Sự dễ dàng đã bóp chết nhà văn

04:53 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Mười Một, 2005

Tiểu thuyết Việt Nam ì ạch trên cái mặt bằng không chuyên ấy của văn học Việt Nam. Đến bây giờ vẫn loay hoay tìm cách kể chuyện làm sao để vừa ê a, vừa hấp dẫn; làm sao cho thơm mùi trí thức, mùi đương đại

Vẫn biết văn xuôi và thi ca là những địa hạt sáng tác riêng biệt. Mà vẫn lo, theo thời gian, bức tường ngăn cách ngày càng cao lên. Cặm cụi với tiểu thuyết, tôi không khỏi ngước nhìn các nhà thơ. Sợ rồi có một lúc, còn phải bắc cả thang mới nhòm được qua bên kia.

Một thế kỉ trôi qua, đủ để thi ca Việt Nam làm vài cuộc cách mạng, từ thơ có vần đến thơ không vần, thơ siêu thực, thơ tự do, thơ mini, thơ đàn, thơ họa, thơ không lời, thơ bãi rác, thơ dơ..., những thơ chưa được đặt tên, gắn với tên tuổi của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Hưng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy... Trong văn học Việt Nam đương đại, có lẽ những cách tân quyết liệt nhất, cả về hình thức lẫn nội dung, đều đến từ các thử nghiệm trên địa hạt thi ca, song những cách tân đó lại đứng ngoài sự tham gia của các nhà phê bình chính thống, nhà nghiên cứu, nhà xuất bản, nhà truyền thông, các giải thưởng, các tầng lớp, thế hệ độc giả... Ít ai để ý đến điều ấy. Ít ai biết rằng chính nó là một trong những viên gạch dựng lên bức tường giữa thi ca và văn xuôi Việt Nam.

Tôi cho rằng sự dễ dàng đã bóp chết tài năng, ngay từ khi nó mới lọt lòng. Có lẽ vì thế Việt Nam mới chỉ có các tác phẩm đầu tay, và các tác giả trẻ mãi không già. Ngay từ lần ra mắt đầu tiên, người ta đã có thể trở thành tiêu điểm của nhiều bài báo, được giới chuyên môn ban cho những lời có cánh, được ngồi cùng mâm với các cây đa cây đề làng văn. Bữa cỗ thường kéo dài vài năm, có trường hợp chẳng bao giờ tàn. Lâu lâu mới có một dịp hành nghề, lại chỉ để củng cố cái tên đã vững như bàn thạch, mấy ai trở thành chuyên nghiệp?

Các nhà phê bình, phần đông, cũng không thoát khỏi tình trạng không chuyên. Các nhà phê bình xuất hiện nườm nượp trên các mặt báo, đi ra đi vào các hội thảo, ngồi ngay ngắn ở bục giám khảo, nhưng rất ít khi đúng vị trí của một nhà phê bình. Các nhà phê bình lớn không viết phê bình. Họ bằng lòng đưa ra các điểm sách không quá một trang giấy học sinh, đủ kín hai cột báo, nghiệp vụ chuyên môn được thay thế bằng mỹ từ, động từ mạnh, nhận xét cảm tính. Ngoài ra, tản văn hoặc đôi điều góp ý... cũng được nhiều nhà phê bình ưa thích, trong báo Tết, số đặc biệt, số cuối tuần, số cuối năm.

Tiểu thuyết Việt Nam ì ạch trên cái mặt bằng không chuyên ấy của văn học Việt Nam. Đến bây giờ vẫn loay hoay tìm cách kể chuyện làm sao để vừa ê a, vừa hấp dẫn; làm sao cho thơm mùi trí thức, mùi đương đại; làm sao áp được vào một cái tên quốc tế nào đó; và chỉ sợ đổi mới quá mức, người đọc không kịp ôm hoa ra chào.

Viết là một nghề không ai dạy được ai. Cách duy nhất là con đường tự học. Tôi sẽ không dài dòng về các kinh nghiệm viết của mình. Chỉ biết ngồi vào bàn.

Nguồn:VietnamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Còn nhiều người cầm bút rất có tư cách

    08/11/2005Nhà văn Nguyên NgọcVăn học ta không yên đâu. Nó đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng...
  • Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi!

    30/09/2005Nguyễn HòaSau mấy tháng “dạo qua” một số tòa soạn, cuối cùng tiểu luận Thơ hay là cái chết của thời gian của Ngô Tự Lập đã được đăng tải vừa qua. Theo Lời Tòa soạn của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì: “trở lại định nghĩa thơ ở đầu thế kỷ này không phải là không thú vị… Vấn đề không phải là ở chỗ ai đúng, ai sai. Vấn đề là cùng bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển”. Nhưng theo tôi, đúng - sai lại là một tiêu chí hết sức quan trọng trong khoa học; và người ta chỉ có thể “bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển” một khi nắm bắt được mục đích, góc độ, phương pháp, cách thức nghiên cứu, cách thức đưa ra kết luận…