Tham nhũng: Sự tương tác và cộng hưởng giữa con người và cơ chế
Cùng với các vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui trong các ngành điện lực, dầu khí, thương mại, viễn thông, vụ tham nhũng tại PMU18 (Bộ Giao thông Vận tải) đang gây ra những bức xúc lớn trong dư luận. Nhưng để chống tham nhũng có hiệu quả, cần tìm hiểu nguyên nhân nào, cơ chế nào đã tạo điều kiện cho bọn tham nhũng hoành hành, chứ không chỉ thỏa mãn và dừng lại ở việc xử lý một số quan chức liên quan trong vụ PMU18. Sự kiện & Vấn đề tuần này bàn sâu về các biện pháp chống tham nhũng từ cơ chế nhằm góp phần xây dựng một bộ máy công quyền trong sạch và vững mạnh, với sự góp mặt của các chuyên gia trong nước.
Cuộc khảo sát năm 2005 của Ban Nội chính Trung ương, do dự án chống tham nhũng của Tổ chức Sida (Thụy Điển) tài trợ, đã đem lại cho công luận bức tranh đầu tiên về mức độ phổ biến rộng khắp của tham nhũng quy mô nhỏ liên quan đến 10 lĩnh vực quản lý nhà nước trong quan hệ giữa quan chức nhà nước, công dân và doanh nghiệp. Nay vụ PMU 18 năm 2006 đã thực sự gây chấn động trong và ngoài nước về tính nghiêm trọng của tham nhũng trên quy mô rất lớn, được bao che, tiếp tay bởi không ít quan chức, qua mặt được nhiều cơ quan kiểm tra, kiểm soát trong một thời gian dài.
Báo cáo điều tra của Ban Nội chính cho thấy tình trạng lợi dụng cơ chế “xin-cho”, lạm dụng chức quyền của các quan chức trong các lĩnh vực nhà đất, thuế, hải quan, cảnh sát giao thông... thường xuyên và công khai đòi tiền để thực hiện (hay trì hoãn hoặc không thực hiện) nhiệm vụ công chức của mình. Như vậy cơ chế ở đây là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng và việc chế tài, ngăn chặn chưa có hiệu quả. Trong một môi trường như vậy, cá nhân nào không “hợp tác” sẽ bị loại khỏi “cộng đồng” vì cá nhân đó có thể gây nguy cơ cho nguồn thu của những người khác.
Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, mặc dầu Luật Doanh nghiệp đã có quy định rất rõ những điều cấm đối với cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng hiện tượng vòi vĩnh vẫn được các doanh nghiệp phản ánh. Như vậy, trong trường hợp này, quy định pháp luật đúng chưa ngăn chặn được cá nhân tham nhũng mà chỉ có tác động giảm bớt cái giá phải trả về thời gian và tiền bạc. Để chống tham nhũng, cần tiếp tục quy định rõ trách nhiệm cá nhân, đồng thời phải tiến hành giám sát hành vi của các quan chức liên quan và có trừng phạt nghiêm khắc tất cả các hành vi tham nhũng bị phát hiện.
Việc thiếu kiểm tra, giám sát, thậm chí bao che hay đồng lõa của cấp trên phải được nghiên cứu làm rõ vì các sai phạm đã được chứng minh rất nhiều lần, rõ ràng.
Trong rất nhiều trường hợp, tương tác giữa cơ chế và cá nhân rất rõ ràng: cơ quan quản lý trình lên cơ chế, quy trình, trong đó cố ý “gài” một số quyền hành xét duyệt, giấy phép, thêm quyền về phần mình mà không có quy định quyền giám sát của cơ quan độc lập và quyền khiếu kiện của người dân tại Tòa Hành chính hay cơ quan phòng chống tham nhũng (hy vọng sẽ được thiết lập theo Luật Phòng, chống tham nhũng trong tương lai).
Quy mô tham nhũng trong từng vụ việc là không lớn, song nếu cộng số tiền mà cả triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải thường xuyên nộp hàng ngày là những khoản tiền khổng lồ đã bị “ăn chặn”. Điều tra về vận tải ô tô đường bộ cho thấy 30% tổng chi phí là chi phí “dọc đường”, ngoài quy định của pháp luật. Hệ quả là giảm năng lực cạnh tranh, bóp méo hành vi của người dân và doanh nghiệp.
█Trong trường hợp PMU 18, quan hệ tương tác và cộng hưởng giữa cơ chế và cá nhân còn rõ ràng và lộ liễu hơn mọi trường hợp tạm gọi là “tham nhũng nhỏ” kể trên. Bộ Giao thông Vận tải cương quyết và kiên trì đòi toàn bộ thẩm quyền về lĩnh vực đầu tư, xây dựng giao thông phải nằm trong một chu trình khép kín thuộc các cơ quan hay doanh nghiệp trực thuộc bộ: quy hoạch, kế hoạch, thăm dò địa chất, xây dựng định mức, đơn giá, thi công, giám sát... đều do các cơ quan trực thuộc bộ thực hiện. Lý do được đưa ra là chỉ có bộ mới có đầy đủ “năng lực chuyên môn” và “trang, thiết bị kỹ thuật” để tiến hành. Hệ quả là định mức chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao nhất thế giới, thí dụ 100 tỉ đồng hay hơn 6 triệu đô la Mỹ/ki lô mét cho đoạn đường Cầu Giẽ - Ninh Bình. Cho đến nay, mọi yêu cầu của các bộ khác, của bên cung cấp viện trợ đều chưa phá vỡ được sự khép kín này trong thực tế. Nếu không có chế tài thì ngay cơ quan giám sát độc lập cũng khó đứng vững trước áp lực và cám dỗ của số tiền quá lớn.
Người bảo vệ mạnh mẽ nhất cho quan điểm khép kín này lại chính là bộ trưởng, thứ trưởng chứ không phải là cán bộ cấp dưới. Nếu không phá vỡ được chu trình khép kín ma quái này thì sự cộng hưởng một cách tiêu cực giữa cơ chế và cá nhân sẽ còn tiếp tục. Điều này không chỉ riêng có ở Bộ Giao thông Vận tải mà ngành nào cũng có với mức độ khác nhau mà thôi.
Vụ PMU 18 cũng cho thấy các khâu kiểm tra, thanh tra, kiểm toán do các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đều đã không phát hiện được các sai phạm lộ liễu. Rõ ràng đây không phải là vấn đề trình độ mà là trách nhiệm. Pháp luật chưa quy định trách nhiệm phải bồi thường nếu bỏ qua các sai sót, nếu cố ý không phát hiện hoặc che giấu sai phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như ở nhiều nước trên thế giới.
Nghiêm trọng nhất là việc “chạy chức”, “chạy án”, “chạy tội”, “chạy khen thưởng”... Cán bộ thoái hóa, lạm dụng tài sản, tiền vốn của Nhà nước đã không chỉ tồn tại mà còn được liên tục đề bạt vào các vị trí cao hơn, thậm chí có cả trong danh sách dự kiến đề cử vào BCH Trung ương khóa X như Nguyễn Việt Tiến. Thị trường “quan chức” hay “chợ quan” này đã được đề cập đến ở nhiều nơi song chưa được nghiên cứu làm rõ phương thức hoạt động như thế nào, bằng hình thức và phương pháp gì, ai mua, ai bán. Câu hỏi rất lớn đặt ra là tại sao cái “chợ quan” này có thể loại trừ được tất cả các khâu xét duyệt, thẩm định trong quá trình xét duyệt cán bộ, bởi có rất nhiều khâu, nhiều chuyên gia tham gia mà về lý thuyết thì khó có thể chặt chẽ hơn. Đã có dư luận là phải hình thành “đường dây” với những người trong cuộc mới có thể lọt qua được tất cả các khâu như vậy. Trong trường hợp này, cơ chế có thể cần được bổ sung thêm, song thiếu sót của con người là chủ yếu và trách nhiệm cá nhân trong việc thẩm tra, phúc tra cho từng khâu đã không được tuân thủ nghiêm túc. Chế tài luật pháp cũng chưa hề có về việc “chạy chức” nên thị trường quan chức này chưa có dấu hiệu bị ngăn chặn.
Việc “chạy án” với số tiền khổng lồ, được dàn dựng bài bản bộc lộ một thứ “mafia hợp pháp” đã hình thành từ bao giờ, hoạt động trên phạm vi khá rộng. Bọn xã hội đen còn ngang nhiên hăm dọa phóng viên ngay trước cổng cơ quan cảnh sát điều tra C14 cũng cho thấy mức độ quá nghiêm trọng của tình hình bảo vệ pháp luật.
Chính sự bất lực của khâu giám sát, của các cơ quan nhân sự và bảo vệ pháp luật đã dẫn đến nguy cơ “tham nhũng tái sản xuất ra tham nhũng”, cán bộ dùng tiền mua chức phải thu lại tiền vốn đã ứng ra để chạy chức và chắc chắn phải còn có lãi nữa.
Để chống tham nhũng, phải làm cho công chức không cần tham nhũng mà vẫn đủ sống, không dám tham nhũng vì sẽ bị trừng phạt và không thể tham nhũng vì quy định của pháp luật đủ cụ thể, công khai, minh bạch. Chúng ta phải sửa rất nhiều cả về cơ chế, quy định, thủ tục pháp luật và cả về con người để ngăn chặn sự cộng hưởng tiêu cực giữa cơ chế và con người như đã diễn ra lâu nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVăn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt