Ảnh hưởng của phật giáo tới đạo đức, lối sống ở thành phố Hồ Chí Minh

02:36 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Ba, 2007

Phật giáo du nhập vào SàiGòn - Thành phố HồChíMinh chưa lâu. Tính từ năm 1698, khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào khai phá vùng đất phía Nam Tổ quốc, đến nay Phật giáo đã đồng hành cùng với lưu dân trên vùng đất này được hơn 300 năm. Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, Phật giáo đã gắn bó với những thăng trầm của lịch sử Thành phố, hoà nhập và ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đạo đức, lối sống.

Với vai trò, chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, Phật giáo trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận quần chúng. Các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến quần chúng.

Đạo lý truyền thống của người Việt Nam đã hình thành trong hàng nghìn năm, qua đấu tranh trường kỳ của dân tộc để tạo dựng và gìn giữ một đất nước có chủ quyền, có văn hoá... cũng như tiếp thu các hệ tư tưởng từ các nền văn minh khác, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Những tư tưởng ấy được người dân mang theo và vận dụng vào cuộc sống ngay từ những ngày đầu trên vùng đất mới Gia Định. Trong từng ấy năm, Phật giáo đã tạo cho mình một phong cách riêng, dần dần chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng khá lớn đến quan niệm sống, chuẩn mực đạo đức đến phong tục tập quán, lễ hội của người dân.

Ngoài sự đa dạng về thành phần dân cư, chưa có vùng nào trên đất nước mà Phật giáo lại mang sắc thái phong phú, đa dạng như Phật giáo Nam Bộ nói chung và Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Dần dần để tồn tại và phát triển, Phật giáo đã thay đổi, thích ứng với người dân nơi đây Phật giáo ngày càng gắn bó chặt chẽ giữa đạo với đời, thể hiện tinh thần nhập thế cao, đặc biệt trong các hoạt động xã hội và lao động sản xuất. Nhiều chùa ở thành phố có đất ở ngoại thành dùng vào việc cấy lúa, trồng đậu, rau xanh để tự túc lương thực. Các chùa còn nhận đóng sách, làm nhang... tạo thêm kinh phí để dành một phần chi phí cho bảo dưỡng, tu sửa, duy trì hoạt động của chùa, phần còn lại dành hết cho hoạt động từ thiện. Đất trong chùa ngày càng bị thu hẹp và bị lấn chiếm, nhưng nhà chùa vẫn tận dụng số đất ít ỏi để trồng trọt, xây một số phòng dùng vào việc chữa bệnh miễn phí và làm chỗ nghỉ cho khách lỡ đường.

Với tư tưởng từ bi, cứu khổ, chùa đã dang rộng vòng tay đón các bác xe ôm, xích lô các bà bán hàng rong, các cháu bán báo, vé số, đánh giày, ăn xin... vào nghỉ trưa ở ghế đá, dưới bóng mát của các tán cây và họ thường được mời ăn bữa cơm chay đạm bạc cùng với tăng ni trong chùa. Hình ảnh đó đã trở thành quen thuộc với nếp sống thường ngày của nhiều ngôi chùa, đặc biệt các ngôi chùa ở những nơi đông dân cư. Nhiều người coi chùa là ngôi nhà thử hai của mình, những ngôi chùa ấy trở thành nơi nghỉ ngơi, nơi chia sẻ bớt những khó khăn của họ lúc thiếu thốn, ốm đau, căng thẳng của cuộc sống đời thường.

Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân nâng cao, tạo điều kiện cho nhiều người đi chùa lễ Phật thường xuyên hơn. Ngoài cầu nguyện Phật ban phúc, phù hộ, người dân còn quan tâm hơn tới việc nghe giảng giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tu tập đức hạnh. Các buổi nghe giảng giáo lý ngày càng thu hút nhiều người, kể cả những người không phải Phật tử. Để thấm nhuần đạo pháp, ngoài nghiên cứu giáo lý qua sách vở thì việc nghe giảng trực tiếp là rất quan trọng, bởi không phải ai nghiên cứu giáo lý qua sách vở cũng có thể hiểu được, vì giáo lý Phật giáo rất uyên thâm. Thông qua buổi nghe giảng, mọi người có thể hỏi tăng ni những điều chưa hiểu. Các buổi giảng trang bị cho họ những hiểu biết về giá trị đạo đức thể hiện trong ngũ giới, thập thiện, lục độ... lấy Đức Phật làm gương sáng, ghi khắc những giới răn ở trong lòng và thực hiện nó trong đời sống, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Phật giáo chủ trương khuyến thiện, tránh ác, giữ tâm trong sạch, cổ xúy hành vi công ích cứu tế, giúp người neo đơn, cơ nhỡ, tàn tật, trẻ mồ côi, cho thuốc chữa bệnh... với phương châm:

"Dù xây chín bậc phùđồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người".

Đạo Phật đã tạo được cảm tình, niềm tin và sự tôn trọng của nhiều người dân. Đến nay, hầu hết chùa của Thành phố đều có phòng thuốc Đông y - Nam y từ thiện chữa bệnh miễn phí. Các tuệ tĩnh đường, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô nhi viện lần lượt ra đời. Các hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xoá đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, trường học, trạm y tế diễn ra thường xuyên trong những năm qua thật sự có ý nghĩa sâu sắc, xuất phát từ tư tưởng đại từ đại đức, từ bi, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật. Chỉ trong năm 2004, Phật giáo Thành phố đã ủng hộ quỹ từ thiện với số tiền lên đến 47.041 triệu đồng (Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 2004). Đây là số tiền không nhỏ góp phần giải quyết phần nào cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Các giá trị đạo đức của Phật giáo đã có ảnh hưởng không ít tới môi trường sống của Thành phố Hồ Chí Minh, bởi vì đạo Phật là tiếng nói của một con người gửi tới những con người khác, để cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Vì thế, đạo Phật mang tính xã hội và đạo đức rất cao. Phật giáo không chỉ dừng lại ở công việc chia sẻ những khó khăn của xã hội như hòa bình, thịnh vượng, công bằng, mà còn hướng mọingười lấy điều thiện làm chuẩn mực sống, làm phương tiện và mục đích để đạt tới hạnh phúc cho con người. Với quan niệm nhân quả và nghiệp báo "gieo nhân nào thì gặt quả ấy", kiếp trước làm nhiều điều ác thì kiếp sau sẽ bị báo ứng (ác giả ác báo), các tăng ni, Phật tử đã không ngừng “gieo nhân lành để gặt quả tốt" bằng những việc làm hữu ích, góp phần vào sự ổn định, phát triển của Thành phố.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, một loạt hiện tượng tiêu cực cũng xuất hiện, như nghiện hút, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo. Nhiều tăng ni, Phật tử cùng với nhân dân không sợ khó khăn, nguy hiểm vẫn đến tận cùng ngõ hẻm của các gia đình có con em lầm lỡ để giáo dục, thăm hỏi, động viên, tặng quà. Những nghĩa cử cao đẹp mang nặng triết lý nhân sinh ấy giúp nhiều con người lầm lỡ, đau khổ được an ủi, động viên, hướng thiện.

Trong làm ăn kinh tế, một số người vì sự lôi cuốn của đồng tiền muốn làm ít hường nhiều, muốn làm giàu nhanh chóng, đã bất chấp thủ đoạn, coi thường pháp luật chà đạp nghiêm trọng tới đạo đức, lối sống truyền thống. Với quan niệm tiêu dùng của cải vật chất hợp lý, không quá coi trọng tài sản đến mức trở thành nô lệ của nó, không ăn của người, cuộc sống an vui giải thoát chỉ đạt được khi con người đạt được chân thiện mỹ, hạnh phúc của người này có được không phải bằng cách giẫm đạp lên hạnh phúc của người khác, phải đem an vui đến cho mọi người, Phật giáo đã phần nào tác động tốt tới nhân cách, lối sống các tín đồ.

Vào những ngày rằm, mồng một, những ngày lễ tết, hay những ngày đại lễ Phật Đản,Vu Lan (được tổ chức ở chùa Vĩnh Nghiêm và nhiều chùa khác hàng năm), đông đảo khách thập phương với đủ mọi thành phần đã quy tụ về chùa. Thông qua các đại lễ, họ cảm thấy gắn bó với nhau hơn, tình yêu quê hương đất nước được khơi dậy (ân đất nước), nhớ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã có công nuôi lớn, dưỡng dục mình (ân cha mẹ).

"Công cha nhu núi TháiSơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Chotròn chữ hiếu mới là đạo con".

Những câu ca dao trên mang đậm tư tưởng Phật giáo. Các lễ hội ấy giúp cho các tín đồ Phật tử và người dân nâng cao tình yêu thương đồng loại, nảy nở đức hy sinh, lòng vị tha, vun đắp lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô... mang ý nghĩa giáo dục rất lớn (Trần Hồng Liên, 2004).

Con người Thành phố HồChíMinh là sản phẩm của nhiều hoàn cảnh, hội tụ nhiều tư tưởng, tôn giáo khác nhau khá đa dạng. Nhưng ở họ vẫn có điểm chung trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ các vị anh hùng dân tộc. Đa số trong nhà mỗi người dân đều có bàn thờ cúng tổ tiên đặt ở vị trí trang trọng, dưới góc nhà là thờ thần Tài, ông Địa, trước cửa nhà thờ Thiên. Khi trong nhà có người qua đời, nhiều gia đình không phải là Phật tử vẫn làm lễ cầu siêu cho người chết trước khi đem chôn. Nếu thiêu, họ gửi một phần tro lên chùa để thờ cúng, chứng tỏ dấu ấn rất sâu đậm của Phật giáo. Ngoài ra, những người chết bất đắc kỳ tử, không có nguồn gốc, khi thiêu xong cũng được chùa tiếp nhận để gửi thác những linh hồn không có nơi nương tựa, điều này thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc.

Phật dạy đệ lử nên sống giản dị để loại trừ lòng tham, ăn, mặc, ngủ không được quá thừa thãi. Phật giáo không chủ trương con người phải sống nghèo đói, thiếu thốn, mà khuyến khích tiết kiệm, nếu hưởng thụ vật chất quá cao không có chừng mực sẽ làm cho tinh thần người ta trở nên nhu nhược. Ghi nhớ lời Phật dạy, đa số tăng ni ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp, nhưng vẫn giữ được sự giản dị cần thiết. ăn uống cũng đạm bạc tiết kiệm. Lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn, chân thật. Những biểu hiện ấy là tấm gương sáng cho tín đồ noi theo, tác động tích cực tới suy nghĩ và hành vi của mọi người.

Lấy con người là trung tâm, thấy được nỗi khổ của chúng sinh và mong muốn chúng sinh thoát khỏi vòng trầm luân biển khổ. Bằng chủ trương cứu nhân độ thế, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, đạo Phật hướng con người tu tập nhân tâm, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thiện dần nhân cách. Những chuẩn mực trong giá trị đạo đức của Phật giáo mang tính triết lý nhân văn sâu sác ngoài việc hoàn chỉnh đạo đức, nó còn ăn sâu vào suy nghĩ, hành vi, lối sống của mỗi người dân, góp phần vào việc giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống. Vì vậy, Nghị quyết 24-NQ/TW năm 1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã ghi rõ: "Đạo đức tôn giáo có nhiều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới " (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1990). Như vậy, Phật giáo đã ảnh hường tích cực tới đạo đức, lối sống của nhân dân Thành phố HồChíMinh trong những năm qua.

Xưa kia, trước khi nhập NiếtBàn, Phật tổ từng dặn dò đệ tử không được bói toán, xem sao, xem tường làm mê hoặc quần chúng. Nhưng một số kẻ lợi dụng chùa làm nơi bói toán, lên đồng, xem sao, xem tướng, giải hạn... để kiếm tiền bất chính. Trước cổng chùa bày bán đủ loại sách tử vi, cúng sao, giải hạn không có nguồn gốc xuất xứ, làm mê hoặc quần chúng. Lợi dụng lòng tốt của khách đến chùa, một số người trẻ tuổi, lành lặn, khỏe khoắn, lười lao động ngồi dọc lối vào chùa hành nghề ăn xin, níu kéo làm mất lòng khách. Biểu hiện móc túi, lừa đảo khách bán đồ giả có xu hướng gia tăng. Trong các ngôi chùa có trang bị thùng rác, nhưng vẫn có người thiếu ý thức xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Những năm gần đây, người đến chùa ngày càng đông. Đa số cử chỉ nhã nhặn, ăn mặc trang nhã, thể hiện sự thành kính ở chốn thiêng liêng. Nhưng vẫn có hiện tượng một số người trang phục hở hang không phù hợp với cảnh chùa.

Vì vậy để xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực như đã nêu, khai thác những ảnh hưởng tích cực của Phật giáo tới đạo đức, lối sống nhân dân, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp nhằm loại trừ các tệ nạn trên, ổn định trật tự an toàn xã hội, giữ gìn sự tinh khiết của Phật giáo.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một số lời nói hay của nhà Phật

    13/06/2018DQA (Sưu tầm)Kẻ thù lớn nhất trong cuộc đời là chính mình. Câu nói này rất quan trọng. Trong cuộc đời chúng ta thường có một số kẻ thù, như bọn lưu manh, vô lại, kẻ tiểu nhân... Bọn cầm thú mặc quần áo người đó vô cùng tàn ác, nhưng nếu nhìn thấu, thì bọn chúng cũng chỉ là lớp cặn bã...
  • Ảnh hưởng của Phật giáo với con người Việt Nam

    29/05/2018Từ khi du nhập Việt Nam đến nay, Phật giáo đã tồn tại và gắn liền với lịch sử dân tộc, nó ngấm sâu vào tư duy và trở thành một bộ phận văn hoá, nếp sống của người Việt. Vậy nó ảnh hưởng đến con người Việt Nam như thế nào?
  • Tản mạn về văn hóa Phật giáo Việt Nam

    09/08/2014Phan Đại DoãnNhững thành tựu của khoa học - công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến vĩ đại, đến nỗi thời đại đang tới được mệnh danh là 'thời đại tin học" ấy vậy mà trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lại có nhiều vấn đề. Dường như các khoa học về luân lý - đạo đức lại đang “tụt hậu”. Việc tìm hiểu những giá trị trong văn hóa truyền thống là có ý nghĩa quan trọng, nhất là những đóng góp nhân văn - nhân bản của Phật giáo trong văn hóa dân tộc...
  • Lý học và tượng số của Nho - Lão - Phật giáo

    23/08/2006Đ.H.LTừ khi ra đời và phát triển đến thế kỷ XI là thời điểm Nho giáo thịnh vượng nhất cùng với những tên tuổi lớn như: Âu Dương Tu, Thiệu Ung, Chu Hi...Đồng thời cho đến lúc này, Nho giáo được chia ra thành hai bộ phận: đạohọc và đứchọc, và trình độ triết học của Nho giáo đã được nâng lên cao ngang với Lão học và Phật học...
  • Những vấn đề con người và tu dưỡng trong Phật giáo

    12/05/2006Đạo Phật không thừa nhận quan điểm thần quyền của kinh Veda, không quy phục sự bất bình đẳng tôn giáo trong đạo Balamôn. Thời đó, đạo Phật xuất hiện như một hệ tư tưởng tiến bộ, vô thần, bảo vệ quyền bình đẳng của con người trong xã hội đẳng cấp tôn giáo...
  • Thiền phật giáo nguyên lý và một số phạm trù cơ bản

    23/12/2005TS. Hoàng Thị ThơPhân tích quan niệm của Thiền Phật giáo về quá trình nhận thức, và cùng với nó là quá trình giải thoát, tác giả muốn chỉ ra thế mạnh cũng như hạn chế của những quá trình mang tính hướng nội và cá thể này. Vì vậy, có thể lý giải được sự lan toả đang rất thành công của Thiền Phật giáo trên thế giới hiện nay...
  • xem toàn bộ