Đến bao giờ - những đỉnh cao văn học?
Tác dụng thanh lọc (catharsis) của văn học - nghệ thuật đến từ sự phát hiện và tôn vinh cái Đẹp của cuộc đời, gắn với một giá trị nhân văn, vì hạnh phúc của con người; vì sự giải phóng và phát triển con người. Trong cuộc tìm kiếm ấy, nhà văn như một kẻ tử vì đạo, dũng cảm trong chống trả, đối phó với mọi uy hiếp, đe dọa đến từ các hệ quyền lực và cả với sự không an toàn của xã hội.
Lao động của nhà văn tựa như một sự tự vắt kiệt mình đi trong một khao khát kiếm tìm chân lý; hướng tới lẽ phải và giảm nhẹ những khổ đau cho con người. Những tấm gương như vậy không phải là dễ tìm trong tất cả mọi người có nghề viết văn; và tài năng văn chương trong sự quên mình như thế, cũng như bất cứ tài năng nào khác, đều là hiếm, khiến cho sự sàng lọc của thời gian có lúc gần như làm rơi rụng hết tất cả, để chỉ còn mỗi thế kỷ le loi một vài, hoặc dăm bảy tên tuổi.
Những đỉnh cao văn học, những tên tuổi lớn gắn bó và làm nên vinh quang cho mỗi nền văn hóa dân tộc - đó chính là mục tiêu, và là mơ ước của bất cứ nền văn học nào. Nhưng logic thuận của sự xuất hiện là thế nào thì vẫn cứ còn là một lối ngỏ cho những ngẫu nhiên; và tài năng cùng đỉnh cao thường lại xuất hiện một cách đột ngột như không có gì báo trước.
Mặt khác, nói đỉnh cao văn học là nói đến những hiệu quả tinh thần không dễ đo đếm; và thường thì không dễ dàng được chấp nhận trong sự tiếp nhận của công chúng một thời. Có khi nó còn bị phê phán, bị lên án gay gắt do lợi ích của các tập đoàn người, do áp lực của các hệ quyền lực đã cũ, mà không tự chịu nhận là cũ. Văn chương chân chính hướng về tình yêu, lòng nhân ái, cái thiện; nhưng cũng chính vì mục tiêu đó mà có lúc, có bộ phận, nó hoàn toàn dành chỗ cho sự miêu tả cái ác, nó nhằm vào sự phê phán và cảnh tỉnh con người trước cái ác. Vị đắng và sự chua chát của nó thường khi lại gây nên sự khó chịu và là một cú sốc mạnh cho sự tiếp nhận của người đọc đương thời. Và gây nên trong công luận những ý kiến khác nhau. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã phải chịu bao trầm luân trong dư luận. Và Vũ Trọng Phụng, “ông vua phóng sự đất Bắc”, cha đẻ của những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Nghị Hách…, bất hủ có dễ phải sau hơn nửa thể kỷ chìm nổi mới nhận lại được giá trị của mình.
Cuối cùng dẫu các giá trị của văn học đã được công nhận và đang tồn tại dưới bất cứ dạng thái nào, vẫn không thôi ẩn hiện một câu hỏi: Văn học đã và sẽ là gì đối với xã hội? Từng có lúc nó được giao rất nhiều trọng trách. Từng có lúc, qua một số tên tuổi nào đấy, nó được hưởng rất nhiều vinh quang… Victor Hugo - cây đại thụ tỏa bóng rợp thế kỷ 19 ở châu Âu từng được xem là người “gây nên bão tố từ đáy lọ mực”, người không sợ sự đày ải của Napoleon và tuyên bố chỉ trở về Paris khi đất nước có tự do - vào tuổi 80 được sống ngay trên đại lộ mang tên mình ở Paris. Qua cửa sổ ngôi nhà riêng, ông chứng kiến sáu mươi vạn người diễu qua chúc mừng sinh nhật mình; ngày ông mất được tổ chức quốc tang với hai triệu người tham dự; thi hài được đưa vào điện Pantheon, trong khi lúc sinh thời ông chỉ mơ ước được chôn trong quan tài của kẻ khó… Hugo là thế, nhưng còn Honore de Balzac, ông tổ của chủ nghĩa hiện thực, người đồng thời với Hugo lại suốt đời mang nợ… Balzac không nhận mình là “kẻ nghèo” nà chỉ là “người giàu túng bấn”; nhưng xem ra không thành đạt ở bất cứ nghề gì, trừ nghề văn. Ở tuổi thọ 51, trong chưa đầy 20 năm, Balzac viết 91 tác phẩm, với 2.209 nhân vật, trung bình mỗi năm viết 2.000 trang. Ông từng mơ ước có được hai bộ óc và cả hai bàn tay cùng cầm bút để làm việc; và có khả năng làm việc 20 giờ trong mỗi ngày nhưng Balzac không vào được viện hàn lâm, không qua được các khoản nợ… Hugo là thế, nhưng còn Fedor Dostoievsky, người của thế kỷ 19, nhưng vẫn tiếp tục tỏa bóng sang thế kỷ 20 - Dostoievssky đã trải qua những phút giây bị đưa ra hành quyết và sống nhiều năm ở nhà tù khổ sai…
Văn học với sức mạnh của nó qua các tên tuổi lớn là như thế. Nhưng không phải không có những lúc nhìn vào sự tồn tại của văn học, nhìn vào tình cảnh và số phận của không ít nhà văn, ta lại đâm ra hồ nghi? Giữa bao sức mạnh của quân sự, của chính trị, của kinh tế, của luật pháp, của các hệ quyền lực, thì sức mạnh của văn chương nghệ thuật quả là mong manh. Nhà văn không có bất cứ thứ vũ khí gì ngoài trang chữ. Nhà văn chỉ có tiếng nói trên trang chữ là nơi thể hiện quyền lực vô hình của mình. Trang chữ - ngày xưa, ở Việt
Văn học “chắc chắn không phải để làm lại thế giới” - nói như Camilo Jose Cela - nhà văn giải Nobel 1989 của Tây Ban Nha. Nhưng “đối với một dân tộc, văn học là tất cả, nó đảm bảo cho dân tộc trường tồn chắc chắn hơn cả kiến trúc. Lời chữ bền vững hơn đá”.
Bia đá không phải là không bền. Văn học cổ điển của chúng ta từ trước thế kỷ 15, sau cuộc tàn sát văn hóa của giặc Minh, may mà còn lưu giữ được một phần trên các bia đá. Nhưng bia miệng quả còn bền hơn. Như phương ngôn, tục ngữ đã nói.
2. Trong sự quan tâm đưa văn hóa, văn học - nghệ thuật vào sự phát triển xã hội hôm nay, lẽ cố nhiên văn học không thể đứng ra ngoài một cách thờ ơ, mà cũng trở thành một nhân tố, một động lực tinh thần như chúng ta mong muốn. Nhưng tổng kiểm điểm lại lịch sử thì, với văn học, hiệu quả đó không phải dễ nhận dạng và đo đếm được. Trong quan hệ với đời sống chính trị, rõ ràng văn học không dễ và không thể xa lánh, nhưng cũng có lúc, có bộ phận như là xa lạ, vì cái mà văn học nghệ thuật kiếm tìm là nhằm vào những đòi hỏi của tâm thế của tinh thần rộng hơn đời sống chính trị, vượt ra ngoài các khuôn khổ của chính trị. Cũng vì lẽ đó nên những giá trị lớn của văn học là đi suốt nhiều niên đại, nhiều hình thái kinh tế xã hội, là vượt qua nhiều thể chế chính trị.
Những giá trị văn học lớn không chỉ làm vẻ vang cho dân tộc mà còn là tài sản chung của nhân loại. Tất cả những tên tuổi lớn trong văn học khắp các khu vực, các dân tộc đều trổ được đường vào nhân loại, qua đó mà nâng cao vinh dự của dân tộc mình và khẳng định các giá trị phổ quát và vững bền chung cho con người, cho loài người. Như vậy trong sự mở rộng cách hiểu về đóng góp của văn học và về vai trò văn học như một động lực tinh thần của xã hội thì câu trả lời luôn luôn vẫn là: cần một nền văn học với những tác giả lớn, tác phẩm lớn. Câu hỏi đó trong nhiều chục năm qua chúng ta luôn đặt ra, tưởng đã có cách trả lời, có lúc tưởng đã ở trong tầm tay. Chẳng hạn ở thời điểm năm 1983, với Đại hội Hội nhà văn lần thứ ba, đã có không ít tác phẩm được dẫn ra thường xuyên, như chính là một thứ quả chín, hoặc là quả chín đầu mùa, hứa hẹn rất nhiều ngọt lành nhưng rồi cùng với thời gian và trong sự thẩm định của lịch sử lại thấy gần như quá nhiều sự rơi rụng. Một thế kỷ đã qua, hành trình văn học hết lớp này qua lớp khác, và càng về sau càng tấp nập; nhưng những tên tuổi xứng đang là niềm tự hào chung của dân tộc tựa như Nguyễn Trãi thế kỷ 15, Nguyễn Du thế kỷ 19… sẽ còn lại là những ai?
Nói Nguyễn Trãi (1380-1442) là nói người không chỉ viết Bình Ngô đại cáo mà còn là tác giả của 254 bài thơ Nôm trong Quốc âm thi tập. Và với Quốc âm thi tập, ông đã đến được một tầm cao bất ngờ nơi thượng nguồn nền văn học Nôm dân tộc, vừa mới xuất hiện đã chủ động dấn vào cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành quyền tồn tại với chữ Hán, rồi không thua văn học viết bằng chữ Hán. Phải có ông, phải từ ông, để hơn 300 năm sau, xuất hiện Nguyễn Du (1765-1820) - người đứng ở đỉnh cao chót vót những tiềm năng và vẻ đẹp của ngôn ngữ và tiếng nói dân tộc, chưa có ai, cho đến nay, sau ngót 300 năm vượt nổi.
Tôi nói điều này không phải để coi thường, xem nhẹ những thành tựu văn học đã thu được của hơn ba hoặc bốn thế hệ người viết trong thế kỷ 20. Một thế hệ trước 1945 đã thực hiện được cuộc chuyển đổi mô hình và làm mói tư duy nghệ thuật, để làm nên diện mạo hiện đại cho văn học dân tộc, ngay trong xã hội thuộc địa. Hai thế hệ tiếp nối sau 1945 cho đến cuối 80 đã góp sức cùng nhau trong một đồng tâm nhất trí gần như tuyệt đối, để làm nên bản hùng ca của hơn 30 năm đất nước ra trận; và ngay khi dứt tiếng súng, đã tiếp tục là người tiền trạm, người chuẩn bị cho một cuộc đổi mới , mà quy mô cũng không khác với Cách mạng tháng Tám 1945. Rõ ràng, ở cả ba giai đoạn, sức mạnh của một đội ngũ là điều dễ thấy, nhưng sự vượt trội để có các đỉnh cao, với tầm vóc lực lưỡng ở mỗi cá nhân, là chuyện còn phải bàn. Điều đáng quan tâm là ở thế hệ mới, thế hệ thứ tư, gắn liền với giai đoạn từ đầu 90 đến nay, sản phẩm của chính thời kỳ đổi mới, là gồm những tên tuổi nào, câu trả lời thật không dễ. Một thế hệ trẻ - ở tuổi 20 hoặc 30, cho cả sáng tác và lý luận - phê bình gần như quá thưa vắng.
Văn học hôm nay, đang đứng trước một tình thế thuận lợi cho sự phát triển - có dễ là hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây. 20 năm trước, nếu nhu cầu “cởi trói” đặt ra là đúng thì sự tháo cởi cho đến nay quả là điều không còn nghi ngờ. Ai có khả năng và ham muốn viết đều có thể viết hết mình. Và viết bằng chính suy nghĩ và cảm xúc của mình chứ không phải bằng những vay mượn, hoặc để đáp ứng những đặt hàng ép uổng hoặc tự nguyện; nói cách khác, cái được gọi là cá tính sáng tạo hoặc chủ thể sáng tạo đã được chú ý, nếu không nói là được coi trọng. Và giao lưu thì đang mở ra với rất nhiều cái mới và lạ của thế giới bên ngoài. Cái mới rất cần được đón nhận, còn cái lạ thì phải xem xét, tìm hiểu. Và giữa mới và lạ, đôi khi cũng không dễ phân biệt. Tóm lại, 20 năm đất nước đổi mới cũng đã đủ là một hoàn cảnh khách quan nếu không nói là thật thuận thì cũng không thể nói là trái là nghịch cho sự sáng tạo ở mọi lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Vấn đề còn lại là ở cái phía chủ quan, ở sự chuẩn bị của chính ngay nhà văn, ở mọi thứ vốn nhà văn cần có để trở thành người viết có nghề trước khi trở thành tài năng, thành thiên tài; một thứ nghề không chỉ trông dựa vào bản năng, vào cái vốn trời cho hoặc được hiểu là quá dễ. Cái công việc kiểm điểm này trước đây gần như lúc nào ta cũng làm - trong các văn kiện, nghị quyết nhân các kỳ họp; trong các bài nói bài viết của giới lãnh đạo và quản lý nghề nghiệp, nhưng xem ra, một là chưa thật trúng, hay là tất cả hiển nhiên đều đúng nhưng chưa đủ. Có một bí ẩn gì đó của sáng tạo còn chưa được nhìn ra, hoặc đã được nhìn một cách đơn giản, dễ dàng tưởng như ai cũng có thế với tới - trong cả một phong trào sáng tác ngày mở rộng, ai ai cũng có thể viết văn, làm thơ như hôm nay. Một bí ẩn của sáng tạo còn tiềm tàng đâu đó, và vấn đề đặt ra cho chúng ta, nói như Mark, không phải là tạo ra thật nhiều Raphael, mà là tạo ra hoàn cảnh để những ai có Raphael trong mình đều có thể tự nhiên nảy nở…
Vậy là, sau khi nhấn mạnh đến sự chuẩn bị chủ quan không chút dễ dàng ở chính nhà văn, mà sự chọn lọc của thời gian là cực kỳ khắc nghiệt, lại cần thiết trở về với sự quan tâm đến các hoàn cảnh, các môi trường gieo trồng nhằm tạo nên một khí hậu tự nhiên cho sự thanh lọc dần những cái vô bổ, cái tầm tầm, cái nhảm và cả cái xấu, cái độc hại vốn không lúc nào hết đất sống, và cũng đừng mong là hết dễ dàng trong bất cứ thể chế nào của sự phát triển xã hội, để đưa dần văn học lên một giá trị chuyên nghiệp cao, trong tương ứng với một nền kinh tế trí thức và văn minh trí tuệ.
Văn học - như một giá trị tinh thần và thẩm mỹ chỉ có được kích thích và tìm được nguồn lực thúc đẩy bên trong bởi các giá trị cao. Chỉ những giá trị cao trong văn chương, chỉ có nó, chứ không phải là bất cứ cái gì khác, mới tạo được sự kích thích ấy, mới chứa đựng được nguồn lực ấy. Cũng chỉ thông qua những giá trị cao mà văn học mới thực sự trở thành một sức mạnh tinh thần vững bền trong đời sống con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh