Quyền lực và đạo đức
Xem thêm:
Theo "Từ điển tiếng Việt", quyền lựcđược hiểu là "quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy"... Còn theo "Từ điển từ và ngữ Hán - Việt" của Giáo sư Nguyễn Lân thìquyền lực được hiểu "sức mạnh của quyền lực được giao để bắt buộc người khác phải theo (ví dụ: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước). Còn quyền uy - cũng theo Nguyễn Lân - là quyền lực và uy thế.
Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội, đối với chính đảng của mình và đối với chính đảng và các giai cấp khác.... Những khái niệm về thiện và ác, về lương tâm và danh dự, nghĩa vụ và quyền lợi, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng... là những phạm trù thuộc ý thức đạo đức. Đạo đức mang tính giai cấp. Đạo đức chiếm vị trí chi phối, giữ địa vị thống trị đạo đức xã hội là đạo đức của giai cấp cầm quyền.
Như vậy, quyền lực, quyền uy, đạo đức trong xã hội có giai cấp, trong điều kiện đảng cầm quyền có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhận thức đúng điều này sẽ góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, chống suy thoái về đạo đức.
Không nhận thức đúng về quyền lực sẽ dẫn tới suy thoái đạo đức
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến tận cuối đời, Bác Hồ luôn trăn trở với sứ mệnh cầm quyền của Đảng. Nỗi bận tâm của người sáng lập Đảng là hoàn toàn có cơ sở, vì nước ta là nước dân chủ, nghĩa là dân làm chủ và dân là chủ.
Từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Đảng có quyền lực chính trị lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn diện đất nước, lãnh đạo toàn dân xây dựng xã hội mới. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền lấy dân làm gốc. Quyền lực của Đảng do dân uỷ thác.
Theo Hồ Chí Minh, "Đảng cầm quyền trong một nước dân chủ, thì việc giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại". Hồ Chí Minh chỉ rõ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào.
Gương sáng thì dân soi, gương mờ thì dân quay lại
Về mặt lý luận và thực tiễn, giành chính quyền đã khó, giữ và xây dựng chính quyền còn khó hơn. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chống đế quốc phong kiến là tương đối dễ, thắng nghèo nàn lạc hậu khó khăn hơn nhiều". Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng (cần hiểu theo tinh thần Hồ Chí Minh là hư hỏng cả tổ chức và con người), để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là một cuộc chiến đấu khổng lồ. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nêu việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Tại sao như vậy?
Bởi vì Đảng ta là đảng cầm quyền, mọi sai, đúng về đường lối, tư tưởng, phẩm chất đạo đức tốt, xấu không bó hẹp trong nội bộ Đảng mà tác động tới toàn xã hội. Hệ thống chính trị mà đứng đầu là Đảng là tấm gương của xã hội, gương sáng thì dân soi, gương mờ thì không soi được, dân quay lưng lại. Như vậy, Đảng giữ vị trí quan trọng hàng đầu của mọi tầm quan trọng.
Quy luật của cuộc sống là đập tan thì dễ, xây dựng, mà thật sự xây dựng thì khó. Cái khó ở đây không phải chỉ ở quy mô của sự nghiệp cách mạng, mà vấn đề là làm sao trong điều kiện Đảng cầm quyền, có được đội ngũ cán bộ đảng viên đủ trí tuệ, bản lĩnh, cái tâm, cái đức để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Trong xây dựng đất nước, Đảng phải có tư duy mới, bố trí lực lượng mới, phương pháp cách mạng và hành vi mới...
Ngay từ sau khi giành được độc lập, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ đã cảnh báo những nguy cơ và chỉ ra những căn bệnh của Đảng cầm quyền và của cán bộ, đảng viên do chủ nghĩa cá nhân gây ra, trong đó rất đáng chú ý những căn bệnh như quan liêu, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, "hữu danh vô thực", xu nịnh a dua, kéo bè kéo cánh, mất dân chủ, nhũng lạm (lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu dân), dìm người tài...
Con người thì ai cũng có cái xấu trong lòng, nhưng không phải ai cũng có thể đục khoét được nhân dân và không phải ai cũng được người ta đút lót. Bác Hồ đã chỉ ra rằng trong điều kiện Đảng cầm quyền, những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Như vậy, theo tinh thần của Bác Hồ, ta hiểu tham nhũng không chỉ là tham nhũng kinh tế, mà gốc rễ là tham nhũng quyền lực, và đó là bệnh của cán bộ, công chức.
Thực tiễn cho thấy, nếu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, chủ chốt có chức, có quyền mà không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trở thành những tấm gương sáng trong xã hội, thì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Bởi vì, cán bộ, đảng viên là tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm; là lực lượng tiên phong, nòng cốt của dân tộc: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
Quyền lực nếu được trao vào tay cán bộ thiếu đức, dưới tầm thì việc lộng quyền, kéo bè kéo cánh, thiếu ý thức phục vụ nhân dân, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm là tất yếu, và cũng tất yếu sẽ dẫn tới tha hóa, biến chất. Ngược lại, nếu quyền lực đó được trao vào tay cán bộ có đức, có trí thì sẽ biến thành sức mạnh, động lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Phải rèn luyện đạo đức thật sự
Hồ Chí Minh (1890-1969) Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, một nhà văn hóa kiệt xuất, góp phần làm nên lịch sử đất nước, lịch sử thế kỷ 20 một phần bởi sự nghiệp văn hóa to lớn người đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. |
Trong khi nói và viết để giáo dục cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh thường dùng hai chữ "thật sự", như bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân... Trong Di chúc, Người viết : "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Tại sao trong một đoạn ngắn, Hồ Chí Minh lại dùng đến bốn lần cụm từ "thật", "thật sự"? Bởi vì "thật sự" là đối lập với giả dối, lừa lọc, mà giả dối là bản chất đạo đức của giai cấp bóc lột.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta rèn luyện đạo đức mới, đạo đức cách mạng tức là đạo đức phục vụ cách mạng, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, mà lõi cốt là vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân. "Thật sự" là bản chất của một đảng cộng sản chân chính cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo nhân dân xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng đó phải là đạo đức, là văn minh như Bác Hồ đã chỉ ra. Rèn luyện thật sự là để chống lại thói nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói ít làm ít, nói ít không làm, nói một đằng làm một nẻo.
Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực
Nhiều nơi trên thế giới có tham nhũng. Ở đâu có quyền lực thì ở đó có tham nhũng. Nếu tham nhũng trước hết là tham nhũng quyền lực, thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Theo Hồ Chí Minh, đã kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người lãnh đạo, thì phải kiểm soát từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sai lầm đó.
Trong sinh hoạt Đảng, phê bình và tự phê bình, thật sự bảo đảm dân chủ của đảng viên theo tinh thần Hồ Chí Minh là "để đảng viên dám mở mồm ra, dám nói, dám làm" là cách kiểm soát theo nguyên tắc tập trung dân chủ cần phải thực hành triệt để. Cần xây dựng cơ chế trách nhiệm người đứng đầu, trong đó có cơ chế từ chức, được nâng lên thành "văn hóa từ chức". Vấn đề từ chức rất cần sức mạnh của dư luận xã hội, như là một nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận.
Qua dư luận xã hội, mà một kênh rất quan trọng là báo chí, những người có chức quyền tự cảm thấy xấu hổ, lạc lõng giữa quần chúng, đứng về phía đối lập với cái đẹp. Bản chất của vấn đề là "đức trị", tức là tăng cường giáo dục đạo đức. Nhưng đối với kẻ tham nhũng, chỉ có giáo dục đạo đức không thôi thì không thể tiêu diệt được tham nhũng. Cần kết hợp "đức trị" với "pháp trị".
Rất cần "pháp trị" với ý nghĩa là tính khoa học, minh bạch của bộ máy trong điều kiện nhà nước pháp quyền; mặt khác phải nghiêm minh và công bằng về pháp luật. Nếu xử nhẹ kẻ tham nhũng, ăn hối lộ và hối lộ thì sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Bài học của Bác Hồ về kết hợp chặt chẽ giữa "đức trị" với "pháp trị" vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình hiện nay.
Kỳ họp lần 1, lần 2 Quốc hội nước
Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá