Về nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức
Bài viết xác định khái niệm nhân cách từ giác độ triết học, nêu diễn biến lịch sử và đặc trưng của nhân cách qua thời đại kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp, phân tích khủng hoảng nhân cách trong thời đại kinh tế công nghiệp. Phần chính của bài viết dành để nói về nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó vạch rõ nhân cách đó do nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức quyết định và thể hiện yêu cầu của nguyên tắc đó. Do vậy nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức phải vừa đề cao lý tính lại vừa thấm đượm tinh thần nhân văn. Bài viết phân tích đặc trưng của loại hình nhân cách này, đồng thời luận chứng để khẳng định khả năng hình thành nó trong thời đại kinh tế tri thức. Cuối cùng bài viết nêu yêu cầu và nhiệm vụ của việc xây dựng loại hình nhân cách này hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới quan niệm giáo dục, cải cách mô hình đào tạo nhân tài, tăng cường giáo dục tố chất cho thế hệ trẻ.
Vào lúc sắp vượt qua thời đại kinh tế công nghiệp, người ta ngày càng cảm thấy mình dường như sống trong đủ loại khủng hoảng: khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng dân số, khủng hoảng tinh thần...Trong tầm nhìn triết học, những khủng hoảng này chỉ thể hiện cùng một loại khủng hoảng, đó là "khủng hoảng sinh tồn" của con người và những thứ khủng hoảng dẫn phát từ đó, trong đó con người cảm thấy mất đi giá trị và ý nghĩa tồn tại của tình trạng sinh tồn của mình, cũng tức là "khủng hoảng nhân cách". Làm thế nào thoát khỏi khủng hoảng? Loài người hướng cái nhìn của mình về thời đại kinh tế tri thức sắp tới. Trong thời đại kinh tế tri thức, loài người có thể thoát khỏi sự khốn nhiễu của "khủng hoảng nhân cách" không, và người ta cần có những tố chất nhân cách nào? Đây là vấn đề trọng đại đặt ra trước chúng ta.
I. Xác định triết học về nhân cách
Từ "nhân cách" bắt nguồn từ tiếng Latinh "Persona", nguyên ý là chỉ "mặt nạ", bắt đầu từ sự sùng bái totem và sùng bái tổ tiên của người nguyên thuỷ. Người sau mở rộng từ "nhân cách", liền xuất hiện rất nhiều định nghĩa và lý luận về nhân cách. Khái quát từ giác độ triết học, nhân cách là biểu hiện tập trung của tính chủ thể của con người ở chủ thể. Con người chỉ với tính cách là chủ thể hoạt động mới có nhân cách, con người chỉ có nhân cách độc lập mới có thể trở thành chủ thể đích thực. Xét theo ý nghĩa này, con người muốn có nhân cách độc lập thực sự, cần giữ tính tự chủ, tính năng động và tính sáng tạo của mình trong quan hệ với đối tượng.
Nhân cách cụ thể đều là hiện thực và biểu hiện ra thông qua cá thể. Marx nhấn mạnh: "tiền đề thứ nhất của bất kỳ lịch sử loài người nào rõ ràng cũng là sự tồn tại của cá thể có sinh mệnh". Cá nhân không chỉ là "tiền đề" của lịch sử loài người, thậm chí còn là mục đích của sự phát triển lịch sử, "lịch sử xã hội của người ta trước sau chỉ là lịch sử sự phát triển cá thể của họ". Do vậy, nếu không xét đến cá thể, nhân cách chẳng qua sẽ chỉ là "cái chung hư ảo". Nhìn từ quan hệ giữa con người và hoạt động giá trị, nhân cách biểu hiện tính chủ thể của con người. Chủ thể vừa có thể là cá nhân (chủ thể cá thể), quần thể (chủ thể tập thể), xã hội (chủ thể xã hội), cũng có thể là loài người (chủ thể loài). Nhưng hình thức của chủ thể tuy có thể đa dạng, nhưng cơ sở hoạt động của chủ thể lại chỉ có thể là con người cá thể, bởi tính năng cần thiết của hoạt động của loài người, xã hội, quần thể với tính cách là chủ thể chỉ có tính trực tiếp khi thể hiện ở cá thể có sinh mệnh, và chỉ có thông qua hành động của cá thể người có sinh mệnh mới có thể có được tính hiện thực.
Khẳng định nhân cách chỉ có thể là cá thể, tuyệt nhiên không phủ nhận tính chất xã hội có ở nhân cách cá thể. Bản chất của nhân cách chỉ có thể đạt được tính quy định hợp lý của nó từ trong xã hội, bởi cá thể chỉ có sinh mệnh thôi thì chỉ là cá thể sinh vật, dù là người cũng chỉ là một thực thể không có tính quy định - mọi tính quy định người của nó chỉ có thể lấy từ xã hội. Nhân cách cụ thể vừa do các nhân tố cụ thể như điều kiện sản xuất, môi trường xã hội và giáo dục văn hoá hun đúc nên, vừa phản ánh trầm tích của văn hoá truyền thống và đặc trưng bên trong, định hướng giá trị của chủ thể, đồng thời còn thông qua các hiện tượng như mô hình hành vi bên ngoài, cụ thể cảm tính để biểu hiện ra. Do vậy, nói chung, một khi hình thành, một nhân cách nhất định trước hết có tính ổn định tương đối, trong những điều kiện khác nhau vẫn thể hiện ra đặc trưng nhân cách tương đối ổn định. Thí dụ người có ý chí kiên cường, đứng trước mọi thứ khó khăn đều không dễ dao động; người tự tư tự lợi thì trong các tình cảnh sống luôn tính toán được mất. Nhưng tính ổn định tương đối của nhân cách tuyệt nhiên không gạt bỏ tính khả biến của nó. Giống như mọi sự vật đều không phải là tuyệt đối bất biến, trong hoạt động có tính đối tượng đang phát triển, sự vật mới, môi trường mới, quan niệm mới luôn cảm nhiễm, hun đúc, tác động tới chủ thể hoạt động và dần dà hoà vào, nội hoá thành trạng thái tâm lý của chủ thể, dần dà lọc thải nhân cách cũ, xây dựng nhân cách mới.
II. Diễn biến lịch sử của nhân cách và "khủng hoảng nhân cách" trong thời đại kinh tế công nghiệp
Khảo sát từ trong quá trình phát triển lịch sử, trạng thái nhân cách trong các thời đại khác nhau không giống nhau. Trong thời đại kinh tế nông nghiệp, do trình độ lực lượng sản xuất thấp, sự sinh tồn của loài người ở mức độ rất lớn được quyết định bởi sự ban tặng của giới tự nhiên. Loài người chỉ có trực tiếp dung hoà lực lượng sinh mệnh của cá thể làm một, xác lập mục tiêu của một cộng đồng, phục tùng một mệnh lệnh, nỗ lực theo phương hướng yêu cầu của một quần thể, mới có thể thể hiện được bản chất và lực lượng của con người, mới có thể phát huy được lực lượng của "loài", chiến thắng tai hoạ tự nhiên và khó khăn sinh tồn trong trạng thái năng lực vô cùng yếu đuối. Điều đó làm cho nhân cách trong thời đại kinh tế nông nghiệp là một thứ "nhân cách phụ thuộc" lấy quần thể làm bản vị. "Nhân cách phụ thuộc" này một mặt làm cho tiềm năng sinh mệnh của cá nhân trong việc chống chọi với tự nhiên có thể phát huy và tăng cường, đẩy văn minh loài người tiến lên; mặt khác lại làm cho quần thể tiến hoá dần thành thực thể siêu cá thể, nhân cách hoá, quay trở lại trói buộc và áp chế cá thể, cuối cùng hạn chế, thậm chí trói buộc sự sáng tạo của cá nhân. Cùng với sự phát triển của lịch sử, "nhân cách phụ thuộc" của thời đại kinh tế nông nghiệp tất yếu bị hình thái nhân cách mới hoàn thiện hơn thay thế.
Loài người giương cao ngọn cờ lý tính đi tới thời đại kinh tế công nghiệp. Con người thời đại kinh tế công nghiệp ở mức độ rất lớn đã thoát khỏi sự nô dịch của giới tự nhiên, từ đó thoát khỏi thứ quan hệ phụ thuộc nhân thân trong thời đại kinh tế nông nghiệp, đạt được sự độc lập nhân cách. So với thời đại kinh tế nông nghiệp, nhân cách thời đại kinh tế công nghiệp có các đặc trưng tinh thần khoa học như tôn trọng thực tế, theo đuổi chân lý, dám hoài nghi, không ngừng tiến thủ, khoan dung mở ngỏ, chân thành vô tư, nghiêm túc, phê phán, sáng tạo cái mới. Loại nhân cách này không những thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo, phổ cập và truyền bá tri thức khoa học, nâng cao trí tuệ và lý trí của con người, tăng cường năng lực chống lại sự dã man và ngu muội, hơn nữa còn có thể thông qua việc du nhập tinh thần khoa học vào xã hội, thúc đẩy văn minh hoá phương thức hành vi xã hội, thúc đẩy việc đạo đức hoá tư tưởng và hành vi của con người. Nhân cách vĩ đại của Copernics, Bruno, Galilei,
Nhưng nhân cách thời đại công nghiệp cũng có khiếm khuyết nghiêm trọng, đó là sự vắng bóng tinh thần nhân văn. Người ta suy tôn quá mức lý tính mà bỏ qua sự quan tâm đến ý nghĩa và giá trị sinh tồn của loài người; nắm được tri thức hữu hiệu về tự nhiên nhưng đánh mất mất cái tôi, đánh mất mất linh tính nội tại. Đúng như Schille đã nhìn thấy, cùng với sự phát triển của kỹ thuật cơ khí, sự xác lập chế độ công xưởng, văn minh công nghiệp trói buộc con người vào những mảnh vụn của hệ thống cơ khí, bàn xoay của máy móc làm cho con người mất đi nhịp sống hài hoà và xúc động thanh xuân, loài người trong khi vùi đầu tìm kiếm căn cứ tri thức và nỗ lực vơ vét từ thế giới bên ngoài, lại không quan tâm đến căn cứ của ý nghĩa cuộc sống; đồng thời với việc giành được thắng lợi vẻ vang trước giới tự nhiên, lại trở thành tù nhân của sức sáng tạo của mình. Có thể thấy, nhân cách thời đại kinh tế công nghiệp là một nhân cách "đơn diện" bị vật hoá. Là biểu hiện tập trung của các tính chủ thể, như phẩm chất tâm lý, quy phạm hành vi và mô hình vai trò ở chủ thể, thứ nhân cách này biểu hiện cụ thể ở:
1. Khi xử lý mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên, kiên trì định hướng lấy nguyên tắc "tất cả những gì kỹ thuật có thể làm thì đều cần làm", "hiệu suất và sản lượng tối đa" làm hạt nhân, vơ vét điên cuồng từ giới tự nhiên, dẫn đến khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng, như mất cân bằng sinh thái, môi trường tồi tệ đi, tài nguyên cạn kiệt, hàng loạt giống loài tuyệt diệt.
2. Đặt cá nhân lên trên hết, tự tư cực đoan, từ đó dẫn đến khủng hoảng xã hội ngày càng nghiêm trọng như sự lạnh nhạt giữa con người, chiến tranh liên miên.
3. Đặt vật chất lên trên hết, chỉ chạy theo lợi nhuận. Con người chìm đắm vào ham muốn vật chất, mất niềm tin, tinh thần sa sút, đạo đức suy đồi, thế giới tinh thần của loài người xuất hiện khủng hoảng nghiêm trọng.
Sự xuất hiện khủng hoảng buộc loài người phải suy xét lại hành vi của mình, tìm kiếm trở lại giá trị và ý nghĩa tồn tại của môi trường sinh tồn của mình. Con người ngày càng nhận thức rõ thực chất của đủ loại khủng hoảng mà con người phải đối mặt là khủng hoảng con người, khủng hoảng nhân cách, là khủng hoảng mà mô hình nhân cách "đơn diện" thời đại kinh tế công nghiệp tạo ra. Chỉ có vứt bỏ thứ mô hình nhân cách "đơn diện" vật hoá này, xây dựng một nhân cách lý tưởng, mới, có thể thúc đẩy sự phát triển hài hoà của con người, tự nhiên và xã hội, thì loài người mới có thể cuối cùng thoát khỏi sự vây khốn của khủng hoảng sinh tồn, thực hiện sự phát triển bền vững của văn minh.
III. Nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức
Thời đại kinh tế tri thức tôn sùng vai trò và giá trị của tri thức, báo trước sự xuất hiện của một thời đại thực sự lấy con người làm gốc. Trong thời đại kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp, vật chất và kim tiền cấu thành nhân tố then chốt của nó, trở thành mục tiêu giá trị mà con người theo đuổi, đặc trưng của nó là con người sống trong đó mất đi cái tôi, trở thành vật phụ thuộc, giá trị chủ thể bị giá trị khách thể che lấp, nhấn chìm. Trong thời đại kinh tế tri thức, tri thức, thông tin, năng lực và nhân tài thực sự trở thành nhân tố then chốt nhất của sự phát triển xã hội, trở thành mục tiêu giá trị mà con người theo đuổi. Tri thức là vật sáng tạo của não người, kinh tế tri thức do theo đuổi tri thức nên thực sự hồi quy về bản thân con người. Khi Bacon tuyên bố "tri thức là sức mạnh", dù lúc bấy giờ tri thức thực sự đã thể hiện vai trò to lớn của nó trong phát triển xã hội, nhưng việc kinh tế tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế lại là việc của nửa sau thế kỷ XX về sau. Sự xuất hiện của kinh tế tri thức có nghĩa là đoá hoa tinh thần rực rỡ cuối cùng trong tiến trình lâu dài của sự phát triển của thế giới đã kết quả đầy đặn cho loài người, có nghĩa là tính chủ thể của con người cuối cùng đã bước lên một giai đoạn huy hoàng, giá trị của con người trong thời đại kinh tế tri thức sẽ được thể hiện thêm một bước, do đó kinh tế tri thức tất yếu sẽ là thời đại phát triển mạnh của chủ thể, cũng là thời đại nhân cách với tính cách là biểu hiện tập trung của tính chủ thể ngày càng hoàn thiện. Chúng ta có lý do để tin rằng, trong thời đại kinh tế tri thức, loài người có năng lực bước ra khỏi sự phiền khốn của "khủng hoảng nhân cách" trong thời đại công nghiệp, từ đó cuối cùng thoát khỏi mối đe doạ của khủng hoảng sinh tồn, thực hiện sự phát triển bền vững của nền văn minh loài người.
Nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức do nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức quyết định, nó phải thể hiện yêu cầu của nguyên tắc sản xuất xã hội kinh tế tri thức. Đồng thời, thứ nhân cách lý tưởng này cũng sẽ xúc tiến sự phát triển của xã hội kinh tế tri thức, hai bên điều hoà lẫn nhau, thực hiện sự cộng sinh và phồn vinh chung của con người và giới tự nhiên.
Xét từ tình hình phát triển xã hội, có thể cho rằng nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức là nguyên tắc phát triển bền vững và nguyên tắc đổi mới, ứng biến linh hoạt.
1. Nguyên tắc phát triển bền vững của xã hội. Kinh tế tri thức là nền kinh tế xúc tiến sự phát triển hài hoà giữa con người và giới tự nhiên, kinh tế công nghiệp, dưới sự chỉ đạo của nguyên tắc "tất cả những gì kỹ thuật có thể làm đều cần làm", đã lợi dụng một cách đơn nhất, tối đa các nguồn tự nhiên nhằm đạt lợi nhuận tối đa mà không cân nhắc hay rất ít cân nhắc đến hiệu ứng môi trường, hiệu ứng sinh thái. Kinh tế tri thức ra đời trong thời đại nhiều nguồn tự nhiên hao kiệt, khủng hoảng môi trường ngày càng trầm trọng, cần dung hoà khoa học và kỹ thuật làm một, làm cho loài người lại nhận thức được rằng giữa con người và giữa tự nhiên tuyệt nhiên không phải là quan hệ chinh phục và bị chinh phục, cải tạo và bị cải tạo, con người trước sau là một bộ phận của giới tự nhiên, tuyệt nhiên không độc lập với hay cao hơn các bộ phận khác, mỗi cơ thể đều có giá trị nội tại của mình.
2. Nguyên tắc đổi mới và ứng biến linh hoạt. Trong thời đại kinh tế công nghiệp, người ta lợi dụng kinh tế quy mô, chạy theo nguyên tắc hiệu suất tối đa đầu ra. Do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trong thời đại kinh tế tri thức, phương thức tư duy của người ta là đi từ tuyệt đối tới tương đối, từ tính đơn nghĩa tới tính đa nghĩa, từ tuyến tính tới phi tuyến tính, từ chính xác tới mơ hồ, từ tính xác lập tới tính không xác lập, từ tính khả nghịch tới tính bất khả nghịch, từ phương pháp phân tích tới phương pháp hệ thống, từ tính định luật tới lý thuyết trường, từ sự tách biệt thời gian không gian tới sự thống nhất thời gian không gian. Cũng có nghĩa là, loài người cuối cùng đã đi từ sự theo đuổi sự xác định về lượng tới sự theo đuổi cải thiện về chất. Do vậy, kinh tế tri thức dùng nguyên tắc đổi mới, ứng biến linh hoạt để chỉ đạo phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội. Rõ ràng, tính sáng tạo của con người lại được thừa nhận trở lại, loài người bắt đầu ứng dụng một cách tích cực, có tính sáng tạo năng lực của bản thân mình.
Hai nguyên tắc sản xuất lớn của xã hội kinh tế tri thức đã buộc thời đại kinh tế tri thức phải hun đúc một mô hình nhân cách lý tưởng vừa tôn sùng lý tính chí thượng, vừa tràn đầy sự quan tâm nhân văn, tinh thần khoa học và tinh thần nhân văn giao hoà lẫn nhau. Mô hình nhân cách lý tưởng này phải có mấy đặc trưng dưới đây:
1. Khám phá, tiến thủ, coi trọng thực tế, đổi mới. Kinh tế tri thức là kinh tế lấy tri thức làm cơ sở. Tiến vào xã hội kinh tế tri thức, thì trình độ, chất lượng phát triển kinh tế loài người về cơ bản được quyết định bởi năng lực sản xuất, năng lực tích tụ tri thức, năng lực đạt được tri thức mới và năng lực vận dụng tổng hợp các loại tri thức. Do vậy, cần bồi dưỡng một thứ tố chất nhân cách có tinh thần khoa học, như tôn trọng thực tế, theo đuổi chân lý, dám hoài nghi, không ngừng tiến thủ, phê phán, đổi mới..., không ngừng khám phá cái chưa biết, nhận thức chân lý, cung cấp động lực tri thức cho sự phát triển xã hội.
2. Tôn trọng giới tự nhiên, yêu quý môi trường. Kinh tế tri thức là kinh tế phát triển bền vững, nó đòi hỏi loài người từ bỏ phương thức tư duy đối lập giữa con người và giới tự nhiên của thời đại công nghiệp, thay đổi chuẩn mực giá trị và mô hình hành vi chỉ coi giới tự nhiên là đối tượng chinh phục và cải tạo của loài người. Nhận thức đầy đủ tính toàn diện của mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên, học biết cách tôn trọng giới tự nhiên. Con người sống trong giới tự nhiên nhưng lại sáng tạo ra giới tự nhiên, giới tự nhiên nuôi sống con người, lại bị chế ước bởi con người. Quan hệ giữa con người và giới tự nhiên là mối quan hệ quy định lẫn nhau, chế ước lẫn nhau. Bất kỳ hành vi nào thoát khỏi giới tự nhiên, phá hoại nghiêm trọng sự cân bằng vĩ đại của giới tự nhiên tất yếu đều bị giới tự nhiên chống lại và trừng phạt. Do vậy, loài người cần tôn trọng quy luật sinh thái, căn cứ theo nguyên tắc phát triển hài hoà giữa con người và giới tự nhiên mà cân nhắc, lựa chọn hành vi can thiệp vào giới tự nhiên, bồi dưỡng một loại hình nhân cách lý tưởng thể hiện quan niệm giá trị phát triển hài hoà giữa con người và giới tự nhiên.
3. Đoàn kết hợp tác, quan tâm yêu mến người khác. Đứng trước khủng hoảng xã hội ngày càng nghiêm trọng của thời đại công nghiệp, thời đại kinh tế tri thức cần loại bỏ quan niệm đạo đức lấy cá nhân làm trung tâm, tự tư tự lợi cực đoan trong mô hình nhân cách của thời đại công nghiệp, bồi dưỡng một quan niệm đạo đức lấy quan tâm yêu mến người khác, đoàn kết hợp tác làm cơ sở, thực hiện sự phát triển hài hoà giữa con người và xã hội, thúc đẩy sự vận chuyển lành mạnh của cơ thể xã hội.
4. Không ngừng vượt lên, hoàn thiện mình. Loài người cần thẩm định lại quan niệm giá trị và mô hình hành vi của mình, xây dựng một mô hình nhân cách lý tưởng theo đuổi sự hưởng thụ vật chất và sự vượt lên về tinh thần, thống nhất giữa giá trị công cụ và giá trị mục đích; cần hiểu được rằng con người không chỉ là vật tồn tại tự nhiên mà còn là vật tồn tại tinh thần. Sự khu biệt căn bản giữa con người và động vật là ở chỗ con người không chỉ có nhu cầu vật chất mà còn có nhu cầu tinh thần, không chỉ cần lấy mình làm công cụ sáng tạo ra giá trị mà còn cần lấy mình làm mục đích của việc thực hiện giá trị. Như vậy, loài người mới có thể tìm thấy trở lại khuôn viên tinh thần đã mất của mình.
Trên đây chỉ từ tầng diện "cần" để phân tích yêu cầu của nguyên tắc sản xuất xã hội thời đại kinh tế tri thức đối với tố chất con người. Vấn đề là nhân cách lý tưởng như vậy có khả năng thực hiện trong thời đại kinh tế tri thức hay không? Câu trả lời là khẳng định.
1. Việc đề xuất chiến lược phát triển bền vững đã cung cấp môi trường xã hội đẹp nhất cho sự trưởng thành của nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức. Sau thế chiến 2, đứng trước sự phá hoại có tính huỷ diệt mà việc ứng dụng vào xã hội các thành tựu khoa học kỹ thuật như bom nguyên tử, vũ khí hoá học, vũ khí vi trùng mang lại cho loài người, các nhà toán học và triết học Anh như Russell, Einstein... đã liên hợp công bố tuyên ngôn phản chiến, kêu gọi các nhà khoa học phải quan tâm đến sự nguy hại mà thành tựu nghiên cứu khoa học có thể đem lại cho loài người. Tháng 6 năm 1972, Liên Hợp Quốc lần đầu tiên đã triệu tập Hội nghị Môi trường Loài người với quy mô chưa từng có, đưa ra báo cáo Chỉ có một trái đất nói về ảnh hưởng sâu xa mà hoạt động của loài người đang gây ra cho môi trường tự nhiên. Trong báo cáo Tương lai chung của chúng ta của Uỷ ban Môi trường và Phát triển Liên Hợp Quốc năm 1987 đã nêu ra rõ ràng tư tưởng phát triển bền vững của xã hội. Năm 1992, Đại hội Môi trường và Phát triển Liên Hợp Quốc đã chế định Chương trình nghị sự thế kỷ XXI, mục đích là thông qua việc cải tạo mô hình sản xuất và mô hình tiêu dùng của loài người, làm cho con người, khoa học kỹ thuật, giới tự nhiên và xã hội phát triển hài hoà. Chiến lược phát triển bền vững đang đi sâu vào lòng người, người ta đều đang hiến kế cho việc thực hiện sự phát triển hài hoà giữa con người và giới tự nhiên, xã hội, điều này sẽ tạo môi trường xã hội tốt đẹp cho sự sinh trưởng của nhân cách lý tưởng vừa thể hiện tinh thần khoa học vừa tràn đầy mối quan tâm nhân văn.
2. Xu thế khách quan tổng hợp hoá, chỉnh thể hoá, chủ thể hoá khoa học hiện đại đã cung cấp điều kiền cần thiết cho việc bồi đưỡng nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức. Lenin từng khẳng định: "Trào lưu lớn mạnh đi từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội không những chỉ tồn tại trong thời đại Feti mà cũng tồn tại trong thời đại chủ nghĩa Marx. Trong thế kỷ XX, trào lưu này vẫn lớn mạnh, thậm chí có thể nói càng lớn mạnh hơn" (1). Trong thời đại hiện nay, sự phát triển các khoa học bên lề, khoa học giáp ranh, khoa học cắt ngang đã vạch ra mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, phá vỡ các thành luỹ phân giới giữa các bộ môn khoa học, tạo điều kiện cho sự đối thoại giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Người đề ra lý thuyết kết cấu hao tán Prigogine nêu ra rằng cần thay đổi cách hiểu hẹp về truyền thống khoa học. Ông xác định khoa học là sự đối thoại giữa con người và giới tự nhiên, tin rằng chỉ có thực hiện sự tổng hợp mới mới có thể xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa con người và con người, giữa con người và giới tự nhiên. Nhân vật đại biểu của trường phái lịch sử trong triết học khoa học là Kuhn- người đã đưa một cách sáng tạo tâm lý học và xã hội học vào triết học khoa học, có đóng góp quan trọng vào việc đưa triết học khoa học thoát ra khỏi đám mây mù của chủ nghĩa duy khoa học. Sự nhìn xa trông rộng của các nhà khoa học đã cho thấy, trào lưu đi từ khoa học tự nhiên tới khoa học xã hội đã xúc tiến sự giao hoà giữa tinh thần khoa học và tinh thần nhân văn, điều này cung cấp điều kiện cần thiết cho sự hình thành nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức.
IV. Xây dựng nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức
Xây dựng nhân cách lý tưởng là một công trình hệ thống phức tạp. Nó là quá trình người ta thông qua kết cấu tâm lý văn hóa cụ thể, lựa chọn, hấp thu thông tin hiện thực xã hội, tiếp thụ văn hoá xã hội mới, đào thải mô hình nhân cách cũ để cuối cùng xác định mô hình nhân cách mới. Việc thực hiện quá trình này không tách rời nỗ lực giáo dục.
Nhìn lại lịch sử phát triển giáo dục của loài ngưòi, thấy đại thể nó kinh qua quá trình từ chỗ giáo dục văn khoa cổ điển chiếm ưu thế tuyệt đối đến chỗ giáo dục văn khoa cổ điển bị lung lay, giáo dục khoa học từng bước xuất hiện, cho đến khi giáo dục khoa học chiếm ưu thế, giáo dục nhân văn bị suy giảm. Mô hình giáo dục truyền thống coi trọng khoa học coi nhẹ nhân văn này là một nguyên nhân quan trọng làm hình thành nên "nhân cách đơn diện" trong thời đại kinh tế công nghiệp. Căn cứ theo yêu cầu của thời đại kinh tế tri thức đối với tố chất nhân cách, cần thay đổi quan niệm giáo dục và mô hình giáo dục phiến diện truyền thống, tìm điểm cân bằng mới giữa giáo dục khoa học và giáo dục nhân văn, xác lập mục tiêu chiến lược coi trọng cả giáo dục khoa học và giáo dục nhân văn trong cải cách giáo dục cao đẳng, bồi dưỡng nhân cách lý tưởng vừa có trình độ khoa học kỹ thuật và tinh thần khoa học, vừa có tố chất văn hoá và tinh thần nhân văn tương đối cao nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền văn minh loài người.
Do nguyên nhân lịch sử, lâu nay, ở mức độ khá lớn Trung Quốc đã thực hiện mô hình giáo dục coi trọng khoa học kỹ thuật, coi nhẹ nhân văn và áp dụng phương pháp giáo dục chuyên ngành quá hẹp. Chẳng hạn môi trường khoa khoa học kỹ thuật và khoa giáo dục học quá ư đơn nhất, đào tạo văn hoá quá yếu, yêu cầu tính tổng hợp, tính học thuật, tính nhân văn, những thứ cơ bản nhất của đại học, không có được sự bảo đảm cần thiết, học sinh được đào tạo ra thiếu tố chất nhân văn tốt đẹp và nền tảng tư tưởng sâu dày; cơ sở khoa học tự nhiên của giáo dục khoa học xã hội nhân văn mỏng yếu khiến cho trong nghiên cứu khoa học và phát triển chuyên môn, học sinh thiếu phương thức tư duy khoa học, trạng thái tinh thần và phương pháp, phương tiện khoa học. Đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường, do định hướng công lợi quá nặng, việc bố trí các bộ môn chủ yếu được điều chỉnh theo phương hướng có lợi cho nhu cầu thị trường ngắn hạn, làm cho việc bồi dưỡng tố chất toàn diện và việc đào tạo cơ bản vững chắc cho học sinh bị ảnh hưởng... Mô hình giáo dục méo mó này rất không thích hợp với yêu cầu bồi dưỡng nhân cách có sự dung hoà giữa tinh thần khoa học và tinh thần nhân văn của thời đại kinh tế tri thức. Do vậy, đổi mới quan niệm giáo dục, cải cách mô hình đào tạo nhân tài, tăng cường giáo dục tố chất là nhiệm vụ cấp bách trong cải cách giáo dục cao đẳng ở Trung Quốc. Tư tưởng giáo dục của Đặng Tiểu Bình "hướng về hiện đại hoá, hướng ra thế giới, hướng tới tương lai" và "có lý tưởng, có đạo đức, có văn hoá, có kỷ luật" đã chỉ rõ phương hướng cho cải cách giáo dục cao đẳng. Chiến lược làm phồn vinh đất nước bằng khoa học và giáo dục của Trung Quốc và Kế hoạch hành động chấn hưng giáo dục hướng tới thế kỷ XXI, Nghị quyết của Uỷ ban Trung ương ĐCS Trung Quốc, Quốc vụ Viện Trung Quốc về làm sâu thêm cải cách giáo dục, thúc đẩy toàn diện giáo dục tố chất đã đề ra yêu cầu đức, trí, thể, mỹ xâm thấu lẫn nhau, phát triển hài hoà, nâng cao toàn diện tố chất nhân tài. Rõ ràng, đào tạo nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức đòi hỏi chúng ta phải tăng cường giáo dục khoa học kỹ thuât, nhưng không thể bồi dưỡng học sinh thành những "nô lệ của máy móc"; đồng thời với việc tăng cường giáo dục tinh thần nhân văn, không thể buông lỏng phổ cập tri thức khoa học và bồi dưỡng tinh thần khoa học, đặc biệt, trong thời đại khoa học công nghệ cao cần đề phòng học sinh biến thành những người "mù khoa học" bị mê tín phong kiến cầm tù. Trước mắt, đặc biệt là đối với giáo dục khoa học học kỹ thuật cao đẳng, cần tăng cường nghiên cứu và giáo dục khoa học xã hội nhân văn, chú trọng bồi dưỡng tố chất tổng hợp cho học sinh, nới rộng kênh chuyên môn, tăng cường năng lực thích ứng, cải cách hệ thống giáo trình, ưu hoá kết cấu chỉnh thể, nhấn mạnh sự kế thừa và tổng hợp giữa khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, nỗ lực đáp ứng yêu cầu của thời đại kinh tế tri thức đối với tố chất nhân tài, từng bước xây dựng hệ thống giáo dục nhân văn hữu hiệu, đây cũng là giai điệu chính của cải cách giáo dục cao đẳng hiện nay. Tóm lại, trong thực tiễn giáo dục chúng ta tất nhiên tự giác thực hiện sự kết hợp giữa giáo dục khoa học và giáo dục nhân văn, xây dựng nhân cách lý tưởng dung hoà tinh thần khoa học và tinh thần nhân văn nhằm thúc đẩy sự phát triển tự do toàn diện của con người, xúc tiến nâng cao tố chất chỉnh thể của toàn xã hội.
Engels khi đánh giá Phong trào Văn nghệ Phục hưng đã chỉ ra rằng "Đây là một cuộc biến cách vĩ đại nhất, tiến bộ nhất mà trước nay loài người chưa từng trải qua, là một thời đại cần người khổng lồ và đã sản sinh ra người khổng lồ - người khổng lồ về mặt năng lực tư duy, tình cảm và tính cách, về mặt đa tài đa nghệ và học thức uyên thâm"(2). Thời đại kinh tế tri thức tương lai sẽ là một thời đại biến cách vĩ đại hơn, tiến bộ hơn, thời đại này không những cần người khổng lồ, cần một loạt "người mới" có cả tố chất khoa học lẫn tố chất nhân văn, mà tất nhiên cũng sẽ sản sinh người khổng lồ và xây dựng nên hàng loạt "người mới" có tố chất nhân cách này.
(1)Lenin, Toàn tập, T. 20, tr. 189.
(2)Marx, Engels. Toàn tập, T. 4, tr. 261.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt