẫu tư pháp đưa ra bản án oan.
Thế mà, nhờ “bản tuyên ngôn” và tiếp đó nhờ dư luận và báo chí dấy lên, bản án oan đã phải sửa sau nhiều năm chây ỳ.
Tương tự như vậy, học thuyết Mác cũng chỉ có thể công bố trong một xã hội đã tương đối dân chủ. Thời đó, cố nhiên nền báo chí công quyền không thể đăng những tác phẩm trong đó Mác cổ vũ quần chúng dùng bạo lực tước đoạt tư liệu sản xuất của giai cấp tư bản. Nhưng đã có báo chí và nhà xuất bản tư nhân (bản thân Mác cũng từng là tổng biên tập một tờ báo). Còn dưới thời phong kiến thì một bản án mà vua đã quyết, dù là oan thấu trời (như án Nguyễn Trãi) cũng không một ai dám phản đối. Người bị oan chỉ có một cách là “mong sao thánh thượng hồi tâm”.
Can đảm là một tính cách của trí thức: dám nói ra và dám bảo vệ chân lý. Khổng Tử nói nho sĩ phải là người đủ ba phẩm chất: có trách nhiệm cao, có lòng tự trọng và dũng cảm. Mác còn nói rõ hơn: Trí thức, ngoài khả năng sáng tạo, còn phải “dám phê phán thẳng thừng mọi thứ cần phê phán, không lùi bước trước mọi kết luận, mọi đụng chạm - dù là đụng chạm tới thứ quyền lực nào”.
Như trên đã nói, những cá nhân có trí tuệ cao, có phẩm cách đẹp đã xuất hiện rất sớm và được gọi bằng các tên khác nhau, tuy họ chưa tự ý thức và chưa có quyền liên kết lại. Phương Đông từ cả ngàn năm trước đã gọi họ là bậc thánh hiền (Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử...), bậc hiền tài, sĩ phu, kẻ sĩ... Ngoài tài năng, giới trí thức xưa còn được ca ngợi là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (sách Mạnh Tử: phú quý không làm mê muội, nghèo khổ không làm lay chuyển, uy vũ không khuất phục nổi). Câu này nói lên dưới chế độ chuyên chế họ từng bị mua chuộc, bị cái nghèo hành hạ và bị trấn áp, chứ không chỉ có tôn vinh mà thôi.
Chính do được tôn vinh, trí thức cũng có “thật” và “giả” vì có những người muốn được tôn vinh bằng công sức tối thiểu. Một xã hội có quá nhiều trí thức “giả” – như chuyện mua quan bán chức cuối thời vua Lê chúa Trịnh - là xã hội thoái hoá và hỗn loạn, vì thứ “giả” này sẽ chiếm những địa vị cao, ảnh hưởng lớn, kể cả có quyền cho phép nhiều loại “giả” khác phát sinh, phát triển và lưu hành.
Về định nghĩa trí thức
Có nhiều định nghĩa trí thức, rất dễ tìm trên internet. Không chỉ nhiều, mà rất nhiều, cho thấy đến nay định nghĩa trí thức vẫn chưa thật định hình. Do vậy, khi bàn về trí thức thường người ta phải xác định khái niệm trước khi bàn tiếp. Nhiều nhà trí thức lớn cũng đưa định nghĩa của mình, trong đó có những định nghĩa mới chỉ nêu tính cách đặc trưng hơn là nêu bản chất. Ví dụ: “trí thức là người phát hiện những điều thuộc bản chất sự vật mà người khác không nhìn ra được”; hoặc "Người trí thức là người luôn có khát vọng tự do”. Nhiều bạn đọc của VietnamNet khi thảo luận đề tài này cũng tự ý đưa ra những định nghĩa theo quan niệm của mình, khiến vấn đề càng phong phú, nhưng sẽ càng khó thảo luận khi khái niệm chưa thống nhất.
Dẫu vậy, vẫn có thể phân chia các định nghĩa hiện hành thành 2 nhóm: nhóm chặt chẽ (rất hữu dụng khi bàn vấn đề ở bình diện triết lý, gồm cả thiên chức, nhiệm vụ trí thức đối với nhân quần, xã hội) và nhóm thông dụng (để dùng rộng rãi trong đời sống, dễ hiểu với trình độ chung).
Một cách chặt chẽ, trí thức phải là người:
1) Sáng tạo những giá trị tinh thần. Mức độ sáng tạo cho phép tách ra những trí thức lớn, tầm cỡ nhân loại; và
2) Chỉ tôn thờ những giá trị tinh thần vĩnh hằng: Chân (chân lý, sự thật), Thiện (cái tốt), Mỹ (cái đẹp).
Từ cái gốc này, do đặc trưng lao động, trí thức có những phẩm chất, tính cách nhất định – không bẩm sinh và cũng không phải là độc quyền của trí thức. Ví dụ, để sáng tạo, trí thức phải có một cái vốn tri thức cao hơn mặt bằng chung (đã đành) nhưng quan trọng là phải bổ sung suốt đời (để sáng tạo tiếp). Điều này rất tương đối, vì mặt bằng dân trí mỗi thời một khác: thầy giáo tiểu học là lao động trí óc (đúng với mọi thời) nhưng trước đây 60 năm có thể là trí thức - nếu có sáng tạo (ví dụ như Nam Cao, Tô Hoài...)
Do tôn thờ chân lý, trí thức chỉ tin những gì đã được chứng minh đầy đủ và do đó bảo vệ sự thật đến cùng. Khám phá chân lý là niềm say mê cao nhất (bị cấm đoán nghiên cứu hoặc cấm nói sự thật là điều đau khổ vô tận - từ đó, suy ra trí thức căm ghét cái gì). Khám phá ra chân lý là hạnh phúc cao nhất, do vậy họ có yêu cầu bức xúc công bố và đòi hỏi được công bố (Galilê bị cấm công bố “quả đất tròn”). Tuy quyết bảo vệ kết quả nghiên cứu bằng tranh luận, nhưng trí thức cũng sẵn sàng nhận sai lầm, từ bỏ niềm tin, nếu có chứng minh đầy đủ - từ đó họ đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận... Tôn thờ cái tốt (thiện), trí thức rất nhậy cảm khi cái xấu lộng hành (ví dụ bất công, áp bức, hạn chế quyền tự do, dân chủ giả hiệu...)
Chúng ta có thể suy ra những tính cách khác nữa của trí thức nhưng không nên dùng những tính cách này để định nghĩa, vì đó chỉ là đặc trưng mà chưa phải bản chất của trí thức (và cũng không phải của riêng trí thức). Một cô giáo ở Đà Nẵng chấp nhận tiến thân bằng thi cử công bằng: Đó là thái độ của trí thức, dù cô chưa phải trí thức. Theo cụ Trường Chinh thì: “Phải nói rõ, nói hết sự thật; gọi sự vật bằng đúng tên của nó”; cụ Nguyễn Đức Bình đòi hỏi “Đặt mọi ý kiến khác biệt lên bàn tranh luận”... đều là thái độ thẳng thắn và cầu thị của trí thức, dù đây là những nhà chính trị.
Theo cách thông dụng, trí thức được định nghĩa như những người lao động trí óc nói chung, ví dụ: trong khẩu hiệu “Liên minh Công – Nông – Trí”; hoặc trong một bản thành tích có câu: chế độ ưu việt của ta đã đào tạo được hàng triệu trí thức XHCN... Cách định nghĩa này làm số trí thức trong xã hội tăng lên rất nhiều, có mặt ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Còn theo cách chặt chẽ, thì một văn hào và người thư ký của ông đều là lao động trí óc, nhưng trong đó chỉ một người là trí thức. Cũng theo cách chặt chẽ, một tiến sĩ nếu không nghiên cứu sáng tạo gì, thì vẫn thiếu vế đầu để được coi là trí thức đúng nghĩa. Bằng cấp cao, nhưng không sống chết tôn thờ Chân, Thiện, Mỹ biểu hiện bằng biết mà không dám nói sự thật, không căm ghét độc tài, thái độ ba phải trước bất công, phản dân chủ... thì thiếu nốt cả vế thứ hai của tiêu chuẩn trí thức.
Nguyễn Du không những sáng tác Truyện Kiều mà trong truyện ông tỏ thái độ rất rõ đối với bất công, áp bức, thân phận con người. Vua Tự Đức đọc đến câu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (ca ngợi Từ Hải) đã đòi phạt “đánh đòn” Nguyễn Du (khi ông đã mất). Dưới chế độ phong kiến ngạt thở như vậy, Nguyễn Du vẫn khôn khéo nói được điều cần nói, biểu lộ được thái độ cần có, đúng là trí thức lớn của dân tộc ta.
Định nghĩ trí thức Định nghĩa trí thức trong từ điển: - Trí thức là người sử dụng trí tuệ để làm việc, nghiên cứu, phản ánh, dự đoán, hoặc để hỏi và trả lời các câu hỏi liên quan về hàng loạt những ý tưởng khác nhau (Từ điển Wikipedia). - Trí thức: Người sử dụng trí óc một cách sáng tạo. - Trí thức: người thông minh, có khả năng phát triển cao độ để hiểu biết là lý giải, đặc biệt được giáo dục tốt và quan tâm đến khoa học hay nghệ thuật, hoặc yêu thích các hoạt động liên quan đến nỗ lực tinh thần một cách nghiêm túc. - Trí thức là người hoặc do thích thú hoặc do nghề nghiệp mà quan tâm đến những công việc tinh thần. - Trí thức: Người chuyên làm việc, lao động trí óc (Đại từ điển tiếng Việt, Bùi Như Ý chủ biên, nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin). Trí thức theo định nghĩa cá nhân: - Người trí thức? Là người đem lại giá trị cho những gì mà tự chúng không có (Paul Valéry). - Người trí thức? Tôi muốn nói đến những người suy tư, mà không sính chữ nghĩa, không lợi dụng, bịp bợm và ăn bám... (Henri Barbusse). - Người trí thức là người phát hiện những điều thuộc bản chất sự vật mà người khác không nhìn ra được (Jean Paul Sartre). |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh