Văn chương 2004 - oằn mình giữa "nhập nhòa" cũ - mới
"Cái mới" đang là khát vọng với những chấm phá chưa định hình và "cái cũ" hàng ngày vẫn ám ảnh đâu đó trong sự vận hành của từng cây bút - đó là tình trạng mà đã mấy năm rồi, văn học Việt Nam đang cố gắng vượt qua để chuyển mình đổi mới. Văn học năm 2004 cũng vậy, nó "nhập nhòa" giữa sự ra đời của những tác phẩm, những sự kiện khiến người ta vừa có điều gì đó để hy vọng, vừa khiến người ta không khỏi lo âu.
Văn xuôi - "tiếng vang" cũng có dăm bảy đường
Năm 2004 văn xuôi xuất bản khá nhiều, trong đó một số tác phẩm tạo được tiếng vang. Khoảng đầu năm dư luận nhắc tới Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh; giữa năm có Nhân trường hợp của chị thỏ bông của Phan Thị Vàng Anh; cuối năm người quan tâm tới văn chương mang vẻ đẹp cổ điển thì đọc Tản mạn trước đèn của Đỗ Chu... Tuy nhiên, "tiếng vang" cũng có dăm bảy đường. Lối khai thác, xử lý vấn đề - sự kiện, lối viết tài hoa... của Phan Thị Vàng Anh trong Nhân trường hợp của chị thỏ bông thật sự hấp dẫn người đọc ngay từ thời các tác phẩm của chị được đăng tải trong mục Tản văn thứ Sáu của báo Thể thao & Văn hóa. Nhiều vấn đề - sự kiện được đề cập riết róng, thậm chí nghiệt ngã, nhưng đọc chị vẫn thấy ẩn sâu trong đó sự trĩu nặng ân tình. Và nếu có điều gì đó để "chê" thì xin nói rằng trong một hai trường hợp, Phan Thị Vàng Anh còn thiếu cái nhìn lịch sử, nếu triệt để với cái nhìn ấy, người viết sẽ dễ chia sẻ và đỡ nghiệt ngã hơn với những trường hợp lẽ ra không cần thiết phải nghiệt ngã. Còn thì thiển nghĩ, Thiên thần sám hối được chú ý không phải vì nó xuất sắc, mà chủ yếu do trong đó tác giả phơi bày mặt xấu của quan hệ người, quan hệ xã hội đương thời, và sự tha hóa một số giá trị tinh thần trong các quan hệ ấy. Điều này dễ giúp giải tỏa những ấm ức không phải người nào cũng có thể viết ra. Nhân vật của Tạ Duy Anh nằm trong bụng mẹ để nghe ngóng sự đời, đấy là một sáng tạo. Tiếc thay, tác giả lại cho phép cái "anh cu" chưa chào đời ấy ngẫm ngợi, suy tư như một "ông cụ non", làm cho tình huống trở nên "tréo ngoe", và "anh cu" trở thành phát ngôn viên của một "người lớn thu nhỏ". Chưa nói rằng ngôn từ trong tiểu thuyết này đôi chỗ khá "bụi bặm", không biết có nên đưa vào văn chương hay không? Với Đỗ
Với tiểu thuyết, năm qua có nhiều đầu sách mới, và xu hướng ngày càng mỏng mảnh, như: Trăm năm thoáng chốc(Vũ Huy Anh), Xuyên Cẩm (Dương Kỳ Anh), Trên đỉnh đèo dông bão (Đoàn Hữu
Về truyện ngắn, theo số lượng thì có vẻ xum xuê, nhưng truyện thật hay thì quá ít. Các tập truyện ngắn Gió mưa gửi lại (Thùy Linh), Vàng xưa (Nguyễn Văn Thọ), Thời gian ngoảnh mặt (Trần Thị Trường) có mặt trong danh sách giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay đều được xuất bản từ năm 2003, và cũng không có gì lạ, vì người viết bài này đã dự báo về chất lượng và khả năng đạt giải của chúng khi tổng kết tình hình văn học năm 2003. Đọc 29 truyện vào chung khảo cuộc thi của báo Văn nghệ, sẽ thấy "cuộc hội diễn hương sắc của các nhà văn trong cả nước" (Cùng bạn đọc - Phụ bản báo Văn nghệ số 47) có chất lượng ra sao và tin rằng chúng sẽ ít tiếng vang. Thiển nghĩ, nếu người ta có còn nhớ đến cuộc thi này thì Cơn mưa hoa mận trắng (Phạm Duy Nghĩa), Mười ba bến nước (Sương Nguyệt Minh) sẽ có tuổi thời gian dài hơn cả. Cũng xin nói thêm về ba giải Nhất của cuộc thi rằng, nếu Cơn mưa hoa mận trắng là một truyện ngắn hay, thì Ván bài "tỷ điểm tử"của Bão Vũ thuần túy là một sản phẩm của kỹ thuật thuần thục và đánh giá thật sát sao, Như gốc gội xù xì của Hà Thị Cẩm Anh có lẽ cũng chỉ ngang tầm với "một phần hai giải Nhất". Trong bối cảnh đó, một số truyện của cuộc thi Viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên do NXB Giáo dục tổ chức lại đọc khá được. Cuộc thi cho thấy sự xuất hiện của một số cây bút mới, và cũng cho thấy từ ngày giành giải Nhất cuộc thi bình văn của tạp chí Kiến thức ngày nay, với giải Nhất của cuộc thi của NXB Giáo dục, Quế Hương vẫn chứng tỏ một nội lực đáng nể. Còn với ký, tình hình vẫn chưa sáng sủa. Hai tác phẩm của Lương Ngọc An đoạt giải Nhất cuộc thi ký của Văn nghệ Quân đội có trội hơn chút ít bởi "chất văn". Ngoài ra, hầu hết các bài ký đã được đăng trong năm 2004 đều mang tính "thông tấn", cũ mòn về cách thức tổ chức, phụ thuộc quá nhiều vào "tài liệu" do cơ sở cung cấp, chú tâm khai thác mặt trái của sự kiện - con người; đặc biệt người viết thường lười suy ngẫm và vì thiếu các liên hệ tinh thần với đối tượng mà cảm xúc nhiều khi hết sức mờ nhạt... do đó thiếu dụng công, thiếu chăm chút cho tác phẩm. Lại càng thấy có được người viết ký tài hoa như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường... bây giờ khó lắm thay.
Thơ - "cũ" hay "mới" cũng nản lòng người đọc
Sẽ không quá lời nếu cho rằng mấy năm nay thơ hay thì ít, thơ làng nhàng, thơ chẳng ra thơ thì nhiều. Trong khi vô số tập thơ vẫn dàn hàng ngang trên giá sách, trong khi hầu như tờ báo nào cũng có một "trang thơ"... thì người đọc như vẫn dửng dưng, và thử hỏi trong hàng triệu người đọc hôm nay liệu sẽ có bao nhiêu người thuộc nằm lòng một bài thơ của một nhà thơ đương đại. Muốn đi tìm những lý do khách quan, trước hết không nên bỏ qua những lý do chủ quan. Xin cùng đọc bài thứ nhất trong chùm thơ Đối cực của một nhà thơ đăng trên một tờ báo lớn: "Em vừa ma mãnh đã ngu ngơ - Nửa bên hủ tiếu, nửa riêu cua - Một chai, một chén tôi lỳ lợm - Tàn đêm chưa hết trái me chua"; đến bài thứ tư, câu mở đầu mới kinh hoàng: "Đừng... tôi hôi hám phường lái lợn". Bốn bài là bốn cuộc gặp gỡ với bốn nhân vật trữ tình khác nhau, dưới mỗi bài thấy ghi: Huế 10.2001, Hà Nội 10.2002, Thượng Hải 2001, Thái Bình 2001, chúng đem tới dự cảm rằng đây là "cảm xúc" của tác giả sau các cuộc gặp gỡ với "người tình bốn phương"! Hình như để làm thơ, nhiều cây bút đã chưa được chuẩn bị cẩn thận, nên họ viết mà đôi khi không hiểu mình đã viết gì. Trên trang báo nọ, một nhà thơ có câu thơ: "Gà gáy âm vang khắp xóm quê - Cúc cu trống mái gọi xuân về" và câu thơ này gợi nhớ tới âm thanh của "cu cườm" nhiều hơn là của "gà"! Và như vậy thì đừng trách người ta không đọc. Trong lúc thơ của nhiều nhà thơ lớp trước đang tỏ ra ngày càng "cũ" hơn, thì thơ của một số cây bút mới lại có những bài đọc thấy chẳng đâu vào đâu. Sau khi đọc thơ của một tác giả trẻ, trên báo Tiền phong, một bạn đọc thốt lên: "tôi liên tưởng tới Nhật ký người điên của Lỗ Tấn". Đàm đạo về thơ hôm nay, bạn tôi nhận xét: "Thơ của tay A càng cắt càng hay". Suy rộng ra, nhận xét này có lẽ không chỉ dành riêng cho nhà thơ A, bởi lâu nay có quá nhiều bài thơ trong đó "lời" kéo "ý" lang thang hết trang này sang trang khác, đem lại cảm giác bao giờ tác giả muốn dừng thì dừng!
Trong phạm vi khảo sát cá nhân, tôi thấy năm qua ít nhất có ba tập thơ đọc được, đó là Hoa của Lãng Thanh, Những con ngựa đêm của Nguyễn Việt Chiến và Tình yêu dài suốt cuộc đời của Lê Thị Mây. Hoa và Những con ngựa đêm xuất bản năm 2003 nhưng do trong 2004 chúng được quan tâm nên xin đề cập. Không ngẫu nhiên Những con ngựa đêm vừa có mặt trong giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, vừa có mặt trong giải thưởng của Hội Nhà văn Việt
Quãng đầu năm 2003, sinh hoạt thơ ca nước nhà có thêm một ấn phẩm không biết nên định danh là gì, vì ngoài bìa thấy ghi Phụ bảncủa báoVăn nghệ, nhưng trong ruột lại là Báo Thơ? Nhưng vấn đề là ở chỗ, một tờ "gì đó" về thơ không đồng nghĩa với việc sẽ giúp khởi sắc một nền thơ. Vả lại một ngày tờ "gì đó" về thơ còn "ký sinh" trên cơ thể báo Văn nghệ thì chưa có gì khẳng định uy tín thơ ca của nó. Người ta tự làm rồi tự khen. Hãy để cho tờ "gì đó" về thơ sinh tồn độc lập, sẽ có cứ liệu để định giá, ít nhất là qua số lượng phát hành. Hiện tại với tờ này, tôi có ấn tượng nó là sản phẩm của một người!
Vào lúc các lý thuyết gia đang quảng bá cho một nền văn học "hậu hiện đại", tôi vẫn không tin lúc này văn học của chúng ta đã bước vào giai đoạn "hậu hiện đại", bởi liệu nền tảng là trình độ tư duy đã đi hết con đường "hiện đại" hay chưa. Phân tích kỹ lưỡng, chưa biết chừng trình độ tư duy của chính những người đang say mê quảng bá vẫn còn ở trong giai đoạn "tiền hiện đại" cũng nên! Điều này làm tôi liên tưởng tới thơ của một nhóm thơ trẻ mới xuất hiện gần đây. Họ muốn cách tân thơ, muốn hiện đại thơ, nhưng họ cách tân bằng cách tống vào thơ đủ mọi thứ từ ngữ, kể cả những từ ngữ người bình thường nói ra cũng thấy ngượng mồm. Họ "phá cách", họ "mông má" biến bài thơ lành lặn của người khác thành bài thơ mang đầy "thương tích"... Càng viết họ càng tỏ ra thiếu nội lực, họ thay thế sự thiếu thốn bằng những trò chơi hình thức cũ mèm. Vậy nhưng khi bị phê phán thì họ "nhảy thách" lên, thất thanh làm như "cái mới" bị kỳ thị, bị cấm đoán; hoặc là trịch thượng theo tinh thần ấu trĩ, như có người sau khi "bị" phê phán đã nói với người phê phán họ rằng: "tôi thấy ông đã có "vài suy nghĩ" được học hỏi - lao động và nó đã đủ sức để trao đổi với tôi". Khiếp chưa! Xin hãy cứ làm thơ, còn một khi đã đưa thơ đến với công chúng, dù in ấn chính thức hay phát hành như "tờ rơi" thì vẫn phải chung sống với sự phán xét của dư luận. "Luật chơi văn chương" vốn vậy, không có loại "luật chơi văn chương" nào do anh bày đặt ra mà lại cứ muốn người khác phải tuân thủ. Cũng như mọi lĩnh vực khác, phát triển thơ lúc này rất cần tới sự tỉnh táo và cần nhìn nhận thơ trong tính liên tục lịch sử. Không có nền thơ nào, không có xu hướng thơ nào lại bắt đầu từ chốn hư vô.
Lý luận, phê bình - hy vọng đang lấp ló ở phía chân trời?
Năm 2004, lý luận văn học đã có một số khởi sắc, có thể nhận thấy qua hai cuộc hội thảo do Viện Văn học tổ chức. Tại đó, nhiều vấn đề được đặt ra, một số ý kiến tâm huyết được trình bày, và toát lên từ các ý kiến là mong muốn phải phát triển lý luận - phê bình văn học. Tuy nhiên cũng phải góp ý rằng, tại hai cuộc hội thảo, số tác giả thật sự đang trực tiếp hoạt động lý luận - phê bình còn chưa chiếm vị trí "áp đảo" và một số ý kiến cũng thật sự không mới. Chưa nói rằng những "ấm ức", những "sự vụ" của quá khứ được nhắc lại quá nhiều, không hướng vào mục đích chính của hội thảo, đó là đổi mới, phát triển lý luận và phê bình - một tất yếu khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của ai. Thiết nghĩ v ới chúng ta lúc này, điều quan trọng hơn cả là quan niệm thế nào là đổi mới lý luận - phê bình và mọi người cần tiếp tục bàn bạc đặng tìm ra cách thức khoa học nhất để đổi mới và phát triển. Còn nếu không, lý luận - phê bình sẽ vẫn cứ "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" như lâu nay mà thôi.
Khi lý luận văn học còn đang trong giai đoạn "nhập nhòa" giữa mới và cũ thì hiển nhiên phê bình và nghiên cứu văn học cũng chưa vượt thoát ra khỏi tình trạng nó đã lâm vào. Các bài phê bình "cảm tính", theo lối xưng tụng, quảng bá lẫn nhau vẫn hiên ngang trên các mặt báo. Đến mức thấy báo đăng bài của ông X, tôi khẳng định ngay là khen ông Y, và ngược lại, thấy bài của ông Y tôi đoan chắc đó là khen ông X. Họ thản nhiên tâng bốc bạn bè cánh hẩu mà không ngượng bút, không thấy "đỏ mặt" với đồng nghiệp và người đọc. Xem các "nhà" tranh luận với nhau mới ghê, nhan đề nhiều bài viết rất hoành tráng, tỷ như: Xấu hổ về sự xấu hổ không đáng xấu hổ, Phê phán sự phê phán có tính phê phán, Biết nói không biết... là rất biết... Đấy là chưa nói có vị loanh quanh thế nào lại chứng minh Nguyễn Khuyến là nhà thơ đời Đường... Nhìn chung, văn đàn năm qua diễn ra khá nhiều cuộc tranh luận. Từ chuyện có nên đưa tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vào nhà trường hay không, đến chuyện thế nào là "đạo văn". Đầu năm, nhà thơ Trần Mạnh Hảo "nã cấp tập" vào GS TS Trần Đình Sử, cuối năm anh "chuyển làn" sang mục tiêu mới là TS Chu Văn Sơn. Đến tuổi ngót nghét 60, Trần Mạnh Hảo vẫn chưa muốn ngừng nghỉ, vẫn làm cho văn đàn bất ngờ vì không biết giới hạn cuối cùng của anh ở đâu, mà bằng chứng sinh động nhất là ý chí kiên định của Trần Mạnh Hảo trong khi quyết không để Ba đỉnh cao Thơ mới của Chu Văn Sơn lọt vào danh sách giải thưởng. Cùng một lúc, Trần Mạnh Hảo đồng loạt đăng mấy bài liền trên nhiều tờ báo khác nhau, từ báo in đến báo điện tử, rồi anh gửi "thư ngỏ" tới Ban chấp hành Hội Nhà văn, và kết thúc "chiến dịch" với một phát biểu hùng hồn tại Hội nghị tổng kết văn học của Hội. Trong trường hợp này, Hội Nhà văn cũng ít nhiều chứng tỏ tinh thần dân chủ và công tâm khi lắng nghe ý kiến của dư luận, dù dư luận chỉ là của một người. Rồi "trận chiến" xung quanh Trò chuyện với hoa thủy tiên của Nguyễn Huy Thiệp mới thật kinh hoàng. Phê phán một số nội dung trong Trò chuyện với hoa thủy tiên thì tốt thôi, song vài vị "phang" lại Nguyễn Huy Thiệp cũng tỏ ra không kém kỳ khôi...!
Tuy nhiên, năm qua đã thấy xuất hiện một số tác giả viết phê bình mà tác phẩm của họ đã bộc lộ những tiềm năng cần trân trọng, như Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Chí Hoan, Lê Tâm... Đọc những gì họ công bố, tôi dự cảm được kiến văn, sự sắc sảo, cách thức làm việc nghiêm cẩn... của họ. Theo tôi đó cũng là dấu ấn của sự khởi sắc. Trong mấy chục cuốn sách lý luận - phê bình đã xuất bản, dường như cuốn Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung là nên đọc nhất. Cuốn sách mang phong cách "hàn lâm" nhưng gợi mở một số vấn đề hữu ích với người làm văn học. Bên cạnh đó là những cuốn sách có tính lý thuyết, rất có giá trị tham khảo, như Cấu trúc văn bản nghệ thuật(Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), Logic học về các thể loại văn học(Trần Ngọc Vương, Vũ Hoàng Địch dịch)... Đọc chúng, ít nhất cũng đưa lại một cái nhìn chuyên sâu và hệ thống, chúng không "đỏng đảnh" như khi đọc Sự đỏng đảnh của phương pháp (nhiều tác giả dịch) - cuốn sách có tên gọi làm gợi nhớ đến tiểu thuyết Sự tráo trở của phương pháp của Cacpenchiê. Còn một số cuốn khác nữa, nhưng chưa có gì mới. Bởi cuốn thì khô cứng, máy móc, cuốn thì tri thức cũ kỹ, cuốn thì chủ yếu là tuyển tập các bài đọc sách...
Giải thưởng văn chương - chiếc lá xanh hiếm hoi,thói háo danh và lòng từ thiện ?
Đọc, ngẫm ngợi và đối sánh, người viết bài này cho rằng vài năm trở lại đây, chỉ có vài ba cuốn sách được trao giải thưởng là xứng đáng, như tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo vừa nhận giải ở Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004 chẳng hạn. Giàn thiêu thật sự là một trong vài chiếc lá xanh hiếm hoi của mùa giải thưởng văn chương thường kết thúc vào dịp cuối năm, và trút xuống "sân đời" những chiếc lá vàng không đủ sức lắt lay trong khoảng thời gian trên dưới 365 ngày. Cùng là tiểu thuyết lịch sử, nhưng có lẽ tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo đã đạt tới một tầm vóc mà bộ tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải, do chưa có tầm vóc ấy, nên đã nhanh chóng trở thành nạn nhân thời gian, bất chấp việc tác giả của nó dường như đang cố gắng vớt vát bằng các bài trả lời phỏng vấn, lên vô tuyến truyền hình, hoặc quảng bá cuốn tiểu thuyết đang được in ấn ở nước ngoài!
Theo dõi thực tế giải thưởng văn chương, người quan tâm tới vấn đề thường nghi ngờ nhiều hơn là tin cậy. Hình như trong nhiều trường hợp, có lẽ chỉ có người đạt giải là thấy "sướng" bởi họ được kéo dài danh sách các giải thưởng thường được liệt kê ở bìa 4 khi in sách, còn phần lớn tác phẩm sau khi nhận giải liền mất hút trong đời sống văn học. Vài năm trước, cơ quan nọ tổ chức một cuộc thi ký và tác giả đoạt giải chủ yếu là người của cơ quan đó, vài nhà văn được trao giải thấp để có "quân xanh" giúp sinh động về thành phần dự thi. Riêng giải nhất được trao cho vợ của ông trưởng ban giám khảo. Bà này từ trước tới nay chưa thấy công bố tác phẩm nào. Riêng ông chồng thì có. Năm vừa rồi, "bổn cũ" diễn lại, nhưng là thi truyện ngắn. Các giải cao, người của cơ quan ấy vẫn "xơi" sạch, vài nhà văn vẫn được trao giải thấp. Không bình luận về chất lượng của các cuộc thi kiểu này, chỉ kể lại rằng để chào mừng thắng lợi của một trong các cuộc thi ấy, tạp chí Văn nghệ Quân đội có ý định đăng lại một truyện ngắn đạt giải cao, và cuối cùng đã không đăng nổi vì... chất lượng quá kém. Đến mức này thì xin góp ý rằng hãy tổ chức cuộc thi riêng cho cơ quan mình, làm gì phải rùm beng cho mang tiếng. "Làm từ thiện" cũng có nhiều phương cách, có ai lại "làm từ thiện" bằng giải thưởng văn chương bao giờ. Nếu không tìm được phương cách nào khác, thì xin vào chương trình xóa đói giảm nghèo, có phải vừa có tình vừa có lý hơn không (?). Rồi người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong danh sách đạt giải cao của một cuộc thi truyện ngắn lại có tác phẩm của một cây bút là con trai một thành viên ban chung khảo. Cứ coi đây là truyện ngắn do con trai vị giám khảo nọ sáng tác thì dường như từ nay cây bút trẻ này sẽ phải mang trên vai gánh nặng của giải thưởng, phải chứng minh được sự "chính danh" của "tấm giấy thông hành" vào làng văn. Bởi đối với người viết bài này, việc truyện ngắn của anh lọt vào danh sách chung khảo đã là sự bất ngờ, còn khi anh được trao giải cao thì sự bất ngờ đã chuyển thành nỗi kinh hoàng. Còn nếu đó là tác phẩm của chính vị giám khảo kia thì... không còn gì để nói, và từ nay ông sẽ phải "nai lưng" mà sáng tác dưới bút danh của con trai! Tương tự như thế, sự có mặt trong danh sách Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2004 của tập truyện ngắn Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân - giải B) và tập Vừa làm vừa nghĩ (Phạm Tiến Duật - tặng thưởng) cũng là điều cần được bổ sung vào nỗi băn khoăn về các giải thưởng. Miệt vườn xa lắm là tác phẩm viết cho thiếu nhi, song thử hỏi đã có bao nhiêu thiếu nhi ở nước
Rồi ở một số giải thưởng và cuộc thi văn chương, kết quả chưa đâu vào đâu thì tin tức đã đồn đãi rần rần, điện thoại tíu tít. Vậy nên có vị sau khi nghe ngóng kết quả bỏ phiếu, thấy giải của mình "bé" quá, vội vàng rút ra, bởi còn hy vọng kiếm được "miếng bánh" to hơn ở giải khác. Vài năm trước, mỗi khi "mùa" giải thưởng bắt đầu hay cuộc thi nào đó vào dịp chung khảo, là "hậu trường" nhộn nhịp hẳn lên. Năm 2004, tình huống có phần thay đổi, bởi có vài vị xúc tiến chuẩn bị từ đầu năm, như cái giai thoại có người viết báo Tết từ hè. Đó là những "chiến dịch" makerting rầm rộ trên mặt báo, nào đọc sách, nào phê bình, nào trả lời phỏng vấn, nào xông lên tivi, nào hội thảo, tọa đàm... nghĩa là nhiều thủ pháp makerting được vận dụng triệt để, ngõ hầu rút ngắn chặng đường từ tác phẩm đến bục trao giải thưởng. Đọc và nghe những bản tụng ca, hầu như tác phẩm nào được nằm trong "chiến dịch" lăngxê cũng rất hoàn hảo, không có tỳ vết. Đọc và nghe các tác giả trả lời phỏng vấn, thấy ai ai cũng mang nỗi đau da diết, ai ai cũng ôm ấp ý tưởng hàng chục năm, ai ai cũng cố gắng chiến thắng sức ì của chính bản thân mình... Và các thành tựu đó, tiếc thay, lại không được công chúng lưu tâm, bởi có tác phẩm đoạt giải hẳn hoi song bán đại hạ giá 3.000đ/cuốn vẫn không có người mua. Đấy là chưa nói có nhà văn tự viết bài ký một cái tên ba lăng nhăng nào đó, hoặc tự phỏng vấn mình để... ca ngợi tác phẩm của mình. Đấy là chưa nói có nhà văn còn "ít liêm sỉ" đến mức lợi dụng cả tên tuổi của danh nhân để đánh bóng "đứa con tinh thần chưa được đẹp trai cho lắm" của ông ta, bởi loanh quanh thế nào, ông lại biến danh nhân thành "phóng viên" phỏng vấn chính.... ông. Nhìn chung là có quá nhiều tiểu phẩm với "cứu cánh" là bằng mọi giá kiếm được cái tên trong danh sách giải thưởng đã được trình diễn. Song theo tôi kỳ cục nhất là ở chỗ, nếu so sánh giải thưởng văn chương trong hàng chục năm nay, dường như có tình huống bi hài là chất lượng giải thưởng có biên độ trải rộng từ "nàng Clêôpat" đến... "nàng... Thị Nở"! Những sự kiện đại loại như vậy buộc tôi phải đặt câu hỏi, rằng: người ta viết văn vì giải thưởng, vì mấy triệu đồng hay vì văn chương, vì bạn đọc? "Hữu xạ tự nhiên hương", hình như điều các cụ nói không được một số nhà văn xứ ta chú ý cho lắm.
Và những "nhiễu loạn" bất thường...!
Khi ai cũng có thể in thơ, ai cũng có thể viết văn, viết phê bình, bất chấp tiêu chí nghề nghiệp tối thiểu... thì tự thân đã là tình trạng "nhiễu loạn" và thật ra đó chỉ là vệt kéo dài từ các năm trước. Tuy nhiên tới hôm nay, hai chữ "nhiễu loạn" còn được bổ sung bằng các hiện tượng, các động thái khá bất thường. Như nạn "đạo văn" chẳng hạn. Năm 2004 bên âm nhạc người ta khui ra mấy vị nhạc sĩ ít nhiều đã thành danh nhưng lại là "chuyên gia đạo nhạc", và tôi tin với văn chương, làm cho ra nhẽ thì kết quả thu được cũng không kém. Tôi đã "chỉ tên" vài ba cuốn sách, nhưng xem chừng không xuể. Có một điều không hiểu tại sao nhiều người trong giới văn chương cũng biết cuốn này cuốn kia "đạo văn", song lại "lờ" đi và người gian trá, bất lương vẫn ngang nhiên tung hoành. Rồi những chuyện "hậu phê bình" gần đây còn làm cho nhiều người làm nghề e ngại. Có ông tranh luận trên báo chưa thỏa, còn xông đến tận cơ quan đối thủ để thực thi trò bêu xấu, mách lẻo. Có ông nhấc điện thoại gọi tới gia đình đối phương văng tục búa xua. Kinh hãi trước các động thái "hậu phê bình", trên báo Phụ nữ Thủ đô, nhà văn Lê Lựu đã phải thốt lên: "Tôi không tưởng tượng là có một thứ phê bình gì, thứ văn hóa gì, có một thứ nghệ thuật gì, có một thứ đạo đức gì, một luật lệ gì mà ngoài chữ nghĩa ra lại còn dọa tạt axít vào mặt nhau, đe dọa đón đường đánh nhau, đe cho đàn em của mình như một thứ băng nhóm tiêu diệt những người không cùng chính kiến, quan niệm với mình"!
Còn một hiện tượng khác làm tôi kinh ngạc hơn, ấy là sự lộ diện của thói "mục hạ vô nhân". Ai cũng biết lâu nay internet đã thực sự là một phương tiện thông tin cực kỳ hữu ích, và internet cũng nhanh chóng trở thành nơi nhà văn đăng tải tác phẩm, thành diễn đàn trình bày ý kiến. Các ý kiến nghiêm túc và lành mạnh thì không nói làm gì, song lại có loại ý kiến mà chắc chắn chẳng báo nào dám đăng, vì chúng là sản phẩm của những suy tư bất thường. Năm 2004, văn giới không ít lần lao xao, kinh ngạc bởi được tiếp xúc với một số ý kiến khinh mạn, "lộng ngôn" như không phải là ngôn ngữ của một người cầu thị. Đó là chuyện ông lý luận này trong một lần "nổi máu" vênh vang, đã lớn tiếng tổng xỉ vả đồng nghiệp, xem họ là "bất tài" và "ngu xuẩn", qua đó tự bộc lộ phẩm chất trí thức tầm thường nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Đó là chuyện ông nhà thơ kia gọi hai vị giáo sư khả kính là "hai chú cún giữ cửa văn học", và qua đó tự chứng tỏ thói huếnh hoáng của một ông nhà thơ mà năng lực văn hoá có lẽ chưa đầy "một thốn"... Những bức xúc cần được trao đổi để tháo gỡ trước hết phải là bức xúc của mọi người, còn khi bức xúc chỉ là chuyện của cá nhân, nếu không thận trọng, khi trút ra sẽ rất gần gũi với lăng mạ người khác, xúc phạm cộng đồng nghề nghiệp. Phát triển văn chương cần tới sự phê phán, nhưng không phải sự phê phán nào cũng đẩy tới sự phát triển văn chương. Tài năng trong văn chương xưa nay vốn là chuyện "vô thường", hôm nay viết hay cũng chưa có gì bảo đảm ngày mai sẽ viết hay hơn. Muốn được người khác tôn trọng, trước hết phải biết tôn trọng người khác, đó là lẽ đời ai cũng biết, đó cũng là văn hóa. Lại nữa, bậc "cao nhân" đích thực thường chỉ im lặng và mỉm cười khi trở thành đối tượng của sự phê phán. Sau "vụ Hoa thủy tiên...", đọc kịch bản Mổ nhà văn, tôi lại nhận ra Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương của tham- sân - si, anh không phải là "thánh" như Nguyễn Văn Thọ phong tặng.
Cuối cùng theo tôi, văn chương của chúng ta hiện đang "nhiễu loạn" chính là bởi những động thái kể trên. Trong sự thật ấy, tôi nhận thấy đã có những tín hiệu mới xuất hiện trên một số phương diện của văn chương, văn học, như vậy là đáng mừng. Khi nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận - phê bình không còn thỏa mãn với cái đang có thì từ sự "nhiễu loạn" kia, có thể hy vọng những điều tốt đẹp. Trật tự sẽ dần dần được thiết lập, và nếu muốn trật tự đến sớm chúng ta cần tỉnh táo. Mọi sự vội vã đều có khả năng làm chậm trễ và cản trở con đường của tiến bộ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt