"Công ty" tham nhũng...

10:21 SA @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Qua bài điều tra, với những chứng minh khá rõ, Công ty Điện lực thành phố có "chân rết" ở một loạt công ty cung cấp thiết bị cho ngành điện và những "chân rết" đều do những nhân vật có trách nhiệm của Công ty Điện lực thành phố "sinh" ra cả!

Cụ thể hơn, hệ thống "Công ty một nhà" đã biến Công ty Điện lực thành phố của Nhà nước thành đường dây làm ăn cá nhân, lợi dụng danh nghĩa và quyền lực nhà nước, đủ thứ tên tuổi công ty, nhưng chung quy đều do vợ chồng, anh em, con cái, một số cán bộ quản lý đương chức hoặc nghỉ hưu của Công ty Điện lực thành phố.

Điện kế điện tử, theo hợp đồng, là sản phẩm của Singapore, nhưng lại ra lò tại... Phú Nhuận. Hơn 200.000 điện kế thiếu tiêu chuẩn được gắn cho nhà dân và thật buồn cười khi nội vụ vỡ lở, thay vì gỡ điện kế giả thì Công ty Điện lực thành phố lại cho... kiểm tra chất lượng và không làm sao hiểu nổi khi gán chi phí đó cho người "bị" gắn điện kế!

Tôi nghĩ cơ quan chức năng luật pháp cần sớm vào cuộc bởi vụ điện kế điện tử ở TP.HCM vượt khỏi tầm kỹ thuật chuyên môn, thể hiện một vụ án kinh tế, có dấu hiệu hình sự.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo rộng hơn phạm vi gia đình, trong vụ cụ thể này, hình thức "công ty gian dối" thực sự hoạt động trong không ít trường hợp gần đây. Xin nêu vài vụ. Hai Chi và băng xã hội đen "Đồi hoa mai"ở Hàm Tân (Bình Thuận) đâu chỉ là hành vi của số lưu manh, nó nhởn nhơ nhiều năm, gây không biết bao nhiêu đau khổ cho dân, hẳn phải được một hình thức "công ty" nào đó bảo bọc, hết còn là công ty gia đình, mà có thể là công ty... địa phương.

Như chuyện luật sư Lê Bảo Quốc lừa gạt trong các vụ chạy án một số tiền khá lớn và nói thẳng rằng số tiền ấy anh ta không ăn một mình mà "đút" cho một số người xét xử. Đúng tới đâu, cần làm rõ.

Như vụ Nguyễn Đức Chi lừa các doanh nghiệp đến con số kinh hoàng là hơn 160 tỉ đồng bằng các dự án "ma" và thú nhận đã chi hàng trăm ngàn đô la Mỹ để có giấy phép, nếu không có một loại "công ty mẹ" nào đó thì chắc anh ta không thể làm lộng đến như thế.

Trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM - bài phỏng vấn đăng trên số báo cũng ra ngày 4-7-2005, đồng chí Trần Văn Truyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, cho biết: "Nổi lên lớn nhất hiện nay là tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Trước đây thường chỉ có cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng dưới dạng riêng lẻ. Nay có nhiều tổ chức liên kết với nhau, có trên có dưới, có người trong cơ quan nhà nước, có người ngoài xã hội. Dạng có tổ chức như vậy ngày càng nhiều, hình thức tinh vi, thủ đoạn cao siêu hơn. Vì vậy, cái khó trong chống tham nhũng hiện nay là đụng một chỗ cũng đồng nghĩa là động nhiều chỗ, không thể giải quyết riêng lẻ được.

Mức độ tổn thất do tham nhũng lớn hơn. Hồi xưa nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất đi hàng trăm tỉ đồng rồi.

Cách thức tham nhũng cũng rất đa dạng: có thể là vi phạm pháp luật để tham nhũng, cũng có thể bằng những cách rất hợp pháp như mua bán, đầu cơ đất đai. Song hợp pháp đến đâu thì truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ, đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ, đảng viên giàu lên một cách nhanh chóng. Căn cứ vào đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó”.

Đã đến lúc - mà thật ra, đã quá trễ - cơ quan bảo vệ luật pháp cao nhất nước ta thành lập một ban chuyên án về các loại hình "công ty" trên để xử lý tận cội nguồn của hiện tượng.

Dư luận mong Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt hiện tượng tham nhũng tập thể thành một chuyên đề để có biện pháp xử lý "nóng", đồng thời báo động trước dư luận xã hội...

LinkedInPinterestCập nhật lúc: