Chống tham nhũng - Hãy vận dụng mạnh mẽ yếu tố tâm lý

08:26 CH @ Thứ Hai - 06 Tháng Ba, 2006

Mấy chục năm nay, tham nhũng không hề thuyên giảm. Thậm chí có nơi, có lúc nó còn trầm trọng hơn, xuất hiện nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn và có tổ chức hơn.

Theo chúng tôi, cùng với việc hoàn thiện và nâng cấp các biện pháp phòng chống nạn tham nhũng, nhà nước rất nên nghiên cứu kỹ hơn đặc thù của tệ nạn tham nhũng Việt Nam.

Nội dung mấu chốt của đề xuất này là Nhà nước không nên để nguyên xi một "cơ cấu tham nhũng" lan tràn quá đông đảo như hiện nay để thực thi đồng loạt các "liệu pháp chữa bệnh nan y".

Vì như vậy, sức đề kháng của lực lượng tham nhũng càng mạnh mẽ, thủ đoạn lẩn tránh, chống đỡ lại pháp luật càng tinh vi hơn.

Cứ loanh quanh, chúng ta vẫn rơi vào tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, hiện tượng "bố dậy con, thường vừa đánh vừa xoa", "thương một bộ phận nhỏ làm hại cả dân tộc".

Về cái riêng có

Nạn tham nhũng ở nước ta được hình thành và phát triển theo một số đặc thù riêng như ngoài động cơ lòng tham của con người nói chung, phần quan trọng là do đời sống quá khó khăn sau chiến tranh, do cơ chế quản lý quan liêu bao cấp tạo ra và quá trình chuyển đổi mò mẫm kéo dài.

Trong suốt những năm tháng của thế kỷ trước, khi lương không đủ sống, hầu như không một cán bộ, nhân viên nhà nước nào không được hưởng những khoản hỗ trợ của tập thể dưới những hình thức không chính tắc, không được ghi trong luật, hoặc các văn bản pháp quy của nhà nước, từ các nguồn có bản chất là tài sản hoặc ngân sách của nhà nước.

Những biện pháp cải thiện đời sống, tự cứu mình, trước khi trời cứu, gia đình chủ nghĩa, được chính quyền và đoàn thể khuyến khích khi đó, tồn tại quá lâu dài.

Các biện pháp khuyến khích ấy trên thực tế không có giới hạn về hình thức, mức độ và thời gian, dần dần dẫn đến quá trớn, trở thành sai phạm phổ biến. Tham nhũng mau chóng hoành hành, từ chỗ là sai phạm cá nhân lẻ tẻ, nhanh chóng trở thành tệ nạn quá rộng rãi, mang tính tập thể, tính xã hội.

Số người có quyền lợi dụng tình trạng vừa nêu - quá giới hạn được phép về quy chế, và về đạo lý - để mắc tội tham ô, quá nhiều.

Số người lợi dụng quyền lực và vị thế công tác của mình để "cải thiện đời sống" một cách quá đáng, trở thành tham nhũng cũng quá lớn.

Đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường (định hướng XHCN) trong điều kiện chưa đủ luật lại càng là dịp tốt cho một số lượng, khá lớn, cán bộ nhà nước lợi dụng tình trạng lộn xộn trong xã hội để làm giàu phi pháp.

Thậm chí có quan niệm, ai nghiêm chỉnh, không biết khai thác cái lộn xộn để làm giàu là loại ngu xi đần độn. Bệnh tình không được ngăn chặn từ đầu cứ ngày càng xô đẩy, lôi cuốn người ta lao vào tội lỗi, từ nhỏ nhặt, đến trầm trọng.

Phải thừa nhận rằng, biên giới giữa cái hợp lý, cái bất hợp lý với cái tham ô, tham nhũng trước đây có rất nhiều chỗ không rõ ràng.

Trừ những người cố tình dùng thủ đoạn, mưu mô một cách trắng trợn để bòn rút số lượng lớn tài sản nhà nước, tạm gọi là loại tham nhũng có chủ ý, còn lại chủ yếu là những người sai phạm.

Lúc đầu, họ không thực sự cảm nhận được mình bị lôi cuốn vào việc lợi dụng sơ hở của luật pháp mà phạm vào tội tham nhũng, ta tạm gọi là tham nhũng không cố ý.

Những cán bộ, nhân viên nhà nước tham nhũng không cố ý nói trên và trở nên rất giàu có là quá nhiều.

Họ trở thành lực cản và cùng hình thành cái đỉnh của bức tường cản lại các biện pháp phòng chống tham nhũng (một cách tinh vi) nếu những biện pháp như kê khai tài sản, xử phạt nặng "đến mức phải sợ" mà không tính đến yếu tố "tình ngay, lý gian" lịch sử của vấn nạn.

Hãy quan sát xem, biết bao nhiêu đại biểu Quốc hội và UV TW Đảng lo lắng về việc các cán bộ nhà nước phải kê khai và công bố tài sản.

Cán bộ của ta nói chung là những người có lòng tự trọng, có truyền thống cách mạng. Cán bộ càng cao, lòng tự trọng càng lớn.

Họ không muốn bản thân bị liệt vào nhóm người tham nhũng cố ý. Hơn nữa họ cũng có lòng nhân đạo.

Trong khi đất nước và nhân dân nói chung còn bao khó khăn như bị thu hồi đất (nguồn sống duy nhất), chưa có việc làm, giải toả đền bù không đủ tạo chỗ ở mới. Trầy trật lắm, họ mới vay được ngân hàng vài trăm ngàn đồng, thậm chí trước đây chỉ 50.000 đồng, bằng một bữa sáng của con cái những đại gia tham nhũng, để phát triển sản xuất cho cả một gia đình.

Rồi lũ lụt, dịch bệnh, v.v... và v.v... Chính các cán bộ lãnh đạo biết rõ hơn ai hết rằng đất nước ta đang tụt hậu tương đối so với các nước lân cận.

Vinh quang và danh dự nước ta, một thời vang dội khắp năm châu, đang bị bôi nhọ nhiều mặt, mà tệ nạn bóng đá, cá độ chỉ là một số ít ung nhọt xã hội bị lòi ra sớm hơn mà thôi.

Vừa qua có một số cán bộ được "của trời cho" tự giác trả lại công quỹ những món quà biếu, lại quả quá lớn, những lô đất được cấp hữu nghị, đồng loạt không đúng tiêu chuẩn, kể cả từ kết quả của những "phong trào làm giàu" tuy đúng luật nhưng vì luật rất sơ hở do nhiều khi còn bị lợi dụng ngay trong khi làm luật.

Xuất hiện những tấm gương trả lại công quỹ phần phi lý nói trên. Nhưng vì chưa được Đảng và Chính phủ quan tâm khuyến khích (có thể có người sợ làm như vậy, họ sẽ phải làm theo) để trở thành phong trào, các hành động rất đáng hoan nghênh loại này cứ tắt dần.

Nếu chống tham nhũng, đặc biệt là chống những biểu hiện tham nhũng không cố ý, bị động, xảy ra trong suốt nhiều năm qua, chúng ta biết chú ý phát huy, khơi dậy mặt tích cực vốn có nằm trong tâm hồn, bản chất con người, trong cán bộ, đảng viên, rất có thể, chúng ta sẽ giảm được rất nhiều sự chống đối, hạn chế tối đa xung đột xã hội và tác hại của những luận điệu tuyên truyền nói xấu chế độ (móc túi bóp hầu, bóp cổ dân, cướp không ruộng đất của dân).

Có thể vận động thực hiện một quan niệm hiện đại về "để của lại cho con cái, đời sau".

Giống như phương Tây hiện nay, "Nuông chiều và để quá nhiều của cho con cái sẽ làm hại con. Tài sản sau khi cha mẹ chết, phần dư thừa hợp lý, chủ yếu được hiến cho nhà nước và cho các tổ chức từ thiện".

Mặt khác, sau này, cũng như các nước, do tài năng, công sức chính đáng mà giàu có, người ta rất tự hào khoe lên báo chí với thiên hạ sự giàu có chính đáng của mình.

Nếu nước ta không triệt phá được tệ tham nhũng quá trớn như hiện nay, bao giờ dân ta mới có được phong cách sống công khai, văn minh như vậy.

Đã là người tử tế, không ai muốn sa vào vòng tội lỗi để bị luật pháp trừng phạt.

Do đó, cùng với vận động mặt tích cực, nhà nước cần phải nghiêm khắc, cứng rắn răn đe.

Một mặt, phải công bố dứt khoát rằng nhà nước cương quyết có những biện pháp mạnh mẽ, trừng phạt rất nặng (tương tự như ở các nước đã chống tham nhũng có kết quả).

Mặt khác, nhà nước cũng không ngại ngần cảnh báo cho mọi người về một cuộc nổi dậy của dân chúng chống tham nhũng (không phải là không thể có, vì các điều kiện chính trị-xã hội đã mấp mé ở ngưỡng của một cuộc nổi dậy chống tham nhũng như vậy).

Như vậy, nhà nước thúc đẩy người ta lo tính làm sao tránh bị liệt vào loại tham nhũng cố ý, để khỏi bị rơi vào đối tượng của cơn phẫn nộ của nhân dân nói trên.

Hãy làm cho cơn thịnh nộ thiếu kiềm chế của quần chúng chống lại sự bất công xã hội, từng xảy ra ở một số nơi, không thể tiếp tục xảy ra.

Các biện pháp mạnh của luật pháp lúc đó chỉ còn rơi vào một số ít những kẻ tham nhũng cố tình chống lại pháp luật và đạo lý.

Ra tay sớm ngày nào hay ngày ấy
2.1 - Phát động một cuộc vận động lớn trong toàn Đảng, toàn dân "Hiến tài sản xây dựng đất nước" (như tuần lễ vàng năm 1946 nhằm vào các nhà tư sản địa chủ yêu nước).

Trước khi Luật Phòng chống Tham nhũng có hiệu lực thi hành, trước khi thực thi các biện pháp kê khai tài sản, trừng phạt cứng rắn, mạnh mẽ, nhà nước cần phải có biện pháp hữu hiệu để phân biệt và cách ly đông đảo cán bộ, nhân viên nhà nuớc giàu lên một cách phi lý nhưng không cố ý sai phạm, như đã nói ở trên (số này quá nhiều dù không phải tất cả mọi cán bộ, nhân viên nhà nước).

Nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để những người tham nhũng bị động (không cố ý, không mưu mẹo, không xoay sở, thủ đoạn) có thể tự tách mình ra bằng cách tham gia một cuộc vận động lớn "Tự lấy lại lòng tin của dân", "Tự nguyện cống hiến" cho nhân dân (thông qua nhà nước) của cải, tài sản đã tích tụ được một cách phi lý, không do tài năng, sức lao động thật sự hoặc không do tiêu chuẩn, chế độ nhà nước cho phép mà có được.

Chúng ta hãy giúp các cán bộ nhẹ dạ, cả tin (ví dụ, chót nghe theo những cán bộ tham nhũng cố ý), lấy lại danh dự và lòng tin của Đảng và của nhân dân.

Nhìn toàn cục cuộc cách mạng của nước ta, chúng ta thấy một sự phi lý, đảo ngược lý tưởng, mục tiêu đó. Rất nhiều cán bộ nhân viên nhà nước cách mạng sau giải phóng Miền Nam chỉ sống bằng đồng lương không đủ nuôi gia đình. Thế mà chỉ sau 10-15 năm đổi mới, không tham gia sản xuất kinh doanh gì, họ trở thành giàu có như địa chủ, tư sản.

Đương nhiên phong trào "Tự nguyện hiến trả" cũng cần có nghiên cứu tổ chức, có quy chế định mức hướng dẫn. Ví dụ một cán bộ có tài sản tiền mặt do ăn may hoặc tham nhũng cố ý là 10 tỷ đồng nên động viên họ cung tiến cho công quỹ xây dựng đất nước sáu đến bảy tỷ đồng. Một cán bộ có trên 1.000 m2 đất thừa, dăm căn hộ quà biếu, có thể cung tiến cho công quỹ lấy 2/3 số đó, v.v...

Những hành động hiến trả như thế có lẽ bền vững hơn, tránh xáo trộn hơn so với biện pháp cực đoan, hà khắc như một số đại biểu quốc hội đề cập bằng cách tịch thu.

2.2 - Chỉ triển khai kê khai tài sản sau khi kết thúc phong trào (có thời hạn) "Hiến tài sản xây dựng đất nước". Sau khi vận động triển khai đại phong trào "Tự nguyện hiến tài sản" thắng lợi, nghĩa là đã tạo điều kiện rất thuận lợi, có lý, có tình cho những người tham nhũng bị động thể hiện thực chất con người chân chính và nhân đạo của mình, lấy lại danh dự và lòng tin trong nhân dân, lúc bấy giờ nhà nước mới thực sự kê khai tài sản và gò vào Luật Chống Tham nhũng một cách cứng rắn.

Từ thời điểm đó, các cán bộ đó phải kê khai cho thật nghiêm túc và niêm yết công khai.

2.3 - Những hình phạt tham nhũng làm ai cũng sợ. Ví dụ:

1/ Tịch thu hết phần tài sản bất minh không khai báo. Sau đợt vận động "Tự nguyện hiến tài sản", ai trong diện cần kê khai tài sản mà không kê khai đúng và đủ tài sản của mình, bị phát hiện sẽ bị nhà nước tịch thu hết phần không kê khai đó sung vào công quỹ.

Hơn thế, người đó còn bị phạt nặng vì đã vi phạm pháp luật. Không phạt nặng, người ta vẫn không tự nguyện khai báo hết tài sản. Họ cho rằng, nếu bị phát hiện, lúc đó tài sản của họ mới bị tịch thu và, như vậy, xác suất trốn thoát đạt 50%. Nếu có vào tù, họ vẫn còn đủ tiền hưởng dịch vụ hoàng gia trong tù.

2/ Phạt tham nhũng bằng kinh tế thật nặng. Đối với tham nhũng mới, liều thuốc đặc trị là đòn kinh tế. Ngoài thu hồi, nhà nước cần phạt nặng, thậm chí gấp đôi, gấp ba số tài sản tham nhũng.

Làm như vậy, nhà nước sẽ tránh được tình trạng lì lợm đến mức kẻ tham nhũng sẽ làm con toán kinh tế, nếu không bị phát hiện, sẽ được cả, nếu bị phát hiện, chỉ mất một phần (tương tự hiện tượng phạt chở hành khách quá định mức, chở quá một người thu được cả vé, ví dụ 70.000 đồng. Nếu công an phát hiện thì chỉ bị phạt 10.000 đồng, vẫn lãi 60.000 đồng. Cách phạt đó không ngăn chặn được vi phạm.

Trên thực tế, có những người tham nhũng hàng tỷ đồng, vào tù vẫn được em út nuôi tử tế, chế độ phòng giam dịch vụ hoàng gia thật sang.

Sau khi ra tù, họ vẫn còn khá nhiều tiền của để tiêu xài. Những năm qua, số quan tham nhũng cố ý mới không hề giảm.

3/ Những người tham nhũng cố ý còn ngoan cố và mới xuất hiện, cùng với thu hồi tài sản và phạt nặng, cần bị ghi vào lý lịch như một tội phạm.

Biện pháp này sẽ tạo sức ép ngay từ bên trong gia đình, từ con cái mọi cán bộ nhà nước

2.4 - Cần thưởng đích đáng người có công chống tham nhũng. Đây cũng cần được coi là một liệu pháp mạnh, không thể né tránh.

Chẳng hạn trong ngành cảnh sát giao thông (CSGT), khen thưởng đích đáng theo tỷ lệ tiền phạt đã khuyến khích CSGT hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đạt hiệu quả.

Chống tham nhũng còn khó hơn, thậm chí nguy hiểm hơn. Với động lực do nhà nước tạo ra vẫn yếu ớt như thời gian vừa qua, dù có luật, nhà nước cũng khó thu được kết quả mỹ mãn.

Để tạo phần thưởng đích đáng, mạnh mẽ tương xứng với bên hình phạt, nên chăng có thể nâng tỷ lệ thưởng từ 10 đến 30% tiền tài sản thu hồi. Trong trường hợp đó, công quỹ (nhân dân) không những thu lại được từ 70 - 90 % tài sản của mình mà còn tạo được sự trong sạch, đoàn kết, ổn định xã hội. Nghĩa là cái được còn to hơn nhiều.

Chờ đến bao giờ

Để có thể mạnh dạn thực thi sáng kiến này, tôi đề nghị thống nhất một nhận định khái quát rằng, sự ổn định chính trị - xã hội nằm trong tay từ 80 đến 85 % dân chúng, những người không muốn tệ tham nhũng trầm trọng như hiện nay tiếp tục phát triển.

ổn định chính trị - xã hội không phụ thuộc sự vừa lòng hay không của một bộ phận nhỏ dân cư, trong đó bao gồm những người liên quan trực tiếp và cả gián tiếp chịu ảnh hưởng không thuận lợi bởi thực hiện sáng kiến này.

Vì vậy, những ai tâm huyết, lo lắng về sự mất ổn định chính trị - xã hội nên hết lòng ủng hộ việc thực hiện sáng kiến nói trên.

Sau khi đạt thắng lợi trong cuộc đại vận động "Tự nguyện hiến tài sản xây dựng đất nước" (chủ yếu, chứ không chỉ của những địa chủ, tư sản kiểu mới, không do tài năng và sức lao động của chính mình mà thành), và tôn vinh thích đáng những vị hảo tâm, yêu nước này, xã hội ta sẽ bớt đi một gánh nặng tâm lý, trút bỏ được sự phân vân sai đúng, sự nghi ngờ cán bộ lung tung không phân biệt trắng đen trong dân cư do lịch sử để lại.

Nhà nước, vì thế, cũng sẽ dễ dàng thực thi Luật Phòng chống Tham nhũng, tránh được những hiểm hoạ tiềm tàng cho dân tộc.

Có làm được như thế, mới hy vọng mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn đại đoàn kết toàn dân thực sự, tập trung được toàn bộ sức lực của đất nước cho phát triển bền vững.

Nhân dân ta, bằng cuộc vận động này, sẽ lại một lần nữa "làm nên lịch sử hào hùng", tạo ra một Điện Biên Phủ mới trong thời bình.

Có thể nói, cải cách thể chế chính trị là điều kiện tiên quyết để đất nước có thể phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao, chống được cái nhục lạc hậu và để đuổi kịp.

Còn chống tham nhũng thành công là điều kiện tiên quyết để ổn định chính trị xã hội, củng cố vững chắc nền tảng chính trị cho sự phát triển tốc độ cao và bền vững.
Nguồn:Netnam
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Suy đoán vô tội và suy đoán có tội

    03/05/2014Đoàn Tiểu LongChống tham nhũng dễ hay khó? Nhiều người nói rằng khó vì rất khó có được bằng chứng nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ để trục lợi một cách tinh vi. Đó là nguyên nhân vì sao dư luận kêu ca nhiều, nhưng số vụ đưa ra xét xử lại vô cùng ít...
  • Tham nhũng và tham nhũng tinh thần

    29/11/2011Nguyễn Trần BạtNếu như chống tham những vật chất có mục đích là làm trong sạch đời sống xã hội thì chống tham nhũnng tinh thần có nhiệm vụ là chống lại sự rủi ro đối với sự phát triển của nhân loại.”
  • Hiểm hoạ của nghịch lý

    02/03/2006TS Nguyễn Đức MậuCó một số quan chức hôm qua xuất hiện ở những nơi sang trọng, xuất hiện trên báo chí và được đánh giá như những cán bộ có nhiều năng lực và mẫu mực, thế nhưng hôm nay lại bị khởi tố, bắt giam vì tham nhũng. Nghịch lý kiểu này mang đầy hiểm hoạ đối với xã hội.
  • Truy lùng tiền đen

    20/02/2006Tiền, một mặt là máu tốt nuôi sống nền kinh tế nhân loại, mặt kia lại như thứ máu xấu, đầy virus phá hoại dần mòn cơ thể ấy, khi những đồng tiền bẩn cùng chảy chung trong hệ tuần hoàn tài chính. Cá thể giới đang lần theo dấu vết và thanh lọc những tội phạm “rửa tiền”...
  • Giải mã tham nhũng

    26/12/2005Thanh Vũ"Chân dung" tham nhũng đã được nhìn thấy rõ hơn, "địa chỉ” tham nhũng phổ biến nhất cũng được xác định qua kết quả điều tra xã hội học có tên “Nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng” do Ban Nội chính Trung ương thực hiện lần đầu tiên được công bố. Lại thêm một thái độ cương quyết trong víệc phòng chống quốc nạn này mà các thông tin công khai vào cuối tháng11 qua là một sự kiểm chứng sòng phẳng...
  • Chống tham nhũng cần nhìn thẳng vào sự thật

    29/11/2005Đỗ Quang ĐánVấn đề đặt ra là lũ tham nhũng này đang ẩn khuất ở đâu? Chân dung, diện mạo của chúng thế nào mà khuynh đảo đất nước ghê gớm thế?
  • Tham nhũng - vấn đề của phát triển

    11/10/2005Trần Ngọc ThơMức độ tham nhũng ở VN trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu không giống xu hướng chung so với các nước có cùng trình độ phát triển....
  • Những bộ mặt của tham nhũng

    07/10/2005Ngô Tự LậpMặc dù "tham nhũng" là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều và tham nhũng là vấn đề đau đầu của mọi quốc gia, ở mọi thời đại, cho đến nay người ta vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho nó. Lý do là tham nhũng được tiếp cận từ nhiều quan điểm khác nhau, từ kinh tế, đạo đức, tôn giáo đến chính trị, xã hội và giai cấp, và các quan điểm này lại mang nặng dấu ấn lịch sử và cá nhân...
  • Giải pháp góp phần tích cực phòng và chống tham nhũng

    17/08/2005Trọng DânCó thể nói, nếu luật về phòng và chống tham nhũng, lãng phí ra đời, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đã phải sử dụng tới hình thức pháp lý cao nhất, một "đòn phép" tối hậu...
  • Toàn dân hiến kế chống tham nhũng

    21/07/2005Đỗ Lê TảoHôm nay (ngày 20.7), dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể quần chúng... Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XI thì tình hình tham nhũng hiện nay của nước ta đang diễn ra rất phức tạp, trong nhiều lĩnh vực, có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng...
  • Xoá bỏ những lãnh địa riêng

    19/07/2005Luật gia Cao Bá KhoátTrước hết, cạnh tranh có ý nghĩa nhân văn vì cạnh tranh thì người tiêu dùng được lợi, doanh nghiệp phải điều tiết lợi ích, chia sẻ cho người tiêu dùng. Có cạnh tranh thì phải có biện pháp chống độc quyền. Vì độc quyền thì người tiêu dùng bị coi rẻ, cạnh tranh thì khách hàng là thượng đế, được doanh nghiệp chăm sóc tận tình.
  • xem toàn bộ