Tham nhũng và cạnh tranh
Thôi khỏi lo, để dân tự liệu - dân ấm no, áo gạo thừa xuất khẩu
Hô diệt trừ tham nhũng - tham nhũng tràn lan
Tam quyền phân lập, minh bạch, cạnh tranh - tham nhũng chắc giảm
Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, báo giới và dư luận nói chung đều coi tham nhũng tràn lan ở nước ta là một quốc nạn, một cản trở lớn đối với sự phát triển của đất nước, một ung nhọt nhức nhối có thể gây mất ổn định xã hội. Có một dự luật về vấn đề này được công bố lấy ý kiến nhân dân từ ngày 20.7 đến 10.9 năm 2005. Hình như chỉ có báo Nhân dân đăng toàn bộ dự luật đó. Tại sao nhiều báo không đăng (kể cả báo điện tử)? Tại sao vấn đề nóng bỏng thế mà ý kiến đóng góp không sôi nổi như mong đợi? Tại sao hết phong trào này đến phong trào khác, rất nhiều lời hô hào đã được đưa ra để chống tham nhũng mà tham nhũng ngày càng tràn lan và ngày càng trầm trọng? Có phải dự luật chưa chẩn đúng bệnh và không thể chẩn đúng bệnh nên các đơn thuốc dự định kê ra chưa được người dân quan tâm? Nghe nói Chính phủ Thuỵ Điển có tài trợ một khoản tiền không nhỏ để nghiên cứu về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam. Chưa thấy công bố các kết quả nghiên cứu.
Tham những là lạm dụng quyền được trao để mưu lợi cá nhân. Có uỷ quyền là có thể có tham nhũng. Tham nhũng cổ gần như loài người và sẽ còn khi loài người còn. Chẳng còn ai tin vào hi vọng hão huyền về một xã hội không có người được trao quyền, không có nhà nước. Cho nên chỉ có thể nói chống, hạn chế tham nhũng mà thôi. Không thể tiệt trừ tham nhũng được. Tham nhũng không chỉ xảy ra ở khu vực nhà nước mà cả ở khu vực tư nhân. Khi quyền sở hữu và quyền quản lí tách rời nhau thì cần đến sự uỷ thác và khả năng tham nhũng nảy sinh, đại thể tỉ lệ với độ tách rời đó. Như thế khả năng tham nhũng tăng dần theo thứ tự từ công ti tư nhân, công ti trách nhiệm hữu hạn, công ti cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, đến các cơ quan nhà nước. Với công ti tư nhân, giám đốc là ông chủ, chịu trách nhiệm vô hạn về các hoạt động kinh doanh của mình, tiêu tiền của chính mình, không có sự trao quyền, không có khả năng tham nhũng. Với công ti trách nhiệm hữu hạn những người hùn vốn có thể thuê người quản lí, có khả năng tham nhũng, nhưng khả năng đó không lớn vì thường các ông chủ kiểm soát chặt chẽ tiền của họ. Với các công ti cổ phần quyền quản lí và sở hữu đã tách nhau đáng kể, và khả năng tham nhũng của những người được uỷ quyền tăng lên. Một công ti cổ phần tư nhân mua nhiều nhà xây trụ sở và chi nhánh; vài nhà lãnh đạo lợi dụng quyền của mình vống giá mua lên để rút ruột của công ti nhiều chục tỉ đồng; các cổ đông nhỏ đi kiện; họ phải trả lại tất cả số tiền tham nhũng và bị đuổi khỏi chức vụ. Với các doanh nghiệp nhà nước quyền quản lí và chủ sở hữu càng tách biệt hơn, khả năng tham nhũng càng cao hơn. Đối với các cơ quan nhà nước khả năng đó còn cao hơn nữa.
Có khả năng song tham nhũng có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào các điều kiện, vào cái giá (ô danh, bị phạt tiền, mất chức, mất quyền, bị tù, v.v.) mà kẻ tham nhũng có thể phải trả. Cái giá phải trả đó đại thể bằng tích của ba đại lượng: giá tuyệt đối; khả năng bị phát hiện; khả năng thực thi. Nếu cái giá là cao nhưng khả năng phát hiện không có hay ít thì tham nhũng vẫn phát triển và người dân càng mất lòng tin. Nếu tham nhũng được phát hiện mà không bị trừng trị hay trừng trị không đến nơi đến chốn thì tác hại còn hơn nữa. Nếu cái giá đó cao hơn món lợi do tham nhũng mang lại, hành vi tham nhũng có thể không xảy ra. Như thế để phòng chống tham nhũng có hiệu quả cần:
- Giảm khả năng tham nhũng bằng cách: có quy định rõ ràng về khung khổ trong đó các doanh nghiệp hoạt động (như dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất), tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước, hạn chế quyền lực của các cơ quan nhà nước (“nhà nước giới hạn”), v.v. Tuy vậy không thể giảm độ tách rời giữa sở hữu và quyền quản lí. Nhà nước hiện đại, doanh nghiệp hiện đại cần đến sự uỷ thác. Minh bạch về quyền hạn, chức năng của những người và cơ quan được uỷ thác, có cơ chế kiểm soát, theo dõi hoạt động của chúng; kiềm chế và cân bằng (checks and balance) quyền lực làm cho khả năng tham nhũng giảm hay không tăng.
- Tăng khả năng phát hiện, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, nâng cái giá bọn tham nhũng phải trả. Dân chủ, tự do ngôn luận tạo khả năng phát hiện cao. Chừng nào lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa độc lập, tách bạch thì rất khó có kiềm chế và cân bằng, rất khó thực thi pháp luật.
Vấn đề cốt lõi là kiểm soát, kiềm chế quyền lực. Năm 1887, Lord Acton viết: Quyền lực có xu hướng tham nhũng, và quyền lực tuyệt đối tham nhũng một cách tuyệt đối (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely).
Tất cả về cơ bản thuộc phạm vi thể chế, là vấn đề pháp trị, hô hào đạo đức suông không có mấy kết qủa. Minh bạch, quy trình rõ ràng, công khai về quyền hạn, nghĩa vụ, mô tả công việc của mọi chức danh công chức, mọi thủ tục đầu tư, mua sắm, v.v. sẽ giúp giảm cơ hội tham nhũng, tăng khả năng phát hiện tham nhũng. Công khai và minh bạch được nói khá nhiều trong dự luật (từ điều 13 đến 24, các điều 27, 38 đến 46) đó là điều đáng mừng, cái lo chính là tính khả thi của chúng. Tự do ngôn luận đóng vai trò hết sức lớn để làm tăng khả năng phát hiện, tăng giá kẻ tham nhũng phải trả. Điều 80 có nói về vai trò và trách nhiệm của cơ quan báo chí, song nếu không có tự do ngôn luận thực sự thì vai trò của báo chí còn rất hạn chế trong công cuộc chống tham nhũng.
Với một tổ chức, cái giá cao nhất là những người lãnh đạo mất quyền cai trị. Thí dụ về tham nhũng ở công ti cổ phần nêu trên cho ta bài học rằng nếu kẻ yếu được bảo vệ, có cơ chế cho họ phát hiện và lên tiếng, có cơ chế thực thi và sa thải ban lãnh đạo tham nhũng một cách hợp pháp, thì tham nhũng được kiềm chế. Nếu thể chế xã hội tạo ra các công cụ để người bị trị có thể sa thải những kẻ cai trị mà không cần dùng bạo lực, và để những kẻ nắm quyền không dễ huỷ bỏ các thể chế này, thì đó là xã hội dân chủ. Dân chủ không loại bỏ, song giúp chống tham nhũng một cách hữu hiệu. Người ta nói quá nhiều về dân chủ nhưng không có dân chủ theo nghĩa đích thực thì nó không giúp mấy cho việc chống tham nhũng.
Chỉ có thể có sáng tạo, tiến bộ khi có cạnh tranh và hợp tác dù là trên thương trường, trong khoa học, nghệ thuật hay trên chính trường. Cạnh tranh trên thương trường tạo ra động lực lớn để đổi mới, góp phần chống tham nhũng. Đấy là vấn đề được nhiều người hiểu ra và chống độc quyền trong kinh doanh là vấn đề được cả những người cầm quyền lẫn dân chúng quan tâm, dễ đi đến đồng thuận. Không lạ là nhiều vụ tham nhũng lớn lại xảy ra ở các doanh nghiệp nhà nước nhất là các công ti được độc quyền. Không thấy nói mấy về các vụ tham nhũng ở các hiệu ăn thuộc sở hữu nhà nước, vì trong ngành này có cạnh tranh mạnh, các công ti của nhà nước chiếm số lượng ít, như các hòn đảo nhỏ trong đại dương mênh mông của các hiệu ăn tư nhân, tham nhũng, rút ruột công ti thì bị thị trường cạnh tranh đào thải ngay. Sở dĩ sự phát triển khoa học và giáo dục ở ta không như mong đợi vì không có cạnh tranh lành mạnh, nhà nước can thiệp quá sâu. Các đại học chưa được tự trị, chương trình bị Bộ Giáo dục khống chế, thậm chí tuyển sinh, thi tuyển cũng do Bộ làm thay. Ôm lắm quyền không phải là quyền của mình, thế không tham nhũng mới là lạ. Tiêu cực trong giáo dục, y tế là vấn đề hết sức nhức nhối. Trên chính trường thì tuyệt nhiên không được nói đến cạnh tranh, chỉ có độc quyền. Phải có cạnh tranh mới có hợp tác. Cái cốt lõi mà thiếu thì khó chống tham nhũng thật. Tham nhũng quyền lực mới là tham nhũng tệ hại nhất.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu