Einstein là nhà văn ?

04:58 CH @ Chủ Nhật - 19 Tháng Mười, 2014

Ai cũng biết Albert Einstein là nhà bác học vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, nhưng nhiều người không biết rằng ông còn là một nhà văn đa tài.

Mặc dầu Einstein viết khỏe, nhưng chính ông lại không nghĩ mình là nhà văn. “Hồi trước tôi đâu có biết là người ta sẽ đón từng lời bình thường nhất của tôi và ghi chép chúng lại. Nếu biết thế tôi đã thụt sâu vào trong cái vỏ mai của tôi rồi” - ông tâm sự với người viết tiểu sử của ông là Carl Seelig năm 1953.

Vào thời điểm đó, hai năm trước khi mất, kho lưu trữ riêng của ông đã gồm 20.000 tài liệu khác nhau, trong đó hàng nghìn tài liệu do ông viết. Đến hôm nay kho lưu trữ đã tăng gấp đôi.

Nhà bác học, triết gia, nhà nhân văn, người theo chủ nghĩa hoà bình, Einstein còn là một nhà văn tài năng và được trích dẫn khá nhiều. Do ông viết chủ yếu bằng tiếng Đức, nên khi dịch ra hàng chục thứ tiếng khác, ý tưởng của ông đã bị rơi vãi ít nhiều.

Các dịch giả khá khó khăn khi muốn dịch văn ông một cách trung thực, vì họ phải đưa ngôn từ của ông đi đường vòng, mà điều đó lại khiến câu văn mất nhịp điệu. Hơn thế, nhiều từ của Einstein bị dịch sai khiến người đọc không còn nhận ra bản gốc nữa. Giống như nhiều nhà văn khác, tốt nhất là nên đọc Einstein bằng tiếng mẹ đẻ của ông.

Các nhà nghiên cứu Einstein cho rằng, bí mật về việc viết lách của ông có thể giải mã trong câu trả lời phỏng vấn của ông: “Tôi quen nghe và nói rồi. Viết đối với tôi là cái gì đó khó khăn lắm”.

Thế nhưng, như Giáo sư John Stachel, nguyên là giám đốc Dự án về các tác phẩm của Einstein (Einstein Papers Project) nói: “Ngôn từ của ông vẫn tuôn ra một cách dễ dàng. Ông viết giống như ông nói, không cần phải gắng gượng tí nào. Tôi nghĩ, ông nghe được ngôn từ trước khi ông viết, và chỉ khi chúng đã vang lên trong ông, ông mới đưa chúng ra trang giấy. Nhiều nhà thơ sáng tác theo kiểu này, nhưng tôi không nghĩ các nhà khoa học cũng làm như thế”. Có lẽ kiểu viết này bắt nguồn từ thói quen hồi nhỏ, khi cậu bé Albert thoạt đầu nói thầm trong đầu, sau đó mới nhắc lại thành lời các từ cần nói.

Einstein chưa bao giờ sử dụng tiếng Anh lưu loát, cả khi nói lẫn khi viết. Vào thời của ông, tiếng Đức là ngôn ngữ của khoa học, nên ông không có nhu cầu với tiếng Anh cho đến khi sang định cư ở Mỹ lúc đã 54 tuổi.

Nếu phải viết một bài báo khoa học hoặc bức thư trao đổi, thoạt đầu Einstein nháp bằng tiếng Đức, sau đó thư ký hoặc đồng nghiệp mới dịch sang tiếng Anh. Đôi khi họ viết sẵn thư, còn ông chỉ cần ký vào là xong.

Ví dụ nổi tiếng nhất là bức thư của Einstein gửi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cảnh báo khả năng Đức Quốc xã sẽ sản xuất bom nguyên tử là do nhà vật lý Leo Szilard viết.

Sản phẩm tinh thần của Einstein được chia thành mấy dạng sau: Dạng thứ nhất, tất nhiên là các bài viết khoa học đưa ông lên đỉnh vinh quang. Những bài viết này được giới khoa học thừa nhận là có văn phong rất đơn giản, rõ ràng.

Dạng thứ hai, là các bài tiểu luận chính trị và nhân văn cho ta thấy phạm vi quan tâm rất rộng của ông. Những dẫn chứng rõ nhất về dạng này có thể tìm thấy trong cuốn sách “Các tư tưởng và quan điểm” đã được xuất bản từ 50 năm trước.

Dạng thứ ba, là các bức thư đánh máy và viết tay của ông, trong đó dài nhất có lẽ là bức gửi nhà vật lý học người Hà Lan H.A. Lorenz, một người mà Einstein rất ngưỡng mộ.

Các nhà nghiên cứu nhiều năm qua đã dựa trên những bức thư này để tìm hiểu con người, tính cách, hành động của Einstein, trao đổi về con đường dẫn đến các ý tưởng khoa học của ông. Qua những bức thư này, chúng ta thấy cảm giác hài hước, nhân văn, những nỗi bức xúc, đam mê của ông. Ông viết về hòa bình, về phụ nữ, âm nhạc, hút tẩu, du thuyền, sự cấm đoán, chiến tranh, động vật...

Hai trường hợp sau đây điển hình cho tính hài hước của ông. Một lần thuỷ thủ đoàn của một con tàu đặt tên cho chú mèo do họ nuôi là Einstein. Ông viết thư gửi thuyền trưởng, trong đó có đoạn mô tả phản ứng của chú mèo nhà ông như sau: “Chú mèo chỗ chúng tôi rất lấy làm quan tâm đến chuyện này, thậm chí chú còn hơi ghen một chút nữa. Nguyên do là tên của chú ta là Tiger (hổ), mà cái tên này, không như chú mèo chỗ các ông, chả nói lên điều gì về mối quan hệ họ hàng với nhà Einstein cả”.

Hoặc một lần khác, nhóm phụ nữ bảo thủ “Những người con gái cách mạng Mỹ” (the Daughters of the American Revolution) phản đối chuyến thăm Mỹ của Einstein năm 1932, và ông đã trả lời: “Chưa bao giờ tôi bị phái đẹp phản đối một cách kịch liệt như vậy, mà nếu có thì cũng chưa bao giờ từ nhiều người một lúc như vậy”.

Chuyện riêng tư của Einstein cũng có thể tìm hiểu qua các bức thư của ông. Năm 1900, chàng trai trẻ Einstein viết cho người yêu là Mileva: “Khi em không bên anh, anh thấy thiếu cái gì đó. Anh đứng ngồi không yên. Khi đi xa, anh lại muốn về nhà. Khi nói chuyện với mọi người, anh lại muốn suy ngẫm”.

Sau đó một đoạn, Einstein viết tiếp: “Làm sao mà anh sống thiếu em được cơ chứ, em bé bỏng, nhưng là tất cả đối với anh. Thiếu em anh không còn thấy tự tin, không đam mê với công việc, không vui thú với đời”.

Đến năm 1919 thì quan hệ giữa hai người bắt đầu gặp trục trặc, và Einstein viết thư gửi cô em họ Elsa và là cô vợ tương lai: “Vợ anh là một sinh linh thiếu thân thiện, không có tính hài hước, một người không rút ra được cái gì vui vẻ từ đời cả, một người mà chỉ với sự hiện diện nhỏ nhoi của mình đã tước mất của người khác niềm vui sống...”.

Ông viết cho Marie Curie: “Tôi buộc phải thừa nhận với bà rằng tôi rất khâm phục trí tuệ của bà, sức sáng tạo của bà, sự trung thực của bà”. Trong khi đó, sau lưng bà ông lại nói trộm: “Madame Curie là một người rất thông minh, nhưng cũng lạnh như đá vậy”.

Năm 1919, khi Einstein đã nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ một nhóm các nhà bác học Anh chứng minh sự đúng đắn trong thuyết tương đối của ông, ông viết cho một người bạn: “Cùng với sự nổi tiếng, tôi càng thấy mình ngu đi, mà dĩ nhiên đó lại là hiện tượng phổ biến”.

Dạng tác phẩm thứ tư, ít ai biết rằng Einstein còn học viết châm ngôn và cả làm thơ nữa. Đây là một số câu châm ngôn trong hàng trăm câu tìm thấy trong kho tư liệu của ông: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức. Tri thức là hữu hạn, còn trí tưởng tượng thì có mặt khắp nơi” (1929); “Ai mà muốn phán xét Sự thật và Tri thức thì chỉ bị thánh thần cười nhạo mà thôi ” (1948); “Ý định kết hợp cả sự minh triết và quyền lực rất hiếm khi thành công, mà nếu thành công thì cũng chỉ được lúc mà thôi” (1948); “Lòng chung thủy bị ép buộc chỉ là thứ quả đắng mà thôi” (trả lời một phụ nữ có chồng hay lăng nhăng năm 1953); “Chỉ có một con đường đưa con người đến sự vĩ đại, đó là sự khổ ải” (năm 1947, bình luận về hoàn cảnh khốn khổ của người da đen ở Mỹ).

Thơ của Einstein khó dịch hơn nhiều. Ông thường sáng tác những đoạn thơ ngắn, hài hước và đầy trìu mến gửi các bạn gái của ông. Thơ ông có giọng vô tư, và có lẽ nên xếp vào hạng thơ dở. Đó là những dòng thơ cặp đôi hai câu có vần xen vào những bức thư, hoặc đề vội vào những tấm bưu thiếp hay sau ảnh của ông.

Cuối cùng, Einstein là người hay ghi chép, ít nhất trong thời kỳ ông hay du ngoạn từ năm 1922 đến 1932 đến các nước Nhật Bản, Palestine, Tây Ban Nha, Nam Phi và Mỹ, kể lại những ấn tượng và quan sát về từng nước và người dân ở đó.

Đó chỉ là những dòng ghi chép ngắn, nhưng cũng cho thấy một con người rất hay để tâm đến chuyện xung quanh và biết tận hưởng niềm vui được chứng kiến tận mắt những nền văn hoá khác.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Albert Einstein và Giáo dục

    11/01/2016Nguyễn Ngọc ThuậnAnhxtanh đã phát biểu những tư tưởng của mình về một nền giáo dục căn bản cho xã hội hiện đại. Những tư tưởng đó được đăng rải rác ở nhiều nơi, chủ yếu vào những năm cuối đời và tập trung hơn cả là bài phát biểu của ông tại Albany, NewYork ngày 15/10/1936 nhân kỷ niệm 300 năm giáo dục Hoa Kỳ, rất đáng để chúng ta suy ngẫm và học tập...
  • Einstein - cuộc đời và sự nghiệp

    30/10/2014Sau khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt, có một nhà đại bác học được toàn thế giới ca ngợi về một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học, đó là phương trình cho biết năng lượng của vật chất: E=mc2. Trong hàng chục năm trời, E = mc2 vẫn chỉ là đề tài của các cuộc tranh luận về mặt lý thuyết, nhưng sự san bằng thành phố Hiroshima vào năm 1945 do quả bom nguyên tử đã chứng minh sự thật của phương trình đó...
  • Albert Einstein - nhà khoa học, nhà triết học

    28/10/2014Nguyễn Tấn HùngEinstein nổi tiếng không chỉ vì những cống hiến của ông cho khoa học, mà còn ở những quan điểm của ông về nhiều vấn đề chính trị - xã hội, tôn giáo, đạo đức. Ông nói về chiến tranh và hoà bình, về tôn giáo, về nhân quyền, về chủ nghĩa dân tộc...Quan điểm của ông được bày tỏ một cách thẳng thắn, không khoan nhượng, nhiều khi có vẻ khi có vẻ ngây thơ, những người ta chú ý đến ông, lắng nghe ông nói....
  • Quan điểm của Albert Einstein về Chúa

    13/11/2013Albert Einstein có những quan điểm về Chúa cùng các quan điểm duy vật khác hết sức đúng đắn, sắc sảo, tính nhân bản sâu sắc. A. Einstein phủ định khả năng tồn tại của Chúa từ góc nhìn của bản thể luận và nhận thức luận...
  • Newton và Einstein, Hai người khổng lồ cô đơn

    03/09/2013Phạm Nguyễn Việt HưngCả Einstein lẫn Newton đều có trí tuệ vĩ đại khiến cho mọi người đều biết về những cống hiến của họ và ngoài đó nữa. Newton đã phát minh ra phép tinh vi tích phân, đã phát biểu các định luật của cơ học và đưa ra định luật vạn vật hấp dẫn. Còn Einstein đã đặt cơ sở cho hai toà nhà chọc trời của vật lý hiện đại, đó là thuyết tương đối hẹp và lý hiện đại, đó là thuyết tương đối hẹp và vật lý lượng tử, đồng thời cũng xây dựng một lý thuyết mới về hấp dẫn.
  • Einstein và các cuộc cách mạng tư duy khoa học trong thế kỷ 20

    15/08/2005Phan Đình DiệuNhững biến đổi cách mạng về tư duy trong vật lý học hiện đại, đánh dấu bởi việc ra đời thuyết tương đối, vật lý lượng tử, và gần đây hơn là hiện tượng “hỗn độn tất định” cùng với sự xuất hiện của khoa học của thế kỷ 20 nói chung một khung mẫu tư duy hoàn toàn mới, hứa hẹn đưa đến những bước tiến mới cho nhận thức của con người về vũ trụ, tự nhiên, xã hội, và cả về chính mình...
  • Khoa học và tôn giáo phụ thuộc lẫn nhau

    15/07/2005Đây là bản lược dịch bài Science & Religion are interdependent của nhà bác học Albert Einstein. Nó cũng đồng thời phản ánh rõ nhất quan điểm của nhà bác học về vấn đề Tôn giáo...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác