Sống chậm giữa đời nhanh
1. Cách đây mấy năm, tôi và Nguyễn Ngọc Tư có in chung tập tản văn “Sống chậm thời @” ít nhiều cũng được bạn đọc quan tâm.
Vài độc giả quen biết nói thẳng với tôi, điều thôi thúc mạnh mẽ nhất để họ mua cuốn sách là… cái tên gọi. Dĩ nhiên, tôi có một chút vui mừng và cũng có một chút ưu tư. Có lẽ sự chuyển động gấp gáp của thời đại kỹ thuật số đã khiến con người mệt mỏi rồi chăng? Có lẽ cơn lốc danh lợi vội vàng đã khiến con người xao xác rồi chăng? Chưa hẳn nhân loại đã nguôi quên những giấc mơ chinh phục đỉnh cao phía trước, nhưng dường như dăm được mất riêng tư càng ngày càng khó nắm bắt khiến nỗi trống vắng trong chúng ta cứ lớn dần lên. Và đến một phút giây rối bời ngột ngạt nào đó, bất giác chúng ta cảm thấy cần chầm chậm lại để cân bằng chính nhịp tim mình.
2. Đôi lần, tôi chợt nghĩ, sống chậm là một khái niệm tâm lý hay một trào lưu đô thị? Thật khó lý giải rành mạch, nhưng giữa kinh tế thị trường, ai cũng đủ khôn ngoan để nhào theo dòng chảy hội nhập với cái tham vọng lương thiện sẽ không bị xã hội bỏ rơi. Phương pháp “chụp giựt cho nhanh, tranh thủ cho kịp” trở thành sự lựa chọn có vẻ hợp tình hợp lý của phần lớn cư dân nuôi mộng lập thân lập nghiệp nơi phố xá đua chen. Biết làm sao được, khi thác lũ lợi danh có khả năng cuốn trôi mọi khuôn mặt dè chừng và nhấn chìm mọi ánh mắt ái ngại. Không ai muốn đến sau, không ai muốn về muộn. Ngược lại, cũng không ai muốn lạc lõng, không ai muốn bơ vơ.
Vì vậy, trong vòng quay bất tận của số phận, những người nhạy bén đã manh nha ý thức được rằng, cuộc đời này không chỉ kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền. Bước chân của hạnh phúc vốn rất lặng lẽ, chúng ta không đuổi bắt hạnh phúc, mà phải cảm nhận được những rung động hạnh phúc! Người tinh tế có thể mưu cầu hạnh phúc ở nét cười một đồng nghiệp trong thang máy cao ốc. Người khéo léo có thể mưu cầu hạnh phúc ở bàn tay một người quen vẫy chào phía ngã ba đường. Người sâu sắc có thể mưu cầu hạnh phúc ở tiếng bi bô một đứa bé dưới mái nhà bình yên!
3. Với một người biết hưởng thụ nhân gian thì không có sự phân biệt sống chậm và sống nhanh. Sống chậm để được sống nhanh, và sống nhanh để có cơ hội sống chậm. Tôi quan sát xung quanh và thú vị rút ra bài học đơn giản, người càng thành đạt thì ranh giới giữa sống chậm và sống nhanh càng mong manh. Sống nhanh để chiến thắng thời gian nhọc nhằn và bóng tối âm u, rồi lại sống chậm để chiêm ngưỡng khoảnh khắc vụt hiện và ánh sáng lung linh. Thật ngượng ngùng, nếu hai chữ “sống chậm” được mang ra làm mỹ từ che chắn cho sự lười nhác, sự ù lỳ, sự thụ động. Trong nhịp điệu ồn ào, người sống chậm đồng nghĩa với người biết thưởng thức cuộc sống.
Bỏ ra 5 phút ngắm một màu hoa tình cờ bên ô cửa, bỏ ra 10 phút nghe một bài hát yêu thích gợi nhớ miền đất ghi dấu kỷ niệm, bỏ ra 15 phút nhìn một đám mây trắng bềnh bồng trên bầu trời xanh thẳm… có vẻ như chỉ dành cho những người lãng mạn, nhưng thực chất đó là sự thong dong của một người bận rộn. Chúng ta hối hả một giây để hoàn tất công việc nhiều áp lực, thì cũng cần trả lại một giờ cho cơ thể được thư thái. Thế kỷ 21 chuộng tốc độ, nhưng thế kỷ 21 tôn vinh giá trị cá nhân.
Tôi luôn cho rằng, một con người đích thực vừa tự nguyện làm một mắc xích của cỗ máy công nghiệp vừa tích cực tìm kiếm ý nghĩa tồn tại của bản thân. Do đó, sống chậm để được yêu thương, sống chậm để được hờn giận, sống chậm để được thanh thản và sống chậm để được cống hiến!
4. Tôi tham khảo nhiều tài liệu nước ngoài, thấy nhiều quốc gia ra sức khuyến khích sống chậm. Một phần nhân loại tiến bộ đã coi nguyên tắc sống chậm như một phép di dưỡng tinh thần. Những bức bách của áo cơm hiện đại khiến nhiều người căng thẳng, dẫn đến bệnh trầm cảm hoặc triệu chứng hoảng loạn.
Tuy nhiên, không ít người đã ngộ nhận về sống chậm. Người không hành động gì, cứ thờ ơ hoặc ngơ ngác để năm tháng vụt qua một cách lãng phí có phải là người sống chậm không? Xin thưa, hoàn toàn không phải. Mặc khác, nguy hại hơn là sự sống chậm bằng… hình thức. Không ít người mạo danh sống chậm để biện minh cho thái độ kỳ quặc hoặc hành vi thiếu trách nhiệm. Một công chức sống chậm có quyền ngồi rung đùi uống cà phê trong giờ hành chính chăng? Một nhà kinh doanh sống chậm có quyền trễ hẹn giao dịch với khách hàng chăng? Tất cả chỉ là nguỵ biện, nếu sự sống chậm của ai đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cộng đồng!
Thỉnh thoảng người quá mê đắm với khái niệm sống chậm lại biến tướng như một người lập dị. Một đoạn đường vài cây số từ nhà đến công ty, chúng ta từ chối phương tiện xe cộ để cuốc bộ, thì liệu có hợp lý không? Một thông tin cần chuyển gấp cho đối tác, chúng ta từ chối email để viết thư gửi qua bưu điện, thì liệu có hợp tình không? Với thiện chí, tôi luôn mường tượng, người sống chậm có thể hoàn thành mọi công việc như người khác, nhưng biết cách nhấm nháp mọi phẩm vị cuộc đời mà không chút hối hận khi gỡ đi một tờ lịch cũ!
5. Khi biết tôi là đồng tác giả cuốn sách “Sống chậm thời @”, một doanh nhân tầm cỡ đã chia sẻ như một sự đồng cảm, rằng: “Một xã hội mà mọi người luôn luôn vội vã thì đó là một xã hội chưa văn minh!”. Thật vậy, tuy hơi nghiệt ngã nhưng chúng ta cũng phải nghiêm túc nhận diện người cuống cuồng với miếng ăn chỉ là một người chuẩn bị sống chứ không phải một người đang sống.
Hơn nữa, chẳng cần có tầm vóc triết gia thì ai cũng thấu hiểu trên cõi đời ngắn ngủi và bao dung này, dù làm bất cứ công việc gì thì “để sống” và “phải sống” không thể nào bằng “đang sống”. Giàu hay nghèo, đủ đầy hay lỡ làng, đều có cơ hợi “đang sống” như nhau, nếu có bản lĩnh sống chậm. Vẻ đẹp của một dòng sông xôn xao đôi bờ, vẻ đẹp của bóng cây trưa nắng chói chang, vẻ đẹp của giọng hát một cô thợ nghỉ tay bên máy dệt, vẻ đẹp của thăng trầm hằn sâu trên nếp nhăn vầng trán cụ già… đều nhắc nhở chúng ta về sự tin cậy giữa con người với con người, đều nhắc nhở chúng ta về sự trân trọng giữa con người với thiên nhiên.
Nhiều người sẽ hỏi, sống chậm giữa đời nhanh để làm gì? Theo tôi, điều kinh khủng nhất của con người là sống mà không kịp nghĩ. Một khi có ý thức sống chậm, chúng ta là sẽ biết cách vừa sống vừa nghĩ. Phải vào lúc tâm hồn trong trẻo nhất, chúng ta mới có được những suy nghĩ thiết thực nhất. Nghĩ cho mình, nghĩ cho người khác, nghĩ cho quê hương và nghĩ cho đất nước ngày mai!
Nội dung khác
Kế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý