G.S Phan Đình Diệu: “Đừng vội nói chuyện đãi ngộ trí thức thấp, cao!”
Trao đổi về Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) tới đây, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng, một khi chưa có quan niệm đúng đắn về trí thức và một cơ chế để tạo môi trường cho người trí thức phát huy hết năng lực thì rất khó bàn đến chuyện đãi ngộ thế nào là xứng đáng với những đóng góp của họ.
P.V: Thưa Giáo sư, một trong những điểm nhấn của Đề án là khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Cá nhân ông đặt kỳ vọng gì ở Đề án này?
Giáo sư Phan Đình Diệu: Trí thức không đơn giản là người lao động trí óc. Vấn đề “thế nào là người trí thức?” đã được thảo luận từ hơn một thế kỷ trước. Paul A. Baran, một nhà kinh tế học Mỹ theo chủ nghĩa Marx, trong một bài báo viết vào đầu những năm 1960, đã căn cứ vào một câu nói của Marx và viết: “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”. Nói cách khác, thông qua lao động trí óc, người trí thức phải là người luôn suy nghĩ, và đưa những suy nghĩ, hiểu biết của mình đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Do vậy, trí thức rất cần một môi trường tự do cho suy nghĩ, sáng tạo, và tự do trao đổi ý kiến, suy nghĩ với nhau để hình thành nên những đóng góp có ý nghĩa đối với xã hội..
* Nói như vậy, theo ông, tiêu chuẩn trí thức của thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế có điểm nào khác với trước đây?
- Thú thật, tôi cũng không thuộc lắm những tiêu chuẩn được đặt ra trước đây. Và về bản thân, tôi cũng chưa bao giờ dám tự xem là mình đã đạt được các tiêu chuẩn của một người trí thức. Còn nay, trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, thì tôi nghĩ nếu căn cứ vào các tiêu chí kể trên, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều để có những đóng góp xứng đáng vào giai đoạn mới của sự phát triển đất nước, cả về phương diện nâng cao năng lực lao động riêng của bản thân cũng như rèn luyện năng lực và bản lĩnh để cùng đóng góp vào những vấn đề chung của đất nước.
* Trí thức cũng là sản phẩm của nền giáo dục. Nhưng nhìn vào những vấn đề “nổi cộm” của ngành giáo dục hiện nay, có thể hi vọng gì vào đội ngũ trí thức?
- Hy vọng vào đội ngũ trí thức hiện có hay vào đội ngũ tương lai mà nền giáo dục hiện nay sẽ đào tạo ra? Tôi tin rằng đội ngũ trí thức hiện nay, nếu được huy động và phát huy mọi năng lực một cách đầy đủ, có thể có khả năng để vực dậy và phát triển dần một nền giáo dục đang yếu kém của chúng ta. Trong nhiều năm qua, ý kiến đóng góp cũng đã khá nhiều và phong phú, nhưng tiếc thay, nói thì nhiều mà nghe thì chưa được bao nhiêu. Còn về đội ngũ trí thức tương lai mà nền giáo dục hiện nay sẽ góp phần quan trọng để đào tạo nên thì.... đành phải chờ xem!
* Thực tế, đội ngũ trí thức hiện nay chưa thể hiện hết vai trò quan trọng trước những vấn đề quan trọng của đất nước. Và qua hơn hai chục cuộc thảo luận, đóng góp cho Đề án này, rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là chưa có một cơ chế mang tính đột phá để tạo ra động lực mạnh mẽ cho trí thức đóng góp hết khả năng cho sự phát triển của xã hội?
- Đúng! Cơ chế ở đây là phải tạo môi trường cho việc tranh luận, trao đổi ý kiến, suy nghĩ, sáng tạo để tìm ra giải pháp hữu ích. Trước đây, tôi cũng hay phát biểu về giáo dục. Cách đây vài năm, tôi cũng đã từng đề xuất với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức một hội nghị trí thức trong và ngoài nước góp ý kiến vào việc xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng cuối cùng cũng không được tổ chức. Trí thức vẫn chưa có điều kiện tự do tạo ra những diễn đàn thực sự cho trao đổi ý kiến và tranh luận.
* Một vấn đề khác cũng được nhắc đến nhiều khi thảo luận về Đề án, đó là chính sách đãi ngộ trí thức hiện nay rất hạn chế?
- Khoan nói đến chuyện chế độ đãi ngộ cao hay thấp mà hãy nói đến sự tương xứng. Thẳng thắn nói rằng, với cung cách quản lý thế này thì năng suất hay sản phẩm do trí thức làm ra có thật cao không mà đòi hưởng đãi ngộ cao. Chừng nào hệ thống tổ chức chưa làm cho trí thức phát huy khả năng của mình thì chừng đó chưa thể tìm ra được phương thức đãi ngộ tương xứng với những đóng góp của họ.
* Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh