Trí thức: bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội
Lời người dịch:
Dmitry Sergeyevich Likhachev (1906-1999), viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga, nhà ngữ văn học xuất sắc, nhà bác học nhân văn lớn của nước Nga thế kỷ XX. Cả cuộc đời và sự nghiệp khoa học của mình ông luôn đấu tranh để giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của con người, cho con người, vì con người.
Tầm ảnh hưởng về văn hóa của D. S. Likhachev ngày càng lan tỏa sâu rộng ở Nga và trên thế giới. Bài viết này là trích đoạn phát biểu của ông tại một cuộc tranh luận khoa học về số phận của trí thức Nga (23/5/1996).
Từ “trí thức” trong các thứ tiếng khác được coi là vay mượn từ tiếng Nga. Tôi muốn gọi trí thức là bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội. Đây không đơn giản là học vấn và những người có học làm việc trong lĩnh vực lao động trí óc. Sự độc lập trí tuệ là đặc điểm tối quan trọng của trí thức. Độc lập với các quyền lợi đảng phái, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, thương mại và thậm chí đơn giản là công danh.
Người trí thức sẽ mất sự tự do trí tuệ và thôi là trí thức khi buộc phải tuân thủ mù quáng các giáo điều của một học thuyết nào đó. Thậm chí nếu khi đã hình thành nên thế giới quan và các quan điểm của mình mà người trí thức từ chối xem xét lại chúng dù chỉ đơn giản là do ương ngạnh (vì một khi anh ta đã nói ra có nghĩa là anh ta phải bám lấy nó) thì đấy cũng là điều có hại cho chính trí thức. Nếu do chính kiến mà người trí thức gia nhập một đảng đòi hỏi anh ta phải tuân thủ kỷ luật vô điều kiện và các hành động không phù hợp với ý kiến riêng của mình thì sự tự nguyện bán mình làm nô lệ đó sẽ tước đi của anh ta khả năng liệt mình vào giới trí thức. Đây là một khẳng định rất quan trọng.
Đồng thời, người không tôn trọng tự do trí tuệ của người khác, truy bức người khác về chính kiến, cũng không thể được coi là người trí thức, bởi vì tự do trí tuệ của riêng anh đòi hỏi sự tôn trọng đối với tự do này ở những người khác, bất luận nó được bộc lộ ra ở đâu và bằng cái gì. Ở đây yếu tố đạo đức có hiệu lực. Yếu tố đạo đức đối với trí thức rất quan trọng, tự do trí tuệ trong chừng mực nhất định luôn là sự thể hiện của đạo đức. Mà đạo đức là quyền lực duy nhất có sức mạnh không chỉ tước đoạt của con người tự do, mà còn bảo đảm tự do cho con người. Tôi hết sức đề nghị suy nghĩ về điều này, nó rất quan trọng. Lương tâm bắt buộc, nhưng sự bắt buộc của lương tâm là sự bảo đảm cho con người tự do đầy đủ, bởi vì lương tâm bắt buộc từ bên trong, còn tất cả những sự bắt buộc khác đều đến từ bên ngoài: đảng phái, giai cấp, và đủ loại khác.
Người đã phụ thuộc vào lương tâm thì không bị phụ thuộc vào cái gì nữa hết. Mà đã phụ thuộc lương tâm thì anh ta có thể chỉ là người tự do tuyệt đối. Điều này có nghĩa, lương tâm là cái bảo đảm cho tự do của con người-trí thức. Một mối tương quan như thế xuất hiện.
Tất nhiên, nếu không có giới trí thức, mà đó trước hết là không có những người lao động trí óc, thì trong chừng mực nào đó không một đất nước nào có thể tồn tại được, nhất là Nga. Nhưng đấy không phải vì Nga là một nước đặc biệt, mà vì người Nga là một dân tộc đặc biệt do các hoàn cảnh lịch sử bện kết nhau tạo nên.
Cuộc nổi dậy tập thể đầu tiên của những người trí thức Nga là cuộc khởi nghĩa tháng Chạp (1812). Trong môi trường những người tháng Chạp đã nổi lên những con người tự do, đứng dậy chống lại các quyền lợi đẳng cấp của mình. Nhưng đáng chú ý là sự tự do trí tuệ đã ngăn cản những người tháng Chạp giành chiến thắng. Họ không thể thống nhất lại chính bởi vì họ là những người trí thức. Lập ra một đảng có thể giành chính quyền, việc đó về nguyên tắc họ không thể làm được. Đấy là chỗ yếu về tổ chức, nhưng đấy cũng là sức mạnh tinh thần, đạo đức của giới trí thức. Thiên chức của những người mang tự do trí tuệ là sáng tạo, chứ không phải đè bẹp dưới mình các đẳng cấp khác. Về mặt này trí thức có phần đứng gần nhất với nông dân. Nông dân cũng sống bằng các truyền thống của mình, tự do quen thuộc với truyền thống.
Trí thức luôn là tấm bia công kích của nhà nước, và việc đầu tiên mà bất kỳ nhà nước nào cũng làm để củng cố quyền lực của mình là tìm cách hủy diệt giới trí thức và tất cả những gì thúc đẩy việc hình thành nên trí thức.
Mỗi cuộc cách mạng trong bất kỳ nước nào cũng đều đi kèm sự truy nã trí thức. Đó là việc cần thiết để củng cố quyền lực. Kể từ khi lên nắm chính quyền những người Bolshevik đã bắt giam và trục xuất các trí thức; cấm đoán các tổ nhóm, hội đoàn và thậm chí cả những nơi trí thức gặp mặt nhau tưởng như hoàn toàn vô hại - nhà hàng, tiệm cà phê, quán trà; đóng cửa các tờ báo và tạp chí đem các vấn đề quan điểm xã hội ra thảo luận; tìm cách hạ nhục giới trí thức trong mắt nhân dân. Điều này rất tiêu biểu cho những năm đầu cách mạng. Tôi nhớ rất rõ.
Ban lãnh đạo Bolshevik xếp chung trí thức với tư sản và quý tộc. Mọi người trí thức đều bị coi là tư sản. Dù đó là viện sĩ Shakhmatov hay một ai đó khác. Bởi lẽ sự tự do tư tưởng vốn có đối với trí thức bao giờ cũng khiến cho các nhà nước kiểu độc tài hay ý thức hệ lo ngại nhiều nhất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)