Kết hợp giáo dục lý luận với giáo dục lý tưởng đạo đức, cho sinh viên hiện nay
Công tác giáo dục đào tạo sinh viên - đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa tương lai cần theo một phương hướng cơ bản là phải thực sự coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục lý luận với giáo dục lý tưởng, đạo đức cho sinh viên. Xác định đạo đức là "gốc" của người cách mạng, nó không chỉ là nền tảng nhân cách trong sự thống nhất với tri thức, mà còn là điều kiện tiên quyết để trau dồi tri thức nói chung, nâng cao trình độ lý luận nói riêng. Có thể thấy, đạo đức trong sáng của người sinh viên là một trong những điều kiện, hơn nữa là điều kiện tiên quyết, là tiền đề để trau dồi lý luận. Không những thế, lý luận ở đây cũng không chỉ là tri thức, là học vấn nói chung mà là lý luận cách mạng - đó là lý luận không chỉ giải thích thế giới mà cốt lõi là để cải tạo thế giới. Vì vậy, nếu học tập không nhằm mục đích thực tiễn, phục vụ nhân dân thì không thể lĩnh hội được tinh thần thực chất của lý luận.
Việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ thực sự có kết quả với động cơ học tập đúng đắn. Tất nhiên, kết quả của học tập lý luận còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ học vấn, vốn kinh nghiệm sống, phương pháp học tập... Và nó không chỉ phụ thuộc vào người học mà còn phụ thuộc vào người dạy, vào điều kiện học tập, việc tổ chức quản lý học tập... Mặc dù vậy, phẩm chất đạo đức của nguời sinh viên vẫn là điều kiện tiên quyết để học tập lý luận có kết quả. Nó là động lực để phát huy tính chủ động, tích cực trong những điều kiện lịch sử - cụ thể, để biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục nói chung, giáo dục lý luận nói riêng. Việc coi trọng giáo dục đạo đức, xây dựng đạo đức trong giáo dục lý luận cho sinh viên không chỉ là đòi hỏi cho nhiệm vụ xây dựng đất nước, mà còn là đòi hỏi bức thiết của bản thân công tác giáo dục lý luận.
Công tác giáo dục lý luận coi giáo dục đạo đức không những là tiền đề của việc nâng cao trình độ lý luận, đồng thời là nhiệm vụ của mình. Lê-nin đòi hỏi phải làm cho toàn bộ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thanh niên trở thành nhiệm vụ giáo dục đạo đức, cộng sản. Nói về mục đích học tập lý luận của người cán bộ, Bác Hồ đòi hỏi trước hết phải là "học để làm việc, làm người" rồi mới "làm cán bộ". Do đó, nếu có tình trạng suy thoái, xuống cấp về phẩm chất đạo đức của sinh viên trong trường đại học có ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục lý luận thì không phải là giáo dục lý luận vô can đến tình trạng đó.
Ngày nay, khi mà những mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động mạnh cả vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung, thì công tác giáo dục lý luận càng phải quan tâm tới việc xây dựng, giáo dục đạo đức cho sinh viên. Một mặt, giáo dục lý luận góp phần giải đáp những vấn đề về đạo đức của sinh viên, học sinh. Mặt khác, phải phát huy vai trò của đạo đức với tính cách là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận, bao gồm cả việc giữ gìn sự trong sáng và phẩm chất chính trị, đạo đức của chính mình, như C.Mác đã nói "nhà giáo dục cũng phải được giáo dục".
Sinh viên có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Họ có những phẩm chất quý báu như trẻ, khỏe, có học thức, ham học, năng động, dám nghĩ và dám làm theo cái mới... Họ thật sự là đại biểu cho sức sống của thanh niên, sức mạnh của dân tộc. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, để những tiềm năng đó trở thành hiện thực, trở thành động lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, họ cần phải được định hướng một cách toàn diện, đặc biệt là lý tưởng đạo đức trong sáng.
Lý tưởng là những khát khao, nguyện vọng, những tư tưởng về tương lai tốt đẹp mà con người hằng mong ước vươn tới. Lý tưởng có vai trò to lớn đối với hoạt động của con người. Người có lý tưởng cao đẹp, thì không những sẽ có yêu cầu cao đối với chính bản thân mình mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với những công việc của người khác. Quá trình hiện thực hóa lý tưởng được bắt đầu từ việc xác định, củng cố niềm tin, rồi sau đó niềm tin sẽ trở thành một động lực quan trọng đối với hoạt động của con người.
Là một bộ phận của lý tưởng xã hội, lý tưởng đạo đức cũng mang những nội dung, đặc điểm và ý nghĩa chung của lý tưởng xã hội. Tuy nhiên, nó cũng có đặc thù riêng do tính chất của các quan hệ đạo đức quy định. Nó phản ánh những hoài bão, những xu hướng, những nội dung cơ bản của những giá trị và chuẩn mực đạo đức trong đời sống xã hội.
Như vậy, lý tưởng đạo đức chẳng phải là cái gì cao xa, trừu tượng, hư vô; mà được xuất phát bởi đời sống kinh tế - xã hội, bởi thực trạng đạo đức trong thời gian nhất định.
Lý tưởng đạo đức là một bộ phận của lý tưởng xã hội, thống nhất với lý tưởng xã hội. Lý tưởng xã hội của chúng ta hiện nay chính là "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Vì vậy, lý tưởng đạo đức mà chúng ta lựa chọn cũng phản ánh nội dung lý tưởng "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Lý tưởng đó luôn luôn hướng tới mục tiêu cao cả: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Bởi vì, bản thân "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" đã bao hàm nội dung đó.
Với vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thanh niên, đặc biệt là thanh niên trí thức - mà hôm nay họ còn là sinh viên - là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đó. Do đó, giáo dục nhân cách nói chung, giáo dục lý tưởng đạo đức cho sinh viên nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp đổi mới đất nước. Quá trình giáo dục lý tưởng, đạo đức cho sinh viên có vai trò to lớn đối với sự hình thành nhân cách của họ. Nội dung lý tưởng đạo đức đặt ra những đòi hỏi, những yêu cầu mà sinh viên phải phấn đấu rèn luyện trong quá trình hiện thực hóa lý tưởng đó. Từ những nỗ lực phấn đấu vươn lên, sinh viên tự khẳng định mình và góp phần vào sự phát triển xã hội.
Nhưng khi nói tới việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cho sinh viên trong điều kiện ngày nay ở nước ta, không thể không nói tới những tác động của cơ chế thị trường. Về những tác động tích cực và tiêu cực của kinh tế thị trường đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung, với tư tưởng, lối sống đạo đức nói riêng, xin được nêu ra một số điểm sau.
- Về ảnh hưởng tích cực: Với sự năng động trong toàn xã hội, cùng với những biện pháp kinh tế mà Đảng và nhân dân ta thực hiện đã nâng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lên một bước đáng kể. Từ đó, niềm tin của toàn dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc. Đây chính là điều kiện khách quan thuận lợi đối với công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cho sinh viên.
- Về ảnh hưởng tiêu cực: Đảng ta đã khái quát "... về khách quan mà nói kinh tế thị trường với sức mạnh tự phát ghê gớm của nó đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, làm cho người ta chỉ chú ý tới lợi ích vật chất mà coi nhẹ giá trị tinh thần, chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân mà coi nhẹ lợi ích cộng đồng, chỉ chú ý lợi ích trước mắt mà coi nhẹ lợi ích lâu dài, cơ bản"(1). Do vậy, "những năm gần đây tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống có chiều hướng tăng lên, rất đáng lo ngại"(2) và "Một bộ phận thanh niên còn mơ hồ về lý tưởng, chưa nhận thức được tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, chưa xác định được trách nhiệm của thanh niên nói chung và của bản thân nói riêng"(3).
Với vai trò quan trọng của đạo đức, từ thực trạng đạo đức xã hội nói chung, đạo đức thanh niên nói riêng, trong những năm gần đây, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, đặc biệt quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ luôn được Đảng ta coi trọng.
Theo chúng tôi, giáo dục lý tưởng đạo đức cho thanh niên, sinh viên trong điều kiện ngày nay cần quan tâm đến các vấn đề sau.
Thứ nhất, phải củng cố niềm tin của thanh niên, sinh viên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ và hiện thực ngày càng tốt đẹp của công cuộc đổi mới đất nước. Khi họ đã có niềm tin vững chắc thì sẽ quyết định khuynh hướng, mục đích và hiệu quả hoạt động của mình và sẽ hoạt động hăng say, tích cực trong học tập, công tác, đóng góp thiết thực cho đất nước, xã hội.
Thứ hai, bên cạnh củng cố niềm tin của thanh niên sinh viên vào Đảng, vào chế độ, phải tăng cường giáo dục cho họ tình cảm yêu nước nồng nàn. Yêu nước, tức là yêu độc lập của đất nước; yêu chủ nghĩa xã hội; là phải làm giàu cho gia đình và đất nước; phải trung với Đảng, với nước, hiếu với nhân dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế hiện nay thì "trung" và "hiếu" phải được coi là giá trị nổi bật để thanh niên - sinh viên không dễ sa vào cạm bẫy của kẻ thù. Có thể nói giáo dục tình cảm yêu nước là nội lực quan trọng để tạo cho thanh niên, sinh viên - những người chủ tương lai của đất nước, ý chí tự lực tự cường, say mê trong lao động, học tập.
Thứ ba, phải quan tâm giáo dục ý thức cộng đồng; để mỗi cá nhân hăng say phấn đấu trong lao động và học tập khẳng định mình, gắn mình với cộng đồng, với xã hội. Đồng thời cộng đồng phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, trưởng thành của mỗi cá nhân. Sự gắn bó của cá nhân với cộng đồng và sự quan tâm của cộng đồng đối với cá nhân sẽ tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn giúp cho thanh niên vượt qua những điều kiện khó khăn, quyết tâm phấn đấu giành thắng lợi cho bản thân, qua đó đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.
Thứ tư, ngày nay vấn đề thanh niên, sinh viên rất quan tâm và bức xúc là nghề nghiệp, việc làm sau khi ra trường. Do đó, giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải coi là nội dung cơ bản trong giáo dục lý tưởng đạo đức cho họ. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp là giúp họ có trách nhiệm cao đối với ngành nghề mà họ đã lựa chọn, từ đó khơi dậy lòng nhiệt tình, yêu nghề để họ phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, cùng với các biện pháp điều chỉnh của Nhà nước, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ tác động tích cực đối với sinh viên, khiến họ có thể hy sinh lợi ích cá nhân để cống hiến cho xã hội, chấp nhận làm việc ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất.
Thứ năm, trong việc giáo dục đạo đức, lý tưởng cho sinh viên, cần kết hợp giữa giáo dục những phẩm chất truyền thống như yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, trung hiếu, cần, kiệm,... với các giá trị đạo đức mới như chủ động, sáng tạo, tự lập, tự chủ, vượt khó,... Có như vậy mới giúp họ khẳng định bản thân và hòa nhập vào xã hội hiện đại; hơn nữa, để họ không mất gốc mà còn có điều kiện vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ.
Kết hợp giữa giáo dục đạo đức, lý tưởng với giáo dục lý luận trong thanh niên sinh viên, với mục đích làm thế nào để chúng ta đào tạo một lớp thanh niên trí thức "vừa hồng vừa chuyên" như Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong đợi. Đây không chỉ là trách nhiệm của đội ngũ giảng viên lý luận trong các trường đại học, mà quan trọng hơn còn là sự tự ý thức của sinh viên; cùng sự kết hợp của nhà trường và của toàn xã hội... Có như vậy mới thiết thực góp phần hình thành và củng cố lý tưởng sống đúng đắn cho thanh niên - sinh viên của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 29 - 30(2) Văn kiện đã dẫn, tr 27(3) Hữu Thọ - Đào Duy Khánh (chủ biên): Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa trong tình hình mới, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1999, tr 309
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005