Trừ lạm quyền để chống tham nhũng
´ Thưa, khi ông viết "Dân chủ là xu thế hiện nay không cưỡng lại được", ông có nghĩ dân chủ là sản phẩm của phương Tây?
- Dân chủ là xu thế không cưỡng lại được, không phải vì đó là sản phẩm đến từ Mỹ, từ phương Tây, hoặc từ quốc gia nào đó (như có người nghĩ vậy), mà vì đó là nhu cầu căn bản đến từ người dân, nghĩa là từ bên trong. Tôi nói thêm : Đây không phải là nhu cầu bức xúc của một thiểu số có học hay là trí thức; người dân nào cũng cảm thấy như vậy.
Tại sao ư? Tại vì người dân ở đâu cũng có liên hệ với chính quyền, và quyền hành thì bàng bạc khắp nơi, từ thị thành đến thôn xóm, hễ có chức thì có quyền, và có quyền thì rất dễ lạm quyền. Mục đích của dân chủ không phải là để đối kháng với quyền lực, mục đích của dân chủ là để tránh lạm quyền. Tránh lạm quyền là vừa để giúp người dân, vừa để giúp cả chính quyền. Bởi vì một chính quyền không lạm dụng quyền lực là một chính quyền tốt. Một chính quyền tốt thì dân ủng hộ. Đừng cần đặt vấn đề dân chủ đến từ phương trời nào, sự lạm dụng đến từ trong bản chất của quyền hành.
´ Nhưng tại sao ông nói đó là xu thế hiện nay?
- Bởi vì ngày trước, lạm quyền không tạo ra cái cớ để bên ngoài xía vào can thiệp. Bên ngoài xía vào thì thời nào cũng có, và hễ muốn xía vào thì tạo ra cớ để biện minh cho các hành động ngang ngược của họ. Nhưng khác nhau là ở chỗ, ngày nay họ tạo ra được như là "tính chính đáng" cho hành động can thiệp của mình. "Tính chính đáng" đó lại càng ngày càng đi vào tập tục quốc tế, và ngay cả nước nạn nhân của can thiệp cũng khó thể bác bỏ trên nguyên tắc. Nói cách khác, xu thế của thời đại bây giờ là bên ngoài thường viện ra cái gọi là "tính chính đáng" để chính đáng hoá một hành động mang tính bá quyền. Bản chất của mọi hành động "can thiệp về nhân quyền" là như vậy.
´ Và xu thế đó là không cưỡng được?
- Không có gì cưỡng được khi xu thế ở bên ngoài dựa vào xu thế tự nhiên ở bên trong. Một bên là tấn công, một bên là chống đỡ. Vấn đề nhức nhối là: Tại sao phải đặt mình vào thế ngược, thế mất, thế chống đỡ, thế thụ động? Tại sao không quật cường lên biến thủ thành công? Cách duy nhất để đánh cho bọn can thiệp cụt giò là không cho nó có đất đứng, tức tạo cơ chế tránh lạm quyền.
´ Chính quyền ở nhiều nước Châu Á đã thành công trong việc đem lại phồn thịnh về kinh tế, kết quả tích cực đó có thể là những mô hình để tham khảo?
- Câu trả lời nằm ngay trong thực tế. Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan là những chính thể mà nhà báo muốn nói tới. Tất cả những nước đó đều đã đi lên, đang đi lên, hoặc có dấu hiệu đi lên. Họ chủ động đi lên, cho nên đi lên có trật tự. Singapore là nước có chính thể được gọi là "cứng rắn". Nhưng họ đang làm gì? Họ luôn luôn sửa đổi, chấn chỉnh để tránh lạm quyền. Đó là nước ít tham nhũng nhất. Bị động như Indonesia thì chúng ta đã thấy hậu quả mà họ đang phải gánh chịu.
´ Có phải ông cho rằng mọi lý thuyết của phương Tây cũng nằm trong "túi khôn" của Nguyễn Trãi: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; quân điếu phạt trước lo trừ bạo"?
- Đứng về mặt triết lý mà nói, tôi cho "nhân nghĩa" có vị trí cao hơn các khái niệm ứng xử khác. Phương Đông có một quan niệm về nhân nghĩa rất cao, chỉ tiếc là thiếu lý thuyết gia để khai triển và áp dụng quan niệm đó vào thực tế chính trị. Phương Tây thì đã triển khai quan niệm nhân quyền từ mấy thế kỷ rồi. Về văn hoá, ta thường bị động là vì vậy. Nhưng Nguyễn Trãi vừa rất cao, vừa rất thực tế. Ông áp dụng khái niệm nhân nghĩa vào đời sống chính trị, xã hội: Chủ yếu của nhân nghĩa là "yên dân". Ông đặt dân lên cao nhất, làm đối tượng của chính trị. Và ông nhắm đúng nhu cầu của dân: Yên lành, yên vui, yên ổn. Đói, chắc chắn là không yên. Rét, cũng không yên. Trộm cướp, loạn lạc, cũng không yên. Tất nhiên tham nhũng lại càng không yên. Tham nhũng thì không ai "yên" cả, kể cả người tham nhũng.
Tôi đố những người tham nhũng tránh được bất an trong lòng. "Điếu phạt" là "điếu dân phạt tội" - thăm dân, đánh kẻ có tội. Cũng dân là cao nhất! Và kẻ thù của dân là ai? Là "bạo". "Bạo" là hiểm nguy gần nhất, vây quanh người dân, biểu hiện của nó là lạm quyền. "Trừ bạo" cũng là trừ lạm quyền. Tạo được cơ chế trừ lạm quyền thì mới hết tham nhũng.
´ Vì sao ông cho rằng: Nhân quyền không nên và không phải là vấn đề huý kỵ nữa, vì Việt Nam là nước có chính quyền vững chắc?
- Việt Nam có một lợi thế văn hoá, xã hội hiếm có: Không có một thế lực tôn giáo cực đoan; bản chất tôn giáo của đại đa số dân chúng là hiền hoà, không nhuốm màu sắc hay tham vọng chính trị. Không cần nói đến các nước Arab hay một số quốc gia Hồi giáo khác, trong đó, tôn giáo luôn đặt ra "vấn đề" cho chính quyền, chỉ nhìn quanh ta cũng thấy ta là may mắn: Indonesia, Philippines, Sri Lanka, và gần đây nhất, Thái Lan, cứ mãi hoài gian nan với hiểm họa ly khai gắn liền với tôn giáo cực đoan. Vừa thừa hưởng tính chính đáng lịch sử, vừa thừa hưởng một gia tài văn hoá, xã hội hoà thuận, chính quyền Việt Nam hiện tại vững như bàn thạch và xứng đáng ở vị thế lãnh đạo.
Chính vị thế vững vàng đó, lại được hỗ trợ thêm nhờ kết quả kinh tế khả quan, cho phép chính quyền Việt Nam không sợ bất cứ một âm mưu nào ngụy trang dưới hình thức đòi hỏi nhân quyền, dân chủ. Chính quyền Việt Nam đủ sáng suốt và vững chắc để thấy đâu là giả, đâu là thật, đâu là âm binh, đâu là ruột thịt; và cũng đủ sáng suốt và vững chắc để thấy rằng, cũng như các nước văn minh đang đi lên chung quanh, phải chủ động nắm xu thế dân chủ để bước đi cái bước đầu tiên có tính quyết định. Chính quyền các nước khác luôn luôn sợ mất quyền.
Ở Việt Nam, không có chuyện mất quyền! Chỉ có một chuyện mà ai cũng nên sợ, nên đề phòng, dù ở cương vị nào: Quyền hành thoái hoá. Quyền hành thoái hoá vừa là một khía cạnh vừa là hậu quả của sự lạm quyền. Trong lịch sử trước đây, ở nhiều quốc gia, sự lạm quyền đã đưa đến thoái hoá quyền hành, và sự thoái hoá quyền hành đã đưa đến rối ren.
´ Theo ông, đâu là bước đi đầu tiên mà ông nói là có "tính quyết định"?
- Trong lịch sử, mọi sự thay đổi chỉ có thể đến từ một trong hai phía: hoặc từ dưới lên, hoặc từ trên xuống. Từ dưới lên là cách mạng. Từ trên xuống là cải tổ. Tất nhiên, ai cũng biết: Có sức ép từ dưới lên thì mới có quyết định từ trên xuống. Chưa kể sức ép từ bên ngoài. Nhưng tôi muốn lạc quan đặt tin tưởng ở cải tổ từ trên xuống vì ý thức được sự cần thiết. Trong giả thuyết lạc quan đó, bước đi đầu tiên hiển nhiên là ý muốn thực sự đến từ bên trên. Chừng nào chưa thấy ý muốn đó xuất hiện, mọi bàn luận chỉ là viển vông. Ý muốn đó, được ví như vụ nổ Big Bang. Chúng ta đã có một Big Bang như vậy về kinh tế hồi 1986.
GS Thuần viết nhiều cuốn sách về đủ các ngành: Lịch sử, chính trị, luật pháp, tôn giáo, triết học và văn chương. Không những thế, ông là người phân tích nhạc của Trịnh Công Sơn rất hay. Nhưng ông lại bảo, thích nhất vẫn là "viết thư tình", từ trẻ đến già. "Tất cả những gì tôi viết bằng tiếng Việt đều là thư tình gởi cho quê hương tôi". Những "bức thư tình" của ông chính là những tri thức thâm sâu, những ý nghĩ chân thành để mong được đất nước đón nhận... Mới đây nhất, cuốn "Từ Đông sang Tây" do ông cùng 3 tác giả khác chủ biên, với sự góp sức của gần 30 tác giả, là những đóng góp có giá trị lớn. Cuốn sách được dư luận trong nước quan tâm, được xem như "một bó hoa" dâng Tổ quốc. Và GS hóm hỉnh: "Công việc của trí thức cũng thơm. Mùi thơm toát ra từ tim chúng tôi đấy!".
Bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris đầu năm 1969, ông Cao Huy Thuần hiện là Giáo sư Đại học Amiens, từng là giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Liên hiệp Châu Âu tại đại học này. Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Sách của ông xuất bản ở trong nước gồm: "Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914" (NXB Tôn Giáo, 2002), "Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta - Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo" (NXB TPHCM, 2000), "Nắng và Hoa" (NXB Tôn Giáo, 2003), "Tôn giáo và xã hội hiện đại" (sắp xuất bản), "Từ Đông sang Tây" (chủ biên cùng với Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính - NXB Đà Nẵng, 2005). |
Nguồn:Báo Lao Động
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt