Tham nhũng - tiếp cận từ phía hệ thống

06:25 SA @ Thứ Năm - 17 Tháng Tám, 2006

-Chống tham nhũng đang là vấn đề cả nước bức xúc, cả nước đều quyết tâm chống – trừ những kẻ có điều kiện thực hiện tham nhũng. Câu chuyện thời sự hơn là chống như thế nào?

Góp phần tìm câu trả lời, bài viết này xin đi vào hai vấn đề chính: Đánh giá tình trạng tham nhũng ở nước ta và chống như thế nào?

Đánh giá tình trạng tham nhũng ở nước ta

Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) đưa ra định nghĩa được thế giới thừa nhận: Tham nhũng là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ lợi ích cá nhân; nguồn gốc chính của tham nhũng là: lạm dụng quyền lực, bưng bít thông tin, giải trình xuyên tạc.

Nhận định về Việt Nam, các học giả quốc tịch khác nhau tham gia chương trình điều tra của TI cho rằng tham nhũng ở Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức, mà là vấn đề nằm trong cơ cấu hệ thống. Theo cách sắp xếp chỉ số đánh giá tình trạng tham nhũng của TI, Việt Nam năm 2005 đứng thứ 107/159 – nghĩa là tụt hạng khá nhiều so với 2001. Trong 10 nước ASEAN, cũng theo chỉ số sắp xếp thứ tự năm 2005 của TI, tham nhũng ở Việt Nam chỉ đứng trên các nước Indonesia, Philippines, Campuchia và Myanma (159/159).

Không ít những báo cáo, bài nghiên cứu của các học giả trong nước cho rằng những tội trạng tham nhũng đã được bàn tay của pháp luật đụng chạm tới mới chỉ là cái mỏm băng nổi lên mặt nước của cả tảng băng (Lê Đăng Doanh), phần chìm dưới nước là rất lớn và khó đánh giá.

Cho đến nay thiếu hẳn những điều tra nghiên cứu xã hội học một cách khoa học về tình trạng tham nhũng ở nước ta, để nhìn nhận, đánh giá toàn diện vấn đề này và để làm căn cứ cho quốc sách, cho những biện pháp phòng, chống tham nhũng. Vì vậy còn nặng về chống, mà nhẹ về phòng. Trong thực tế do không phòng ngừa được, và chỉ chống được ở phần ngọn (Hoàng Tụy), nên những năm gần đây xuất hiện tình trạng càng chống, tham nhũng càng hoành hành, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước. Đặc biệt nghiêm trọng là bàn tay pháp luật hầu như chỉ có khả năng đụng vào những vụ trọng án đã bị lộ; nhiều cán bộ và cơ quan khác nhau làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng bị tê liệt. Cho đến nay hầu như không có một vụ tham nhũng lớn nào mặc dù đã bị lộ mà không bị cán bộ và cơ quan thi hành luật pháp bóp méo, che chắn; hiện tượng chạy tội, xóa tội, che giấu hoặc giải trình xuyên tạc hành vi phạm tội trở thành phổ biến. Dư luận còn cho rằng tham nhũng tiêu cực lấn sang cả phần thi hành án.Nhìn vào các đơn vị kinh tế, ngày nay số các tổng công ty lớn của nhà nước không dính vào các vụ bê bối nghiêm trọng thật là hiếm, nhiều đơn vị có những vụ tham nhũng tiêu cực nặng nề, khó mà lường hết thiệt hại. David Dapice tại hội thảo 20 năm đổi mới được tổ chức ở Hà Nội ngày 15 và 16-06-2006 đưa ra con số ước lượng mỗi năm khu vực các doanh nghiệp nhà nước để lãng phí, thất thoát khoảng 1 tỷ USD. Trong xây dựng thường được ước lượng thất thoát khoảng 20% tổng đầu tư (cũng có con số ước lượng là 30%), chất lượng công trình thấp xa so với thiết kế và kém hiệu quả. Tham nhũng trong lĩnh vực thuế và tài chính thật khó tưởng tượng. Thực tế đang tồn tại luật không thành văn: Người làm thuế và người có nghĩa vụ nộp thuế “hiệp đồng” để lậu thuế, chia thuế; người sử dụng dịch vụ ngân hàng – đi vay hoặc được phân bổ vốn vay - phải “lại quả” hoặc phải “cưa” một phần để lại cho bên cung cấp dịch vụ ngân hàng; hóa đơn khống và chứng từ khống là chuyện cơm bữa.

Đến nay chưa có cách gì phác họa được bức tranh mô phỏng loại tham nhũng thiên hình vạn trạng, hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong kinh tế hoặc trong quyền lực. Sự lũng đoạn của họ ở các cấp khác nhau nhắm vào “mua” hoặc “tạo ra” những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của nhà nước có lợi cho một nhóm hoặc những nhóm lợi ích nào đó – ví dụ can thiệp sâu vào thị trường xe gắn máy, ô tô, thay đổi quy hoạch phát triển, bố trí đầu tư, đấu thầu. Những xí nghiệp mía đường, nhà máy xi-măng lò đứng và hàng loạt những công trình kinh tế khác đẻ ra từ quá trình này đang để lại bao nhiêu gánh nặng cho đất nước! Hãy nhìn lại những mối quan hệ “bồ bịch” giữa người làm kinh tế và những người trong biên chế nhà nước, giữa những “công ty gia đình thuộc mọi thành phần kinh tế đan xen nhau... Hãy thử mổ xẻ lại mẫu phẩm vụ mafia Năm Cam để từ cuộc giải phẫu sinh lý này dựng lên bức tranh mẫu cho khảo nghiệm!

Tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực đất đai tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn. Nhiều nông dân mất đất là nguồn sinh sống, phân hóa giàu nghèo nhiều vùng tăng đột biến. Có nơi đã xảy ra căng thẳng chính trị. Nhiều vùng nông thôn phát triển rất chậm, còn đô thị thì mọc lên manh mún, sẽ có lúc phải phá đi làm lại. Một số trường hợp cán bộ có chức có quyền chiếm hàng chục, hàng trăm ha đất trong rừng cấm quốc gia đã bị báo chí phanh phui. Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu – phó Tổng cục trưởng Cục an ninh đã phải thốt lên: Nhiều nơi cán bộ địa phương ăn cắp đất và bán đất như bán mớ rau... (VnExpress 9/7/2006).

Quy hoạch phát triển cả nước bị băm nát, xé lẻ tại nhiều nơi. Tham nhũng trong lĩnh vực này đang để lại những gánh nặng khó lường cho phát triển lâu dài và bền vững. Theo Hiến pháp, đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, song Nhà nước thực chất còn nắm được bao nhiêu đất công? Báo chí đưa tin các vụ bán đất đai trên các đảo suốt từ Thuần Châu đến Phú Quốc... Còn nhiều điều chưa đến với công luận, song sự thật nhức nhối là không một địa phương nào trong cả nước không có chuyện tham nhũng đất đai. Tham nhũng tiêu cực trong khu vực hành chính công thật khó kể xiết, dân gian đã tổng kết trong một câu: Nền hành chính nước nhà còn đậm nét “hành là chính”, còn quá ít tính chất nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Trên hết cả, công luận ngày càng quan tâm đến loại tham nhũng nguy hiểm nhất: Tham nhũng quyền lực.

Biểu hiện dễ thấy ngay là những hiện tượng chạy ghế, chạy tội, mua bằng, mua chức... mà cả xã hội bàn tán như một chuyện bí mật công khai. Trong dân gian truyền miệng không hiếm những lời đồn nêu đích danh người này người nọ. Không có cách gì xua đi những lời đồn như vậy, song đến nay cũng chưa bắt được quả tang một vụ chạy ghế, mua chức, cho dù chỉ là một cái ghế thấp nhất, ít thưởng phạt nhất! Thực tế này cho thấy loại tham nhũng tiêu cực này được “bọc” rất kín; chỉ trong một vài trường hợp thật hiếm hoi như Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến mới hé rọi ra đôi điều: Cả hai đang ở diện được cất nhắc lên cao nữa nếu không giữa đường đứt gánh vì lộ chuyện cá độ bóng đá, sự ngoan cố lúc đầu và đường dây chạy tội của họ làm cho công luận cả nước bàng hoàng.

Tệ hại nghiêm trọng mang tính phổ biến của tham nhũng quyền lực là tình trạng dùng người không đúng nơi đúng chỗ so với phẩm cách của cán bộ, loại bỏ người tài, quan liêu hóa và tha hóa bộ máy nhà nước, đảo lộn nhiều thang giá trị cao quý trong xã hội; hệ quả đau lòng là nuôi dưỡng một xã hội “phải tự nói dối với nhau mà sống” (Vũ Quốc Hùng).

Không hiếm nơi cán bộ được bố trí theo “ê-kíp”, mục đích là chỉ để thực hiện nhiệm vụ của “ê-kíp”, của đường dây. Nếu hãn hữu bố trí nhầm người có phẩm cách thích hợp với chức danh, thì tất yếu anh ta phải “bật đi” nơi khác, hoặc bị vô hiệu hóa, hoặc phải tự cùn đi. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho cải cách hành chính, cải cách hệ thống chính trị không theo kịp sự phát triển kinh tế, xã hội; hiền tài và người trung thực nếu không bị gạt sang một bên, thải loại, thì cũng khó có đất dụng võ.

Dư luận đang băn khoăn một cách chính đáng là tại sao bộ máy cai quản đất nước có khá đông những người không đủ phẩm cách so với chức danh của họ. Nếu so sánh với một số nước chung quanh trong ASEAN, với Trung Quốc, hình như khoảng cách chất lượng nền hành chính quốc gia của ta so với các nước bạn đang rộng ra? Điều đáng lo hơn nữa là mọi chuyện diễn ra trong tình hình nhiệm vụ xây dựng Đảng và củng cố bộ máy nhà nước vững mạnh không một phút sao nhãng, công sức bỏ ra cho nhiệm vụ trọng đại này không ít. Hay là chẩn bệnh sai nên thuốc không phù hợp?

Nhận định tham nhũng trở thành quốc nạn thách thức sự tồn vong của hệ thống chính trị đất nước như đã nêu trong những văn kiện quan trọng là chuẩn xác.

Chống tham nhũng như thế nào?

Chống tham nhũng là vấn đề khó đối với mọi quốc gia trên trái đất này, không chỉ riêng cho nước ta. Song kinh nghiệm của cả thế giới đã chứng minh, cái khó này tỷ lệ nghịch với sự thiếu vắng các yếu tố của một xã hội dân sự vận hành trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền. Nói cách khác, một quốc gia dồi dào những yếu tố này thì càng phát triển, và chính nhờ vậy việc chống tham nhũng càng thuận lợi. Còn có thể nói: Tạo ra phát triển tốt nhất là tiền đề, là cách chủ động phòng và chống tham nhũng có hiệu quả nhất. Chỉ riêng kinh nghiệm này của cả thế giới đã chỉ ra: chống tham nhũng phải tiếp cận từ phía hệ thống.
Tình trạng tham nhũng ở nước ta hoành hành và bám rễ vào nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước đủ cho thấy không thể tiếp cận việc chống tham nhũng qua việc chống phá từng vụ án riêng lẻ. Nhìn vào những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, nhất là muốn đụng chạm đến những nguyên nhân khả dĩ cho phép phòng ngừa được tham nhũng, càng phải tiếp cận vấn đề này từ phía hệ thống.

Truy tìm căn nguyên chính dẫn đến tham nhũng ở nước ta, phải chăng đấy là:

(1) tình trạng mất dân chủ, và sự thiếu công khai minh bạch trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước,
(2) có nhiều bất cập trong thể chế và chính sách,
(3) tình trạng tha hóa đang gia tăng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước,
(4) xã hội xuống cấp về nhiều mặt do chịu tác động của 3 nguyên nhân đầu.

Nói về nguyên nhân (1)

Đây là nguyên nhân gốc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Có ý kiến cho rằng không thể khắc phục nguyên nhân này trong hệ thống chính trị một đảng. Có phải như thế không?
Trên thực tế, 20 năm đổi mới vừa qua, đất nước này, dân tộc này trong chế độ một đảng lãnh đạo đã khai phá, đã tìm thấy con đường đi lên của mình. Trên thực tế 20 năm qua, dân tộc này đã đi một chặng đầu tiên có ý nghĩa rất căn bản – con đường tiến tới nước giàu dân mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, cả thế giới đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam.

Có khả năng tiếp tục đổi mới không?

Hoàn toàn có khả năng này nếu có bản lĩnh nhìn nhận đổi mới là lẽ tồn tại của Đảng.
Sự thật của 20 năm qua là dân chủ và công khai minh bạch thực hiện được đến đâu thì cuộc sống mọi mặt của đất nước phát triển đến đấy.

Sự thật của 20 năm qua là trong bất cứ vấn đề gì hoặc lĩnh vực nào dân chủ và công khai minh bạch thiếu vắng hoặc bị vi phạm thì tỷ lệ thuận với phát sinh của tham nhũng tiêu cực.
Như vậy bài toán đúng sẽ là: Làm thế nào đi tiếp trên con đường đổi mới, để thực hiện tốt hơn nữa dân chủ và công khai minh bạch làm điều kiện, làm động lực phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ thúc đẩy công cuộc phát triển toàn diện đất nước.

Sự thật đanh thép đang đặt ra sự lựa chọn mất còn: Để cho dân chủ và công khai minh bạch chiến thắng tham nhũng tiêu cực, hay chịu để cho quốc nạn tham nhũng tiêu cực khuất phục?

Tầm nhìn và bản lĩnh chính trị đòi hỏi lãnh đạo thôi thúc toàn Đảng và cả nước phải nhìn thẳng vào sự thật để có ý chí lựa chọn chiến thắng.

Có ý chí chính trị quyết giành chiến thắng cho dân chủ và công khai minh bạch, sẽ có con mắt nhìn ra những thiếu sót của thể chế, của hệ thống, những yếu kém khác, và nhờ vậy sẽ có quyết tâm, sẽ có những giải pháp khắc phục. Trước Đại hội X đã có hàng nghìn ý kiến đóng góp rất tâm huyết, đưa ra những kiến nghị giải pháp hậu thuẫn cho Đảng giành chiến thắng cho dân chủ và công khai minh bạch, đổi mới hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, mở đường phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ để đưa đất nước tới cường thịnh.
Một khi đã có ý chí chính trị của lãnh đạo quyết thực hiện dân chủ và công khai minh bạch để tạo điều kiện cho từng công dân tham gia thực sự vào mọi công việc của đất nước, sẽ tạo ra tình hình khó trăm bề dân liệu cũng xong (Hồ Chí Minh).

Về nguyên nhân (2)

Cần thừa nhận một thực tế khách quan là hệ thống chính trị - bao gồm cả hệ thống tổ chức của Đảng - và bộ máy nhà nước, hệ thống các thể chế, luật pháp, chính sách của nước ta còn nhiều yếu kém, bất cập so với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Lẽ dễ hiểu là nước ta đang ở thời kỳ đầu của quá trình phát triển, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ cho một quốc gia trong quá trình chuyển đổi, nhiều vấn đề nan giải đang đặt ra cho một đất nước tìm đường đi lên trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay.

Và trên hết cả yếu kém lớn nhất, gốc rễ của những yếu kém khác, đó là: Tư duy chưa theo kịp sự vận động của tình hình - nếu không muốn nói là còn nhiều điểm rất lạc hậu, dẫn tới tầm nhìn hạn hẹp và có khi sai lệch, ảnh hưởng sâu sắc đến quyết sách và hành động.

Những yếu kém, bất cập này là mảnh đất mầu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng tiêu cực. Những yếu kém lớn phải đặc biệt quan tâm khắc phục là:

- Chưa tiến được bao nhiêu trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền đúng với tinh thần của dân, do dân, vì dân.
- Đã chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, nhưng thị trường còn bị nhiều yếu kém, bất cập, bị lũng đoạn nhiều mặt - nhất là còn những can thiệp duy ý chí từ phía nhà nước, còn những bao cấp được duy trì, hiệu quả thấp và gây ra nhiều gánh nặng của khu vực kinh tế quốc doanh, cơ chế chủ quản vẫn còn là một “lô cốt” kiên cố.
- Chưa nhận thức được đầy đủ quyền sở hữu của dân chính là nguồn gốc của giầu có cho dân và thịnh vượng cho đất nước để có những quyết sách khuyến khích thích hợp.
Đẩy mạnh cải cách hệ thống chính trị và bộ máy quản lý nhà nước chỉ có thể bắt đầu từ đổi mới xây dựng Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng, là khởi sự để khắc phục nguyên nhân 2.

Chống từ gốc tham nhũng tiêu cực, bắt buộc phải xử lý những yếu kém bất cập này.

Về nguyên nhân (3)

Cần nhìn thẳng vào sự thật nguyên nhân cỗi rễ dẫn tới tình trạng tha hóa ngày nay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức trước hết nằm trong bệnh “đảng hóa” hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Căn bệnh này đã được nhiều ý kiến vạch ra thẳng thắn đóng góp với Đại hội X.

Bệnh “đảng hóa” là hữu khuynh nghiêm trọng về lập trường cách mạng, vứt bỏ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bệnh “đảng hóa” mang ảo tưởng là nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và củng cố hệ thống chính trị, nhưng trong thực tế là đang làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm xơ cứng và suy yếu hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.

Đây chính là căn nguyên của tình hình đất nước càng phát triển thì khoảng cách bất cập của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước có xu hướng rộng ra, sự đề kháng với dân chủ - kể cả ngay dân chủ trong Đảng, sự đề kháng với chân lý và với người hiền tài trở nên khó khắc phục. Chế độ chính trị có một đảng lãnh đạo cần dũng cảm tuyên chiến với kẻ thù nguy nhiểm nhất này của mình. Cuộc đấu tranh này thực chất là bảo vệ và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhìn lại quá khứ, thành công của Cách mạng Tháng Tám là bài học mẫu mực về vai trò lãnh đạo của Đảng, về quan điểm coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Đổi mới xây dựng Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng cần bắt đầu từ khắc phục bệnh “đảng hóa”, công việc đầu tiên của mọi việc đầu tiên nhằm đẩy lùi tình trạng tha hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên viên chức nhà nước.

Về nguyên nhân (4)

Dậu đổ bìm leo, thượng bất chính hạ tắc loạn, nói nguyên nhân 4 là hệ quả của 3 nguyên nhân đầu trước hết là với lẽ như vậy.

Tuy nhiên, khi đề cập đến nguyên nhân 4 không thể bỏ qua tình trạng bất cập có ý nghĩa rất quan trọng, đó là có quá nhiều thiếu sót trong việc xây dựng ý thức công dân, xây dựng ý thức cộng đồng xã hội đúng với những tiêu chí của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có quá nhiều thiếu sót lấy việc xây này làm nền tảng, làm động lực thực hiện những việc chống.

Nói một cách khái quát: Có sự chăm lo chưa đúng tầm, thậm chí chệch hướng và nhiều lỗ hổng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của vốn xã hội, trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị của khế ước xã hội. Tình trạng này thể hiện rõ nhất là trong tư duy thì ngộ nhận coi những giá trị này thuộc phạm trù hệ thống xã hội tư sản, trong hành động là đã “chính trị hóa” một cách tầm thường việc chăm lo vun đắp cộng đồng xã hội, trong việc vun đắp cộng đồng dân tộc, xa hơn nữa là không quan tâm củng cố và nâng cao sự đồng thuận dân tộc. Những yếu kém và lỗ hổng này bắt đầu ngay từ trong việc giáo dục lớp trẻ ngồi trên ghế nhà trường, kể từ tuổi mẫu giáo trở đi.

Phải nói xã hội dân sự chưa được nhìn nhận là một tiền đề không thể thiếu cho một đất nước phát triển năng động, nhất là trong những vấn đề liên quan đến quyền công dân, xã hội tự quản, nhà nước pháp quyền... Không thể khắc phục những yếu kém này bằng cách đề ra những chuẩn mực có cái mũ chung chung là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng nội dung còn nhiều vấn đề phải làm rõ. Nghiêm khắc, còn phải nói những lệch lạc và lỗ hổng này có không ít những điều trái nội dung cốt lõi nhất của định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là giải phóng con người, tự do của mỗi người là điều kiện tự do của mọi người. Chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết đẩy lùi nỗi nhục nước nghèo đang bị những yếu kém, những lỗ hổng này làm nhụt.

Sự thật sẽ nhức nhối hơn nhiều, nếu đặt ra những câu hỏi: Tại sao một dân tộc giàu truyền thống tốt đẹp như dân tộc ta mà cam chịu dung tha những tệ nạn tham nhũng tiêu cực và nhiều tệ nạn xã hội khác đang hoành hành trong đời sống hàng ngày. Tại sao dân tộc ngàn năm văn hiến này cứ cam chịu mãi nghèo hèn như vậy? Hay là dân tộc này chỉ yêu nước và biết đoàn kết khi đất nước có giặc ngoại xâm... Cái gì đã dấy nên chỗ này chỗ khác câu hỏi mỉa mai chua xót “Bao giờ cho đến ngày xưa!?..” Cái gì đang làm mai một truyền thống ngàn năm văn hiến?

Nguyên nhân 4 là hệ quả của 3 nguyên nhân đầu. Song khắc phục nguyên nhân 4 sẽ tạo ra sức sống mới của dân tộc không thể thiếu cho thời kỳ chấn hưng đất nước và hội nhập quốc tế thắng lợi.

***

Đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật sẽ cho phép tiếp cận từ phía hệ thống để phòng ngừa và chống tận gốc mọi tệ nạn tham nhũng tiêu cực. Trách nhiệm của Đảng lãnh đạo vô cùng nặng nề. Những quyết định mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đẩy mạnh xử lý các vụ trọng án đang dấy lên một bầu không khí tin tưởng, gửi gắm. Không khí thôi thúc chống tham nhũng trong cả nước cho phép bắt tay vào làm ngay một số việc thực hiện công khai minh bạch trong mọi cơ quan và đơn vị kinh tế của nhà nước, đòi hỏi mỗi cơ quan và cá nhân phải làm đúng việc, đúng trách nhiệm. Cần tiến hành kiểm tra chéo để mỗi cơ quan, mỗi cán bộ nhân viên phải làm đúng luật, ngăn chặn ngay những vụ tham nhũng mới, quyết xử lý nghiêm khắc và tận gốc những vụ trọng án đã phát hiện để răn đe. Đồng thời sớm khắc phục, sửa đổi những sai lệch trong bộ máy hành chính, trong các thể chế, chính sách đang kìm hãm sự phát triển năng động của kinh tế. Nhất thiết phải tiến tới cải cách triệt để hệ thống lương để thực hiện “trách nhiệm theo lương và sống bằng lương” - một chế độ lương được thiết kế và được thi hành với một thiết chế sẽ làm cho tham nhũng trở thành thách thức sự tồn vong đối với chính người định nhúng tay vào tham nhũng.

Không thể mài lịch sử ra mà sống, mà phải sống vì hiện tại và tương lai, vì những cơ hội đang đến với đất nước này. Muốn thế phải coi chống tham nhũng là đại sự quốc gia, quyết không để cho tham nhũng trở thành lực cản kìm hãm con đường đi lên của dân tộc. Chống tham nhũng phải bắt đầu ngay từ đòi hỏi mỗi đảng viên, cán bộ viên chức trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước làm đúng nhiệm vụ được giao và phải giải trình được trách nhiệm của mình, mọi công dân phải được bình đẳng trước pháp luật. Chống tham nhũng phải làm cho cả nước coi tham nhũng là điều ô nhục, nhất thiết phải bài trừ, xử nghiêm khắc mọi hành vi phạm tội, có quốc sách thật bài bản, được lồng vào và thực hiện đồng bộ với những quốc sách chấn hưng đất nước.

Trên đây mới chỉ là những ý tưởng, còn rất sơ lược, phải xây dựng chiến lược, chính sách và thiết kế những bước đi trong hành động. Rất đáng dồn công sức cho nỗ lực này. Phải huy động trí tuệ và lương tri của cả nước.

Cần làm mọi việc để bầu không khí đang thôi thúc chống tham nhũng tiêu cực góp phần cổ vũ toàn Đảng toàn dân đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện Tổ quốc yêu quý của chúng ta.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tham nhũng - nguồn gốc của nghèo đói trên thế giới

    04/05/2015Nhật VyHơn 2/3 thế giới nằm dưới mức trung bình trong danh sách điều tra về độ trong sạch vừa được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố hôm nay cho thấy mức độ tham nhũng đang nguy cấp đến mức nào...
  • Tham nhũng và tham nhũng tinh thần

    29/11/2011Nguyễn Trần BạtNếu như chống tham những vật chất có mục đích là làm trong sạch đời sống xã hội thì chống tham nhũnng tinh thần có nhiệm vụ là chống lại sự rủi ro đối với sự phát triển của nhân loại.”
  • Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước

    15/08/2006Anh ThưTham nhũng thường bắt đầu từ cái gốc là quyền lực. Một người tham nhũng được vì anh ta có quyền. Những người có sức, có quyền trong bộ máy Nhà nước nói chung và bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp nói riềng là địa chỉ dễ xảy ra tham nhũng nhất. Vì vậy, muốn phòng ngừa và chống được tham nhũng thì trước hết những người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền về mặt chủ quan phải gương mẫu và về mặt khách quan những người này phải được giám sát chặt chẽ trong thực thi công vụ...
  • Tham nhũng: Cái giá của sự thiếu công khai và minh bạch

    29/07/2006Hữu VinhCuộc chiến chống tham nhũng đã khởi động được một thời gian không còn ngắn. Nhưng dường như, càng phát động "chống” nạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn và những vụ tham nhũng càng lớn hơn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã phải nhìn nhận: "Tham nhũng diễn ra với tính chất và quy mô ngày càng lớn, phạm vi xảy ra với diện rộng và mang tính tổ chức giữa nhiều cá nhân và đơn vị"...
  • Chống tham nhũng cần một cách nhìn mới, tư duy mới

    22/07/2006Phạm Quang LêTệ nạntham nhũng từ nhiều năm qualuôn làđiều nhức nhối, lo lắng và bực bội củatoàn xã hội. Bất chấpnhững quyếttâm, những nỗ lực của cáctổ chứccó trách nhiệm, nạn “nội xâm” này vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Vấn đề cầnđược nhìn nhậnnhư thếnào? Còn cần phải làm gìđể có để sớm chặn đứng tệ nạnnày?
  • Những người chống tham nhũng: Họ là ai?

    02/06/2006Hải LanNạn tham nhũng vẫn ngang nhiên tồn tại. Vậy công cụ nào để kiểm soát tham nhũng? Dân chúng đóng vai trò thế nào trong cuộc chiến gay go này?
  • Tham nhũng - giặc nội xâm nguy hiểm

    18/05/2006Thanh BìnhCó thể nói rằng, đằng sau sự thật thoát trong xây dựng cơ bản, chạy chức, chạy quyền, xuống cấp của y đức, giáo dục - đào tạo, nhiêu khê của thủ tục hành chính... là cái bóng khổng lồ của con bạch tuộc tham nhũng, vì đều được tạo ra bởi những kẻ được Nhà nước, nhân dân giao phó ít nhiều quyền lực và đã lạm dụng để trục lợi cá nhân, bất chấp lợi ích tập thể, quốc gia, dân tộc. Nói cách khác, tham nhũng là quốc nạn của quốc nạn...
  • Phòng chống tham nhũng

    03/05/2006Nguyễn Đức LamTrách nhiệm cá nhân là vấn đề hiện đang được công luận rất quan tâm. Kỳ họp Quốc hội vừa qua đánh dấu sự miễn nhiệm đầu tiên của một Bộ trưởng cũng có liên quan đến vấn đề trách nhiệm cá nhân. Đây là một vấn đề cũng đang rất nóng đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam...
  • Tham nhũng: Sự tương tác và cộng hưởng giữa con người và cơ chế

    23/04/2006Lê Đăng DoanhCùng với các vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui đang gây ra những bức xúc lớn trong dư luận. Nhưng để chống tham nhũng có hiệu quả, cần tìm hiểu nguyên nhân nào, cơ chế nào đã tạo điều kiện cho bọn tham nhũng hoành hành, chứ không chỉ thỏa mãn và dừng lại ở việc xử lý một số quan chức liên quan. Ta bàn sâu về các biện pháp chống tham nhũng từ cơ chế nhằm góp phần xây dựng một bộ máy công quyền trong sạch và vững mạnh...
  • Làm thế nào để phòng chống tham nhũng nhanh và hiệu quả?

    16/04/2006TS. Nguyễn Thị Hồng Thuỷ (ĐH Kinh tế Quốc dân)Để chống tham nhũng, phải làm sao cho các công chức, quan chức không muốn, không thể và không dám tham nhũng...
  • Phòng chống tham nhũng

    14/04/2006Nguyễn Đức LamLuật và cơ quan chuyên trách đứng riêng một mình khó mà thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng này. Có nhiều luật chưa đủ, mà còn cần những điều kiện khác để luật trở thành công cụ hữu hiệu...
  • Công cụ cho chống tham nhũng

    12/04/2006Danh ĐứcKhi điều tra về các vụ mua bán độ bóng đá, cảnh sát đã tình cờ tìm thấy tên tuổi các quan chức cá độ trong máy tính của một trùm ghi độ, và một tháng sau bể ra vụ “cho mượn xe” những 108 chiếc ở PMU 18. Nói tình cờ bởi “vụ PMU18” không phải do thanh tra Bộ GTVT hay Thanh tra CP phanh phui ra...
  • Để chống tham nhũng hiệu quả hơn

    28/03/2006Danh ĐứcTrước những phát hiện hầu như từng ngày về những gì khuất tất hoặc tiêu cực đã rõ ở PMU18, cũng như ở Thanh tra Chính phủ và ở Tổng công ty Dầu khí..., không thể không có những câu hỏi như: tham nhũng ngày càng “nhiều”, càng “cao”, càng “lớn” hơn?
  • Chống tham nhũng - Hãy vận dụng mạnh mẽ yếu tố tâm lý

    06/03/2006Vũ Duy Phú (Viện Những vấn đề phát triển-VIDS)Mấy chục năm nay, tham nhũng không hề thuyên giảm. Thậm chí có nơi, có lúc nó còn trầm trọng hơn, xuất hiện nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn và có tổ chức hơn...
  • Ban Thanh tra đặc biệt chống tham nhũng

    28/02/2006Trần Vĩnh KhangTrong khi lãnh đạo chính quyền, Hồ Chủ tịch quan tâm nhất đến vấn đề sao cho được lòng dân, và xem đó như nguyên tắc cao nhất...
  • Giải mã tham nhũng

    26/12/2005Thanh Vũ"Chân dung" tham nhũng đã được nhìn thấy rõ hơn, "địa chỉ” tham nhũng phổ biến nhất cũng được xác định qua kết quả điều tra xã hội học có tên “Nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng” do Ban Nội chính Trung ương thực hiện lần đầu tiên được công bố. Lại thêm một thái độ cương quyết trong víệc phòng chống quốc nạn này mà các thông tin công khai vào cuối tháng11 qua là một sự kiểm chứng sòng phẳng...
  • Trừ lạm quyền để chống tham nhũng

    11/12/2005Nhật LệDân chủ là xu thế không cưỡng lại được, không phải vì đó là sản phẩm đến từ Mỹ, từ phương Tây, hoặc từ quốc gia nào đó (như có người nghĩ vậy), mà vì đó là nhu cầu căn bản đến từ người dân, nghĩa là từ bên trong. Tôi nói thêm : Đây không phải là nhu cầu bức xúc của một thiểu số có học hay là trí thức; người dân nào cũng cảm thấy như vậy...
  • Tham nhũng và cạnh tranh

    05/12/2005Nguyễn Quang AĐảng, chính phủ, báo giới và dư luận nói chung đều coi tham nhũng tràn lan ở nước ta là một quốc nạn, một cản trở lớn đối với sự phát triển của đất nước, một ung nhọt nhức nhối có thể gây mất ổn định xã hội...
  • Chống tham nhũng cần nhìn thẳng vào sự thật

    29/11/2005Đỗ Quang ĐánVấn đề đặt ra là lũ tham nhũng này đang ẩn khuất ở đâu? Chân dung, diện mạo của chúng thế nào mà khuynh đảo đất nước ghê gớm thế?
  • “Luận” về tham nhũng

    12/11/2005Phạm Thanh BìnhỞ nước ta những năm gần đây báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực để "luận" về tham nhũng. Vì thế, người viết bài này không dám cả gan vác bút qua cửa... nhà báo để luận về tham nhũng, mà chỉ xin dẫn lời một số văn nhân học giả Trung Hoa luận về cái tệ nạn trầm kha xuyên quốc gia này, để rồi mạn phép góp đôi lời bàn thêm.
  • “3 không” về chống tham nhũng ở Việt Nam

    31/10/2005Ths. Lê Hoàng TùngLần đầu tiên, công tác chống tham nhũng ở Việt Nam được luật hóa. Dự thảo Luật chống tham nhũng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đảng, Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực quyết tâm tuyên chiến với tệ tham nhũng. Xin được góp bàn đôi điều về vấn đề này…
  • Đặc thù tham nhũng ở Việt Nam

    24/10/2005Trần Bạch Đằng...Tuy Quốc hội đã công bố rộng rãi Dự luật với mong mỏi được nghe những đóng góp bổ sung, cải sửa, hoặc bác bỏ từng nội dung của Dự luật, nhưng vẫn chưa có phong trào nào gọi là "đúng ý dân" đối với một vấn đề hết sức quan trọng như vậy...
  • "Tôi nói, cơ chế sản sinh ra tham nhũng…"

    16/10/2005GS. Hoàng TụyTham nhũng là một quốc nạn, điều đó ai cũng nói và cũng biết. Song để phòng, chống và hạn chế được tình trạng tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Cho đến nay, chúng ta vẫn đang trên con đường tìm tòi, xin ý kiến nhân dân để chọn ra các giải pháp, các biện pháp đủ mạnh và hiệu quả để phòng và chống tham nhũng. Trăn trở, bức xúc với quốc nạn này, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có những tâm sự rất chân về tham nhũng và chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay...
  • Tham nhũng - vấn đề của phát triển

    11/10/2005Trần Ngọc ThơMức độ tham nhũng ở VN trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu không giống xu hướng chung so với các nước có cùng trình độ phát triển....
  • Những bộ mặt của tham nhũng

    07/10/2005Ngô Tự LậpMặc dù "tham nhũng" là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều và tham nhũng là vấn đề đau đầu của mọi quốc gia, ở mọi thời đại, cho đến nay người ta vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho nó. Lý do là tham nhũng được tiếp cận từ nhiều quan điểm khác nhau, từ kinh tế, đạo đức, tôn giáo đến chính trị, xã hội và giai cấp, và các quan điểm này lại mang nặng dấu ấn lịch sử và cá nhân...
  • “Độc quyền chức vụ” cái gốc của tham nhũng

    01/10/2005TS. Phạm Anh TuấnTham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc nạn. Quốc nạn tham nhũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì thế, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến nhân dân để sớm ban hành, áp dụng. Tham nhũng, dù xảy ra ở đâu thì cũng là tội phạm đặc biệt, được thực hiện trước hết bởi các quan chức...
  • Giải pháp góp phần tích cực phòng và chống tham nhũng

    17/08/2005Trọng DânCó thể nói, nếu luật về phòng và chống tham nhũng, lãng phí ra đời, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đã phải sử dụng tới hình thức pháp lý cao nhất, một "đòn phép" tối hậu...
  • Chống tham nhũng

    21/07/2005Nguyễn Quang ATham nhũng là lạm dụng quyền được trao để mưu lợi cá nhân. Có uỷ quyền là có thể tham nhũng. Tham nhũng cổ gần như loài người và sẽ còn khi loài người còn. Chẳng ai tin vào hi vọng hão huyền về một xã hội không có người được trao quyền, không có nhà nước.
  • Toàn dân hiến kế chống tham nhũng

    21/07/2005Đỗ Lê TảoHôm nay (ngày 20.7), dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể quần chúng... Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XI thì tình hình tham nhũng hiện nay của nước ta đang diễn ra rất phức tạp, trong nhiều lĩnh vực, có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng...
  • "Công ty" tham nhũng...

    09/07/2005Trần Bạch ĐằngBáo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ hai 4-7-2005 đăng bài điều tra của Võ Hương - Như Hằng về "Hệ thống công ty một nhà được thành lập như thế nào?" phản ánh dòng vận chuyển của điện kế điện tử từ cơ quan đặt hàng là Công ty Điện lực TP.HCM đến người tiêu dùng điện. Đó là câu chuyện thời sự đang bức xúc dư luận thành phố.
  • xem toàn bộ