Giá trị đạo đức- giá trị bản thân và giá trị xã hội
1. Như đã biết, đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và với xã hội; chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. (Học viện Chính trị Quốc gia. Giáo trình Đạo đức học. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2000, tr. 816).
Nói cách khác, đạo đức là một hệ thống giá trị, một hiện tượng xã hội mang tính chuẩn mực, thể hiện mệnh lệnh, đánh giá rõ rệt.
1.1- Đạo đức được xác định bởi hai yếu tố quan trọng là lao động và tình thương. Lao động khiến cho con người người hơn, và quan hệ người- người chỉ trở thành quan hệ đạo đức khi nó mang trong mình sự tự nguyện.
Tự nguyện là sự tự ý thức về giá trị đạo đức, tự hành động, tự kiểm tra mình theo giá trị đó. Tự nguyện là cơ sở của tình thương; sự từ bỏ ý thức cá nhân, không tính toán, không vụ lợi là bản chất của tình thương.
Chính là với đặc trưng này mà đạo đức có tính độc lập tương đối. Đạo đức, ngoài sự chi phối của kinh tế, còn được chi phối bởi sự tự ý thức và niềm tin về bản thân, về giai cấp, dân tộc theo những lý tưởng, định hướng giá trị nhất định.
1.2- Ở Việt
Từ góc độ tiếp cận hoạt động- giá trị- nhân cách, giá trị được hiểu là sản phẩm vật chất và tinh thần của con người, nhóm người, cộng đồng dân tộc và loài người làm ra; là phẩm giá, phẩm chất của con người, nhóm người, cộng đồng, dân tộc và loài người; là biểu hiện mối quan hệ của con người dưới góc độ lợi ích, đánh giá đối với tồn tại xung quanh. (Phạm Minh Hạc. Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 131-139).
Sự hình thành định hướng giá trị có con đường riêng của nó và thường trải qua 3 giai đoạn: chọn lựa; cân nhắc; hành động. Tập hợp những giai đoạn đó là con đường xác định và đánh giá giá trị theo các nguyên tắc: lịch sử- cụ thể; liên hệ giữa chúng với nhau; xem xét từ kinh nghiệm thực tế. (Huỳnh Khái Vinh chủ biên. Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn mực xã hội. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 43-60). Định hướng giá trị là một trong những nội dung cơ bản của sự phát triển nhân cách con người.
2. Giá trị đạo đức, nhìn từ góc độ cấu thành hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội, là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, những quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh và chuẩn hoá hành vi con người.
Còn với tư cách là sản phẩm của tiến trình phát triển lịch sử của sự phát triển kinh tế-xã hội và mang tính thực tiễn lịch sử cụ thể, giá trị đạo đức được xác định là tất cả những gì đem lại sự phát triển, sự tiến bộ cho xã hội và cho bản thân con người. (Nguyễn Trọng Chuẩn và Nguyễn Văn Huyên đồng chủ biên. Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hoá. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002, tr.349- 363).
Sự phát triển thành thục của con người cần có 3 điều kiện cơ bản: 1. sự trưởng thành của thân thể lấy sự thành thục về sinh lý, đặc biệt là thành thục về giới tính làm tiêu chí; 2. hoàn thiện phát triển tâm lý, lấy sự thành thục ổn định của cá tính, chủ yếu là hoàn thiện tự ý thức làm tiêu chí; 3. lấy nhận thức đúng đắn vị trí mình đang đứng vững trong xã hội và trách nhiệm xã hội mà mình gánh vác làm tiêu chí. Ba điều kiện này đạt đến độ thành thục thì hành thành nhân cách hoàn chỉnh.
Đồng thời, xét tương quan với nhân sinh quan và thế giới quan, vấn đề giá trị quan chính là quan điểm và tiêu chuẩn để đánh giá cái gì là quan trọng nhất, quý báu nhất, đáng để theo đuổi nhất: hướng đến đối tượng nào làm chủ thể giá trị cao nhất, lấy cái gì làm mục tiêu giá trị chung, để từ đó xác định tiêu chuẩn giá trị căn bản. (La Quốc Kiệt chủ biên. Tu dưỡng đạo đức tư tưởng. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2003, tr. 84-85; tr. 343-381).
3. Như vậy, thực tiễn đời sống cho thấy người ta thể hiện ra cả hai loại giá trị: giá trị cá nhân và giá trị xã hội.
3.1- Giá trị cá nhân là ý thức tự thân về đức, tài, thể, mỹ và cuộc sống cá nhân (chủ yếu chỉ ý nghĩa tích cực). Giá trị cá nhân biểu hiện ý nghĩa tự thân hiện thực của con người.
Nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân và có thể kết hợp giữa tính tích cực cá nhân với sức mạnh cộng đồng, các nhà nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu tính chất bình đẳng và tính chất thứ bậc- một trong những nét khác biệt của tính cá nhân và tính cộng đồng.
Theo đó, tính chất bình đẳng của tính cá nhân liên quan đến những gì mà cá nhân mỗi người đã làm, đã suy nghĩ nhưng không có sự so sánh với những cá nhân khác; trong những hoàn cảnh nhất định, họ không muốn phân biệt mình với những người khác.
Còn tính cá nhân mang tính thứ bậc lại có liên quan một cách đặc biệt đến việc so sánh cá nhân mình với những cá nhân khác; họ muốn trở nên "tốt hơn", muốn được phân biệt với người khác bởi sự ưu trội của chính bản thân. (Journal of Cross-Cultural, no.2. vol.29/1998).
3.2- Giá trị xã hội bộc lộ ý nghĩa đối với xã hội, tập thể, ngưòi khác, chủ yếu là ý nghĩa thực tiễn của một người đối với sự phát triển tiến bộ của xã hội, tức là sự cống hiến đối với xã hội.
Giá trị xã hội xác định các tiêu chuẩn của thang bậc xã hội, mỗi nhóm xã hội và giai tầng xã hội đều có bảng giá trị xã hội đặc thù; từ đó tạo nên đặc điểm chung trong định hướng giá trị của đạo đức, lối sống ở họ.
3.3- Giá trị xã hội là giá trị căn bản của con người, là cơ sở của giá trị bản thân; do đó, phải kiên trì sự thống nhất biện chứng giữa hai loại giá trị. Con người hiện thực không thể cô lập với xã hội, con người có giá trị tất phải thể hiện trong xã hội.
Quan niệm của cá nhân về nghĩa vụ của mình đối với xã hội và đối với người khác (khuôn phép hành vi) là tiền đề của hành vi đạo đức cá nhân.
Đã là thành viên của xã hội, con người phải chịu một sự giáo dục nhất định về ý thức đạo đức, một sự đánh giá đối với hành vi của mình và trong những hoàn cảnh nào đó, còn chịu sự khiển trách của lương tâm... Cá nhân phải có trách nhiệm chuyển những đòi hỏi của xã hội và thể hiện chúng thành nhu cầu, mục đích và hứng thú trong hoạt động của mình.
Biểu hiện của sự chuyển hoá này là hành vi cá nhân tuân thủ những ngăn cấm, những khuyến khích, những chuẩn mực cho phù hợp với những đòi hỏi với xã hội... Do vậy, sự điều chỉnh đạo đức mang tính tự nguyện, và xét về bản chất, đạo đức là sự tự do lựa chọn của con người.
4. Đạo đức xã hội được hình thành trên cơ sở cộng đồng về lợi ích và hoạt động của cá nhân thuộc cộng đồng. Nó tồn tại như là hệ thống kinh nghiệm xã hội mang tính phổ biến của đời sống đạo đức của cộng đồng.
Đạo đức cá nhân là đạo đức của từng cá nhân riêng lẻ của cộng đồng, phản ánh và khẳng định tồn tại xã hội của các cá nhân ấy như là thể hiện riêng lẻ của tồn tại xã hội về mặt lợi ích và hoạt động của các cá nhân.
Muốn sáng tạo nên được những giá trị đạo đức phải biến ý thức, nghĩa vụ thành tình cảm, thành niềm tin vững chắc bên trong, thành sự thôi thúc nội tâm.
Mối quan hệ giữa giá trị cá nhân và giá trị xã hội thể hiện quan hệ cơ bản của đời sống xã hội; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh quan hệ giữa tính cá thể và tính xã hội của con người, cũng như giữa tính ỷ lại và tính năng động của cá nhân đối với xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt