Tham nhũng - vấn đề của phát triển
Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp tình trạng tham nhũng ở VN đứng thứ 111 trên bảng xếp hạng. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ tham nhũng ở VN cũng không phải là trường hợp ngoại lệ so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Tuy nhiên, mức độ tham nhũng ở VN trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu không giống xu hướng chung so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Trước đây WB đã có những nhận xét tương đối khả quan về tính chuyên nghiệp của Tổng công ty Điện lực VN (EVN) trong cách thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế và cho rằng điều này đã có những kết quả đáng khích lệ trong việc kiểm soát tham nhũng (WB có tài trợ 5 dự án cho ngành năng lượng với mỗi dự án bình quân 180 triệu USD). Cuối năm 2004, khi Báo cáo phát triển VN 2005 của WB được công bố, WB chưa có thông tin vụ tham nhũng điện kế điện tử (ĐKĐT) xảy ra ở Công ty Điện lực TP.HCM - thành viên của EVN. Họ không thể tưởng tượng ra được mức độ vừa tinh vi vừa công khai trắng trợn trong cái gọi là đấu thầu quốc tế ĐKĐT và từ đó có thể có những nhận định mới về nguy cơ tham nhũng đối với những dự án trong các ngành khác. Chắc chắn vụ ĐKĐT không phải là trường hợp ngoại lệ trong toàn bộ câu chuyện tham nhũng. Từ đây, nguy hiểm nhất là khả năng xuất hiện hiệu ứng tâm lý "domino", lo sợ "bị tổn thất" từ các nhà tài trợ quốc tế. Thực trạng này cộng với quan điểm của vị tân Tổng giám đốc WB về việc xem xét lại chính sách đối với các nước "có tình trạng tham nhũng" đang đặt chúng ta vào thế đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong các chiến lược phát triển trung và dài hạn.
Tham nhũng là một vấn đề của phát triển. Muốn phát triển bền vững, phải cô lập nguồn gốc dẫn đến tham nhũng. Điều này đòi hỏi phải xác định một cách thật dũng cảm những gì mà Chính phủ cần tập trung thực hiện và những gì nên dành cho khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thực hiện. Điểm nóng nhất trong thời gian sắp tới là lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, một lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao nhất. Không thể chống tham nhũng triệt để và phát triển được nếu như cứ để tồn tại mãi một hệ thống các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như hiện nay. Nhiều DNNN là thủ phạm chính trong những vụ bê bối lớn trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra nguồn gốc rủi ro cho hệ thống tài chính.
Chính phủ không thể đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng - có vốn lớn và thời gian thu hồi vốn rất dài - bằng nguồn vốn ngân sách. Nhưng đầu tư của tư nhân vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như thế lại không thể trông chờ vào nguồn vốn riêng của từng cá nhân, Chính phủ nên mở cửa thị trường vốn trong nước, cho các nhà đầu tư tư nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Sự tham gia của tư nhân tuy có vai trò to lớn, nhưng Chính phủ vẫn là nhà tài trợ chính cho việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ. Nhưng do nguồn lực của ngân sách là có hạn cho nên có rất nhiều vấn đề phải được cân nhắc kỹ. Chúng ta thừa nhận cần có sự tham gia của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nhưng chỉ nên tập trung ở những vùng sâu vùng xa. Giải pháp triệt để và dài hạn nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới là giảm bớt những phiền hà về thủ tục hành chính, tạo cho các nhà cung cấp dịch vụ sự độc lập về mặt quản lý đối với các công trình hạ tầng cơ sở, nhưng quan trọng không kém vẫn là sự thừa nhận "tư nhân hóa" trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, cũng cần phải thay đổi quan niệm về cách đánh giá rủi ro đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh từ phía các ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD). Hầu hết các NHTMQD hiện nay đều có cách đánh giá rủi ro khu vực tư cao hơn khu vực các DNNN. Gần đây lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã phát đi những tín hiệu tích cực khi khẳng định trên các phương tiện truyền thông rằng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ có rủi ro thấp hơn khu vực DNNN và yêu cầu các NHTMQD hãy dành ra một khoản tín dụng thỏa đáng hơn nữa cho khu vực này. Nhưng đây chỉ là định hướng chứ không thể là một giải pháp triệt để và hoàn toàn tùy thuộc vào những đánh giá chủ quan của từng NHTMQD đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những thẩm định mà về mặt tác nghiệp Ngân hàng Nhà nước không thể can thiệp được. Chỉ có thể thay đổi hẳn quan niệm sai lệch trong cách đánh giá rủi ro đối với khu vực tư nhân khi xem xét "xóa bỏ hoàn toàn" những ưu đãi đối với các DNNN.
Tóm lại, để chống tham nhũng một cách triệt để và hiệu quả, cần phải tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn cho mọi người, một môi trường đầu tư tốt hơn cho tất cả chứ không chỉ riêng cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở đây phải bao hàm hết các loại hình doanh nghiệp - chứ không chỉ có các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng mạnh - doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài, công nghệ thấp, công nghệ cao, DNNN và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Không hẳn chỉ có các tổng công ty nhà nước mới được độc quyền cung cấp "ĐKĐT dỏm", "nước bẩn", "giá thiết bị viễn thông cao gấp 45 lần giá trị trường" và "cầu mới xây đã sập" cho người dân. Tất cả đều quan trọng như nhau cho cộng đồng và làm lợi cho toàn xã hội chứ không chỉ thuần túy cho các doanh nghiệp, toàn xã hội ở đây hàm ý đến cả người nghèo nữa, họ không thể nào bị đặt ngoài cuộc trong tiến trình phát triển của đất nước.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt