Công chức thiếu động lực và kỹ năng để làm việc tốt ?
Theo điều tra của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, 43% cán bộ công chức và 33% công dân và doanh nghiệp cho rằng công chức không đủ trình độ và khả năng giải quyết công việc.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, yếu kém lớn nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được tăng cường, số lượng cán bộ công chức qua các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn, nhưng nhìn chung chất lượng còn thấp, nhất là kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ hành chính.
Nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tuy đã có một số đổi mới nhưng nhìn chung vẫn chưa có những cải cách cơ bản như chương trình tổng thể đã đặt ra. Một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, còn vô cảm trước yêu cầu của dân, của xã hội.
Các thể chế mang tính đổi mới, cải cách hiện đại hóa trong quản lý cán bộ, công chức (như phân cấp, tăng cường trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công) chậm được triển khai, dẫn đến các cơ quan hành chính vẫn còn ôm đồm nhiều việc và cản trở, can thiệp sâu vào hoạt động của các đơn vị cơ sở.
Công tác đánh giá, luân chuyển đề bạt cán bộ công chức chậm thay đổi, chậm áp dụng các phương pháp khoa học trong kết quả công tác của từng cán bộ, công chức để thay thế phương pháp đánh giá dựa vào tập thể là chủ yếu. Việc tổng điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức chậm được triển khai làm ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.
Trong thực tế, ở khá nhiều bộ, ngành Trung ương, cách quản lý cán bộ, công chức cơ bản vẫn như cũ. Một số quy định chậm được thực hiện và nhiều công việc trong quản lý cán bộ công chức do đơn vị cơ sở giải quyết thì các bộ, ngành, tỉnh vẫn phụ trách.
Việc kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý cán bộ vi phạm pháp luật chưa thường xuyên và không nghiêm. Tính răn đe làm gương trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hầu như không có. Chính vì vậy, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ dân, tổ chức của cán bộ công chức không được tăng cường.
Góp ý kiến với Chương trình Tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2005, nhiều chuyên gia cải cách hành chính trong nước và quốc tế đề xuất giải pháp cần thay đổi văn hóa làm việc của nền công vụ. Theo các chuyên gia, ngày càng nhiều cán bộ công chức của nước ta đạt bằng cấp cao như thạc sỹ, tiến sỹ cho thấy năng lực tri thức của họ nhưng cái mà cán bộ công chức còn thiếu là động lực và kỹ năng để làm việc tốt.
Cách thức nhanh nhất và hiệu quả nhất là thay đổi phương pháp khen thưởng cán bộ công chức, gắn lương với vai trò của cán bộ, công chức và chất lượng thực thi công vụ của họ. Để áp dụng thành công hệ thống này, cần có một khuôn khổ đánh giá công bằng chất lượng thực thi công vụ để phân biệt các cá nhân làm việc tốt và chưa tốt.
Các chuyên gia nhấn mạnh: Cải cách cơ cấu tiền lương là một cách để chống tham nhũng có hiệu quả. Cải cách cơ cấu lương và thực hiện một hệ thống quản lý chất lượng tác nghiệp của nguồn nhân lực trong nền công vụ phải là ưu tiên số 1 của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nước ta trong vòng 5 năm tới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn