Làm thế nào để phòng chống tham nhũng nhanh và hiệu quả?
Tham nhũng là việc sử dụng sai trái quyền lực vì lợi ích riêng. Nó không chỉ diễn ra ở những quan chức, mà còn thể hiện dưới nhiều hình thức ở công chức bình thường (nhũng nhiễu, tiếp tay...) và là vấn đề bức xúc ở cả các nước phát triển và đang phát triển. “Tham nhũng gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với người nghèo vì nó làm chệch hướng sử dụng nguồn tài chính dành cho phát triển, làm suy yếu năng lực của chính quyền trong việc cung cấp những dịch vụ cơ bản, làm gia tăng sự bất bình đẳng và bất công, làm nản lòng các nhà đầu tư và viện trợ nước ngoài”.
Nguyên thủ tướng Singapore, ông Lí Quang Diệu đã tổng kết rằng, để chống tham nhũng, phải làm sao cho các công chức, quan chức không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng. Rất tâm đắc với công thức này, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, bài viết này sẽ chi tiết hóa ba điều nói trên và đưa ra cách tiếp cận nhanh hơn trong việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả ở nước ta.
1. Không muốn
Không muốn nghĩa là trong thâm tâm không có sự đòi hỏi (về tâm lí, tình cảm...) làm việc gì đó, nếu có làm chẳng qua là “bất đắc dĩ”. Để không muốn tham nhũng thì phải có hai điều kiện cơ bản:
- Trước hết, bản thân người thực thi công vụ phải là người có văn hóa mạnh - được hiểu là “hợp pháp” (sống và làm việc theo pháp luật) và “hợp lệ” (hợp với những thông lệ đạo đức của xã hội).
- Sau đó, công chức phải được thù lao theo tinh thần “trả đúng, trả đủ và trả công bằng”với những gì họ đã bỏ ra (đầu vào) so với các tổ chức điển hình tại nơi họ sống và so với mặt bằng chung của xã hội (và phải so với cả đối thủ cạnh tranh nếu đó là doanh nghiệp).
- Thêm vào đó, không ai lại đi “tham” cái của chính mình. Khi người dân ý thức được tài nguyên và môi trường là của chung chúng ta và con cháu chúng ta thì tự nhiên họ sẽ có ý thức giữ gìn hơn và có cảm giác xót xa khi nhìn thấy nó bị xâm phạm. Làm được điều này trong phạm vi xã hội là “hơi khó” song không phải là không làm được.
2. Không thể
Về nguyên tắc, có thể làm yếu hay vô hiệu hóa khả năng tham nhũng thông qua hai công cụ chủ yếu: cơ chế quản lí và bộ máy quản lí (cơ cấu tổ chức)!
2.1. Cơ chế quản lí: Là cách tiến hành (thực hiện) một công việc lặp đi lặp lại. Một doanh nghiệp, từ khi sinh ra đến khi mất đi phải qua rất nhiều “cửa” thủ tục: chứng nhận điều kiện kinh doanh, cấp dấu doanh nghiệp, cấp mã số thuế, mua hóa đơn đỏ, kê khai thu nhập và thuế VAT, kê khai tài chính năm, đấu thầu, xuất nhập khẩu... Cách thức tiến hành những công việc này được lặp đi lặp lại với mọi doanh nghiệp và được hiểu là cơ chế quản lí. Một cơ chế gồm:
• Thủ tục(Procedures): Qui trình thực hiện một công việc (bước 1, 2, 3...)
• Qui tắc (Rules): Qui định phải làm gì và không được làm gì trong qui trình trên.
• Chính sách (Policies): Hướng dẫn cho việc ra quyết định khi giải quyết việc trên.
Ta hãy hình dung một hành khách thực hiện chuyển bay Hanoi-Paris sẽ phải đi qua một loạt các thủ tục như: check in hành lí, kiểm tra an ninh hành lí xách tay, thủ tục xuất cảnh... Mỗi thủ tục đều có các qui tắc riêng của nó (check in hành lí gửi nặng không quá 20kg và tổng chiều dài 3 cạnh của hành lí không quá 150cm; check in hàng xách tay không quá 10kg với tổng chiều dài ba cạnh của hành lí không vượt quá 120cm, không có những đồ sắc (dao, kéo...)...
Thủ tục và qui tắc là “phần cứng” buộc mọi người trong hệ thống phải tuân theo, còn chính sách là “phần mềm” giúp cho thủ tục và qui tắc trở nên mềm rẻo, linh hoạt. Điều này giải thích tại sao dòng hàng khách với số lượng hành lí, cân nặng, kích cỡ khác nhau... nhưng cuối cùng vẫn “qua” và đều cảm thấy hài lòng với chuyến bay. “Một Nhà nước tốt là một Nhà nước quản lí ít nhất, nếu không làm được vậy thì cố gắng làm ít đi”
Nhưng bằng cách nào? Thông qua cơ chế quản lí! Vậy, thế nào là một cơ chế tốt? Cơ chế tốt là cơ chế, trong đó các thủ tục, qui tắc, chính sách phải:
- Rõ ràng (không thể hiểu sai nghĩa, không thể lập luận nước đôi), đơn giản, ngắn gọn, công khai, nhưng lại rất chặt chẽ (không có kẽ hở nên khó mà “lách” được).
- Hướng vào khách hàng thay cho việc đơn thuần hướng vào bản thân - nghĩa là cơ chế “vì dân phục vụ”, thỏa mãn một cách tốt nhất những nhu cầu chính đáng của nhân dân. Hiện nay, khi khách hàng tới một ngân hàng để lĩnh một khoản tiền tiết kiệm (đã trải qua nhiều kì với mức lãi suất khác nhau), khách hàng đó sẽ phải kí nhiều thứ giấy tờ, thậm chí phải kí và ghi rõ họ tên trên tờ giấy nói rằng khách đã nhận bao nhiêu tờ từ 500 ngàn cho tới 1 ngàn đồng Việt Nam, và đổi lại, khách hàng không nhận được bất kì một tờ giấy gì từ ngân hàng (số tiền gốc bao nhiêu, gửi từ bao giờ, đã trải qua bao nhiêu kì, lãi suất từng kì, tổng lãi là... để về nhà đối chiếu lại), thậm chí không phong bì hay túi đựng tiền và không cả lời cám ơn. Đủ thấy rằng, cơ chế này đã hướng vào “mình” (an toàn cho ngân hàng) và quên khách hàng đến như thế nào.
- Yếu tố nhiễm bẩn nhất - đó là những yếu tố có nguy cơ làm tha hóa con người. Những cơ chế đã bị phê phán nhiều như cơ chế “xin cho”, cơ chế “qua sông lụy đò”, cơ chế “ném đá giấu tay”, “biết điều thì con voi cũng lọt, không biết điều thì con kiến cũng chẳng qua” là những ví dụ cụ thể của những cơ chế có những yếu tố nhiễm bẩn...
- Linh hoạt và đạt được mục tiêu quản lí -Nếu đem những chuẩn mực này mà soi vào một loạt các thủ tục “cổ phần hóa DNNN”, thủ tục “cấp sổ đỏ, sổ hồng”... thì thấy ngay rằng chúng đều vi phạm nghiêm trọng những yêu cầu trên. Có cảm giác như mục tiêu đề ra (đi về hướng Đông) nhưng thủ tục, qui tắc, chính sách... đều khuyến khích đối tượng đi chệch hướng (Đông Bắc, Tây Bắc, đôi khi là đi về hướng Tây) và với vận tốc của con “rùa”. Từ những thập niên 80 của thế kỉ trước nổi lên một nghề được trả lương rất cao - đó là “cơ cấu lại” tổ chức. Cơ cấu lại bắt đầu từ việc xem xét lại những qui trình theo các yêu cầu như vậy.
Cơ chế nằm ở đâu? ở thế chế! Điều này giải thích tại sao khi thực hiện cải cách hành chính bắt đầu bằng “cải cách thể chế”.
2.2. Bộ máy quản lí. Bộ máy do qui trình tiến hành công việc qui định.
Một khi qui trình đã được cơ cấu lại như trên cộng với nguyên tắc “qui về một đầu mối” thì đương nhiên phải dẫn đến cơ cấu lại bộ máy theo tinh thần tinh giản, gọn nhẹ và có hiệu quả - sẽ hạn chế được đáng kể tình trạng “trên bảo dưới không nghe, trên nói một đằng dưới làm một nẻo”. Điều quan trọng không kém khi thiết kế lại bộ máy là “quyền phải tương đương với trách nhiệm” - quyền nghĩa là quyền hạn và quyền lợi.
Chúng ta đều biết nếu quyền > trách nhiệm: nhẹ là lạm quyền mà nặng thì sinh ra những chuyện thoán nghịch. Quyền < trách nhiệm thì gọi là “quyền rơm vạ đá” và không ai lại phải đi chịu trách nhiệm với cái thứ mà người ta không có quyền.
3. Không dám
Phải làm sao để từng người thực thi công vụ hiểu rõ cái giá phải trả (vô hình và hữu hình) sẽ nặng như thế nào nếu có hành vi không lành mạnh.
4- Thế đến bao giờ mới thực hiện được ba điều kiện trên?
Một câu hỏi hiển nhiên. Vì chúng có liên quan tới cải cách thể chế trong mọi bước của qui trình cán bộ: tuyển chọn, định hướng, đào tạo và phát triển, đánh giá thực hiện công việc, chính sách nhân sự và cải cách tiền lương... đòi hỏi phải có thời gian và không có lẽ trong khi cải cách thì các tiêu cực vẫn mặc nhiên tồn tại?
Việc ngăn chặn nhanh chóng hành vi tiêu cực phải bắt đầu từ “không dám” (nghĩa là hiện nay mọi cái ít nhiều đều “có thể” đấy nhưng “không dám làm”. Điều này gợi cho tôi nhớ tới hình ảnh giao thông công cộng tại các nước phát triển ở Tây Âu. Ví dụ, tại Viên (hơn cả Roma và Paris), người dân có thể ra vào các phương tiện vận chuyển công cộng (tàu điện ngầm, ôtô buýp, ôtô điện, tàu điện, tàu hỏa cao tốc... mà không gặp bất kì rào chắn nào (lên xuống tự do như đi trên đường phố), song chính những người Việt Nam sống ở đó đã khuyến cáo rằng: “Nếu bạn quên không mang theo vé tháng theo người thì thà đi bộ còn hơn là liều lên xe”. Sẽ luôn có người kiểm tra (bất kì lúc nào, khi nào) và nếu bị phát hiện sẽ bị phạt gấp 70 lần (vé là 1 euro, sẽ phải trả là 70 euro, tương đương khoảng gần 1,5 triệu VNĐ) và tất nhiên sẽ “rất xấu hổ” trước mặt người khác.
Cho nên chống hành vi tiêu cực trong xã hội không phải là quá khó, quá lâu. Cụ thể là:
- Nên bắt đầu bằng tư duy cho rằng xã hội ta được xây dựng trên giả định mọi người đều là công dân tốt. Vậy hãy tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hàng ngày của người dân và tổ chức. Ví dụ, khi một doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng để phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, không cần phải bật nắp công tay nơ lên để kiểm tra, mà cho thông quan nhanh nhất (vì chúng ta tin nhau).
- Thực hiện chế độ “thông tin mở” (open information) bằng cách “cho dân biết để dân kiểm tra” (dân là những người bình thường trong và ngoài tổ chức). Thông tin mở là nguyên tắc của một tổ chức và xã hội học tập (learning organization) - nghĩa là phải công khai hóa tất cả các qui trình, qui tắc, chính sách và minh bạch hóa - làm giữa “thanh thiên bạch nhật” mọi vấn đề trong phạm vi có thể, nhờ đó mà mọi người có thể dễ dàng nhận biết được hành vi sai trái.
- Khi hành vi sai trái bị phát hiện và được chứng minh thì đối tượng vi phạm sẽ bị “thân bại danh liệt” trước khi chờ bị “khuynh gia bại sản” (tùy vào mức độ vi phạm). Một luật sư, nếu bị phát hiện ra dùng tiền để mua chuộc nhân chứng sẽ bị tước ngay giấy phép hành nghề
. Một giáo viên đại học nếu bị chứng minh đã trích lục tài liệu mà không chú dẫn theo qui định cũng sẽ không được trốn thuế là 1 tỉ sẽ bị phạt 5 tỉ và có hiệu lực ngay lập tứ, nếu không đủ tiền nộp thì phải lao động “công ích” tới khi trả đủ thì thôi. Nên trích từ quĩ thu hồi một tỉ lệ thỏa đáng để “trả ơn” cho người có công phát hiện (số tiền phải đủ lớn để khuyến khích hành vi mạo hiểm này) và cũng trích tỉ lệ nhất định vào “quĩ bảo vệ nhân chứng” theo tinh thần “lấy mỡ nó rán nó”.
- Xã hội thông tin: Sử dụng thông tin như một công cụ lợi hại để trừng trị vô hình những người có hành vi gian lận. Cần công khai hóa danh sách và mức độ sai phạm của những doanh nghiệp, cá nhân khi có những hành vi sai trái: gian lận thuế, làm ô nhiễm môi trường, tiếp tay kẻ xấu, nhận hối lộ...
Có lẽ, “thông tin mở” trong một “xã hội học tập” là biện pháp dễ thực hiện nhất, nhanh nhất và có hiệu quả to lớn trong việc ngăn chặn tiêu cực trong xã hội trong khi chờ đợi hoàn thiện những điều kiện “không muốn” và “không thể”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt