Tư duy lại khoa học
Tên sách: Tư duy lại khoa học (Re-thinking science)
Tác giả: Helga Nowotny, Peter Scott, Michael Gibbons
Dịch giả: Đặng Xuân Lạng, Lê Quốc Quýnh
Nhà xuất bản: Tri thức
Năm xuất bản: 2009
Khổ sách: 14x20,5
Số trang: 506
LỜI GIỚI THIỆU
Phan Đình Diệu
(GS. TSKH. Đại học quốc gia Hà Nội)
Thế kỷ XX là một thế kỷ phát triển rực rỡ của khoa học. Vốn được khởi nguồn từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại thời Aristote, "khoa học hiện đại đã được hình thành và phát triển từ thời "hiện đại" trong Kỷ nguyên Khai sáng ở châu Âu vào đầu thế kỷ XVII, khởi đầu với học thuyết về chuyển động cơ giới của các vật thể do Galilei và Newton sáng lập, sau đó được mở rộng dẫn cho các ngành vật lý và khoa học tự nhiên; rồi đến cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, với niềm tin "có những luật tự nhiên thống trị xã hội loài người tương tự như đã thống trị thế giới vật lý", các tư tưởng và phương pháp của "khoa học hiện đại" cũng đã được áp dụng rộng rãi cho việc nghiên cứu các đối tượng của sinh học, kinh tế và xã hội. . . tạo nên một xu thế "khoa học hóa" hầu như mọi lĩnh vực tri thức của loài người. Một khoa học lý thuyết xây dựng trên cơ sở các tri thức thu được qua kinh nghiệm và khảo sát, rồi tiếp tục bằng các phương pháp suy luận duy lý và thực chứng đã được phát triển một cách độc lập; và bên cạnh đó, việc áp dụng các tri thức khoa học vào nhiều lĩnh vực của sản xuất, đời sống, xã hội . . . đã tạo nên nhiều ngành "khoa học ứng dụng", thực tế đó đã xác định một mối quan hệ đặc biệt giữa khoa học với xã hội mà các tác giả gọi là “Khoa học Phương thức 1” và “Xã hội Phương thức 1”, trong đó khoa học sản xuất ra các tri thức có tính phổ quát, các chân lý "khách quan", rồi được ứng dụng vào các lĩnh vực hoạt động của xã hội loài người để tạo ra các tri thức ứng dụng, một mối quan hệ có tính chất một chiều theo hướng "khoa học nói với xã hội", xã hội có vai trò thụ động, nghe và tin theo những gì khoa học nói. Mối quan hệ đặc biệt đó đã góp phần làm nên một giai đoạn ban đầu khá dài và êm ả trong việc phát triển nhiều ngành khoa học (ứng dụng) về sự sống, về kinh tế, xã hội, với nhiều thành công và triển vọng trong thế kỷ XIX và gần suốt thế kỷ XX.
Tuy nhiên, càng đi sâu vào các lĩnh vực ứng dụng thì thực tế xã hội càng bộc lộ rõ nhiễu thuộc tính phức tạp và bất định mà khoa học Phương thức 1 dựa trên các giả thuyết tất định và quy giản không còn đủ khả năng để lý giải được. “Xã hội Phương thức 2”, tức là xã hội với tất cả những phức tạp và bất định (hay không chắc chắn) của nó đòi hỏi phải được nhận thức bởi một “khoa học khác”, một “Khoa học Phương thức 2” . Trong tiến trình phát triển một khoa học Phương thức 2 như vậy mối quan hệ một chiều "khoa học nói vớixã hội" phải được thay thế, hay được bổ sung bởi chiếu ngược lại "xã hội đối đáp lạikhoa học". Tư duy lại khoa học (Re-thinking Science) là một cuốn sách trình bày cho chúng ta biết hàng loạt vấn đề cần được "tư duy lại" về khoa học, về nội dung của bản thân khoa học, cũng như về vai trò của khoa học với tư cách là một cơ cấu sản xuất tri thức của con người và về quan hệ giữa khoa học với xã hội trong điều kiện mới, điều kiện của “xã hội Phương thức 2”. Đó là một xã hội của những phức tạp và hỗn độn, của các tương tác bất định và phi tuyến, của những trật tự dễ bị xói mòn và sụp đổ, và cả của những sụp đổ lòng tin vào quyết định luận và khả năng tiên đoán của con người, v.v ... Những vấn đề mà các tác giả nêu ra phần lớn là các vấn đề mới, do đó những kiến giải của các tác giả dù chứa đựng nhiều ý tưởng "tư duy lại" khá sâu sắc nhưng cũng có nhiều điều mà tôi chắc chưa dễ được sự đồng tình của người đọc và hẳn còn cần được tranh luận để làm sáng tỏ hơn.
Tôi hy vọng rằng cách nhìn mới và kiến giải mới của các tác giả sẽ tạo được những ý tưởng đậm nét trong suy tư của bất kỳ ai quan tâm đến tiền đồ phát triển của khoa học trong giai đoạn bước ngoặt hiện nay, khi thực tế tự nhiên và xã hội đã và đang bộc lộ rõ đặc trưng phức hợp, hỗn độn và bất định của mình, nhưng tầm nhìn và năng lực nhận thức của chúng ta thì vẫn còn đang loay hoay trong vòng vây cố hữu của tư duy cơ giới với niềm tin vào các quy luật nhân quả giản đơn, tuyến tính, tất định, trong một thế giới ổn định và tiên đoán được. PHAN ĐÌNH DIỆU |
Do tri thức được bối cảnh hóa, nên có thể sẽ không còn có một khoa học độc lập, tự quản, sản xuất ra những tri thức khách quan, độc lập, thuần khiết, một cái lõi tri thức làm nòng cốt của tri thức luận. Bối cảnh hóa cũng có nghĩa là các bối cảnh khác nhau, tức là xã hội, tăng cường tác động đối đáp lại khoa học, tham gia tích cực hơn vào việc sản xuất ra tri thức. Tiêu chí cho những sản phẩm từ thức được tạo ra như vậy sẽ không còn chỉ là những tri thức đúng, những "chân lý khách quan mà còn phải kể đến những “tri thức tin cậy được”, và những "tri thức thiết thực về mặt xã hội" (socially robust knowledge). Các thiết chế sản xuất tri thức, các trường đại học, các phòng nghiên cứu khoa học,... theo các tác giả, cũng có nhiều thay đổi theo yêu cầu của bối cảnh hóa. Xã hội tham gia tích cực vào việc sản xuất tri thức có nghĩa là công việc làm khoa học, sáng tạo ra từ thức, không còn bó hẹp vào một sổ chuyên gia nghiên cứu trong các trường đại học và phòng nghiên cứu, mà sẽ được mở rộng ngày càng nhiều cho "công chúng". Việc sản xuất tri thức được "công chúng hóa" dần, có thể tiến đến một hình thức thảo luận rộng rãi ở các "quảng trường" kiểu như các "agora" ở các thành bang Hy Lạp thời cổ đại của Plato, Socrates. Công chúng hóa việc sản xuất tri thức cũng sẽ đi kèm với một sự phân phối mới, rộng khắp hơn các "năng lực chuyên môn" trong xã hội.
Tất cả các điều nói trên sẽ dẫn ta đến một cách nhìn mới, một cách hiểu mới về khoa học, và khi ta nói "tư duy lại khoa học" thì điều đó không có nghĩa là nói về một khoa học hiện hữu "được tư duy lại". Khoa học trong cách nhìn mới sẽ không còn là cái khoa học vồn có với quyền uy tối thượng sản xuất và ban phát các chân lý khách quan, định đoạt tính đúng sai của các nhận thức và lý giải của con người, mà là khoa học trong tương lai, khoa học sẽ được phát triển trong sự tương tác thường xuyên với các bối cảnh của tự nhiên và xã hội, các bối cảnh luôn luôn trong tình trạng bị tác động của những xáo trộn ngẫu nhiên, bất định và không dự đoán trước được. Khoa học mới, hệ thống sản xuất tri thức theo Phương thức 2, sẽ đồng tiến hóa với xã hội Phương thức 2trong những mối tương tác qua lại phức tạp, phi tuyến, không chắc chắn và trong những trạng thái xa cân bằng, không ổn định. Thông qua các tiến trình đồng tiến hóa như vậy, bằng các khả năng học và thích nghi, sẽ có thể đạt đến những emergence, những hợp trội với những chất lượng mới cho cả khoa học và xã hội. Và rồi, những phức tạp và bất định mới sẽ nảy sinh, và tiến trình đồng tiến hóa với những tương tác, học và thích nghi, v.v. . . sẽ lại tiếp tục. Qua đồng tiến hóa, khoa học và cả xã hội, văn hóa sẽ không trở lại vị trí và vai trò cũ của mình mà sẽ được phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn. Đó là bức tranh mà các tác giả hình dung trong một cách nhìn mới về khoa học. Đúng sai như thế nào là điều khó phán quyết nhưng dù sao cũng có thể nói rằng những điều được hình dung đó là phù hợp với những phát hiện của khoa học mới về sự phức tạp trong vài ba thập niên gần đây.
Giới thiệu cuốn sách Tư duy lại khoa học với những nội dung như được lược thuật trên đây, đối với người giới thiệu, là một công việc không dễ dàng. Nhiều ý tưởng mới còn lạ lẫm với người đọc, những cách nhìn mới, cách nghĩ mới đòi hỏi phải được nghiền ngẫm để có thể được thấu hiểu. Và, dù có thấu hiểu, thì cũng còn cần rất nhiều những suy tư, những đắn đo để có thể được đồng cảm và tán thành. Tôi không dám nghĩ rằng bạn đọc ngay sau lần đọc đầu tiên đã có thể hoàn toàn đồng cảm và tán thành mọi ý tưởng và kiến giải của các tác giả, nhưng tôi hy vọng rằng các ý tưởng và kiến giải đó sẽ tạo được những ấn tượng đậm nét trong suy tư của bất kỳ ai quan tâm đến tiền đồ phát triển của khoa học trong một giai đoạn bước ngoặt hiện nay, khi thực tế tự nhiên và xã hội - các đối tượng nhận thức của chúng ta - đã và đang bộc lộ rõ các đặc trưng phức tạp, hỗn độn và bất định của mình, mà tầm nhìn và năng lực nhận thức của chúng ta thì vẫn đang còn loay hoay nhiều trong vòng vây cố hữu của tư duy cơ giới với niềm tin vào các luật nhân quả giản đơn, tuyến tính, tất định trong một thế giới ổn định và tiên đoán được. Mong muốn của người giới thiệu là, sau những ấn tượng đậm nét ban đầu mà cuốn sách có thể mang đến đó, bạn đọc có thể có hứng thú tìm hiểu và theo dõi những hướng phát triển mới của khoa học hiện nay trực tiếp liên quan đến những vấn đề phức tạp và bất định của thế giới tự nhiên của xã hội hiện đại.
LỜI NÓI ĐẦU
Công trình này nhằm mô tả mối quan hệ năng động giữa xã hội và khoa học. Chúng tôi thấy hình như một loạt các luận cứ nhằm thuyết phục xã hội hỗ trợ cho khoa học đã không lưu ý đầy đủ đến sự phát triển của xã hội lẫn nghiên cứu đang được bàn đến trong tài liệu học thuật, tài liệu về chính sách và trên mặt báo hằng ngày. Mặc dù ngày càng có thêm nhiều bằng chứng về mối quan hệ tương giao khăng khít giữa xã hội và khoa học, vậy mà các cuộc tranh luận hiện nay lại có vẻ như chuyển sang đề tài chính là nhu cầu phải duy trì bằng cách này hay cách khác một “đường” phân định ranh giới giữa chúng. Người ta lại còn suy đoán rằng thông tin chỉ được truyền tải theo một chiều từ khoa học tới xã hội nên không mấy khi lưu ý mô tả những tác động biến đổi của bất kỳ dòng thông tin ngược chiều nào. Chúng tôi tin rằng, để phát triển những luận cứ nhằm liên kết thực tại xã hội với thực tiễn nghiên cứu hiện nay thì không cần phải vạch rõ những lý lẽ đang hiện hành (dù có thể là hữu ích), mà tốt hơn là nên rà soát lại những nền tảng của các lý lẽ đó. Với mục đích như vậy thúng tôi đã triển khai một bộ khung có tính gợi mở và năng động để tư duy lại về khoa học [re-thinking science]. Nó dựa trên bốn trụ cột chính: bản chất của xã hội Phương thức 2; việc bối cảnh hóa tri thức trong một không gian công cộng mới, gọi là agora; sự phát triển những điều kiện để sản sinh tri thức thiết thực [robust knowledge] về mặt xã hội; và sự xuất hiện năng lực chuyên môn để phân bố đều khắp trong xã hội. Tóm lại kết luận của chúng tôi là quan hệ tương giao ngày càng gắn bó hơn giữa khoa học và xã hội báo hiệu sự ra đời của một loại khoa học mới; khoa học bối cảnh hóa, hoặc khoa học nhạy cảm với bối cảnh. Tất nhiên, cuốn sách này được viết dựa trên cơ sở một tác phẩm trước đây của chúng tôi là Sản xuất tri thức theo phương cách mới [The New Production of Knowledge] (Cibbons và các cộng sự), đặc biệt là trên việc đánh giá một cách công phu tầm quan trọng của khía cạnh xã hội trong thực tiễn và trong thiết chế của khoa học. Tuy thế, không cần tìm hiểu tác phẩm đó chúng ta vẫn có thể nắm bắt được những luận điểm sẽ triển khai.
Tập sách cuối cùng này là thành quả của một nỗ lực tập thể, tuy nhiên lần này với một nhóm làm việc ít người hơn. Việc biên soạn cuốn sách đã làm chúng tôi bận tâm trong gần ba năm trời và trong suốt thời gian này chúng tôi đã có những cuộc gặp mặt tại London, Zurich và Stockholm để đọc, chỉnh sửa và khá nhiều lần phải loại bỏ những bản thảo đã chuẩn bị xong xuôi trong thời gian giữa hai cuộc gặp mặt. Theo thông lệ, chúng tôi tìm cách biên soạn một văn bản tổng hợp chứ không phải là một tổng tập các tiểu luận đơn lẻ. Với ý thức làm việc như vậy nên khó mà nhận biết được ai đã đóng góp điều gì vào kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, đây không phải là phong cách của chúng tôi lúc trước. Lần này chúng tôi đã quyết định không sắp xếp tên tác giả theo thứ tự chữ cái nghiêm ngặt như trong lần viết trước, nhưng cũng phải nói rõ rằng một quyết định như vậy chỉ là một quyết định làm việc thôi chứ nó không phản ánh điều gì đặc biệt.
Nhiều cá nhân đã giúp đỡ chúng tôi suốt chặng đường dài. Đặc biệt, chúng tôi xin cảm ơn những người như Yehuda Elkana, Camille Limoges, Hans-Joerg Rheinberger và John Ziman đã cùng với chúng tôi thảo luận các ý tưởng trong những giai đoạn chúng được hình thành; Alexandro Maranta và Myriam Spoerri đã rà soát lại tài liệu tham khảo và hoàn chỉnh thư mục; và Sarah Cripps đã soạn thảo bản chỉ mục. Chúng tôi đặc biệt tỏ lòng biết ơn Dan Braendstroem, Giám đốc Quỹ Kỷ niệm 300 năm của Ngân hàng Hoàng gia Thụy Điển và Thorsten Nybohm, Giám đốc Hội đồng Giáo dục Đại học Thụy Điển, hai tổ chức này đã cùng tài trợ cho dự án. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn sự đóng góp đặc biệt của Rogel Svenson, Giám đốc Tổ chức Tài trợ Thụy Điển cho Hợp tác Quốc tế về Ngiên cứu và Ciáo dục Đại học đã giữ vai trò thoạt nhìn có vẻ chỉ là hỗ trợ hành chính. Trên thực tế, ông đã có những đóng góp đích thực cho những cuộc thảo luận của chúng tôi, mang đến cho chúng tôi những hiểu biết sâu sắc đúc rút từ kho kinh nghiệm thực hành bao quát của ông, và luôn luôn thúc giục chúng tôi cung cấp các thí dụ cụ thể nhằm làm rõ những tư biện có phần trừu tượng của mình. Cho tới giờ, Roger đã là đồng nghiệp của chúng tôi trong hai cuộc hành trình trí tuệ và chúng tôi hy vọng ông sẽ không rời bỏ chúng tôi nếu chúng tôi bắt đầu dự tính một chuyến đi thứ ba!
Như chúng tôi có nói, cuốn sách này được viết trong những khoảng thời gian xen giữa các lịch trình quá bận rộn. Điều đó đòi hỏi gia đình và bạn bè có nhiều hy sinh và sự trợ giúp. Đặc biệt là Carlo Rizzuto, Cherill Scott và Gillion Gibbons, chúng tôi muốn hứa với họ sẽ không lặp lại việc này nữa, nhưng do quá hiểu về người thân của mình nên chắc gì họ đã tin vào điều ấy! Rủi thay, người anh trai của Helga Nowotny là Didja đang giữa chừng lại qua đời do một căn bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi cùng làm việc sát cánh bên nhau rất khẩn trương trong một thời gian dài, cho nên hiển nhiên là tất cả chúng tôi đã cùng chia sẻ nỗi đau với Helga. Chúng tôi muốn gửi lời đề tặng cuốn sách này tới vong linh của Didia để luôn khẳng định sự hiện diện của anh trên từng trang sách.
Helga Nowotny
Peter Scott
Michael Gibbon.
Một cuốn sách tuyệt vời, đầy sự sáng suốt thực nghiệm và tầm nhìn trí tuệ, làm cho người đọc hiểu thấu mọi điều ao ước được biết về xã hội tri thức của chúng ta.
Wolf Lepenies (Viện trưởng Viện Khoa học tiên tiến Berlin)
Đây là một cuốn sách quan trọng, nó chiếu một ánh sáng vừa độc đáo, vừa phát hiện lên sự tiến hóa của các xã hội mà người ta gọi là hậu công nghiệp. Tính phức hợp và bất định ngày càng tăng là dấu hiệu của sự tiến hóa này, trong khi ngay cả thiết chế và thực tiễn khoa học cũng trải qua những thay đổi sâu sắc Sự đồng tiến hóa của xã hội và khoa học là từ chủ đạo của cuốn sách này, cho thấy nhu cầu và khát vọng của xã hội từ nay tác động như thế nào đến chính các định hướng nghiên cứu khoa học, đồng thời làm thay đổi các phương thức vận hành của các xã hội, những vấn đề mới mà xã hội đương đầu và các giải pháp mà xã hội đề xuất. Cuốn sách đưa ra một tầm nhìn mới về các mối liên kết tương hỗ giữa khoa học với xã hội ngày càng chặt chẽ hơn trong thế kỷ XXI.
Jean-Jacques Salomon (Nhà triết học và Nhà văn Pháp)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh