Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!

09:04 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Chín, 2008

Nghị quyết TƯ 7 sau một tháng ban hành đang dần đi vào cuộc sống, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Đây được coi là một cơ hội để từ đó, có thể hình thành một tầng lớp trí thức với đầy đủ tính năng, phẩm chất của nó...

Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần rất nhiều mồ hôi, công sức bởi cuộc sống luôn biến động và mọi chủ trương, đường lối phải bám sát những diễn biến của đời sống xã hội.

Làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và sâu rộng, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn TS Chu Hảo, Giám đốc - TBT NXB Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ & Môi trường.

Cần những phản biện mang tính xây dựng

Được mời tham gia đóng góp về công tác trí thức ngay từ khi Nghị quyết trong giai đoạn soạn thảo, với tư cách một nhà khoa học, ông có đánh giá gì về nội dung Nghị quyết này?

Trước khi Nghị quyết ban hành, Thường trực Ban bí thư có triệu tập một số anh em trí thức thuộc nhiều lĩnh vực đến để tham khảo ý kiến. Tại đây, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện rất cao tinh thần trách nhiệm với đất nước. Đối với cá nhân, tôi cho rằng việc ra đời Nghị quyết này là một bước tiến khá dài trong quan điểm của Đảng về công tác trí thức. Nhất là trong tình hình nóng bỏng của kinh tế như vừa qua, chúng ta vẫn gác lại để tập trung bàn về trí thức chứng tỏ Đảng rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, nó chưa phản ánh được hết những đòi hỏi bức xúc của giới trí thức hiện nay.

Nghị quyết vừa ban hành, là đảng viên, tại sao ông lại có suy nghĩ như thế? Ông có sợ người ta cho là tư tưởng...?

Chính vì là đảng viên và mạo muội tự nhận mình là trí thức nên tôi nghĩ mình càng phải có trách nhiệm nói lên ý nghĩ trung thực của mình và có lẽ Đảng cũng rất cần những ý kiến phản biện trên tinh thần xây dựng.

Vậy theo ông, những đòi hỏi bức xúc đó là gì?

Trước hết, theo tôi khái niệm về trí thức ở đây còn rất chung chung. Điều này khiến người ta hiểu trí thức đơn giản chủ yếu chỉ là người có trình độ học vấn được đo bằng các loại bằng cấp. Thực ra, bằng cấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Cơ chế dân chủ để được độc lập sáng tạo

Những điều kiện nào để được coi là "đủ", thưa ông?

Người được coi (hay tự coi) mình là trí thức, ngoài yêu cầu phải đạt tới một trình độ tri thức nhất định còn phải là người quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội và phải có chính kiến trước các vấn đề đó.

Đặc biệt, trí thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn dư luận. Theo tôi hiểu, quan niệm hiện nay về tầng lớp trí thức chưa phù hợp vì nó bao gồm tất cả những người lao động trí óc ở tất cả mọi lĩnh vực. Điều quan trọng chúng ta cần có một tầng lớp trí thức tinh hoa trong một xã hội dân sự lành mạnh.

Nhưng Nghị quyết nhấn mạnh đến tự do tư tưởng tức là khuyến khích năng lực phản biện...?

Đúng là Nghị quyết nhấn mạnh đến tự do tư tưởng và độc lập sáng tạo. Nhưng để có độc lập tư duy, tự do sáng tạo và khách quan phê phán thì phải có một cơ chế dân chủ để đảm bảo cho các quyền đó. Tự do là khát vọng bẩm sinh của con người, còn dân chủ thì phải được giáo dục, rèn luyện mới có.

Đúng là để có một đội ngũ trí thức xứng đáng là tầng lớp tinh hoa của xã hội không phải là điều đơn giản. Vậy theo ông, cần làm gì để tạo ra một tầng lớp trí thức đó?

Để có một tầng lớp trí thức với đầy đủ các ý nghĩa cần có hai điều kiện. Thứ nhất là một nền giáo dục quốc dân lành mạnh, tức là phải tạo ra những con người có tư duy phê phán độc lập và có nhân cách văn hóa. Tiếc rằng đây là vấn đề đã tồn tại hàng chục năm qua.

Thứ hai, phải có môi trường tinh thần lành mạnh. Môi trường này chính là cơ chế dân chủ để đảm bảo cho tự do tư tưởng và độc lập sáng tạo khoa học. Trong Nghị quyết, cũng có xu hướng đề cập đến vấn đề này nhưng tôi nghĩ có lẽ chưa được như mong muốn của tầng lớp trí thức nói chung. Vấn đề là tạo điều kiện để tầng lớp trí thức tự hình thành chứ không thể gò ép bằng những mệnh lệnh hành chính khiên cưỡng.

Nhiều người đã không giữ được phẩm hạnh

Sao lại tự hình thành? Tức là theo ông, đến nay chúng ta vẫn chưa có đội ngũ trí thức?

Những cá nhân thì có nhưng tầng lớp thì chưa. Trong lịch sử, chúng ta đã có một tầng lớp nhà nho nhưng thực chất, họ còn thiếu một yếu tố khá cơ bản để tạo nên một tầng lớp trí thức, đó là tự do trong tư tưởng. Họ hầu hết học với tư tưởng làm quan phục vụ triều đình. Cho đến những năm đầu thế kỉ XX, có xuất hiện một số trí thức với các phong trào Duy tân, Đông kinh nghĩa thục... Đặc biệt là giai đoạn kháng chiến 9 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp bên mình một đội ngũ trí thức tinh hoa và đông đảo.

Giáo sư Phạm Song khi trao đổi với chúng tôi đã đưa ra nhận xét rằng đã là trí thức thì không được hèn. Không nói lên sự thật, không có khí tiết thì không là trí thức. Anh có đồng ý với nhận định này?

Gần đây, có người nói trí thức của ta tuỳ thời, có người nói cơ hội, có người nhận xét nặng nề hơn là hèn... Theo tôi, ở một mức độ nào đó thì đều có. Đó là hậu quả khá dài của những phương thức sinh hoạt nặng nề nên để bảo trọng, để không bị loại ra khỏi "cuộc chơi", không còn phương tiện sinh sống thì không ít trí thức phải náu mình.

Trong cái không khí dồn nén thì khó có thể có được một tầng lớp trí thức có đủ dũng cảm và nhân cách. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trừ một số ít giữ được phẩm hạnh còn nhiều người tự nhận mình là trí thức, là sĩ phu cũng không đủ dũng cảm để vượt qua những trở ngại tinh thần đó. Do vậy hơn lúc nào hết, đây là thời kỳ cần phải xây dựng một cơ chế dân chủ đảm bảo tự do tư tưởng và độc lập sáng tạo thì mới có thể xây dựng một tầng lớp trí thức đúng nghĩa với vai trò tinh hoa của dân tộc.

Nói lúc về hưu không phải là "hội chứng"

Thưa nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ & Môi trường, ông đã nói rất hay, rất "thoáng" nhưng xin hỏi thành thực, tại sao khi còn quyền lực, ông không thực thi những ý tưởng tốt đẹp này?

Trước hết, tôi phải nói với bạn rằng chức thứ trưởng không phải là một quyền lực gì ghê gớm, nhất là đối với một lĩnh vực có tính đại sự quốc gia này. Mặt khác khi tham gia quản lý, anh là một công chức và đương nhiên phải tôn trọng những kỉ luật đã được xác lập. Do đó nhiều khi phẩm tính trí thức quản lý không được trọn vẹn như những trí thức không tham gia quản lý.

Thưa, xin được nói thẳng, hình như đang có một "hội chứng" là khi còn chức, còn quyền thì không làm, không nói nhưng khi về hưu thì lại hay "lớn tiếng"?

Đơn giản là khi còn tham gia quản lý, họ là con người của guồng máy đó nên phải tôn trọng kỉ luật guồng máy, chưa kể người trong cuộc khó có cái nhìn khách quan như người ở ngoài cuộc. Tôi nghĩ không nên câu nệ quá vào chuyện nói lúc nào mà nên xét xem người đó nói có đúng, có trúng không. Không nên coi nói lúc về hưu là... "hội chứng".

Không phải ai cũng đố kị, ghen ghét

Vừa qua, trên Diễn đàn Dân tríđã diễn ra một cuộc trao đổi sôi động và thẳng thắn của một số trí thức trẻ về nguyên nhân họ rời bỏ quê hương, rời bỏ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là nhiều giảng viên đại học trẻ rời bỏ giảng đường để tìm môi trường khác. Là giáo sư nhiều năm trên bục giảng, ông nghĩ về hiện tượng này?

Trước hết, cho tôi được đính chính: đừng gọi tôi là PGS, GS gì nữa vì từ hơn mười năm nay, tôi không còn tham gia giảng dạy sinh viên rồi. Mà theo tôi, đã không giảng dạy thì không nên gọi là giáo sư và cũng không nên nhận mình là giáo sư. Tôi là người không tác thành kiểu "giáo sư cả đời" và "giáo sư cả nước". Giáo sư của trường nào, của bộ môn nào thì nên để bộ môn đó bầu, trường đó phong.

Còn hiện tượng bỏ công sở và giảng đường để tìm môi trường khác theo tôi là một tín hiệu lành mạnh. Những trí thức trẻ đã nhìn thấy ở hệ thống còn nhiều bất cập trong sử dụng, đề bạt... không thỏa mãn chí tiến thủ của họ nên họ ra đi. Hiện tượng này có thể gây mất ổn định về tổ chức nhưng lại có tính cảnh báo rất cao. Các nhà quản lý đương nhiên phải cải thiện tình hình bằng cách đề ra những biện pháp khả thi để giữ những người có năng lực thực sự.

Trong Diễn đàn của chúng tôi, điều quan ngại nhất mà các giảng viên trẻ nêu ra là thói "già làng - trưởng bản", bệnh "cây đa - cây đề" trong trường đại học. Là người khá am hiểu môi trường này, ông có nhận xét gì?

Tôi thấy bản thân những người làm khoa học trong các trường đại học không phải ai cũng có tính ghen ghét, đố kị nhưng đôi khi, cái cơ chế về đề bạt, cất nhắc hiện nay đã tạo ra tình trạng "sống lâu lên lão làng".

Dùng phong trào để "cứu" nền giáo dục là một sai lầm

Dùng phong trào để chấn chỉnh, để cải cách giáo dục là một sai lầm. Chỉ có một chiến lược hợp lý mới mang lại thành công lâu dài


Khi GS Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo, ông có "cảnh báo" rằng nếu sau 100 ngày “ngồi trên ghế nóng”, ông Nhân không tìm ra được "điểm huyệt" thì sẽ thất bại. Sau hai năm với một loạt các đường hướng đổi mới, ông có nghĩ rằng Bộ trưởng Nhân tìm đúng "điểm huyệt"?

Chưa. Xin thưa với các bạn và cả Phó Thủ tướng, Bộ trưởng là giáo dục của chúng ta đang có xu hướng đi vào bất cập như đã từng bất cập.

Nhưng ngành giáo dục đang thành công ở hàng loạt các phong trào...?

Đó có thể lại chính là nguyên nhân của bất cập. Đã là phong trào thì có lên, có xuống nên các phong trào chỉ thực hiện được những nhiệm vụ cấp bách và giành được thắng lợi trong từng thời điểm. Dùng phong trào để chấn chỉnh, để cải cách giáo dục là một sai lầm. Chỉ có một chiến lược hợp lý mới mang lại thành công lâu dài.

Xin cám ơn ông!

Nguồn:Dân Trí
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn thêm về mối quan hệ giữa trí thức và nhân cách

    15/06/2020Vương Trí NhànGiữa con người và nhân cách có sự khác nhau: một bên là sản phẩm tự nhiên (ta hay nói ai cũng là một con người), còn bên kia là sản phẩm của quá trình tự đào luyện với sự giúp đỡ cửa lý trí sáng suốt. Nói cách khác: người ta không sinh ra đã là một nhân cách, người ta chỉ trở thành một nhân cách...
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Trí thức là ai?

    10/04/2015Phạm Xuân NguyênTrí thức là người có tri thức và biết suy nghĩ khác biệt và độc lập, và là người chỉ truy cầu một mục đích: chân lý. Từ vị thế này, trí thức mới có thể tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển và tồn vong của xã hội và quốc gia...
  • Sự trung thực của trí thức

    30/08/2014Lê ĐạtTheo nghĩa truyền thống, kẻ sĩ là một người có học. Còn học nên biết lẽ phải trái để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái dũng của họ không phải cái dũng chém tướng đoạt thành mà là hệ quả của cái trí, nhằm làm sáng tỏ đạo thánh hiền. Đó là một công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
  • Phản biện xã hội

    12/07/2014Nguyễn Trần BạtQuan sát cuộc sống chúng ta có thể thấy phản biện là một hoạt động diễn ra hàng ngày. Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình. Trong đời sống xã hội phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ...
  • Luận bàn về trí thức

    17/06/2014TS. Nguyễn Quang AVài tháng nay các trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) sôi nổi đóng góp cho Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua.
  • Bàn về tính chủ thể của giới trí thức ở các nước thế giới thứ ba

    12/03/2014Nguyễn Trần BạtGiới trí thức nào cũng là sản phẩm của một hệ thống kinh tế, hệ thống chính trị, hệ thống văn hoá và hệ thống giáo dục. Trong tiến trình phát triển của một dân tộc, giới trí thức có vai trò rất quan trọng...
  • Phản biện xã hội - nhân tố quan trọng của phát triển

    28/11/2013Kiên ĐịnhPhản biện là hành vi thể hiện tính khoa học của con người trước khi chuẩn bị hành động. Phản biện xã hội được coi là hành vi có chất lượng khoa học của xã hội đối với hệ thống chính trị. Một xã hội được tổ chức phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển, giảm được tối đa sự phản kháng không cần thiết của dân chúng...
  • G.S Phan Đình Diệu: “Đừng vội nói chuyện đãi ngộ trí thức thấp, cao!”

    10/07/2008Thanh Phách thực hiệnTrao đổi về Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 7, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng, một khi chưa có quan niệm đúng đắn về trí thức và một cơ chế để tạo môi trường cho người trí thức phát huy hết năng lực thì rất khó bàn đến chuyện đãi ngộ thế nào là xứng đáng với những đóng góp của họ...
  • Phản biện Nguyễn Sĩ Dũng…

    15/02/2007Đỗ Doãn HoàngÔng luận về nhiều vấn đề quốc gia đại sự với một tinh thần thượng tôn khoa học, sắc sảo, đầy trách nhiệm công dân. Ông luôn chủ trương ủng hộ cái mới, tôn vinh giới trẻ và sức trẻ, song cũng không quên trách nhiệm của một người làm khoa học quản lý xã hội. Trong mắt tôi, ông có cái tráng chí của kẻ sĩ đang hành đạo, một thuyết khách thời cổ mang nhiều khát vọng “Rời lều tranh xuống núi”, dâng kế giúp đời. Công việc ấy, xã hội ngày này gọi là phản biện xã hội, một đòn bẩy cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào...
  • Trí thức là ai?

    30/01/2007Tiến sĩ Nguyễn Quang ATrong thế giới toàn cầu hóa ngày nay (với cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông, với sự phổ biến của Internet, với sự bành trướng sức mạnh của thông tin, của biểu tượng, với sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức) thì vai trò và trách nhiệm của trí thức là rất lớn lao. Trên Vietnamnet đang có cuộc tranh luận về trí thức Việt Nam mạnh hay yếu. Bài này mong góp vài ý kiến về chủ đề này....
  • Trí thức Việt Nam thời toàn cầu hóa: Tư duy, kỳ vọng và trách nhiệm

    01/01/2007Trần Hữu DũngNgười trí thức phải mạnh dạn hướng dẫn và gạn lọc (qua thuyết phục) các trào lưu văn hóa đại chúng. Song, cần nhấn mạnh, sự “hướng dẫn” này phải được vạch ra từ góc nhìn toàn cầu của chính người trí thức. Nó phải xuất phát từ một trình độ lý luận cao, đượm tính nhân bản, tôn trọng dị biệt. Nó không thể là một “phản xạ” có tính giáo điều, hoặc mù quáng bảo lưu những tư duy lỗi thời, không còn thích hợp với thế giới mới...
  • Để có được hệ thống phản biện

    01/10/2006Nguyễn Tân KỷNếu thực sự muốn có được những ý kiến phản biện, chúng ta sẽ phải học cách lắng nghe những ý kiến trái tai, học cách khuyến khích mọi người nói ra những ý kiến khác. Và quan trọng hơn là tạo được một môi trường để những ý tưởng khác không chỉ được nói ra mà còn có điều kiện được thực hiện nếu đó là những ý kiến tốt...
  • Phép phản biện trong khoa học

    07/09/2006Nguyễn Văn TuấnPhép biện chứng là phương cách tiến hành những thực nghiệm không phải để xác minh mà để phê phán các lý thuyết khoa học và có thể coi đây như là một nền tảng cho khoa học thực thụ. Nó đánh đổ những cách hiểu cố hữu đương thời cho rằng khoa học chỉ dựa trên phép quy nạp hợp lý và xác minh bằng thực nghiệm...
  • "Trí thức không được phép thiếu tri thức"

    05/06/2006Trịnh TúKhi còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, có một dịp được trò chuyện với ông, tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe ông tâm sự: "Vốn liếng tri thức của mình chẳng được là bao, ngày càng thấy mình nhiều lỗ hổng quá!". Khi đó ông đang được đánh giá như một người tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ VN. Bây giờ nghe nói ông làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà XB Tri Thức, tôi lại tìm đến ông để được nghe ông nói tiếp câu chuyện này.
  • Xuân thu nhã tập bàn về người trí thức

    04/06/2006GS. Nguyễn Đình ChúTôi muốn chúng ta chú ý nhiều đến bài viết bàn về “trí thức” của bộ ba tác giả: Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc. Riêng tôi, xin được nói ngay đấy là một luận văn xuất sắc, hiếm thấy trong việc bàn về trí thức. Bản luận văn đặt ra các câu hỏi: Trí thức là gì? Thế nào là kẻ trí thức? Làm sao tới được trí thức?
  • Thế nào là người trí thức?

    13/12/2005Paul Alexandre Baran (Phạm Trọng Luật dịch)Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động với trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ «trí thức».
  • Trí thức và chất lượng cuộc sống...

    12/12/2005Đặng Lam SơnCó người nói rằng: "Trí thức ở nước ta những năm gần đây chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của mình". Điều đó là đúng, nhưng...
  • xem toàn bộ