Mạng là một cách tồn tại mới của văn chương
Anh có quan tâm đến và thường xuyên đọc văn chương trên mạng không?
- Tôi đọc văn chương mạng khá thường xuyên. Theo tôi, văn chương mạng đang là một nhu cầu thực tế ở nước ta hiện nay.
Cá nhân anh đặt niềm tin hơn vào văn chương trên báo giấy/sách in hay văn chương trên mạng? Tại sao?
- Hiện tại tôi nghĩ văn chương giấy vẫn còn mạnh. Nhưng tương lai văn chương mạng sẽ phát triển. Mạng là một cách tồn tại mới của văn chương, như sách đã và đang là một dạng tồn tại của văn chương vậy.
Theo anh, lý do nào khiến một số người viết hiện nay thích công bố tác phẩm của mình trên mạng Internet hơn là các cơ quan xuất bản chính thức?
- Có mấy lý do sau: cập nhật, dân chủ, bình đẳng, và sòng phẳng.Dân chủ: viết gì cũng được, viết thế nào cũng được, đăng ở đâu cũng được, một khi anh thấy cái mình viết là văn chương và anh muốn đăng lên cho mọi người đọc và bàn luận, phê bình; số lượng người đọc và bình luận là rộng khắp và đủ mọi tầng lớp. Bình đẳng: mọi tác phẩm được in ra, mọi ý kiến được nói lên, không ai lấn át ai, không ai độc tôn độc quyền, không ai nói lời kết luận cuối cùng. Sòng phẳng: tất cả phơi bày trên mạng, giá trị ra sao sẽ không thể che đậy, lộn sòng, lớn bé già trẻ non nớt già dặn thảy đều chịu chung thử thách như nhau, mạng là “ảo” nhưng lại “thực” hơn trong sự kiểm định giá trị của từng người viết. Trong mối quan hệ giữa người sáng tác và các ban biên tập, cái sự dân chủ và bình đẳng của văn chương mạng thấy rất rõ, và chính điều này sẽ khiến các ban biên tập báo chí, xuất là bản thấy ra sự hạn hẹp của mình.
Anh có cho rằng chính sự dân chủ và bình đẳng đó của văn học trên mạng có thể dẫn đến sự dễ dãi, từ đó dẫn đến ảo tưởng cho một số tác giả về giá trị của mình?
- Văn chương mạng có tính chất “ảo”, do đó nếu các tác giả không tự giác cao và không có ý thức nghề nghiệp cao thì có nguy cơ dễ dãi. Nhưng đừng đổ lỗi chuyện đó cho tính chất dân chủ và bình đẳng của văn chương mạng. Văn chương mạng, cũng như văn chương dưới mọi hình thức tồn tại khác của nó, sẽ phải đi qua các giai đoạn sơ khởi, trưởng thành, và phát triển. Những dễ dãi, non nớt ban đầu là có, tất nhiên, và rồi nó cũng sẽ qua, tất nhiên, khi văn chương mạng đã là một hình thái tồn tại với các quy luật đào thải và tiến hóa của văn chương. Những chuẩn mực và giá trị của văn chương mạng vẫn là những giá trị và chuẩn mực của văn chương chung muôn đời của nhân loại, khác chăng chỉ ở đặc trưng mạng của nó mà thôi. Và như vậy sự dễ dãi, cẩu thả dẫn đến sự vô nghĩa, vô giá trị của những văn bản viết ra trên mạng sẽ giết chết người viết văn gõ bàn phím máy tính nếu hắn không nhận thức được văn chương mạng là gì ngay từ khi ngồi vào bàn.
Nếu được yêu cầu đề xuất ý kiến hoặc giải pháp mang tính xây dựng cho các nhà quản lý liên quan đến văn học mạng, anh đề xuất những gì?
-Điều đầu tiên và cốt yếu nhất tôi muốn những người quản lý mạng phải nhận thức được rằng văn chương mạng là một hình thái tồn tại mới của văn chương. Nếu như ở kỷ nguyên Gutenberg “cuốn sách đã giết chết kiến trúc” (V. Hugo) hiểu theo nghĩa văn hóa đọc của loài người, thì ở kỷ nguyên internet hiện nay, mạng sẽ giết chết sách. Không có nhận thức cốt tử này làm nền thì đừng nói gì đến chuyện quản lý mạng và văn học mạng.
Sau khi đã thấm nhuần nhận thức đó, tôiđề nghị: thứ nhất, những người có trách nhiệm quản lý mạng hãy đọc thật nhiều, thật đầy đủ trong khả năng có thể của mình các trang văn chương mạng, sau đó hãy suy nghĩ thật khách quan và khoa học từ những điều đọc được, rồi sau nữa hãy bắt đầu từ câu hỏi phải làm gì để văn chương mạng VN phát triển, chứ không phải ngăn cấm nó phát triển, để mà hoạch định các giải pháp quản lý. Thứ hai, họ cần phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn luận về văn chương mạng với đa dạng các thành phần tham gia để có cái nhìn nhiều chiều trước khi quyết định một chiều. Thứ ba, họ nên nghĩ đến một đạo luật như là “tự do hóa” cho mạng và văn chương mạng.
Nên có thái độ nào đối với văn học mạng?
- Thừa nhận cho văn chương mạng có chỗ đứng đàng hoàng dưới mặt trời. Văn chương mạng và văn chương giấy có thể cùng tồn tại và chuyển hóa lẫn nhau.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường