Đặc thù tham nhũng ở Việt Nam
Sắp tới, Dự luật Phòng và chống tham nhũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Trong mấy tháng qua, đã có vài cuộc họp trao đổi về bản dự luật, chủ yếu ở các nhóm chuyên gia luật pháp, các nhóm nghiên cứu xã hội, các tổ chức...
Báo chí cũng đã đăng tải một số ý kiến của những người quan tâm. Nói cách khác, tuy Quốc hội đã công bố rộng rãi Dự luật với mong mỏi được nghe những đóng góp bổ sung, cải sửa, hoặc bác bỏ từng nội dung của Dự luật, nhưng vẫn chưa có phong trào nào gọi là "đúng ý dân" đối với một vấn đề hết sức quan trọng như vậy. Có thể hình thức lấy ý kiến dân chưa được tổ chức nghiêm túc, nơi làm, nơi không, hoặc nơi làm cũng chưa thoát khỏi dạng "phát biểu cảm tưởng", tính thiết thực của bộ luật do đó còn nhiều khoảng trống. Tôi nghĩ kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ còn vất vả để sắc lại những gì mà một đạo luật liên quan đến sự sống còn của chế độ tạo được sự nhất trí mạnh mẽ, thành một cái khung cho pháp luật tiến công vào tệ nạn tham nhũng.
Giáo sư Boris Begovic, thuộc Đại học Belgrade, Đại học Kinh tế Luân Đôn và Học viện Hành chính Kennedy - Đại học Harvard, vốn là cố vấn kinh tế trưởng cho Liên bang Nam Tư từ năm 2000 - 2002, tác giả một số cuốn sách về kinh tế, đã có bài viết đăng trên một tạp chí vào tháng 3/2005, nói về khái niệm, phân loại, nguyên nhân và hậu quả của tham nhũng. Tôi lưu ý bài viết này vì tính cập nhật của nó, đồng thời vì Nam Tư là một nước từ kinh tế kế hoạch tập trung mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường gần đây thôi. Đương nhiên, Nam Tư và Việt Nam khác nhau, song tính chất của vấn đề cũng gần giống nhau. Giáo sư Begovic phản ánh lý thuyết kinh tế trên thế giới, nêu hai quan điểm cơ bản về tham nhũng - tham nhũng là yếu tố ngoại sinh hay nội sinh trong chính trị. Dù nội sinh hay ngoại sinh, theo Begovic, tham nhũng cùng chung tác hại.
Phạm vi định nghĩa tham nhũng rất rộng nhưng, phải như Vito Tanzi, một học giả Ý - mà Begovic trích dẫn, tham nhũng xuất kích ở chỗ "hành động cố tình không tuân thủ các nguyên tắc công minh nhằm trục lợi cho cá nhân hoặc cho những kẻ có liên quan tới hành động đó". Vito Tanzi nhấn mạnh đến nội dung thứ nhất là nguyên tắc công minh, bởi lẽ "nó đòi hỏi quan hệ cá nhân hoặc các mối quan hệ khác không được xen vào các quyết định kinh tế có liên quan đến nhiều bên; việc đối xử bình đẳng với tất cả các chủ thể kinh tế là nhu cầu cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hoạt động có hiệu quả; thái độ thiên vị đối với một số chủ thể nào đó chắc chắn sẽ vi phạm nguyên tắc công minh và mở đường cho tham nhũng; không có thiên vị thì sẽ không có tham nhũng".
Cách nhìn nhận trên đặt trước chúng ta cái hình khối tham nhũng nhiều tầng nấc mà đôi khi một quyết định kinh tế nào đó nếu mang yếu tố thiên vị thì sẽ gần như đương nhiên dẫn đến tham nhũng. Chuyện này ở ta quá rõ ràng. Vai vế của các thành phần kinh tế - tất cả đều là những bộ phận trong cơ thể của một nền kinh tế thống nhất. Hễ còn "một bên trọng, một bên khinh" thì tham nhũng có cơ tác quái. Bộ chủ quản là hình ảnh đáng sợ, song lại chưa xử lý kiên quyết - có bước đi, nhưng phải kiên quyết và kiên quyết bằng thời hạn quy định, chứ không thả nổi. Khi bộ trưởng một ngành thừa nhận rằng tổng công ty trực thuộc bộ kém năng lực, thiếu vốn, chưa được tổ chức tách ra khỏi bộ dưới hình thức nào đó thì sự lẫn lộn công tư khiến cho nền kinh tế khó lành mạnh. Nhãn tiền là vụ điện kế điện tử ở TP.HCM. Trong khi cơ chế - vô tình thôi - dung dưỡng cho tham nhũng tồn tại, chống tham nhũng xét cho cùng, chỉ là chuyện hô hào, tốn thời gian, giấy mực và kèm theo đó, tốn công truy bắt tham nhũng. Đương nhiên, sự chuyển đổi này không dễ dàng, nhưng tôi cho rằng, trong xu thế điều hành và quản lý, trước hết, điều hành và quản lý kinh tế, Việt Nam chưa tập trung đúng mức cho sự trong sáng - như một ngụ ngôn phương Tây: Hòn đá lăn giũ sạch rong rêu. Làm giảm nguy cơ tham nhũng, trong trường hợp này, vẫn còn phần nào giống Truyện Kiều:
Dẫu lìa ngỏ ý, còn vương tơ lòng
hoặc như Chinh phụ ngâm:
Nhủ rồi tay lại cầm tay,
Bước đi một bước, giây giây lại dừng
Với suy nghĩ đó, tôi cho rằng Luật Chống tham nhũng của Quốc hội nước ta cũng chỉ là một khâu, một mắt xích trong cơ chế chống tham nhũng nói chung. Tự thân nó sẽ làm được một số việc nhưng điều quan trọng là hợp đồng cùng nó cả một thế trận bày khai gồm nhiều lực lượng, xuất kích từ nhiều hướng. Bởi vậy, nên dành thời gian nghiên cứu dài hơn cho một bộ luật chống tham nhũng cơ bản còn trong kỳ họp Quốc hội lần này, nên tập trung vào sự đột phá có tính chất tình thế. Đã đột phá và có tính chất tình thế, phạm vi phải rõ và mang tính cấp bách. Tôi nghĩ rằng, bàn cái chung thì ngay trong dự thảo cũng chưa đủ, còn biện pháp xử lý cập nhật lại quá tản mạn.
Cử tri kỳ vọng ở Luật Chống tham nhũng, không phải kỳ vọng những phân tích đầy đủ một tệ nạn thực sự mang hình dáng cả thế giới, mà muốn xử lý cái tai hại trước mắt tại một địa chỉ và một thời điểm cụ thể - là Việt Nam đầu thế kỷ XXI - chặn đứng nó, đóng góp vào mở màn cuộc thảo phạt tham nhũng đúng mức cần thiết...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu