Công cụ cho chống tham nhũng
Khi điều tra về các vụ mua bán độ bóng đá, cảnh sát đã tình cờ tìm thấy tên tuổi các quan chức cá độ trong máy tính của một trùm ghi độ, và một tháng sau bể ra vụ “cho mượn xe” những 108 chiếc ở PMU 18. Nói tình cờ bởi “vụ PMU18” không phải do thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hay Thanh tra Chính phủ phanh phui ra.
Bởi thế các lãnh đạo Bộ GTVT mới nhất mực: “Không ngờ, không biết”; “Việc xử lý một cán bộ công chức rất quan trọng, bộ phải làm hết sức thận trọng”; “Xử lý, đề bạt, cất nhắc cán bộ là công việc của Đảng, trong trường hợp này là của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT...”. Một tháng sau, khi nội vụ không còn dừng lại ở chuyện cá độ bóng đá, vẫn thấy “im lặng là vàng” ở đây!
Có vẻ như vụ phát hiện tình cờ này lại không được bộ tiếp nhận hoan hỉ lắm.
Lẽ ra, các vị ấy phải biết rằng đơn vị này, đơn vị kia là có khả năng tham nhũng và đề phòng, thậm chí đề phòng không xong cũng không nên ra vẻ sửng sốt “không ngờ, không biết” như thế. Có thể khẳng định điều đó nếu đọc Cẩm nang chống tham nhũng tại VN của Ngân hàng Thế giới (WB) phổ biến trên mạng, mà trong đoạn “Thay lời tựa” có ghi rõ: “Tài liệu này đã được soạn như là một công cụ cụ thể giúp chống tham nhũng tại VN, đặc biệt nhắm đến các quan chức quản lý dự án”. Những khuyến cáo rất cụ thể, chẳng hạn như:
- Phác họa một sơ đồ những ai, trong các tầng nấc khác nhau của dự án, có thể được xem như là có quyền lực tác động đến các quyết định cùng các hành vi. Hình dung những gì có thể thúc đẩy và những gì ngăn trở họ trổ mòi tham nhũng hoặc gian trá.
- Trong số các viên chức liên quan đến dự án, các viên chức trong các cơ quan thực hiện dự án cần được chú ý nhất. Xem xét lợi lộc của họ là gì và quyền hạn tác động của họ nơi các công đoạn then chốt của dự án đến đâu. Một số lợi ích cá nhân có thể xảy ra trong các trường hợp sau:
+ Viên chức được đánh giá trên cơ sở “biết điều” với cấp trên thay vì trên hiệu quả.
+ Do phải chi trả phí “mua chỗ hái ra tiền” nên phải lo thu hồi vốn bằng các thu chi bất hợp pháp từ ngân sách dự án...
- Qui mô kinh phí dự án càng lớn, quyền lực càng lớn, lợi ích càng béo bở.
Cẩm nang còn mô tả chi li tâm lý tham nhũng: “Các viên chức trong các chức vụ béo bở thường hay phản đối các biện pháp làm tăng tính công khai minh bạch hoặc thụ động trước các biện pháp đó. Mỗi cá nhân viên chức có thể không đủ sức hay vị thế để vượt qua những cám dỗ tham nhũng mang tính hệ thống trong cơ quan đó cho dù trong lòng họ không muốn thế” (tr.12).
Báo cáo 2005 của các nước cùng tổ chức tài trợ cho VN (WB đại diện) cũng đầy những khuyến cáo tương tự: “Các hình phạt nghiêm khắc mà thôi không đủ để giải quyết nguy cơ. Một sách lược hiệu quả chống tham nhũng phải nhằm giảm thiểu cơ hội cho các hành vi tham nhũng và tăng khả năng nhận diện ai có hành vi tham nhũng” (tr.90).
Trở lại với vụ PMU 18, sẽ thấy cơ hội cho hành vi tham nhũng thì thừa, nhưng cơ hội nhận diện tham nhũng thì thiếu. Báo cáo 2005 khuyến cáo như sau: “Cần xác định xem các cơ quan nào có khả năng tham nhũng nhất, đánh giá tần suất diễn ra các hành vi bất hợp pháp, ước tính kích cỡ của cải đút lót tích lũy được, đánh giá xem đâu là những khâu “lệch lạc” và không hiệu quả. Một khi nắm chắc được đâu là những hạn chế và cần phải công khai, minh bạch ở đâu, thì đó chính là chìa khóa dẫn đến giảm thiểu hoạt động tham nhũng” (tr.90).
Từ các khuyến cáo đó, có thể hỏi: Đã có bao giờ nhận dạng rằng cơ quan này hay cơ quan kia, dự án này hay dự án kia, vị trí khâu này, vị trí kia là “nhạy cảm” chưa, để công khai minh bạch cho mọi người cùng theo dõi chi thu như khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”?
Cũng trong vụ “108 chiếc xe”, có nhiều câu hỏi cần đặt ra về mặt hành vi chống tham nhũng. Tỉ như có ai trong nội bộ cơ quan này, nhất là các nhân viên phòng hành chính quản trị, đã thắc mắc gì trước các hồ sơ đăng ký xe liên tiếp đó? Cũng thế, nội vụ vỡ lở, cảnh sát giao thông khi được hỏi mới cho biết tổng cộng có đến 108 chiếc xe được đăng ký? Còn không hỏi thì chẳng có gì khác thường cả!
Trong một xã hội muốn “nói không với tham nhũng”, luôn mặc định sẵn rằng cảnh sát giao thông, trong những trường hợp bất thường (một cơ quan hay một cá nhân cứ đăng ký xe liên tục như thế), phải báo cáo với cơ quan chống tham nhũng thì chắc đoàn “con voi” 108 chiếc xe này đã không lọt qua được! Đây không phải là chuyện không tưởng. Ở các nước nề nếp, đố công chức nào dám khơi khơi sắm xe BMW trên mức thu nhập của mình! Sở thuế sẽ lập tức lùng sục đến ngay khi thấy các thanh toán “quá cỡ” như thế qua ngân hàng!
Các công cụ chống tham nhũng như “Công ước chống tham nhũng” của LHQ và “Sáng kiến chống tham nhũng” của OECD & ADB, mà VN đã ký kết, cần được vận dụng và triển khai. Các tài liệu này cũng cần được dịch và phổ biến để người dân cùng kiểm tra.
Không thể tự nhiên mà trong xã hội, trong mỗi công dân thành hình một thói quen nói "Không" với tham nhũng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt