Giá trị đạo đức truyền thống và những yêu cầu đạo đức đối với nhân cách con người Việt Nam hiện nay

08:16 CH @ Thứ Năm - 10 Tháng Tám, 2006

Những giá trị tinh thần và đặc điểm của nhân cách con người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa và bắt nguồn từ những hoàn cảnh địa lý, môi trường tự nhiên, lịch sử và xã hội.

Từ khi lập nước đến nay, Việt Nam chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp. Nghề nông là một nghề lao động vất vả, không chỉ đòi hỏi nhiều sức lao động, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên của Việt Nam lạimưa nắng thất thường do nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và đông nam, gây ra nhiều thiên tai, hạn hán, mất mùa. Chính những đặc điểm này đã ảnh hưởng tới sự hình thành hệ giá trị của dân tộc Việt Nam, tạo nên sự gắn bó cộng đồng bền chặt, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đặt nền móng cho tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm. Bên cạnh đó, do có nhiều tài nguyên thiên nhiên và là đầu mối giao thông quốc tế quan trọng, nên Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhiều quốc gia. Bởi vậy, muốn bảo vệ đất nước, người Việt Nam phải hy sinh nhiều lợi ích riêng của mình, cùng nhau đoàn kết bảo vệ những lợi ích chung.

Với những đặc điểm tự nhiên, sự khó khăn của cư dân vùng lúa nước, sự đe doạ liên tục của nạn ngoại xâm như vậy, muốn tồn tại và phát triển, con người Việt Nam phải cùng nhau chung sức trong lao động sản xuất và trong các quan hệ xã hội khác. Việc gắn đời sống của mình với cộng đồng cũng là để bảo vệ cuộc sống của mình. Do đó, trong nấc thang giá trị xã hội, việc ưu tiên các giá trị cộng đồng, hay nói cách khác, việc đề cao các giátrị đạo đứclà đặc điểmnổi bật trong đời sống của dântộc Việt Nam.

Sự phát triển ưu trội của các giá trị đạo đức còn có một nguyên nhân khác, đó là pháp luật chưa phát triển (phải đến tận thế kỷ XI, bộ luật đầu tiên của Việt Nam mới ra đời). Do vậy, khi chưa có sự điều chỉnh hành vi con người bằng pháp luật, thì sự tồn tại của phương thức điều chỉnh khác (trong trường hợp này là đạo đức) là điều hiển nhiên.

Trên nền tảng của văn hoá bản địa, với điều kiện địa lý thuận lợi, Việt Nam còn tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại, đặc biệt là văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ với cốt lõi là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo Nho giáo được truyền vào nước ta, tính đến nay đã trên 2000 năm. Nho giáo là một học thuyết chính trị - xã hội luôn lấy đức làm trọng, là công cụ quản lý xã hội của giai cấp thống trị TrungQuốc. Với rất nhiều giáo lý phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam, Nho giáo từng bước được giai cấp thống trị Việt Nam tiếp nhận và đề cao, đặc biệt là trong quản lý đất nước. Bằng ảnh hưởng của giai cấp thống trị, Nho giáo đã ăn sâu vào tâm lý người Việt Nam. Mặc dù còn có những quan niệm tiêu cực, như trọng nam khinh nữ, coi thường lao động chân tay... song Nho giáo cũng có những yếu tố tích cực, đó là việc đề cao chữ nhân, lòng thương người, trọng người cao tuổi… Cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực của Nho giáo đều tác động tới nhân cách con người Việt Nam.

Với tư tưởng từ bi, bác ái, Phật giáo của nền văn hoá Ấn Độ đã dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Các giáo lý Phật giáo cùng với việc các nhà sư sống hoà đồng với người dân đã tạo nên sự gần gũi giữa Phật giáo và người dân. Bởi lẽ, người Việt Nam từng chịu nhiều đau thương, mất mát qua các cuộc chiến tranh, sống lam lũ, khổ sở và thường xuyên phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, nên luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bằng thuyết nhân quả luân hồi, ở hiền gặp lành, Phật giáo khuyến khích con người ăn ở nhân đức để có được cuộc sống tất đẹp trong thế giới mai sau. Phật giáo đã góp phần nâng cao đời sống đạo đức của người dân, dẫu chỉ là về mặt tinh thần. Họ tiếp nhận Phật giáo như là một yếu tố tâm lý làm cân bằng cuộc sống vốn khốn khó của mình. Phật giáo cũng củng cố cách sống nhân nghĩa, chân tình của người Việt Nam.

Cùng với Nho giáo và Phật giáo, Đạo giáo cũng có ảnh hưởng nhất định tới nhân cách con người Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố mê tín dị đoan, Đạo giáo đã "đem lại thêm cho nhân dân ta là tinh thần đoàn kết, hữu ái của nông dân lao động và...một phần cái ý thức về sức mạnh có chính nghĩa của mình chống mọi sự bất công, áp bức, hà hiếp của vua chúa, cường hào, ác bá".

Chính đặc điểm hình thành và phát triển của xã hội Việt Nam đã làmcho các giá trị đạo đứcđược bồi đắp thường xuyên trong suốt chiều dài lịch sử. Cùng với thời gian, những giá trị này trở nên ổn định và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành độnglực, sức mạnh, bản sắc của nhân cách con người Việt Nam.

Theo giáo sư Khiêu, truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam bao gồm: lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù và sáng tạo, tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Còn trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các giá trị đạo đức thường được đề cập đến và được coi là những giá trị nổi bật. Chẳng hạn, Nghị quyết của BộChính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng đã khăng định: "Những giá trị văn hoá truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương thân", đức tính cần cù...".

Như vậy, từ quan điểm của các nhà khoa học cũng như của Đảng ta, có thể khẳng định, dân tộc Việt Nam có một di sản giá trị đạo đức vô cùng phong phú, trong đó, các giá trị điển hình là: tinh thần yêu nước, lòng thương người sâu sắc, tinh thần đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm.

Trong các giá trị đó, nổi bật nhất là tinh thần yêu nước.Tinh thần yêu nước là "nguyên tắc đạo đức và chính trị, một tình cảm xã hội mà nội dung của nó là lòng trung thành với Tổ quốc, là lòng tự hào về quá khứ và hiện tại của Tổ quốc, ý chí bảo vệ những lợi ích của Tổ quốc". Thực ra, trên thế giới, mỗi quốc gia, dân tộc đều có tình yêu đất nước, nhưng bản sắc, sự hình thành cũng như biểu hiện của nó lại có sự khác nhau. ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng, chủ nghĩa yêu nước là giá trị đạo đức cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, là chuẩn mực đạo đức cao nhất, đứng đầu trong thang bậc giá trị truyền thống, và là hằng số trong mỗi người Việt Nam, "là tiêu điểm của mọi tiêu điểm". Yêu nước là đặt lợiích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, luôn chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước, có ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc dân tộc, luôn tự hào về dân tộc.

Tinh thần yêu nước Việt Nam được bắt nguồn từ những tình cảm bình dị, đơn sơ của mỗi người dân. Tình cảm đó, mới đầu, chỉ là sự quan tâm đến những người thân yêu ruột. thịt, rồi đến xóm làng, sau đó phát triển cao thành tình yêu Tổ quốc. Tình yêu đất nước không phải là tình cảm bẩm sinh, mà là sản phẩm của sự phát triển lịch sử, gắn liền với một đất nước nhất định.

Tình yêu đất nước không chỉ gắn liền với quá trình xây dựng đất nước, nó còn được thể hiện rõ hơn trong quá trình bảo vệ đất nước. Trên thế giới, hầu như dân tộc nào cũng phải trải qua quá trình bảo vệ đất nước, chống xâm lăng. Nhưng có lẽ không dân tộc nào lại phải trải qua quá trình giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nhiều và đặc biệt như ở Việt Nam. Trong khoảng .thời gian từ thế kỷ IIITCN đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, dân tộc ta đã dành hơn nửa thời gian cho các cuộc kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống ngoại xâm, các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc. Không có một dân tộc nào trên thế giới lại phải chịu nhiều cuộc chiến tranh như vậy và với những kẻ thù mạnh hơn rất nhiều. Chính tinh thần yêu nước nồng nàn đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thế lực xâm lược. Qua những cuộc chiến đấu trường kỳ đầy gian khổ đó, chủ nghĩa yêu nước đã trở thành “dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam, trở thành một dạng triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn Việt Nam". Nhận xét về truyền thống yêu nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó bước qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước".

Lòng thương ngườicủa dân tộc Việt Nam xuất phát từ tình cảm yêu quý conngười - "người ta là hoa của đất". Chính , trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cha ông ta đã rút ra triết lý: con người là vốn quý hơn cả, không có gì có thể so sánh được. Mọi người luôn luôn "thương người như thể thương thân" và vì lẽ đó, trong quan hệ đối xử hàng ngày, người Việt Nam luôn coi trọng tình, luôn đặt tình nghĩa lên trên hết - "vì tình vì nghĩa ai vì đĩa xôi đầy". Chữ "tình" chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân. Trong gia đình, đó là tình cảm vợ chồng "đầu gối tay ấp", tình anh em "như thể tay chân", tình cảm đối với bố mẹ: "Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Rộng hơn là tình cảm đối với làngxóm : "Sớm khuya tối lửa tắt đèn có nhau”. Và, rộng hơn cả là tình yêu đất nước: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước thì thương nhau cùng", "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy là khác giống nhưng chung một giàn"...Chính sự coi trọng chữ "tình" mà trong những xung đột, người Việt Nam thường cố gắng giải quyết theo phương châm "có lý có tình", "chín bỏ làm mười". Bởi với họ, tình cảm con người là cao quý hơn cả, không thể vì những điều khác mà bỏ đi được, "một mặt người hơn mười mặt của", "người sống đống vàng” ….

Tinh thần thương yêu con người còn biểu hiện trong sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau theo kiểu "lá lành đùm lá rách", "chị ngã em nâng", "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ"...ở tình cảm bao dung, vị tha: "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại". Họ không những vị tha với nhau, mà còn vị tha với cả kẻ thù. Lịch sử đã từng ghi lại rất nhiều rằng, với những tù binh chiến tranh, họ luôn được đối xử tử tế, được mở đường hiếu sinh, được cấp đầy đủ quân trang khi trở về nước.

Tình thương người của dân tộc Việt Nam không chỉ biểu hiện trong đời sống hàng ngày của người dân, trong hương ước của các làng xã, mà còn được nâng lên thành những chuẩn tắc trong luật của nhà nước. Trong các bộ luật của Việt Nam -những bộ luật rất hiếm hoi và ra đời tương đối muộn trong lịch sử phát triển dân tộc, chúng ta có thể thấy, việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức, như con cái đối xử không tất với cha mẹ, với người thân có thể bị xử phạt. Trong các kho của Nhà nước Việt Nam hầu như lúc nào cũng có thóc gạo dự trữ để phân phát cho những người dân nghèo, đau ốm, hay vào những năm hạn hán mất mùa. Việc lập các nhà thương tế bần nuôi dưỡng những người già cả, cô đơn, đau ốm bệnh tật ở các nơi luôn được sự khuyến khích của Nhà nước.

Lòng thương người đã trở thành một nếp nghĩ, một cách sống, một giá trị đạo đức trong đời sống của người Việt Nam. Khi Phật giáo và Nho giáo thâm nhập vào Việt Nam với những quan niệm từ bi bác ái, thương người thì chúng càng khẳng định, củng cố thêm tư tưởng thương người của dân tộc Việt Nam. Nhưng tư tưởng thương người của dân tộc Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi quan niệm từ bi vượt thoát hiện thực của Phật giáo, vì người Việt Nam vẫn chủ trương chú trọng nhiều đến những giá trị đời sống thường ngày, nó cũng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi chữ nhân quá thiên về lễ nghĩa của Nho giáo, vì người Việt Nam hiểu chữ nhân như là một đạo làm người -đạo làm người xuất phát từ chính bản chất của con người, chứ không phải với nghĩa là trách nhiệm của bề trên đối với kẻ dưới như trong quan niệm Nho giáo.

Tóm lại, tình thương yêu con người là giá trị đạo đức đặc trưng của dân tộc ta, một giá trị rất đáng tự hào. Nó gắn liền với tình yêu thương đồng loại và là "cái gốc của đạo đức. Không có lòng nhân ái thì không thể có lòng yêu nước, thương nhân dân được".

Tinh thầnđoàn kếtlà sản phẩm đặc thù của một hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt và điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Nó là nhân tố cốt lõi trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có được sức mạnh to lớn trước mọi thử thách.

Ý thức về tinh thần đoàn kết của người Việt Nam đã trở thành một truyền thuyết - truyền thuyết về hai chữ "đồng bào" (mọi người cùng trong một cái bọc mà ra). Truyền thuyết này phản ánh nhu cầu và mong ước của người xưa về sự gắn bó giữa những con người với nhau.

Tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, trước tiên, được thể hiện trong gia đình, trong cộng đồng làng xã, và hơn hết, trong toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong gia đình, sức mạnh đoàn kết được thể hiện qua câu châm ngôn: "Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn". Chính những quy tắc, thể lệ về một mảnh ruộng chung (công điền), về việc phải cùng nhau hợp tác trong lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, mà tinh thần đoàn kết ngày càng được củng cố trong làng xã. Có lẽ, hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà tinh thần đoàn kết lại được biểu hiện nhiều và đa dạng như ở làng quê Việt Nam. Ở bất cứ lĩnh vực gì, người ta cũng tạo rasự đoàn kết nhất trí cao, như học giả Đào Duy ánh nhận xét: "ở trong một làng người ta thấy những cuộc đoàn kết nhỏ, như hội tư văn gồm những người có chức tước khoa danh, hội văn phả gồm những người nho học mà không có phẩm hàm khoa mục gì, hội võ phả gồm những quan võ, hội đồng môn gồm có tất cả học trò của một thầy. Ngoài ra còn có vô số các đoàn thể khác, như hội mua bán dùng cách gắp thăm hay bỏ tiền úp bát mà lần lượt góp tiền cho nhau trong việc khánh hỉ, cùng là những hội bách nghệ họp các thợ thủ công đồng nghiệp, hội chư bà họp các bà vãi lễ phật, hội đồng quan họp những bà thời đồng thánh, hội bát âm họp các tài tử âm nhạc, cho đến hội chọi gà, hội chọi chim...xem thế thì thấy người nhà quê ta rất ham lập hội”.

Tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng xã được mở rộng thành tinh thần đoàn kết dân tộc và không ngừng được nâng cao trong quá trình dựng nước và giữ nước. Vì vậy, dân tộc Việt Nam đã duy trì được sự hài hoà trong các quan hệ xã hội, làm hạn chế phần nào tính vị kỷ, tạo được sức mạnh chung cho sự sinh tồn và chiến thắng ngoại xâm. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, nếu không tạo được sự đoàn kết nhất trí cao thì nguy cơ nước mất nhà tan sẽ xảy ra. Thất bại của nhà Hồ thế kỷ XIV là một ví dụ. Do không thống nhất được lòng dân, nên dù có thời cần chuẩn bị kháng chiến lâu dài, vũ khí tân tiến vẫn không bảo vệ được độc lập dân tộc. Hoặc trong các thế kỷ XVI - XVIII chiến tranh phân chia Trịnh - Nguyễn, Nam - Bắc triều là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy yếu của đất nước, làm cho thực dân Pháp có cơ hội xâm lược nước nhà. Chính nhờ có truyền thống đoàn kết mà chúng ta mới có được một dân tộc độc lậpnhư ngày nay. Những câu như "đoàn kết thì sõng, chia rẽ thì chết", "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao"... không chỉ là một lời khuyên nhủ, mà còn là phương châm, mục đích của sự đoàn kết dân tộc. Nó trở thành sức mạnh tinh thần và đặc trưng cho nhân cách con người Việt Nam.

Tinh thầnlao động cần cù, tiết kiệmvõ cũng là một giá trị đạo đức nổi bật trong hệ giá trị của dân tộc Việt Nam. Thực ra, để kiến tạo ra của cải vật chất thì bất cứ dân tộc nào cũng phải lao động, cũng phải chịu khó, và họ cũng có thể tự hào về những thành quả đã tạo dựng được của mình, nhưng dân tộc Việt Nam lại là một trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, như đã nói, Việt Nam là một nước có nền văn minh nông nghiệp lâu đời. Lao động nông ghiệp là loại hình lao động vất vả, cần nhiều thời gian, công sức mới có hạt gạo, bát cơm để ăn. Hơn nữa, thiên nhiên lại quá nhiều nắng gió, mưa bão mà nhiều khi, mùa nắng thì hạn cháy đồng, mùa mưa lại lũ lụt. Quanh năm suốt tháng, người dân Việt Nam phải lo đắp đập, đào mương lấy nước tưới, đắp đê phòng chốngbão lụt (Việt Nam có hàng ngàn km đê, điều được làm mãi qua hàng chục thế kỷ). Theo giáo sư Trần Văn Giàu, những người nước ngoài đến Việt Nam đều hết sức ngạc nhiên khi thấy mọi cơ năng của con người Việt Nam đều được dùng để làm việc: đầu đội, vai gánh, lưng cõng, tay nhanh nhẹn và khéo léo, chân chạy như bay. Ngoài sự khéo léo, đó còn là một minh chứng cho sự cần cù, chịu khó của người Việt Nam.

Hơn nữa, dân tộc Việt Nam lại luôn chịu sự xâm lăng của các thế lực bên ngoài. Bất cứ cuộc xâm lăng nào, bên cạnh nhiều lý do khác, cũng đều là sự cướp bóc của cải, phá hoại mùa màng sản xuất. Do đó, để khắc phục hậu quả, nhân dân Việt Nam không còn cách nào hơn là phải lao động cần cù.

Như thế, đầu tiên, lao động cần cù như một yêu cầu tất yếu để đảm bảo cho sự sinh tồn của dân tộc. Sau đó, trong sự đấu tranh gian khổ với thiên nhiên, với cuộc sống luôn bị kẻ thù xâm lăng, lao động cần cù đã trở thành một phẩm chất đạo đức không thể thiếu đối với con người Việt Nam.

Ước vọng về một đức tính lao động cần cù đã được thể hiện nhiều trong dân gian Việt Nam. Người Việt luôn nhắc nhở với nhau rằng, "năng nhặt chặt bị", "kiến tha lâu đầy tổ" Người ta luôn luôn phê phán thói "ăn không ngồi rồi", bởi với họ, "nhàn cư vi bất thiện".

Lao động cần cù của người Việt Nam luôn gắn với tiết kiệm, bởi lẽ, "buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện", "khi có mà không ăn dè, đến khi ăn dè chẳng có mà ăn".

Ngoài những giá trị nói trên, dân tộc Việt Nam còn có nhiều giá trị đạo đức khác tạo nên cốt cách con người Việt Nam, như đức tính khiêm tốn, lòng thuỷ chung, tính trung thực... Những đức tính này không tồn tại riêng rẽ mà liên quan đến nhau - đức tính này là điều kiện, là biểu hiện của đức tính kia. Người ta không thể nói yêu Tổ quốc mà không yêu thương con người, không có lòng nhân ái, bao dung. Thương người cũng là ý thức về tính cộng đồng, về lý tưởng phục vụ cộng đồng, về việc biết đặt cái chung lên trên cái riêng. Cũng chỉ có yêu nước, con người ta mới lao động cần cù, tiết kiệm để kiến tạo cuộc sống của mình cũng như cuộc sống của con cháu mình. Và, để thực hiện được những ước vọng,đó, con người ta cần phải đoàn kết lại để xây dựng, bảo vệ những thành quả do mình làm ra.

Chính những giá trị đạo đức truyền thống này đã tạo nên lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chúng là nhân tố quan trọng định hướng tư tưởng, tình cảm, hành động của con người Việt Nam trong suốt quá trình phát triển của mình. Chúng đã tạo nên những con người biết sống xả thân vì nghĩa, vì đồng bào, dân tộc bất kể con người đó thuộc tầng lớp, giai cấp nào trong xã hội.

Tuy nhiên, trong nội dung của các giá trị đạo đức mang truyền thống dân tộc còn có những hạn chế nhất định, như nhận xét của một nhà nghiên cứu: "Tinh thần cộng đồng làng xã dẫn đến tâm lý phủ định cá nhân, san bằng cá tính, dẫn đến chủ nghĩa bình quân, địa phương, bè phái, cục bộ. Chủ nghĩa tình cảm dẫn đến thiếu duy lý, không logic, thiếu khách quan, thiếu tinh thần pháp luật, không tôn trọng quy luật khách quan. Đánh giá cao giá trị tinh thần mà coi nhẹ yếu tố vật chất dẫn đến duy tâm, duy ý chí. Yêu nước, yêu làng dẫn đến tâm lý cố thủ, bám làng xóm, quê cha đất tổ, không dám vươn lên khám phá... Cần cù, chịu đựng dẫn đến kém tư duy kỹ thuật, không năng động, chậm đổi mới". Những hạn chế này mang tính thời đại và giai cấp. Bởi vì, các giá trị đạo đức truyền thống được hình thành trong bối cảnh thế giới chưa có sự phát triển mạnh mẽ như ngày nay và trong một xã hội phong kiến có nền kinh tế kém phát triển, khép kín.

Với sự ra đời của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, truyền thống đạo đức tất đẹp của dân tộc có điều kiện phát huy mạnh mẽ, nhất là lòng yêu nước, thương người, đức tính lao động cần cù mà trong thời kỳ Pháp thuộc, chúng dường như bị mai một. Nhưng trong xã hội ta ngày nay, khi chúng ta chuyển mô hình kinh tế tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã xuất hiện những xung đột giữa truyền thống và hiện đại, giữa những giá trị Việt Nam và những giá trị phương Tây.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của xã hội. Đó là những kết quả đáng khích lệ.Nhưng bên cạnh đó, cũng đã có không ít những vấn đề nảy sinh. Hiện nay, kinh tế thị trường như một luồng gió mới ảnh hưởng không ít đến quan điểm sống, đến định hướng giá trị của mọi người. Để tồn tại và phát triển, nền kinh tế này đòi hỏi tính tích cực, chủ động của mỗi người dân, mỗi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, mặt trái của tính tích cực, chủ động này là, nhiều khi người ta quá chú trọng đến bản thân mình, không quan tâm đến người khác, làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo lý. Cùng với đó là làn sóng toàn cầu hoá tràn vào Việt Nam. Những giá trị mang tính thực dụng, duy lý... của toàn cầu hoá, những giá trị mà dường như trái ngược với những giá trị đạo đức truyền thống đã làm cho nhiều người bị "choáng ngợp". Từ sự tiếp nhận chúng như là một tất yếu cho quá trình hội nhập đến việc đề cao thái quá đã làm cho tính tích cực của những giá trị này mang cả tính tiêu cực. Tất cả những điều đó đã dẫn đến sự gia tăng các hiện tượng xã hội không lành mạnh. Đó là thói vị kỷ, tình trạng tham ô, tham nhũng, phạm pháp hình sự, tỷ lệ ly hôn, mâu thuẫn gia đình... Trước tình hình đó, có quan niệm cho rằng, các giá trị đạo đức truyền thống không còn vai trò trong một xã hội phát triển như hiện nay. Lại có quan niệm cho rằng, để khắc phục tình trạng gia tăng các hiện tượng xã hội không lành mạnh mà trước đó chưa từng có, chúng ta cần phải trở về sử dụng các giá trị dân tộc truyền thống. Thực ra, thái độ phủ nhận mọi giá trị truyền thống hay bảo thủ trước những biến đổi của đời sống đều gây nên những hậu quả tai hại. Bởi lẽ, mọi thứ không thể xuất phát từ hư vô, nhưng cũng không thể không phát triển. Trước kia, các giá trị đạo đức truyền thống có vai trò không nhỏ trong tiến trình xây dựng và phát triển nhân cách con người Việt Nam, thì ngày nay, chúng sẽ vẫn có tác dụng. Nhưng chúng ta phải có một thái độ thích hợp trong việc sử dụng chúng, sao cho chúng vẫn phát huy được mặt tích cực trong điều kiện xã hội mới.

Thực tế cho thấy, mặc dù có sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trườngcũng như những tàn dư của xã hội cũ, các giá trị đạo đức truyền thống cao đẹp của cha ông ta vẫn được các tầng lớp nhân dân giữ gìn, phát huy và vẫn còn ảnh hưởng rõ nét trong nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Kết quả điều tra của Đề tài khoa học cấp Nhà nước KX. 07- 02 Các giá trị truyền thông vàcon người Việt Nam hiện naycho thấy, các yếu tố tích cực của truyền thống vẫn còn đã và đang tác động tích cực tới con người Việt Nam hiện nay trên nhiều bình diện. Chẳng hạn, trong gia đình, ngoài điều kiện kinh tế, các giá trị "thuận vợ, thuận chồng", "đạo đức trong sạch" được đề cao, là tiêu chí cần thiết mà con người hướng tới. Đó chính là sự nối tiếp truyền thống "thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn" của cha ông ta. Tiêu chí có nghề nghiệp, lao động giỏi được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá con người. Thực ra, đây chính là biểu hiện của đức tính lao động cần cù.

Chủ tịch HồChíMinh là một mẫu mực cho sự phát huy những giá trị truyền thống của cha ông ta. Người đã không sử dụng nguyên xi những giá trị cũ, mà có sự đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh hiên tại. Chẳng hạn, nếu ở Nho giáo, chữ “trung” gắn với quan hệ vua - tôi, chữ "hiếu” gắn với quan hệ con cái - cha mẹ, thì ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng được đổi thành "trung với nước, hiếu với toàn dân, với đồng bào". Theo Người, việc kế thừa các giá trị truyền thống nói chung, các giá trị đạo đức nói riêng cần phải thực hiện theo phương thức:

"Đời sống mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.
Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ...
Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tất thì phải phát triển thêm...
Cái gì mới mà hay thì ta phải làm".

Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII cũng đã khẳng định nguyên tắc của việc phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc: "Chúng ta tiếp thu tinh hoa của nhân loại, song phải luôn luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác". Và, do vậy, cần phải "đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc".

Như vậy, có thể nói, quá trình xây dựng một nền kinh tế phát triển, hay sự biến đổ của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều do con người thực hiện và đều nhằm tới mục tiêu phát triển con người Việt Nam trong xã hội hiện đại. Theo đó, dù coi con người là động lực hay mục tiêu, con người Việt Nam hiện nay vẫn cần phải có được những đức tính và đáp ứng được những yêu cầu về mặt nhân cách sau:

"Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Có ý thức tập thể, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung, xây dựng khối đoàn kết đại dân tộc Việt Nam.

Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương, phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.

Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao, vì lợi ích bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực".

Có thể nói rằng, mặc dù cần bổ sung thêm những nhân tố mới, song những yêu cầu về mặt đạo đức đối với nhân cách con người Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn phù hợp với những giá trị đạo đức mang truyền thống dân tộc. Nói cụ thể hơn, những yêu cầu về mặtđạo đức đối với con người Việt Nam hiện nay chính là sự tiếp tục, sự mở rộng,đổi mới và nângcao những yêu cầuđã được kết tinh thành giátrị đạo đức mang truyền thông dântộc. Bài viết mới chỉ dừng lạiở việc phân tích các giá trị đạo đức truyền thống và những yêu cầu đạo đức đối với nhân cách con người Việt Nam, còn các biện pháp kế thừa các giá trị đạo đức mang truyền thống dân tộc trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay - một nhiệm vụ tất yếu, cấp bách thì cần phải có những nghiên cứu tiếp theo.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn thêm về mối quan hệ giữa trí thức và nhân cách

    15/06/2020Vương Trí NhànGiữa con người và nhân cách có sự khác nhau: một bên là sản phẩm tự nhiên (ta hay nói ai cũng là một con người), còn bên kia là sản phẩm của quá trình tự đào luyện với sự giúp đỡ cửa lý trí sáng suốt. Nói cách khác: người ta không sinh ra đã là một nhân cách, người ta chỉ trở thành một nhân cách...
  • Các giá trị Đạo đức

    21/05/2018Nguyễn Trần BạtVai trò định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người thuộc về đạo đức, mà cái gốc của nó là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại: chân, thiện, mỹ...
  • Quan hệ giữa đạo đức và kinh tế trong việc định hướng các giá trị đạo đức hiện nay

    27/09/2016Nguyễn Thế KiệtĐạo đức quan hệ với kinh tế là điều không ai nghi ngờ. Nhưng, trong quá trình chuyển đổi cơ chế hiện nay, do tác động của kinh tế, đạo đức biến động theo xu hướng tiến bộ hay thoái hóa, thăng hoa hay sa đọa? Phải chăng kinh tế phát triển thì trình độ đạo đức xã hội tự nhiên sẽ được nâng cao? Phải chăng quan niệm hiệu quả đồng nghĩa với chủ nghĩa sùng bái đồng tiền?
  • Nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho sinh viên

    08/09/2016GS. Tương LaiNếu trong một thời gian dài, lòng trung thành được nói đến nhiều hơn sự trung thực thì đã đến lúc cần xếp lại vị trí ưu tiên cho cái cần được chăm lo bồi dưỡng, “cái đang thiếu”! Mà nếu thiếu cái gì đó, thì “cái còn lại còn gì là đáng giá” kể cả lòng trung thành!
  • Từ kiến thức đến nhân cách

    20/10/2015Vương Trí NhànCái vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thức vốn khá đa dạng. Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội. Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học. Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vẫn nổi lên rõ rệt hơn cả...
  • Tư cách và đạo đức cách mạng

    14/01/2011X.Y.Z

    1 Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.
    2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

  • Về một số giải pháp xây dựng nhân cách đạo đức hiện nay

    25/06/2006PTS. Nguyễn Văn PhúcSự hình thành nhân cách nói chung, nhân cách đạo đức nói riêng, bị quy định bởi tổng thể những điều kiện kinh tế xã hội và bởimột hệ thống giáo dục do chính những điều kiện kinh tế - xã hội đó quy định. Tuy vậy, để xây dựng nhân cách đạo đức, trước hết cần phải tính đến những nhân tố cơ bản quy định sự hình thành và phát triển nhân cách đạo đức để từ đó, rút ra những giải pháp khả thi...
  • Đạo đức sinh học

    02/05/2006Nguyễn Ngọc Hải"Đạo đức sinh học" là sự nghiên cứu các lựa chọn đạo đức bắt nguồn từ sự dính dáng của con người đến sự sống. Nó bao hàm sự đánh giá lợi ích và rủi ro có liên quan với sự can thiệp con người, đặc biệt là các công nghệ mới, xem xét sự cân đối giữa quyền tự quản của cá nhân và nhiệm vụ pháp lý...
  • Khía cạnh đạo đức của sự nghiệp CNH - HĐH ở nước ta hiện nay

    11/04/2006Phó TS. Nguyễn Văn PhúcVới tính cách là phương thức và trình độ của sự phát triển xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa có quan hệ với đạo đức trên nhiều bình diện và mức độ khác nhau.
  • Giá trị đạo đức- giá trị bản thân và giá trị xã hội

    11/03/2006Ngô ToànĐạo đức là một hệ thống giá trị, một hiện tượng xã hội mang tính chuẩn mực, thể hiện mệnh lệnh, đánh giá rõ rệt...
  • Về nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức

    20/12/2005Viễn Phố dịch từ tài liệu tiếng TrungBài viết nói về nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó vạch rõ nhân cách đó do nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức quyết định và thể hiện yêu cầu của nguyên tắc đó. Do vậy nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức phải vừa đề cao lý tính lại vừa thấm đượm tinh thần nhân văn.
  • Trước hết, đạo lý!

    03/12/2005Nguyễn Mạnh HàoThiết kế và thực hiện dần cho nhân dân cả nước một lối sống lành mạnh, tốt đẹp, vui tươi – một lối sống bắt rễ sâu thẳm vào văn hóa truyền thống dân tộc, nhờ đó gia tăng bản lĩnh hội nhập hấp thụ tinh hoa thế giới, là một vấn đề cực kỳ bức thiết và trọng đại mà tiếp cận trước tiên và cơ bản nhất là tiếp cận đạo lý của các thế hệ Việt Nam đã đúc kết và từng trải cho đến hôm nay...
  • Ý thức đạo đức phản ánh lĩnh vực nào của đời sống xã hội

    18/11/2005Trịnh Minh HổTrong những năm gần đây, vấn đề đạo đức với tư cách là đối tượng nghiên cứu của đạo đức học đã được bàn đến trên nhiều công trình bài viết chuyên khảo cúng như từ nhiều chuyên ngành liên quan. Mặc dù vậy không ít các vấn đề lý luận của đạo đức, trong đó có những vấn đề hết sức cơ bản vẫn tồn đọng và chưa được quan tâm giải quyết.
  • Nguyễn Đình Chiểu nhân cách của một nhà văn hóa lớn

    08/11/2005Nguyễn Văn ChâuNhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.
  • Nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho Sinh viên

    01/09/2005Tương LaiNếu trong một thời gian dài, lòng trung thành được nói đến nhiều hơn sự trung thực thì đã đến lúc cần xếp lại vị trí ưu tiên cho cái cần được chăm lo bồi dưỡng, “Cái đang thiếu mà nếu thiếu cái đó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá” kể cả lòng trung thành!
  • Nhân cách trẻ

    27/01/2004Mỗi thế hệ có một quan niệm của mình về nhân cách. Lớp già và lớp trẻ nhiều khi “xung khắc” cũng một phần vì nghĩ về nhân cách khác nhau, về ứng xử khác nhau. Nhân cách có nét chung phổ biến mà cũng có nét riêng đặc thù của mỗi lớp người, mỗi thành phần, thậm chí mỗi cá nhân...
  • Đi tìm nhân cách người Việt Nam

    05/01/2004KS. Trần Quốc KhảiThực sự mới ra khỏi chiến tranh hơn chục năm nay, người Việt Nam vẫn sống trong hào quang của chiến thắng. Kém về thể lực và trí lực, cộng với niềm tự kiêu đôi khi không tỉnh táo, thế hệ trẻ Việt tuy đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bứt phá trong tương lai, nhưng chỉ số nhân cách của người Việt Nam hiện đại đang ở đâu? Dưới kết quả nghiên cứu khoa học về nhân văn trên cơ sở vật lý và toán học, câu trả lời ấy là...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác